| Hotline: 0983.970.780

Đánh thức tiềm năng miền biên viễn

[Bài 2]: Một góc quê lúa giữa vùng cao

Thứ Tư 05/04/2023 , 08:20 (GMT+7)

Biết có khách từ dưới Hà Nội lên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lai Châu, ông Nguyễn Trọng Lịch quyết mời bằng được về nơi được ông gọi là "lưu giữ hồn quê".

IMG_4386

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Lai Châu khảo sát sản phẩm miến dong của huyện Tam Đường. Ảnh: Đinh Tùng

Làng nghề 40 năm tuổi

Điểm ông Lịch chỉ chúng tôi đến cách trung tâm TP. Lai Châu chừng một giờ chạy xe. Phó Giám đốc Sở bảo, chỗ này có lợi thế là nằm dọc Quốc lộ 4D, trên địa phận huyện Tam Đường. Xe khách, xe cá nhân sau khi rời cao tốc Hà Nội - Lào Cai, muốn lên thành phố thì đều phải qua Bình Lư. Ban đầu, du khách dừng chân phần vì hiếu kỳ, phần vì muốn có chút “quà quê” cho người ở nhà. Lâu dần, tiếng lành đồn xa, sản phẩm làm ra hầu như không đủ bán, đặc biệt là vào dịp cuối năm, giáp Tết nguyên đán.

Tính đến năm 2023, làng miến dong Bình Lư đã tồn tại ngót nghét 40 năm. Từ một vài hộ lúc đầu, nay toàn xã Bình Lư có hơn 1.000 hộ thì trên 300 hộ trồng dong riềng, hơn 10 cơ sở sản xuất bột dong và khoảng trên dưới 60 hộ sản xuất miến dong. Trung bình mỗi hộ xuất bán ra thị trường khoảng trên dưới 100 tấn thành phẩm mỗi năm.

“Các anh lên tầm này, xe cộ đã vãn nhiều. Hồi tháng Chạp, dòng xe chở miến ngược xuôi suốt Quốc lộ 4D. Rìa đường, đâu đâu cũng bắt gặp những tấm phên phơi đầy miến dong được bày ra la liệt”, ông Lịch kể.

Theo lời vị Phó Giám đốc, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Lư là cơ sở sản xuất nổi tiếng bậc nhất tại “làng miến”. Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Giám đốc HTX, một cựu chiến binh cho biết, cơ sở đã liên kết với một số doanh nghiệp, nhằm xúc tiến đưa miến của HTX ra các nước Đông Âu. Ông Ánh chia sẻ: “Miến dong Bình Lư đã có tiếng ở trong nước rồi, nhưng giờ cần ra nước ngoài vừa để biết mình đang ở đâu, vừa để tăng thêm thu nhập cho thành viên HTX”.

BATA5495

Ông Nguyễn Ngọc Ánh giới thiệu sản phẩm miến dong Bình Lư của HTX. Ảnh: Đinh Tùng

Nhấp một ngụm trà, ông Ánh nhớ lại những ngày đầu làm miến. Vốn quê lúa Thái Bình, ông nghe theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước xung phong lên vùng Tây Bắc xây dựng kinh tế mới. Cách quê cả ngày đi đường, vị cựu chiến binh cùng nhiều đồng hương tại bản Km2 đã mày mò tìm cách nấu một bát canh miến riêu cua ấm áp hương vị quê hương bởi “xung quanh đây 10 hộ thì đến 7,8 hộ là Thái Bình”.

Với vốn liếng là “công nghệ” làm miến dong từ vùng Đồng bằng sông Hồng, xuất phát điểm của ông Ánh cùng các hộ dân trong vùng là sản xuất để chống đói. Dần dà, những người con xa quê phát hiện củ dong tại Bình Lư phát triển đặc biệt tốt, cho nhiều bột. Bột dong Bình Lư khi làm miến vừa trong, vừa dẻo, sợi miến làm ra dài tới cả mét mà không bị đứt, gãy. Miến nấu lên vừa mềm, vừa dai và trơn mát, thậm chí ngon hơn cả sợi miến quê nhà.

Qua năm tháng, kinh nghiệm của các thành viên trở nên dày dạn. Họ đúc kết được rằng, để miến ngon, cần chú ý đến mọi công đoạn của quá trình sản xuất. Đầu tiên là chọn địa điểm phơi, là lựa khoảng sân hoặc vườn sạch sẽ, thoáng và là nơi hấp thụ tốt ánh sáng mặt trời. Các cột bằng tre, bê tông được dựng cách mặt đất chừng 60cm để tránh bụi, ẩm. Kế đó, bột dong phải là loại tốt, nguyên chất và được ngâm, pha với nước sôi theo tỷ lệ thích hợp rồi đánh đều lên trong thời gian nhất định để bột chín.

Công đoạn này trước đây được làm thủ công nên đòi hỏi người làm phải có sức khỏe, thường là nam giới. Bột khi đạt độ dẻo phù hợp thì được đưa ra đổ vào máy ép thành sợi miến. Lúc miến đạt độ se nhất định, người sản xuất sẽ chuyển sang dây phơi cao hơn, từ 1,5m trở lên, cho đến khi khô hẳn, có thể gấp và buộc thành từng bó miến thành phẩm.

Trước đây sợi miến dong Bình Lư khá to bản, gần tương đương sợi bún. Sau khi tham khảo nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, ông Ánh cùng 12 thành viên HTX đã nâng cấp máy ép để tạo ra những sợi miến dong nhỏ, vừa giảm bớt được sức lao động, vừa cho ra thành phẩm bắt mắt hơn, đóng vừa túi 1kg.

IMG_4295

Nhiều hộ gia đình tại huyện Tam Đường hiện đầu tư máy móc hiện đại, hỗ trợ công đoạn làm miến. Ảnh: Đinh Tùng

Nơi lưu giữ hồn quê

Cầm bát miến còn nóng hổi, ông Nguyễn Ngọc Ánh bồi hồi nhớ lại hai năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Người đàn ông sắp tuổi thất thập kể, nhiều thanh niên trong làng đi làm ăn xa, người giảm lương, người phải chuyển việc để bám trụ nơi phố thị. Cuộc sống rất chật vật, khó khăn. Thế rồi khi biết nhiều bà con trong bản Km2 vẫn “sống khỏe” với nghề miến dong, một làn sóng lao động đã trở lại Tam Đường. Nhiều dịch vụ phái sinh nảy ra trong thời kỳ đó, như nghề chế biến, xay xát bột dong, kinh doanh sản phẩm... Một số hộ có nguồn vốn lớn thậm chí đứng ra bao tiêu, thu mua sản phẩm trực tiếp ngay tại bản.

“Càng trong khó khăn, mới càng thấy lợi ích của làm nông nghiệp. Tôi đã động viên các thành viên HTX tìm tòi những hướng đi mới. Mình phải làm thế nào để giàu trên chính mảnh đất quê hương”, ông Ánh chia sẻ về quyết tâm đưa miến dong Bình Lư thành nông sản tiêu biểu của tỉnh.

Anh Đặng Văn Thuận, bản Thống Nhất, trước đây từng làm miến nhưng sau đó chuyển sang lái xe cho công ty. Đến năm 2017, nhận thấy nghề làm miến mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, thu lời hàng trăm triệu đồng mỗi năm, anh lại quay về giữ gìn nghề ông cha. Tận dụng diện tích khoảng 3.000 m2 đất, anh tự trồng cây dong riềng để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu. Hàng ngày, hai vợ chồng dậy từ 4 giờ sáng để làm hơn 30kg miến khô. Sau hai năm, vợ chồng anh trả đủ số tiền 200 triệu đồng đầu tư máy móc và có của ăn của để trong nhà.

Từ tấm gương của ông Ánh, anh Thuận, bà con Bình Lư vững tin vào “miến dong” quê hương. Phòng Nông nghiệp huyện Tam Đường cho biết, xã Bình Lư đã quy hoạch hơn 200 ha để trồng dong riềng, cho năng suất đạt 60 tấn củ/ha… tập trung nhiều ở các bản Hoa Lư, Thống Nhất, Vân Bình. Cùng với đó, để tránh tình trạng bị tiểu thương ép giá, xã Bình Lư đã tổ chức phối hợp về việc bao tiêu sản phẩm củ dong riềng cho các hộ dân tại 7 bản.

mien11

Miến dong Bình Lư hiện được đóng thành từng gói 1kg, thuận tiện cho người sử dụng. Ảnh: Đinh Tùng

Năm 2020, sản phẩm miến dong của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Lư được tỉnh công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Đầu năm 2021, UBND tỉnh đồng ý cho UBND huyện Tam Đường được sử dụng địa danh Bình Lư để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận miến dong Bình Lư. Nhờ sự giúp đỡ của Sở Khoa học và Công nghệ, huyện Tam Đường đã hoàn thiện thủ tục trình Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “miến dong Bình Lư”. Cuối tháng 10/2022, UBND tỉnh tổ chức Lễ bàn giao nhãn hiệu chứng nhận miến dong Bình Lư cho UBND huyện Tam Đường.

Chưa hài lòng với những gì đã đạt được, ngành nông nghiệp huyện Tam Đường tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan để nghiên cứu những giống dong riềng có chất lượng bột cao, đồng thời tiếp tục vận động, tuyên truyền bà con nông dân sản xuất, chế biến đi đôi với vấn để an toàn vệ sinh thực phẩm, kiên quyết nói không với chất phụ gia, hóa chất gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Nhằm đa dạng sản phẩm, người làm miến Bình Lư đã nghiên cứu, sáng tạo thêm miến dong đậu xanh, đậu đen. Sản phẩm mới này khi nấu chín sẽ mềm hơn và có mùi thơm của đỗ, khác với loại thông thường.

Ông Sùng Lử Páo, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết, các HTX trên địa bàn đã chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng một sản phẩm mang tính đặc trưng cho huyện. Để ngành hàng phát triển bền vững, bên cạnh việc tái cơ cấu, chuyển đổi một số diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng dong riềng, Tam Đường mong muốn được tham gia vào các chuỗi liên kết để có thể đưa nhiều hơn sản phẩm thế mạnh của huyện tới các đô thị lớn.

Được xem là cửa ngõ của tỉnh Lai Châu, huyện Tam Đường phát triển đa dạng nhiều sản phẩm nông nghiệp như nuôi cá nước lạnh, sản xuất, chế biến nông sản và thử nghiệm trồng sâm ở một số khu vực. Các mô hình sản xuất kinh tế hộ manh mún sẽ được tập hợp, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo việc làm và nâng cao năng suất lao động.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.