| Hotline: 0983.970.780

Đăng ký tăng giá mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm

Thứ Hai 28/03/2022 , 17:54 (GMT+7)

TP.HCM Doanh nghiệp tham gia chương trình Bình ổn thị trường (BOTT) đăng ký tăng giá thịt gia súc từ 2-3,5%, mặt hàng thịt gia cầm tăng từ 6-12%; trứng gia cầm tăng từ 6-8%.

Người tiêu dùng lựa chọn trứng gia cầm tại siêu thị Mega Market Hưng Phú (TP Thủ Đức). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Người tiêu dùng lựa chọn trứng gia cầm tại siêu thị Mega Market Hưng Phú (TP Thủ Đức). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình BOTT chuyên cung ứng thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm cho biết, DN đối mặt với nhiều khó khăn, vừa phòng chống dịch, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, DN đã cố gắng hết sức để "kìm giá", nhưng cũng khó cầm cự nếu cứ tiếp tục giữ giá như hiện nay.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, giá nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi từ đầu năm đến nay tăng từ 15 - 20%, các chi phí vận chuyển, logistics cũng tăng cao theo giá xăng dầu. "Do dịch Covid-19, đến nay doanh thu chưa tăng, nhưng phải gánh thêm các chi phí đầu vào nên áp lực rất lớn. Mỗi ngày, bình quân San Hà cung ứng cho thị trường 100 tấn thịt gia cầm. Tuy nhiên, công ty vẫn giữ giá, nhưng với tình hình như hiện nay, công ty buộc phải tăng giá bán sản phẩm khoảng 10%", bà Hà cho hay.

Là một trong những DN nỗ lực suốt mùa dịch để cung ứng đầy đủ cho thị trường TP.HCM dịp cao điểm, Công ty TNHH Ba Huân cho biết, đang rất cố gắng giữ giá đến hết quý 1/2022. "Chúng tôi đang chờ Sở Tài chính duyệt giá BOTT 2022. Công ty đề xuất tăng giá khoảng 5%, thấp hơn so với mức tăng giá nguyên liệu đầu vào", bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân nói.

Theo ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, mức tăng giá xăng dầu không ảnh hưởng đến ngành sản xuất trứng gia cầm nhiều bằng việc tăng giá thức ăn chăn nuôi (tăng 20 - 30%). Do các hộ chăn nuôi giảm đàn nên nguồn cung trứng gia cầm đang thiếu hụt khoảng 10 - 20%. Mặt khác, nguồn cung thức ăn chăn nuôi cũng bị thiếu do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, dẫn tới giá thức ăn chăn nuôi tăng, khiến hộ chăn nuôi giảm số lượng gà và trứng.

Ông cho rằng, cần tăng giá hàng BOTT để không thấp hơn quá nhiều so với giá thị trường, cũng để giúp doanh nghiệp BOTT tiếp tục trụ vững trước bối cảnh khó khăn chung hiện nay. "Công ty đề xuất tăng giá hàng bình ổn dưới 10%. Đồng thời, mong các nhà phân phối giảm mức chiết khấu để giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng tốt hơn, vì mức chiết khấu hiện nay khá cao", ông Thiện cho hay.

 Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM. Ảnh: T.N.

 Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM. Ảnh: T.N.

Tại cuộc họp báo định kỳ chiều 28/3 của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, theo quy trình các DN đăng ký giữ ổn định giá đến hết tháng 3, bắt đầu tháng 4 sẽ điều chỉnh giá. "Trong tháng 4 cũng bắt đầu triển khai chương trình bình ổn thị trường mới 2022, do đó việc điều chỉnh giá này Sở Tài chính sẽ tiếp nhận và thực hiện. Hiện nay, chủ yếu sẽ tổ chức cho các DN tham gia chương trình BOTT 2022 đăng ký mặt hàng và đăng ký giá luôn, không nhất thiết phải điều chỉnh giá", ông Phương cho hay.

Cũng theo ông Phương, ghi nhận của Sở Tài Chính, đến nay, các DN đăng ký tham gia BOTT 2022 đối với mặt hàng lương thực thực phẩm chủ yếu đăng ký giá mặt hàng thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm có xu hướng tăng, so với mặt bằng giá năm 2021. "Mức tăng này tùy thuộc từng DN, thịt gia súc các doanh nghiệp đăng ký tăng từ 2-3,5%, mặt hàng thịt gia cầm tăng từ 6-12%; trứng gia cầm tăng từ 6-8%.

Trên cơ sở đăng ký của các DN, cũng như các hồ sơ liên quan đến chi phí đầu vào thì Sở Tài Chính sẽ xem xét và thống nhất. Trong ngày mai, Sở Tài Chính sẽ họp cùng các sở ngành, đơn vị tham gia bình ổn thị trường để thống nhất giá các mặt hàng trong chương trình Bình ổn thị trường 2022. Kế hoạch điều chỉnh giá năm 2022, UBND TP.HCM sẽ ban hành từ 1/4", ông Phương nói.

Theo cơ chế điều chỉnh giá 2021, khi giá đầu vào, nguyên vật liệu chính tăng khoảng 5% thì các doanh nghiệp được quyền đăng ký điều chỉnh giá với Sở Tài Chính. Trên cơ sở đăng ký giá, Sở Tài Chính sẽ mời các sở ngành và doanh nghiệp đến làm việc, nếu chứng minh được đầu vào tăng thì sẽ cho điều chỉnh giá. Trong trường hợp thị trường liên tục biến động mạnh, thì việc tiếp nhận điều chỉnh giá từ 2-5%.

Nói về lợi ích của DN khi tham gia chương trình BOTT, ông Phương cho biết, DN sẽ được sử dụng logo, thương hiệu BOTT được người tiêu dùng tin tưởng; được tạo mọi điều kiện thuận lợi để tham gia các chương trình hỗ trợ của TP như chương trình kích cầu, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN; được quyền tiếp cận các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi tốt hơn; được ưu tiên kết nối, đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối; hỗ trợ tham gia giới thiệu trong các chương trình kết nối cung cầu; ưu tiên cho thuê mặt bằng trống, không sử dụng để mở các điểm bán tại các quận huyện; các xe tải vận chuyển hàng hóa BOTT được ưu tiên lưu thông trong giờ cao điểm.

Cũng ông Phương, khi Sở Tài Chính có quyết định công bố giá BOTT 2022 chính thức tới đây, Thanh tra Sở Công thương, Sở Tài chính, và các đơn vị liên quan sẽ theo dõi, kiểm tra công tác thực hiện giá bình ổn thị trường.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

STP hỗ trợ ngư dân trả góp lồng nuôi thủy sản HDPE không cần thế chấp

Nhằm giúp ngư dân chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản HDPE, STP Group đưa ra 3 chương trình hỗ trợ thuận lợi để bà con tiếp cận công nghệ nuôi biển mới.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.