Trợ lực từ chính sách
Mỗi năm, Quảng Nam thường hứng chịu trực tiếp từ 3 đến 4 cơn bão. Bắt đầu từ tháng 9, các sở, ngành và chình quyền các cấp lại tất bật với công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là đảm bảo an toàn tối đa cho người dân ở những vùng xung yếu, vùng có nguy cơ cao ảnh hưởng của gió, bão.
Khi bão đổ bộ vào đất liền, nơi chịu tác động đầu tiên là những khu dân cư ven biển. Thế nhưng, hiện nay, nhiều căn nhà của người dân ở đây vẫn tương đối tạm bợ, khả năng đổ sập khi gặp bão lớn. Do vậy, để ứng phó, tránh thiệt hại về người, tỉnh Quảng Nam phải huy động lực lượng, vận động bà con di dời xen ghép đến những gia đình có nhà cửa kiên cố hơn hoặc di dời tập trung đến các trụ sở làm việc của các cơ quan.
Song song với công tác di dời, các địa phương cũng phải đảm bảo các điều kiện sống thiết yếu về lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian tránh trú. Ước tính, mỗi lần như vậy, tỉnh này phải di dời hàng chục ngàn hộ dân với kinh phí thực hiện không nhỏ. Trước thực tế đó, để giảm bớt áp lực cho các lực lượng phòng chống thiên tai cũng như hỗ trợ cho người dân, tháng 9/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam thông qua Nghị quyết 32 về việc hỗ trợ người dân xây dựng chòi, phòng trú bão, lũ.
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là những hộ nghèo, hộ chưa có nhà ở kiên cố, chưa có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt, hộ có nhà ở kiên cố nhưng chưa có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt hoặc có nhà ở từ các nguồn hỗ trợ nhưng đã hư hỏng, xuống cấp. Mức hỗ trợ là 10 triệu đồng/hộ. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Nam dự kiến bố trí 100 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân xây dựng 10.000 chòi, phòng trú bão.
Để mở rộng chính sách, đến cuối năm 2022, tỉnh Quảng Nam tiếp tục bổ sung đối tượng thụ hưởng là hộ có mức sống trung bình được pháp luật quy định, hộ gia đình nằm trong vùng thường xuyên xảy ra bão, lũ nhưng chưa có nhà ở kiên cố được hỗ trợ xây dựng nơi ở trú bão. Từ chính sách hỗ trợ của tỉnh Quảng Nam, các huyện, thành phố bố trí thêm ngân sách, vận động các nguồn hỗ trợ cho nhân dân cùng nhau xây dựng nơi ở an toàn.
Để cộng đồng an toàn trước thiên tai
Xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ) là vùng "rốn bão" thường xuyên bị bão đổ bộ nên hầu như năm nào, người dân nơi đây cũng phải vài lần khăn gói đồ đạc để sơ tán đến nơi an toàn. Thế nhưng, từ năm nay, với sự hỗ trợ kinh phí xây chòi, phòng tránh bão của tỉnh Quảng Nam, nhiều gia đình có thể yên tâm tránh bão ngay tại nhà với những căn phòng kiên cố vừa mới được xây dựng xong.
Chị Phan Thị Mỹ Nhung (trú xã Tam Thanh) cho biết, do căn nhà cấp 4 của gia đình sau nhiều năm xây dựng đã xuống cấp nên mỗi khi có bão, cả nhà chị được chính quyền di dời đến trụ sở các cơ quan ở TP Tam Kỳ, rất bị động và bất tiện. Nghe tin có chính sách hỗ trợ kinh phí xây nhà, chị đã đăng ký.
Sau khi nhận 10 triệu đồng, cùng với tiền dành dụm cá nhân, chị đã xây được căn phòng trú bão rộng 6m2 với trụ sắt, trần, tường bê tông kiên cố. “Có căn phòng chắc chắn này rồi, bão lớn cũng không sợ, không phải tất bật chạy đi đâu tránh trú nữa. Giờ chỉ cần chuẩn bị gạo, thức ăn, mỳ tôm đầy đủ là có thể yên tâm ở nhà chống bão”, chị Nhung chia sẻ.
Theo cán bộ xã Tam Thanh, trong năm 2023, địa phương này dự tính sẽ xây dựng 75 phòng, gác tránh bão, lũ cho hộ nghèo, khó khăn. Đến thời điểm hiện tại, có 45 hộ đã hoàn thành. Xã này đã mời nhà thầu xây dựng cùng lúc 11 phòng, chòi cho cụm dân cư. Việc tranh thủ nhân công, thiết bị và hỗ trợ của đơn vị xây dựng giúp nơi tránh bão, lũ của người dân nghèo thực hiện nhanh, kiên cố hơn, tiết kiệm hơn.
Còn tại xã Tam Tiến (huyện Núi Thành, Quảng Nam), những ngày qua, ông Nguyễn Hồng Nhi (65 tuổi, trú thôn Long Thành) cũng đang gấp rút hoàn thành căn phòng trú bão rộng 14m2 phía sau nhà. Vợ chồng ông Nhi có 3 người con nhưng tất cả đều đã lập gia đình và có nhà ở xa. Căn nhà ở hiện tại đã được xây dựng cách đây 30 năm chỉ còn 2 vợ chồng già sinh sống. Những năm qua, mỗi mùa mưa bão, vợ chồng ông đều được chính quyền đưa đi sơ tán ở trụ sở UBND xã hoặc con cái chở đi tránh trú.
“Mỗi lần như vậy vừa vất vả lại khổ cho con cái nữa nên khi có chính sách này, tôi đăng ký thực hiện ngay. Ngoài kinh phí hỗ trợ, tôi bỏ thêm 40 triệu nữa để xây thành 1 căn phòng ngủ. Phòng xây chắc chắn lắm, bão cấp 12 cũng không sợ, khoảng nửa tháng nữa sẽ hoàn thành. Có cái phòng này bản thân mình cũng thấy an toàn vừa cũng giúp cho con cái yên tâm khi có bão xảy ra”, ông Nhi tâm sự.
Theo ông Nguyễn Xuân Uy, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, mỗi mùa mưa bão, địa phương này phải sơ tán hàng ngàn người dân, trong đó có 500 người được đưa đi sơ tán tập trung, còn lại tự sơ tán xen ghép qua các nhà khác kiên cố hơn. Sau khi có Nghị quyết về hỗ trợ xây phòng, chòi trú bão, xã Tam Tiến đã khảo sát và thống kê được gần 2.570 hộ dân có nhà cửa chưa chắc chắn và đã được tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Trong những hộ này, nhà nào có nhu cầu sẽ đăng ký thực hiện.
“Người dân đăng ký, nhận tiền hỗ trợ có thể kết hợp xây dựng nhà ở hoặc các công trình phụ tùy vào nhu cầu, không bị ràng buộc theo quy chuẩn nào miễn sao đảm bảo an toàn trú bão là được. Trong năm nay, toàn xã có hơn 100 hộ dân đăng ký xây dựng và đến thời điểm hiện tại đã thực hiện được 85 căn.
Tam Tiến cũng là địa phương thực hiện xây dựng theo chương trình này với số lượng phòng, nhà nhiều nhất của huyện Núi Thành. Từ nay đến hết năm 2025, xã sẽ tiếp tục triển khai thực hiện để tăng số lượng nhà trú bão, hạn chế di dời, nguy hiểm cho dân cũng như giúp chính quyền nhẹ việc trong công tác phòng chống thiên tai”, ông Uy nói.
Thống kê của Sở Xây dựng Quảng Nam cho biết, năm 2023 tỉnh đã phân bổ 35 tỷ đồng triển khai xây dựng gác, phòng để tránh bão, lũ lụt cho gần 3.500 hộ. Đến nay, các địa phương đã thực hiện xây dựng 650 phòng, chòi ở để trú bão an toàn. Tùy từng vùng, điều kiện khác nhau, các phòng, chòi trú bão lưỡng dụng, kết hợp công trình phụ trợ, phù hợp với điều kiện kinh tế, đời sống của mỗi gia đình.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Mỗi mùa mưa bão ở vùng ven biển, ven sông thường phải sơ tán, di chuyển người dân đến các vùng cao hơn, nơi kiên cố để tránh trú. Thực trạng này vất vả cho cả bà con cũng như chính quyền cơ sở, các ngành chức năng. Giải pháp căn cơ là chỉ cần nhà dân có phòng, gác, công trình phụ trợ đúc bê tông bảo đảm an toàn sẽ giải quyết bài toán tránh bão, lũ lâu dài hơn.