| Hotline: 0983.970.780

Đạo Jain - đạo Phật, tương đồng và khác biệt

Thứ Ba 11/06/2024 , 10:14 (GMT+7)

Ở Ấn Độ, có một tôn giáo ra đời hầu như cùng lúc với đạo Phật và giáo lý có nhiều điểm tương đồng. Đó là đạo Jain.

Tượng giáo sĩ Bahubali phái Áo Trời bằng đá nguyên khối cao 18m, trên đỉnh núi Shravana Belagola.

Tượng giáo sĩ Bahubali phái Áo Trời bằng đá nguyên khối cao 18m, trên đỉnh núi Shravana Belagola.

Ở Ấn Độ, có một tôn giáo ra đời hầu như cùng lúc với đạo Phật và giáo lý có nhiều điểm tương đồng. Đó là đạo Jain.

Ngày nay ta có thể nhận ra đền thờ đạo Jain vì màu cẩm thạch trắng nổi bật  và pho tượng giáo chủ, mới nhìn tưởng là tượng Phật ngồi thiền, chỉ có khác là giáo chủ Mahavira này cởi trần. Và tượng một đại đức là Bahubali trong tư thế đứng thẳng hoàn toàn khỏa thân.

Để giải đáp sự lạ lùng này, xin kể tuần tự.

Cùng thời với Phật giáo, đạo Jain (phát âm là Gien) do giáo chủ Mahavira sáng lập ra vào khoảng 500 năm trước Công nguyên. Cũng như Phật, Mahavira là thái tử ở một tiểu vương quốc, Ngài cũng rời bỏ hoàng cung để lên đường tìm kiếm chân lý. Khi thành đạo, Ngài bác bỏ mọi quyền năng của các bản kinh Vệ Đà và địa vị tối cao của các giáo sĩ Bà La Môn. Ngài cũng phản đối việc thờ cúng tế lễ tốn kém và rườm rà do đẳng cấp này bày ra.

Cũng giống như Phật giáo, đạo Jain chủ trương không sát sinh, không bạo lực, mọi chúng sinh chung sống hòa bình với tự nhiên.

Tuy vậy, khác với Phật giáo, đạo Jain chủ trương một lối sống đạo đức khổ hạnh và tự hành xác một cách cực đoan để đạt tới sự cứu rỗi linh hồn. Một trong những yếu tố để đạt tới sự cứu rỗi là ahimsa (không bạo lực) hay là sự tôn trọng toàn bộ sự sống và tránh gây thương vong cho mọi sinh linh. Vì lẽ đó, tín đồ đạo Jain là những người ăn chay nghiêm ngặt, nhiều giáo sĩ còn dùng khẩu trang che miệng để tránh vô tình nuốt phải ruồi muỗi và côn trùng, bằng cách đó phạm tội sát sinh. Khi đi trên đường, họ mang theo một chiếc chổi cán dài, vừa đi vừa quét lối đi trước mặt để mỗi bước chân không giẫm lên côn trùng hoặc các sinh vật khác.

Đạo Jain có hai giáo phái:

Svetambara (White Clad - Áo Trắng) là giáo phái chính có thể gặp ở khắp nơi.

Digambara (Sky Clad - Áo Trời) là giáo phái khá đặc biệt, bởi lối sống khổ hạnh hơn. Tên của giáo phái này là Áo Trời, bởi vì trên người họ không có một mảnh vải che thân, để chứng tỏ không màng đến việc sở hữu bất cứ một thứ tài sản nào, kể cả quần áo. Cũng là từ chối sở hữu như tu sĩ Phật giáo, nhưng giáo phái đạo Jain này khắt khe hơn.

Như đã nói, tượng giáo chủ Mahavira và đạo sư Bahubali trong đền thường ở dạng khỏa thân. Một lẽ dễ hiểu là do mang bộ áo trời tự nhiên như vậy, tu sĩ phái Áo Trời thường chỉ quẩn quanh trong đền thờ ở trên núi cao, sống cuộc sống khổ hạnh, thực phẩm do tín đồ mang đến tiếp tế, và họ rất hiếm khi rời ẩn viện xuống đồng bằng.

Nhắc đến đạo Jain, đương thời, có đệ tử Phật gọi đó là Vô Tàm giáo, có thể là do đặc điểm áo trời này. Như vậy thì thật không thỏa đáng, vì Áo Trời chỉ là một giáo phái, không phải là cả đạo Jain, một tôn giáo không có gì là vô tàm, vô sỉ. Bản thân giáo phái Áo Trời cũng có một triết lý sống đáng trọng, như lời Phật đã nhắc nhở các đệ tử của mình.

