Bằng khát vọng không mệt mỏi, họ đang âm thầm bắt những vùng đất khó ở vùng cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) “đẻ” ra tiền.
Sau gần chục năm kiên trì và nhẫn nại đưa nước lên đồi để trồng cam, trồng nhãn, vợ chồng anh Nguyễn Văn Khải (SN 1978) ở tiểu khu 1, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) đã biến vùng đất khô cằn thành vườn cây tươi tốt.
Trên đường lên cửa khẩu Loóng Sập có một gian hàng nhỏ chuyên bán cam Mộc Châu, ai đi qua cũng thấy lạ. Chị Thủy, chủ sạp hàng, đon đả mời khách mua cam. Ai dừng lại mua cũng hỏi: “Sao Mộc Châu lại có cam Vinh đẹp đến thế này?”. Chị Thủy bổ cam mời mọi người ăn thử. “Ai cũng vui khi biết chính tôi là người chăm bẵm làm ra những trái cam đó”, chị Thủy chia sẻ.
Đổ mồ hôi, sôi nước mắt
Vườn cam, vườn bưởi sai trĩu quả của gia đình chị Thủy nằm tít trên đồi thuộc bản Sờ Lườn. Chị Thủy tất bật bán cam ngoài chợ, còn anh Khải “nằm lì” trên vườn.
Người đàn ông sắp bước sang tuổi tứ tuần này yêu cây, yêu đất như chính bản thân mình vậy. Hôm chúng tôi tới thăm, anh đang tất bật chăm cây ở trên đồi. Từng hàng cam, cây nào cũng xanh tốt, quả sai trĩu cành. Cạnh đó là đồi nhãn Miền ở độ tuổi thứ 5, thứ 6. Có cây nhãn cho cả vài tạ quả.
Không giống như những nhà vườn lớn ở xứ sở của cam Cao Phong (Hòa Bình), anh Khải lại trồng nhiều thứ cây trong một quả đồi. Cạnh vườn cam, vườn nhãn còn xen những cây bưởi Diễn. Dường như thứ cây nào trồng trên vùng đất cằn này cũng sai quả. Anh Khải tự tin khẳng định: “Có công sức, mồ hôi đổ xuống thì cây trồng trên đất đá cũng sinh sôi, phát triển”.
Ngắt trái cam Vinh căng, mọng nước, anh Khải bổ ra mời tôi nếm thử. Từng múi cam có màu vàng óng, nom rất đẹp mắt đang thời kì vào nước, nếm thử đã có vị ngọt mát. Ăn một lại muốn ăn hai.
Anh Khải kể, khi anh đưa giống cam Vinh trồng thử ở đất cao nguyên tựa như đánh bạc với trời vậy. Bởi lẽ từ xưa đến nay, chưa có ai dám trồng cam ở vùng nhiều sương muối như đất Mường Sang. Chỉ đến khi cây cam ra hoa, kết trái, anh Khải mới thở phào vì quyết định của mình là đúng đắn.
Đất trồng cam vốn là vùng đất cằn, thiếu nước nghiêm trọng. Nếu như anh Khải trồng cam theo cách mà mọi người hay trồng là mua giống cam ghép rồi trồng sẽ nhận thất bại. Anh Khải đã có sự thay đổi để thích ứng với vùng đất đồi này bằng cách trồng cây bưởi dại trước 1 năm.
Khi đám cây này lên cứng cáp, đủ sức chống chọi với hạn hán, anh mới lấy mắt ghép vào cho cây. Lúc này thân cây đã đủ khỏe để chống chọi với khí hậu khắc nghiệt nơi cao nguyên cũng là lúc mắt ghép phát triển mạnh. Cách làm này của anh Khải đã khắc phục được tình trạng cây chết khi mới trồng. Hơn nữa, cây ít sâu bệnh. Sau 2 năm ghép mắt, mỗi cây cam đã cho 40-70kg quả.
Từ việc sáng tạo ra cách trồng cây sống rồi mới ghép mắt, anh Khải đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong quá trình triển khai sau này. Từ giống nhãn Miền đến giống bưởi Diễn, anh Khải cũng thực hiện theo cách đó. Nhờ đó mà vườn cây của anh có sức sống mãnh liệt.
Dẫn tôi đi thăm đồi cam sai trĩu quả cùng rặng nhãn xanh mướt, ít ai nghĩ rằng, vợ chồng anh Khải có thể thành công từ đồi đất khô cằn này. Cách đây mười năm, vợ chồng chị đi làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày. Cuộc sống gia đình khi đó thiếu thốn đủ thứ. Nhiều năm vợ chồng còn không có đủ tiền để về quê. Liên tiếp các năm sau đó vợ chồng anh chị sinh được 2 đứa con. Nhà thêm miệng ăn, anh chị chạy tối ngày vẫn không kiếm đủ cái ăn.
