| Hotline: 0983.970.780

Đào tạo trồng ca cao

Thứ Ba 29/04/2014 , 10:42 (GMT+7)

Trung tâm Chuyển giao kỹ thuật ca cao sẽ cùng lúc sử dụng nhiều chương trình đào tạo kỹ thuật quan trọng để giúp nông dân nâng cao năng suất 50% trong vòng 3 năm.

Tin vui cho người trồng ca cao khi Trung tâm Chuyển giao kỹ thuật ca cao đã chính thức khai trương và đi vào hoạt động tại ấp Liên Hiệp 1, xã Xà Bang, huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây được coi là trường đào tạo nông dân trồng ca cao bền vững của miền Đông Nam bộ.

CA CAO ĐẠT CHUẨN TOÀN CẦU

Ông Bùi Phát Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở NN-PTNT BR-VT cho biết: “Từ năm 2003, ca cao mới bắt đầu được trồng thử nghiệm trên địa bàn tỉnh với quy mô nhỏ và đến nay vẫn được xem là cây trồng triển vọng.

Sau khi dự án phát triển ca cao bền vững được triển khai do tổ chức ACDI/VOCA tài trợ, đến năm 2007 toàn tỉnh đã trồng mới được 1.158 ha ca cao, với hơn 4.300 hộ nông dân tham gia, chủ yếu trồng xen với điều, tiêu và cây ăn quả”.

Đến nay BR-VT phát triển được 1.200 ha ca cao, trong đó diện tích đang cho thu hoạch 250 ha, sản lượng hơn 400 tấn/năm. Trong đó, có 180 ha ca cao đã đạt chứng nhận UTZ năm 2013. Tuy nhiên, việc phát triển ca cao chưa thật sự bền vững do SX còn manh mún, nông dân chưa nắm vững kỹ thuật dẫn đến năng suất chưa cao.

Việc hình thành Trung tâm Chuyển giao kỹ thuật ca cao sẽ tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận TBKT để nâng cao năng suất ca cao từ 30 - 50% so với trước đây.

Theo ông Trịnh Văn Thành, đại diện Trung tâm Chuyển giao kỹ thuật ca cao ở BR-VT cho hay, đây là trung tâm thứ 4 của VN được đưa vào hoạt động nhằm đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng ca cao cho nông dân BR-VT cũng như các tỉnh lân cận gồm Đồng Nai, Bình Thuận.

Trung tâm Chuyển giao kỹ thuật ca cao BR-VT được hỗ trợ từ Tập đoàn Cargill với tổng kinh phí xây dựng lên đến 60.000 USD; gồm 1 phòng đào tạo, 1 văn phòng, khu trưng bày quy trình chế biến ca cao sau thu hoạch, phòng đào tạo hướng dẫn kỹ thuật với sức chứa 200 người và một vườn mẫu 1,7 ha.

Đây là trung tâm đầu tiên tại khu vực Đông Nam bộ có chức năng một trường đào tạo về ca cao với kỹ thuật tiên tiến cho khoảng 2.000 nông dân miền Đông Nam bộ.

Thêm một tin vui cho nông dân khi mới đây gần 122 ha ca cao ở huyện Châu Đức đã được Tổ chức Chứng nhận ca cao toàn cầu Solidaridad cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn UTZ. Đây cũng là bước khởi đầu thuận lợi để xây dựng thương hiệu cho cây ca cao BR-VT trong thời gian tới.

Hiện Cty TNHH Ca cao Thành Đạt đã đứng ra vận động 195 hộ nông dân trên địa bàn huyện Châu Đức trồng ca cao áp dụng theo các tiêu chí của chuẩn UTZ. Ông Võ Đình Một, nông dân tham gia chương trình trồng ca cao UTZ ở xã Xà Bang cho biết: “Việc áp dụng quy chuẩn bắt buộc của UTZ không chỉ giúp đạt năng suất cao mà chất lượng hạt ca cao bảo đảm được các tiêu chuẩn quốc tế nên giá bán cũng cao hơn ca cao trồng theo phương pháp thông thường từ 2 - 3 triệu đ/tấn”.

Theo ông Một, trồng ca cao theo tiêu chuẩn UZT không khó, nhưng bắt buộc phải tham gia các lớp tập huấn và áp dụng quy trình SX theo UTZ từ khâu chăm sóc, bón phân, thu hoạch và sơ chế. Bên cạnh đó, cây ca cao là cây trồng thích hợp cho những nông dân ít vốn do chi phí đầu tư ban đầu thấp hơn so với các loại cây công nghiệp khác như hồ tiêu, cà phê... khoảng 50%.

Bà Lê Thị Tỉnh, thành viên HTX Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp xã Xà Bang phấn khởi tâm sự: “Chúng tôi trồng ca cao UTZ năng suất bình quân đạt gần 2 tấn/ha. Hiện giá ca cao thông thường được mua trên thị trường 67 triệu đ/tấn, nhưng ca cao UTZ được thu mua với giá hơn 70 triệu đ/tấn, tính ra sau khi trừ hết chi phí vẫn còn lãi hơn 80 triệu đ/ha.

Do hiệu quả kinh tế của ca cao UTZ đã khuyến khích nông dân phát triển mạnh diện tích trong những năm tới. Đặc biệt, Trung tâm Chuyển giao kỹ thuật ca cao vừa hoạt động trên địa bàn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho nông dân nâng cao thu nhập".

CƠ HỘI “LÊN NGÔI”

Ca cao là cây trồng triển vọng ở VN với khoảng gần 25.000 nông dân ở Tây Nguyên, vùng ĐBSCL và các tỉnh Đông Nam bộ tham gia trồng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nông dân thiếu kiến thức, kỹ năng và chuyên môn để đạt được năng suất ca cao cao hơn.

Do vậy, Trung tâm Chuyển giao kỹ thuật ca cao sẽ cùng lúc sử dụng nhiều chương trình đào tạo kỹ thuật quan trọng để giúp nông dân nâng cao năng suất 50% trong vòng 3 năm.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt:

Trung tâm Chuyển giao kỹ thuật ca cao BR-VT là một trong 4 trung tâm tham gia trực tiếp vào tập huấn kỹ thuật cho nông dân để giúp nâng cao năng suất
chất lượng.

Các trung tâm này được xem như những trường đào tạo, có chương trình kỹ thuật cao với nhiều kinh nghiệm từ trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu thiết thực của nông dân.

Ông Nguyễn Vĩnh Thành, GĐ Bộ phận mua ca cao của Cargill Việt Nam nhận định: “Hiện sản lượng ca cao VN chưa đủ để gọi là hàng hóa xuất khẩu nhưng vào những năm tới, sản lượng thu hoạch có thể sẽ đạt khoảng 500 tấn để bán ra thị trường thế giới”.

Tuy vậy, ông Thành cũng lạc quan khi ước tính mỗi năm VN có thể cung cấp ra thị trường thế giới 10.000 tấn ca cao hạt đã lên men. Cargill đang phát triển và duy trì mô hình nông trại ca cao nhằm đáp ứng nhu cầu về sản lượng hạt ca cao ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, Cargill cũng đào tạo nông dân trồng ca cao không chỉ ở VN mà còn trên toàn thế giới trong suốt hơn chục năm qua. Trường đào tạo này sẽ cung cấp chuyên sâu về kỹ thuật nông nghiệp thực hành tốt, sau thu hoạch và kỹ năng kinh doanh…

Đại diện Cty TNHH Thành Đạt cùng nhận định, hiện nhu cầu tiêu thụ ca cao rất lớn, trong khi nguồn cung khan hiếm. Trong xu thế phát triển hiện nay, việc xây dựng chứng chỉ UTZ cho cây ca cao là điều kiện tốt để xây dựng một thương hiệu ca cao uy tín về chất lượng trên thị trường.

Chất lượng ca cao  UTZ của nông dân được đánh giá cao, chinh phục được những thị trường khó tính như Nhật Bản, Pháp... Do vậy, đây chính là cơ hội cho cây ca cao “lên ngôi”.

Còn ông Nguyễn Văn Thiết, Trưởng đại diện Chương trình UTZ tại VN khẳng định: “BR-VT cùng với Đắk Lắk, Tiền Giang là 3 tỉnh đầu tiên của cả nước được chọn tham gia chương trình của bộ tiêu chuẩn UTZ và được cấp giấy chứng nhận sớm nhất. Với sản phẩm đạt chứng nhận UTZ, người SX ca cao minh chứng đã thực hành nông nghiệp tốt, quản lý trang trại hiệu quả và SX có trách nhiệm. Đó cũng là sự bảo đảm về sản phẩm để các cơ sở và DN chế biến ca cao quyết định thu mua”.

Với khoảng 1.200 ha đất trồng ca cao, BR-VT là một trong 7 địa phương có diện tích trồng ca cao lớn nhất trong cả nước. Trong năm 2010, ngành nông nghiệp tỉnh BR-VT đã tổ chức khảo sát, đánh giá tổng thể về các loại cây trồng; đồng thời sẽ phát triển hơn 1.500 ha cây ca cao xen canh với các loại cây công nghiệp khác…

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Hải Phòng phát hiện hơn 100 tàu cá mất kết nối VMS trong 4 tháng

Những trường hợp tàu cá bị phát hiện mất kết nối, nếu không khắc phục kịp thời, cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng đều xử lý nghiêm.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.