| Hotline: 0983.970.780

Đảo lộn cuộc sống ở Sa Pa vì mất nước

Thứ Hai 22/04/2019 , 11:00 (GMT+7)

Những ngày qua, nguồn nước sinh hoạt tại thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa (Lào Cai) bị thiếu hụt nghiêm trọng. Đời sống người dân và hoạt động du lịch bị đảo lộn.

Cạn kiệt nguồn nước

Theo thống kê, vào những ngày đầu tuần, nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn thị trấn Sa Pa từ 4.000 – 4.500 m3/ngày. Riêng dịp cuối tuần và nghỉ lễ tăng lên 5.500 – 6.500 m3/ngày.

Từ đầu tháng 3, tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thị trấn Sa Pa bắt đã xảy ra, nhà máy xử lý nước Sa Pa chỉ cung cấp được 80% nhu cầu sử dụng của khách hàng. Đặc biệt, từ ngày 14/4 đến nay, do nguồn nước cạn kiệt, nhà máy xử lý nước Sa Pa chỉ cấp ra được hơn 3.000 m3/ngày, đạt 1/2 công suất nhà máy và chỉ đáp ứng được từ 50% nhu cầu sử dụng của khách hàng.

Người dân Sa Pa dùng xe máy chở từng xô nước sinh hoạt 

Do thiếu nguồn nước thô phục vụ cho sản xuất nước sạch nên Nhà máy xử lý nước Sa Pa phải tiến hành cấp nước luân phiên theo giờ, ngày chia làm 2 lần từ 6 giờ sáng hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.

Ngoài các khách sạn lớn có bể chứa nước lớn ít bị ảnh hưởng, còn lại hầu hết các khách sạn vừa và nhỏ trên địa bàn thị trấn Sa Pa đều gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Thậm chí, nhiều khách sạn phải đóng cửa không dám nhận khách dù mùa du lịch mới bắt đầu. Một số gia đình và nhà hàng, khách sạn tại thị trấn Sa Pa đã mua nước do các cá nhân vận chuyển từ nơi khác đến với giá từ 500-550 nghìn đồng/m3.

Các hoạt động giặt giũ quần áo, người dân đều đem ra mặt đường cho tiện

Nhiều người dân thị trấn Sa Pa và một số khách sạn tư nhân đã phải sử dụng đến cả các nguồn nước ngầm tự nhiên ở các khe nhỏ còn nước để trở về nhà phục vụ sinh hoạt hoặc trực tiếp mang đồ ra giặt giũ. Theo nhiều người dân địa phương, mặc dù những nguồn nước này không chắc đã đảm bảo hợp vệ sinh nhưng trong thời điểm “khát nước” như hiện nay vẫn phải sử dụng nếu không sẽ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và kinh doanh hàng ngày.

Anh Nguyễn Văn Năm, nhân viên khách sạn Cát Cát Sunrise thì cho biết, do mất nước đã cả tuần, phải mang đồ xuống dưới mạch nước nhỏ này để giặt ở đây, còn trên khách sạn không có nước.

Bà Vũ Thị Hiển, người dân thị trấn Sa Pa cho biết than thở: “Gia đình tôi bị mất nước hơn 1 tuần nay rồi, giờ không có nước sinh hoạt. Tôi có nguồn nước tự nhiên nên mấy khách sạn gần đây đến lấy nước về sử dụng sinh hoạt bình thường nhưng không phải để nấu ăn. Do không có nước ăn nên phải mang quần áo đến đây để giặt. Giờ thì hồ Thác Bạc cũng đã cạn hết nước, như nhà tôi phải đi xin nước giếng khoan để sinh hoạt”.

Không chỉ các hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, ngay tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sa Pa, hoạt động khám chữa bệnh và phòng chống dịch của cơ sở y tế này đang gặp vô vàn khó khăn.

Để khắc phục tình trạng thiếu nước, bệnh viện đã phải huy động phương tiện đi chở từng téc nước về phục vụ cho công tác khám chữa bệnh. Tuy nhiên, số lượng nước chuyển về hằng ngày cũng chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu sử dụng của bệnh viện. Nếu nguồn nước tiếp tục cạn kiệt, cơ sở này chưa biết xoay sở kiểu gì để phục vụ người dân.
 

Cơ sở y tế cũng méo mặt

Một số nhà hàng, khách sạn đặt mua nước với giá cao ngất ngưởng để duy trì kinh doanh 

Ông Phạm Lê Trung, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Sa Pa cho biết, trong khoảng 1 tuần trở lại đây, cơ sở đã không có nước về. Rất may tại bệnh viện có 1 bể nước 200 khối có thể duy trì thêm được 5 ngày nữa. Trong thời gian nắng nóng như này, nguồn nước không có thì việc phục vụ công tác khám chữa bệnh, vệ sinh của người bệnh, phòng chống dịch bệnh rất khó khăn. Đặc biệt là khi triển khai một số dịch vụ kỹ thuật cần thiết đến nước như các ca phẫu thuật, thủ thuật, ca mổ là hầu như không có nguồn nước.

“Bệnh viện chúng tôi đã phải mượn xe các cơ quan đơn vị bạn để đặt téc nước và vận chuyển nước từ Cty CP cấp thoát nước Lào Cai chi nhánh Sa Pa về đến bệnh viện. Đến thời điểm bây giờ, lượng nước như này không thể đáp ứng được, vì bây giờ 1 ngày đêm khối lượng nước cần sử dụng của bệnh viện đa khoa huyện Sa Pa lên đến 60 – 70 m3. Với mức vận chuyển như này chúng tôi chỉ đáp ứng được từ 20 – 30 m3 trong ngày”, ông Trung cho biết thêm.

Nhiều người cho rằng, một phần nguyên nhân nguồn nước tại Sa Pa cạn kiệt là do thuỷ điện 

Theo tìm hiểu, chi nhánh cấp nước Sa Pa hiện đang khai thác nước tại 4 nguồn: Thác Bạc, Suối Hồ 1, Suối Hồ 2, Nhà Pha với tổng công suất được phép khai thác là 6.460 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, trong 4 nguồn nước này thì nguồn từ Nhà Pha và Suối hồ 1 đã cạn kiệt. Lượng nước về Hồ Thác Bạc cũng cạn dẫn đến khai thác không được nhiều.

Duy nhất chỉ có nguồn Suối Hồ 2 có lượng nước tương đối lớn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhà máy không thể khai thác do người dân thôn Suối Hồ, xã Sa Pa tháo dỡ phai chắn để lấy nước sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, tổng lượng nước thô khai thác để cung cấp cho nhà máy xử lý nước Sa Pa không đủ, dẫn đến lượng nước sạch cấp ra không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của các cơ quan, đơn vị, nhà hàng, khách sạn và hộ dân trên địa bàn thị trấn.

Ngoài nguyên nhân thời tiết ít mưa, có một số nguyên nhân khác dẫn tới thiếu nước sinh hoạt ở Sa Pa là do trong một vài năm trở lại đây lượng nước ngầm bị suy giảm đáng kể do trên địa bàn có thêm nhiều dự án thủy điện được xây dựng. 

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất