| Hotline: 0983.970.780

Đào tạo giảng viên quốc gia về quản lý sức khỏe cây trồng

Thứ Hai 16/05/2022 , 18:30 (GMT+7)

TIỀN GIANG Ngày 16/5 tại Tiền Giang, Cục Bảo vệ thực vật tổ chức khai giảng khóa đào tạo giảng viên quốc gia quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp trong vụ hè thu năm 2022.

Khóa đào tạo giảng viên quốc gia về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp lần này là một trong những hoạt động nằm trong Dự án “Xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp” đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt tại Quyết định số 1872/BNN-HTQT ngày 29/4/2021.

Khai giảng khóa đào tạo giảng viên quốc gia về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp. Ảnh: Ngọc Thắng.

Khai giảng khóa đào tạo giảng viên quốc gia về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp. Ảnh: Ngọc Thắng.

Chương trình tập trung đào tạo các nội dung liên quan chặt chẽ đến công tác quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) như: Sức khỏe đất và dinh dưỡng cho cây trồng; nông nghiệp sinh thái; quản lý cỏ dại bền vững; thuốc BVTV, trong đó tập trung đào tạo về thuốc BVTV sinh học; phân bón; yêu cầu kỹ thuật trong xuất khẩu nông sản Việt Nam; chuỗi liên kết sản xuất; nông nghiệp 4.0, chuyển đổi số...

Bên cạnh đó, các học viên sẽ được củng cố lại những kiến thức về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), cập nhật các kiến thức mới trong IPHM; kỹ năng huấn luyện nông dân thông qua các buổi học và các thực nghiệm đồng ruộng thực tiễn, tổ chức các lớp FFS để phát triển IPHM thành công ở địa phương theo Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững của Bộ NN-PTNT đã được Thủ tướng phê duyệt.

Thời gian qua, với nhiệm vụ đào tạo của dự án, Cục BVTV đã tổ chức thành công khóa đào tạo lớp TOT-IPHM cho 30 giảng viên quốc gia cho các tỉnh phía Bắc vào ngày 10/2/2022. Tại khu vực phía Nam, dự án tiếp tục đào tạo 30 giảng viên quốc gia là các cán bộ chi cục trồng trọt - BVTV.

Theo thông tin từ Cục BVTV, chương trình IPM quốc gia đã bắt đầu từ năm 1992 dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO). Qua gần 30 năm, Chương trình đã thu được nhiều thành công rực rỡ và được Bộ NN-PTNT đánh giá cao.

Chương trình đào tạo 30 giảng viên quốc gia về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) ở khu vực phía Nam. Ảnh: Ngọc Thắng.

Chương trình đào tạo 30 giảng viên quốc gia về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) ở khu vực phía Nam. Ảnh: Ngọc Thắng.

Từ năm 1992 đến nay, cả nước đã có 2.670 cán bộ được đào tạo qua các lớp đào tạo giảng viên IPM (TOT) do tổ chức FAO, các tỉnh và các đơn vị khác tổ chức. Trong đó, cán bộ được FAO và Cục BVTV phối hợp đào tạo khoảng 1.200 người, hiện đã nghỉ hưu và chuyển sang làm công tác khác gần 900 người; đội ngũ giảng viên TOT đã bị thiếu hụt nhiều.

Theo thống kê của Cục BVTV, hiện nay mới chỉ có khoảng 400 cán bộ hiện đang công tác ở các Chi cục Trồng trọt và BVTV, Trạm Trồng trọt và BVTV, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, khuyến nông… có chứng nhận giảng viên TOT-IPM do Cục BVTV cấp. Nếu lực lượng cán bộ này được tập huấn bổ sung chương trình IPHM trong thời gian ngắn, có thể tham gia làm giảng viên TOT-IPHM cấp tỉnh ở các địa phương hoặc tập huấn IPHM cho nông dân.

Trong năm 2020, với sự hỗ trợ kinh phí từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục BVTV đã tiến hành mở 2 lớp đào tạo giảng viên TOT-IPM để bổ sung phần nào vào đội ngũ giảng viên bị thiếu hụt này.

Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong giai đoạn qua đã được đánh giá cao, mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất của bà con nông dân. Ảnh: Ngọc Thắng.

Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong giai đoạn qua đã được đánh giá cao, mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất của bà con nông dân. Ảnh: Ngọc Thắng.

Đến nay, các hoạt động của Dự án đã nghiên cứu, xây dựng chương trình và tài liệu huấn luyện giảng viên IPHM; xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về IPHM; tổ chức hội thảo xây dựng khung chương trình và tài liệu cho các lớp TOT-IPHM tại Hà Nội ngày 23 - 24/12/2021.

Đồng thời, Cục BVTV và tổ chức FAO cũng góp ý kiến bổ sung “Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp” vào dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTG về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, có một số nội dung liên quan ngành BVTV như: Đổi mới phương thức quản lý, sử dụng và kinh doanh vật tư nông nghiệp hướng tới nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp, có trách nhiệm; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc BVTV sinh học… Xây dựng các chương trình IPHM và sử dụng sinh vật có ích trên cây trồng chủ lực nhằm bảo vệ sản xuất, kiểm soát mức độ suy thoái đất, bảo vệ “sức khỏe đất", sức khỏe con người, động vật và môi trường sinh thái.

Các cán bộ BVTV sẽ trở thành những giảng viên quốc gia về IPHM đầu tiên tại Việt Nam, làm lực lượng nòng cốt đào tạo IPHM cho các địa phương. Ảnh: Ngọc Thắng.

Các cán bộ BVTV sẽ trở thành những giảng viên quốc gia về IPHM đầu tiên tại Việt Nam, làm lực lượng nòng cốt đào tạo IPHM cho các địa phương. Ảnh: Ngọc Thắng.

Ngày 29/6/2021, Cục BVTV và Đại diện FAO tại Việt Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Chiến lược và Kế hoạch hành động Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp”.

Dự án được thực hiện trong 2 năm (2021 – 2022) với mục tiêu tăng cường an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và phát triển môi trường bền vững thông qua các hoạt động tăng cường năng lực của hệ thống BVTV.

Trong đó, các hoạt động của Dự án tập trung vào việc nghiên cứu, xây dựng chương trình và tài liệu huấn luyện giảng viên IPHM để nâng cao năng lực cho giảng viên và các cán bộ liên quan nhằm hỗ trợ thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (NP-IPHM).

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.