| Hotline: 0983.970.780

Dân nghèo thêm vì... dự án làm đường

Thứ Hai 06/02/2023 , 13:59 (GMT+7)

Đường vận chuyển nông sản bị cắt đứt, phải tăng bo bằng xe máy, xe tải ra điểm tập kết khiến nông sản tụt giá, nông dân thiệt đơn thiệt kép.

Nông sản tụt giá, nông dân thiệt đơn thiệt kép

Thôn Trảng Rộng, xã Thái Hải, huyện Gio Linh (Quảng Trị) được hình thành từ việc người dân di dân, giãn dân từ khắp nơi về đây làm kinh tế mới. Đến nay, toàn thôn có 64 hộ dân, đa phần đều trồng keo, cao su để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, gần 2 năm nay, con đường vận chuyển bị cắt đứt khiến nông sản bị tụt giá.

Empty

Thay vì cho xe ô tô vào tận các lô để thu mua mủ cao su, các chủ đại lý phải thuê tăng bo bằng xe máy ra điểm tập kết. Ảnh: Võ Dũng.

Bài liên quan

Nếu trước nay, hai đại lý thu gom mủ cao su ở thôn Trảng Rộng có thể đánh xe ô tô vào tận lô thửa để thu mua thì nay phải thuê xe máy vận chuyển ra điểm tập kết. Từ điểm tập kết này, xe tải 2 cầu mới vào vận chuyển ra khỏi thôn để nhập cho nhà máy. Vì phí vận chuyển tăng cao nên thực chất, giá bán mủ cao su phải hạ xuống. Việc khai thác và bán keo nguyên liệu cũng gặp tình cảnh tương tự. Tất cả thiệt hại đều đổ lên đầu người dân.

“Ô tô chạy vào các lô cao su không được vì đường sình lầy; tiền chở không đủ để sửa chữa nên nhiều chủ xe chẳng mặn mà nhận lời. Mọi thiệt thòi đổ lên đầu người dân. Người dân ở đây phải bán mủ thấp hơn thị trường từ 2-3 nghìn đồng/kg. Một tấn keo trước đây công vận chuyển chỉ mất 100 nghìn đồng thì nay tăng lên 160 nghìn đồng. Bình thường, mỗi ha keo bán được 100 triệu đồng nhưng ở đây, chi phí vận chuyển tăng cao nên chỉ còn khoảng 80 triệu đồng. Tiền chênh lệch ấy trừ vào giá bán, biết là thiệt hại lớn nhưng chúng tôi cũng phải chấp nhận vì không biết làm thế nào” – ông Lê Đức Thiện cho hay.

Empty

Sau đó, thuê xe tải 2 cầu vận chuyển ra nhập cho nhà máy. Ảnh: Võ Dũng.

Không chỉ người dân, các đại lý cũng rơi vào tỉnh cảnh dở khóc dở cười. Thu mua được mủ cao su đã khó, nhiều lúc đủ số lượng nhưng các chủ xe tải bận việc hoặc ngại vào vận chuyển, mủ cao su đông đặc, các đại lý cũng phải chấp nhận bán với giá thua thiệt.

“Dân thiệt thòi nhưng người đi buôn nhiều khi cũng phải chịu lỗ. Mình mua dễ, bán dễ thì cả dân và người mua đều có lợi nhuận. Đằng này, xe cộ đi không được, thuê xe tải 2 cầu tăng bo họ cũng không muốn chạy vì hư hỏng xe, họ lấy phí cao hơn. Nhiều lúc phải để đến lúc mủ đông mới có xe đến chở đi, bán lỗ cũng phải bán. Làm ăn lâu dài cũng phải chia sẻ với người dân, đôi bên chịu thiệt một ít nhưng nếu tình trạng này còn kéo dài, cả nông dân và lái buôn đều khốn khó. Mong sao con đường này sớm hoàn thành để người dân đỡ thiệt thòi” – bà Hoàng Thị Chín, chủ một đại lý thu mua mủ cao su tại thôn Trảng Rộng cho hay.

Đồng quan điểm với bà Chín, ông Trần Văn Minh, một chủ đại lý thu mua mủ cao su ở thôn Trảng Rộng cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ con đường để việc giao thương, phát triển kinh tế thuận lợi. Trước mắt, nếu dự án chưa thể triển khai nhanh thì phải tranh thủ thời tiết nắng ráo cải thiện đường đi cho người dân.

“Tết nhất người dân phải chui rúc trong các lô cao su đi chúc tết chẳng khác gì  đồng bào sống ở vùng rẻo cao.  Chúng tôi đi thu mua mủ cũng rất khó khăn vì không ai muốn đi vào con đường này. Khi thuê được xe chúng tôi mới tăng bo được; mủ đông nhiều khi phải vất lại, thiệt hại rất lớn nhưng cũng phải đi thu mua cho dân. Vùng dân này người dân cơ cực quá” – ông Minh chia sẻ.