Ngôi đền nổi tiếng Shravana Belagola thuộc bang Karnataka miền Tây Nam Ấn Độ là của giáo phái Áo Trời. Trong quần thể đền, có một pho tượng cao 18m, tạc từ một khối đá duy nhất, là pho tượng đá nguyên khối cao bậc nhất thế giới. Tượng dựng trên đỉnh núi cao khoảng 200m, cho nên từ rất xa du khách đã có thể nhìn thấy. Nhưng muốn lên đến nơi thì phải leo 614 bậc đá cao.

Đây là tượng của một giáo sĩ đạo Jain ở thế kỷ X. Chuyện xưa kể lại rằng thời đó có hai vị hoàng tử cùng tranh giành một ngai vàng do vua cha để lại. Cuối cùng Bahubali là hoàng tử em đã chiến thắng. Nhưng ngay lập tức chàng bị dằn vặt khi thấy người anh, Bharat, bị xiềng trong ngục tối. Bahubali ăn năn sám hối rồi trả lại ngai vàng cho Bharat, lui vào rừng sâu sống cuộc đời khổ hạnh của một giáo sĩ đạo Jain. Đức vua anh đã cho dựng tượng Bahubali trên đỉnh núi này vào năm 981.

Lễ hội được tổ chức tại đền mười hai năm một lần. Lễ hội năm 2005 và 2017 có đến hàng trăm nghìn người hành hương và du khách nước ngoài đổ về đây. Khán đài được dựng ngay đằng sau pho tượng, dành cho quan khách của chính quyền bang và các vị chức sắc trong đạo. Đến giờ làm lễ, pho tượng được tắm trong sữa dội từ trên đầu xuống, cùng với nước dừa, bơ tinh khiết, hạnh nhân, chà là, tiền xu bằng vàng, bột gỗ đàn hương, hàng tấn cánh hoa hồng... tức là những gì thanh khiết và quý giá theo quan niệm của tín đồ đạo Jain.

Đền thờ đạo Jain nổi tiếng ở tính quần thể, thường do nhiều ngôi đền giống nhau hợp thành, được xây dựng trong cùng một quần thể. Trong đền có rất nhiều cột, như ngôi đền Dilwara ở bang Rajasthan có đến 1.444 chiếc cột bằng cẩm thạch trắng, chạm khắc tinh xảo, nhưng không hề có hai chiếc cột giống nhau. Đền thờ của đạo Jain được trông coi rất cẩn thận và sạch sẽ.

Ngày nay trên khắp Ấn Độ có khoảng 5 triệu tín đồ đạo Jain trong tổng số 1,4 tỷ dân, tập trung nhiều nhất ở miền Tây và Tây Nam. Dù chỉ có một cộng đồng rất nhỏ, tín đồ đạo Jain là những người thông minh hiền hòa và đặc biệt phát đạt trong việc kinh doanh. Giáo lý của họ không chủ trương phân chia đẳng cấp, nhưng trên thực tế lại chấp nhận nó. Đây là một trong những bằng chứng về sự thỏa hiệp của đạo Jain với đạo Hindu, nhờ đó tôn giáo này tồn tại được song song với đạo Hindu qua những thăng trầm của lịch sử, mặc dù đạo Jain không hề phát huy được ảnh hưởng ra ngoài biên giới Ấn Độ.

Xem thêm
MC Quyền Linh xúc động trong ngày con gái dự lễ tốt nghiệp

MC Quyền Linh rơm rớm nước mắt trong khoảnh khắc chứng kiến con gái Lọ Lem dự lễ tốt nghiệp lớp 12, chuẩn bị vào đại học.

Ronaldo lập kỳ tích dự đủ 6 giải EURO xuyên 20 năm

Chân sút người Bồ Đào Nha đã lập kỷ lục lịch sử cho bản thân và giải bóng đá EURO khi là người dự nhiều kỳ nhất từ trước tới nay.

Những bóng hồng trên đường chạy Quảng Trị Marathon 2024

Quảng Trị Marathon 2024 chào đón rất nhiều nữ runner xinh xắn, mang vẻ đẹp thể thao cá tính, khỏe khoắn, khiến cung đường chạy thêm phần rạng rỡ.

Chiêm ngưỡng hàng ngàn thú cưng quý hiếm

TP.HCM Ngày 1/6, Lễ hội Cá cảnh - Thú cưng TP.HCM năm 2024 chính thức khai mạc, thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước đến tham quan.