| Hotline: 0983.970.780

Khai giảng khóa đào tạo chuyên sâu về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp

Thứ Năm 10/02/2022 , 14:55 (GMT+7)

Ngày 10/2, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Văn phòng FAO Việt Nam tổ chức khai giảng khóa đào tạo giảng viên IPHM trên cây lúa trong vụ đông xuân năm 2022.

Lễ khai giảng và khóa đào tạo được tổ chức tại Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc (Văn Lâm, Hưng Yên).

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết: Khóa đào tạo giảng viên IPHM lần này nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM - Plant Health)” do tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tài trợ, đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt và giao Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) làm chủ dự án.

Thứ trường Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại lễ khai giảng khóa học. Ảnh: Trung Quân.

Thứ trường Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại lễ khai giảng khóa học. Ảnh: Trung Quân.

Thời gian qua, Cục BVTV đã cùng FAO triển khai nhiều hoạt động trong khuôn khổ dự án như: Xây dựng chương trình và tài liệu huấn luyện giảng viên quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM); xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (dự thảo cùng báo cáo nghiên cứu của dự án); tổ chức các lớp đào tạo giảng viên nguồn TOT-IPHM; hội thảo xây dựng khung chương trình, tài liệu cho các lớp TOT-IPHM…

Khóa đào tạo lần này là 1 trong 2 khóa đào tạo TOT-IPHM, với 30 học viên (giảng viên tương lai) tham dự (theo kế hoạch, dự án sẽ tổ chức đào tạo 30 giảng viên phía Bắc và 30 giảng viên phía Nam), làm nòng cốt về đào tạo IPHM cho quốc gia trong những năm tới.

Những giảng viên tương lai này sẽ được đào tạo bài bản, củng cố lại kiến thức IPM, cập nhật các kiến thức mới trong IPHM dựa trên bộ tài liệu đã được kiện toàn và phê duyệt áp dụng trên toàn quốc. Qua đó, nâng cao các kỹ năng huấn luyện nông dân thông qua các buổi học và các thực nghiệm thực tiễn trên đồng ruộng xuyên suốt toàn bộ giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa trong vụ đông xuân năm 2022.

Đồng thời, dự án cũng sẽ tổ chức các lớp FFS để phát triển IPHM thành công ở địa phương theo “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã được Thủ tướng phê duyệt.

Ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện FAO Việt Nam chia sẻ, dự án 'Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp' sẽ đóng góp vào sự chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện FAO Việt Nam chia sẻ, dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp” sẽ đóng góp vào sự chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam. Ảnh: Trung Quân.

Trên cơ sở đó, khóa đào tạo sẽ trang bị cho các học viên những nội dung đa dạng, bao trùm liên quan tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp với nhiều vấn đề quan trọng như sức khỏe đất, nước, phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả vật tư sản xuất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe con người… Sau khi khóa học kết thúc, các giảng viên nguồn này sẽ trực tiếp đào tạo kiến thức cho các giảng viên ở địa phương để tập huấn cho nông dân.

Về phía FAO, ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện FAO Việt Nam chia sẻ: Hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ phải đối mặt với những thách thức chung mà còn phải giải quyết tận gốc những vấn đề như đói nghèo, suy dinh dưỡng và phát triển bền vững... thông qua việc chuyển đổi cách thức sản xuất, phân phối, tiêu dùng thực phẩm lành mạnh…

Cùng với những định hướng lớn của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, FAO cũng chủ trương thúc đẩy 4 nội dung trụ cột: Cải thiện về dinh dưỡng; môi trường; sản xuất; cuộc sống cho cư dân trên toàn thế giới, nhất là các hộ nông dân. Trong giai đoạn 2022 - 2025, FAO dự kiến sẽ ưu tiên thực hiện 3 mục tiêu phát triển bền vững: Giảm nghèo, xóa đói và đảm bảo công bằng trong phân phối lương thực thực phẩm.

Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp” ra đời, sẽ giúp nâng cao năng lực thể chế cho hệ thống BVTV. Nâng cấp IPM thành công cụ mới trong nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, kiểm soát rủi ro, dịch hại bằng các công nghệ mới. Từ đó, đóng góp vào sự chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam.

Sau khóa đào tạo, các học viên sẽ trở thành những giảng viên IPHM đầu tiên tại Việt Nam, làm lực lượng nòng cốt đào tạo IPHM cho các địa phương. Ảnh: Trung Quân.

Sau khóa đào tạo, các học viên sẽ trở thành những giảng viên IPHM đầu tiên tại Việt Nam, làm lực lượng nòng cốt đào tạo IPHM cho các địa phương. Ảnh: Trung Quân.

Phát biểu tại lễ khai giảng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Hiện nay, Việt Nam đang hướng tới xây dựng nền nông nghiệp xanh, hiệu quả, tuần hoàn, hữu cơ, giảm phát thải khí nhà kính… Do đó, vấn đề quan trọng đặt ra cho sản xuất nông nghiệp là làm thế nào vừa bảo vệ được cây trồng, giữ được năng suất, chất lượng sản phẩm vừa đảm bảo chi phí thấp nhất, bảo vệ được môi trường, sức khỏe con người…

Chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) được xây dựng, triển khai rất phù hợp với định hướng phát triển của ngành nông nghiệp nói chung, lĩnh vực trồng trọt, BVTV nói riêng.

“Đây là chương trình rộng hơn, lớn hơn, nhiều nội dung bao trùm hơn chương trình IPM đã triển khai trước đây. Khóa đào tạo lần này là khóa đào tạo chuyên sâu về IPHM đầu tiên tại Việt Nam, cũng là bước khởi đầu cho một định hướng lớn của Bộ NN-PTNT trong thời gian tới” Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Do đó, Cục BVTV cần xây dựng lớp học trở thành hình mẫu, làm tiền đề cho các lớp đào tạo trong các giai đoạn tiếp theo. Ngoài nội dung về sức khỏe cây trồng, nội dung lớp học cần trang bị cho các “giảng viên tương lai” kiến thức về những vấn đề quan trọng khác như giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, tăng giá trị cho nông sản…

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị cần cập nhật kịp thời những vấn đề mới, vấn đề phát sinh trên thực tiễn, lồng ghép vào nội dung bài học để những kiến thức được truyền tải sát với thực tiễn sản xuất, tạo cơ sở vững chắc để các “giảng viên tương lai” triển khai tại các địa phương hiệu quả cao nhất, sức lan tỏa rộng lớn nhất.

Để làm được điều này, sau khóa đào tạo cần có bảng đánh giá, tổng kết cụ thể, để kịp thời rút kinh nghiệm, hoàn thiện tài liệu, nội dung đào tạo… Bộ NN-PTNT sẽ luôn đồng hành và ưu tiên mọi nguồn lực tốt nhất để hỗ chương trình hoạt động bài bản, hiệu quả nhất.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.