| Hotline: 0983.970.780

Đắng cay mùa dâu ngọt trên xứ Đoài

Thứ Tư 01/04/2020 , 07:58 (GMT+7)

Bán 19 kg dâu tằm chín đỏ mọng, bà Hồng cầm số tiền 90 nghìn đồng trên tay, mắt đỏ au như chực khóc.

Chưa bao giờ, người dân xã Hiệp Thuận (Phúc Thọ - Hà Nội) phải bán trái dâu ngọt lừ mà cổ họng lại nghẹn đắng như vậy…

Giá thấp chưa từng có

Hai tuần trở lại đây là thời điểm người dân Hiệp Thuận bắt đầu vào vụ thu hoạch chính vụ quả dâu tằm. Tổng diện tích cây dâu tằm toàn xã khoảng 15ha. 

Người trồng dâu lấy quả đang liêu xiêu vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Kế Toại. 

Người trồng dâu lấy quả đang liêu xiêu vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Kế Toại. 

Đúng thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, dâu tằm dù chín đỏ vườn, nhưng không có người thu mua. Họa lắm thì có 1 vài thương lái về trả giá 5 nghìn đồng/kg, người trồng chịu lỗ nếu đồng ý bán.

Dâu tằm cho quả mỗi năm một vụ, thường kéo dài từ cuối tháng 2 cho tới đầu tháng 4 âm lịch. Cây có tuổi thọ lên đến 15 năm nếu chăm sóc tốt.

Anh Đỗ Thế Nhân, cụm 4, thôn Hiệp Lộc cho biết, gia đình bắt đầu nghề trồng dâu lấy quả khoảng 10 năm nay. Đây vốn là vùng đất bãi chạy ven bờ sông Đáy, màu mỡ phù sa, người dân bao năm trồng ngô, mía.

Cây dâu tằm chịu thâm canh nên bao năm cho quả ngọt, không phải thay giống. Tùy từng thời điểm, thời tiết mà người dân tổ chức “thiến” cành, giúp cây phát triển, tạo tán, ra hoa, đậu quả.

Nhiều năm qua, dâu tằm Hiệp Thuận đã trở thành thương hiệu, xuất đi khắp các tỉnh thành trong cả nước. Dù trên thực tế, vùng sản xuất này gần như chưa được quan tâm, đầu tư hay quảng bá thương hiệu.

Theo anh Nhân, vùng đất bãi người dân chia làm 3 khu A, B, C để sản xuất, nằm trải dài theo bờ sông Đáy. “Nhìn tưởng dễ dàng thế thôi, trồng dâu cũng vất vả, một nắng hai sương. Cây thường xuyên bị sâu, bệnh gây hại nên người trồng phải luôn chân, luôn tay chăm sóc, phòng trừ”.

Những năm trước đây, giá dâu tằm luôn ổn định ở mức 12 – 15 nghìn đồng/kg. Nhưng thời điểm này, các thương lái đã không còn ồ ạt về thu mua. Giá bán vì thế cũng rớt thê thảm.

Ngưng tay hái, anh Nhân bảo, cách đây mấy hôm, cô con gái lớn đem sọt dâu chín mọng của gia đình ra đầu thôn cân cho thương lái. Khi trở về, mặt con bé ngắn tũn vì người mua chỉ trả giá 8 nghìn đồng/kg.

Giọng anh Nhân trùng lại, cả gia đình quần quật hái cả buổi, bán cả sọt dâu cũng không bằng công của phụ hồ hay bốc vác. Công phụ hồ bây giờ bao ăn bữa trưa cũng phải 250 nghìn đồng/ngày.

Chưa khi nào, giá dâu tằm xuống thấp như hiện nay. Ảnh: Kế Toại. 

Chưa khi nào, giá dâu tằm xuống thấp như hiện nay. Ảnh: Kế Toại. 

Bà Đỗ Thị Hồng, thôn Hiệp Thuận thì cho biết, gia đình trồng 2 sào dâu đã được 7 năm, nhưng chưa khi nào, việc sản xuất khó khăn như bây giờ.