Empty

Nông sản tụt giá, mủ cao su bị đông, nông dân và chủ đại lý thiệt đơn thiệt kép. Ảnh: Võ Dũng.

Người dân thôn Trảng Rộng cho rằng, chính vì dự án chậm tiến độ, phương án thi công nhiều bất cập nên mới xẩy ra tình trạng cây trồng bị chết do ngập úng; nông sản tụt giá. Vì vậy, đơn vị thi công và cơ quan chức năng cần xem xét để có hình thức hỗ trợ phù hợp cho người dân.

Về vấn đề này, ông Hoàng Trọng Hưởng, chuyên viên Phòng Quản lý Dự án giao thông thuộc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Quảng Trị cho rằng, thiệt hại của người dân cũng khó đo đếm. Hậu quả xẩy ra nếu có cũng là do những yếu tố khách quan gây ra nên rất rất khó để quy trách nhiệm cho đơn vị nào.

Quá nhiều vướng mắc, dự án khó về đích đúng tiến độ

Công trình Đường giao thông liên huyện Gio Linh – Cam Lộ được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng tại Quyết định số  3632/QĐ-UBND ngày 27/12/2017 có chiều dài gần 23 km với tổng mức đầu tư gần 264 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ Ngân hàng Phát triển Á Châu ADB và vốn ngân sách đối ứng trên 12% phục vụ công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Riêng gói xây lắp, đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh trúng thầu với giá gần 155 tỷ đồng.

Empty

Người dân thôn Trảng Rộng bức xúc vì những phiền toái do thi công tuyến đường liên huyện Gio Linh - Cam Lộ gây ra. Ảnh: Võ Dũng.

Theo hợp đồng ký kết giữa Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Quảng Trị và nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh vào ngày 15/2/2021, dự án sẽ hoàn thiện và bàn giao đưa vào sử dụng sau 22 tháng kể từ thời điểm bàn giao mặt bằng sạch. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án mới thi công được gần 30% khối lượng công trình và giải ngân 22% vốn.

Ông Hoàng Trọng Hưởng, chuyên viên Phòng Quản lý dự án giao thông thuộc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Quảng Trị thừa nhận, có nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai khiến nhà thầu rất khó hoàn thành dự án đúng tiến độ. Bên cạnh đó, dự án xây dựng công trình thủy lợi Khe nước – Bến Than được thực hiện nằm trong phạm vi dự án này nên cần có những điều chỉnh phù hợp.

“Các địa phương đã bàn giao mặt bằng 3 đợt nhưng đến nay vẫn còn khoảng 2 km chưa bàn giao được do người dân chưa đồng ý giá đền bù. Bên cạnh đó, việc triển khai dự án còn chờ kết quả thực hiện dự án xây dựng công trình thủy lợi Khe nước – Bến Than hoàn thành để điều chỉnh. Các yếu tố thời tiết bất lợi cũng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công của công trình. Hiện nay, 2 mỏ đất phục vụ công trình đã hết hạn, đóng cửa nên nguồn đất sử dụng công trình cũng rất khan hiếm” – ông Hưởng cho hay.

Empty

Tuyến đường liên huyện Gio Linh - Cam Lộ khó về đích đúng hẹn do nhiều vướng mắc. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Hưởng cũng khẳng định, trước thực trạng dự án đường liên huyện Gio Linh – Cam Lộ có nguy cơ chậm tiến độ, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Quảng Trị đã yêu cầu đơn vị thi công phải bóc toàn bộ lớp đất sình lầy để thay thế bằng đất mới trước khi tiếp tục triển khai dự án. Riêng đoạn đi qua thôn Trảng Rộng có thể chậm tiến độ nhưng vào quý II năm 2023 sẽ hoàn thành để người dân đi lại thuận tiện hơn và bớt cơ cực.

Mới đây, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Quảng Trị đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư là Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị có ý kiến với UBND huyện Cam Lộ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công. Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Quảng Trị cũng đã có văn bản đốc thúc nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân nguồn vốn đồng thời tổ chức nhiều cuộc họp với các đơn vị liên quan nhưng tiến độ vẫn còn rất chậm.

Hi vọng Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh hoàn thành dự án đúng tiến độ

Ông Hoàng Trọng Hưởng, chuyên viên Phòng Quản lý dự án giao thông thuộc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Quảng Trị cho biết thêm, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh vừa trúng gói thầu xây lắp tuyến cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ. Đây là một tập đoàn lớn trong lĩnh vực thi công công trình giao thông nên tỉnh Quảng Trị rất kỳ vọng đơn vị này sẽ hoàn thành dự án đúng với tiến độ đề ra.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.