Mỗi lần về quê (huyện Khoái Châu, Hưng Yên), thấy vườn nhãn tươi tốt, lại cho thu hoạch cao gấp nhiều lần trồng ngô, trồng lúa, anh Khải mới bàn với vợ, mua giống nhãn lên trồng thử tại nơi mình sinh sống. Sau 3 năm, vườn nhãn cho thu hoạch. Chất lượng nhãn ngon không kém gì ở Hưng Yên. Có chút lưng vốn, anh chị mua lại 3ha đất ở bản Sờ Lườn. Khu đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này bà con bỏ hoang từ lâu vì trồng cây ngô không lên được. Ai cũng bảo anh chị là “dở hơi” mới mua lại khu đất đó.
Theo tính toán của chị Thủy, trồng 1ha cam, nhãn, thu được 400 triệu đồng, cao gấp nhiều lần trồng ngô, trồng lúa. Giờ đây, ngoài việc chăm sóc vườn cam, chị còn hái cam mang đi chợ bán. Vui hơn cả là từ cách làm của chị, nhiều gia đình bà con người Thái ở bản Sờ Lườn, bản Lùn, bản Nà Bó… đã đến học hỏi cách làm. Ai đến cũng được chị Thủy hướng dẫn tận tình. Nhiều người còn được chị cho vay vốn không lấy lãi để trồng cam, trồng nhãn. |
Vợ chồng chị Thủy lại có suy nghĩ khác, đất đai bạc màu, nhưng nếu mình quyết tâm thì chắc chắn đất không phụ người. Vợ chồng anh chị kiên trì đào từng hố đất, những nhát cuốc bổ xuống khiến tay bật máu.
Sau mỗi năm, số lượng cây trồng xuống ngày một nhiều hơn. Đến giờ chị Thủy đã trồng được trên 1.000 cây cam. Ngày đầu cây cam, cây nhãn bói quả và cho chất lượng ngon, anh chị vui đến trào nước mắt. Thế là bao nhiêu năm kiên trì đưa nước, đưa phân lên đồi chăm cây, anh chị đã gặt hái được quả ngọt.
Chị Thủy cho biết: “Chất lượng cam trồng ở đây còn ngon hơn cả ở dưới xuôi. Quả to, ngọt, lại dễ bán. Giá bán cam, nhãn tại vườn là 30.000đ/kg. Đến vụ thu hoạch, thương lái đổ xô đến nhà đặt tiền mua cả vườn”.
Một thời là lâm tặc
Vụ nhãn năm nay, anh Khải thu được 20 tấn, trị giá hơn 400 triệu đồng. Sau bao năm vất vả, kiên trì và nhẫn nại đưa nước lên đồi, anh Khải đã và đang gặt hái trái ngọt từ vườn cây ăn quả. Vườn cam Vinh giờ cũng đã vào nước. Tư thương đã đến tận vườn để đặt mua với giá 25.000đ/kg nhưng anh chưa muốn bán.
Theo anh Khải, cam Vinh treo quả trên cây từ tháng 9 cho đến Tết âm lịch. Gia đình anh để bán dần, thu được giá cao hơn.
Từ một lâm tặc, anh Khải trở thành chủ trang trại cam
Anh Khải kể, vợ mang cam ra chợ thị trấn bán, ai cũng tưởng vợ chồng anh cất cam từ Cao Phong lên. Dù thuyết phục thế nào, mọi người cũng không tin là đất Mường Sang lại trồng được cam. Sau nhiều lần thuyết phục không xong, anh Khải mới nghĩ ra cách chụp ảnh vợ chồng đang hái cam rồi phóng to để cạnh mấy sọt cam bày bán. Từ đó, mọi người ăn thử cam mới tin là vợ chồng anh Khải trồng được cam Vinh.
Giờ đây có tiền rủng rỉnh trong tay, anh Khải mới thấm những giọt mồ hôi mà vợ chồng anh đổ xuống miền đồi này. Những năm đầu di dân lên đất cao nguyên, đời sống khi đó sao mà cực. Duy chỉ có một thứ sẵn có, dễ kiếm tiền nhất là buôn gỗ. Cũng như nhiều chàng trai miền xuôi khi đó, anh Khải lao vào buôn gỗ kiếm lợi. Gỗ ở rừng sẵn có, thuê người vào phá rồi mang bán. Hàng chục năm trời làm lâm tặc, nhưng không khiến cuộc sống của anh khá hơn. Không ít lần anh trắng tay bởi thủ đoạn và manh lới của những ông chủ gỗ ở miền xuôi.
Mỗi khi nhắc lại tháng ngày tàn sát rừng, anh Khải như cảm thấy có nỗi muôn phần. Có chuyến hàng, anh đã hạ gỗ tập kết trong rừng xong xuôi thì bị kiểm lâm bắt. Rất may lần đó anh chỉ bị xử phạt hành chính. Và cũng sau lần đó, anh rơi vào tình trạng khánh kiệt.
Giờ đây, tổng diện tích trồng cam của gia đình Khải đã lên đến 6ha. "Làm nông nghiệp không giàu nhanh được, mình phải kiên trì. Mỗi năm mở rộng và làm lớn hơn, được cái bù lại cây cối cũng trả cho mình thành quả xứng đáng. Tôi mừng là mình đã có cơ hội trả nợ cho đất, cho rừng”, anh Khải tâm sự.