Từ sớm tinh mơ, bà Hồng cùng chồng đã ra bãi hái dâu. Tới khoảng 11h trưa thì ngưng tay, đóng dâu vào sọt mang đi cân cho thương lái. Đặt lên bàn cân, trừ sọt còn 19 kg, thương lái xòe tiền đưa cho bà Hồng số tiền 90 nghìn đồng.

Đôi tay đen nhẻm, gầy guộc cầm số tiền công của hai vợ chồng, mắt bà Hồng đỏ au, giọng run run như chực khóc. “Dịch dã cấm tụ tập đông người nên tôi không mang ra chợ bán được mà vẫn phải cân cho thương lái. Vườn nhà tôi nếu thu hết còn khoảng 1 tấn dâu nữa. Hôm nọ tôi đã phải thuê người hái với giá 200 nghìn một ngày, giờ thì không dám thuê nữa”.

Đổ đi đâu bây giờ!?

Tiếp cuộc trò chuyện, bà Hồng bảo, giờ không thu thì quả cũng tự thối, mà thu về, bán không đủ tiền thuốc sâu, phân bón chứ ai dám tính công chăm sóc. Nếu như cùng thời điểm 2019, dâu được mùa, được cả giá, mỗi sào, người dân thu về 18 – 20 triệu đồng. Nhưng với giá bán hiện nay, mỗi sào chỉ thu được khoảng 4 – 5 triệu đồng, nếu tính kỹ thì chắc chắn lỗ.

Với tình hình hiện nay, người dân sẽ để dâu chín thối trên cây không buồn thu hoạch. Ảnh: Kế Toại. 

Với tình hình hiện nay, người dân sẽ để dâu chín thối trên cây không buồn thu hoạch. Ảnh: Kế Toại. 

Anh Nhân cho biết thêm, tới đây, nếu không bán được nữa, gia đình chắc để quả tự thối rồi rụng làm phân bón cho cây thôi. Ít thì bảo mang về ngâm đường làm siro hay ngâm rượu uống, chứ sản lượng mỗi nhà hàng tấn thì kham sao nổi.

Tình cờ, chúng tôi gặp Nguyễn Thanh Dương, người huyện Hoài Đức, thương lái có 5 năm gắn bó với người dân đang về thu mua dâu tằm tại đây. Anh Dương bảo, hai vợ chồng cứ túc tắc thu mua, cũng toàn người quen biết cả nên cũng không dám ép giá hay gì.

Anh Dương giải thích, thị trường miền Bắc không ưa chuộng, bao năm qua, dâu tằm Hiệp Thuận chủ yếu xuất đi các tỉnh miền Trung, Nam, đặc biệt là thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phía nhập hàng đã giảm giá mua nên không thể trả giá cao cho người dân.

Hơn nữa, việc vận chuyển ngày càng khó khăn, do xe khách liên tỉnh bị tạm ngừng hoạt động. Hiện nay, anh Dương đang phải gửi dâu bằng xe tải cho bạn hàng với giá cước khá cao so với trước đây.

Người dân xếp hàng đợi thương lái thu mua dâu tằm. Ảnh: Kế Toại. 

Người dân xếp hàng đợi thương lái thu mua dâu tằm. Ảnh: Kế Toại. 

“Nói thật với anh, giờ đây chuyển đi, có lãi 100 – 200 đồng/kg dâu vẫn phải làm, vì nếu không thua mua cho người dân cũng tội. Trước mỗi ngày nhập 4 – 5 tấn, giờ thì nhiều nhất cũng chỉ dám nhận 1 – 2 tấn mà thôi. Tới đây, nếu tải liên tỉnh cũng bị cấm, không biết thế nào đây”, anh Dương chia sẻ.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Tỷ lệ tiêm vacxin phòng dại cho chó, mèo trung bình chỉ đạt 58%

Nhiều nơi không bố trí được cán bộ thú y để tiêm vacxin phòng chống dịch bệnh động vật nói chung, bệnh dại nói riêng.      

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm