Lắp điều hòa cho đào
Nhiều năm qua, bất kì ai chơi đào ở Hà Nội đều biết đến nghệ nhân Lê Hàm (57 tuổi, ở làng đạo Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) - người trồng và cho thuê đào Thất thốn - giống đào "độc nhất vô nhị" nổi tiếng một vùng.
Cây đào Thất thốn có tuổi đời trên 20 năm. |
Cứ mỗi dịp cuối năm, ông Hàm lại tất bật đánh chuyển 100 gốc đào Thất thốn từ ngoài vườn vào phòng lắp điều hoà để “chờ tết”. Tại đây ông Hàm điều tiết nhiệt độ để đào Thất thốn nở đúng dịp Tết Nguyên Đán. Đây là loài đào quý hiếm nên xưa kia thường được tiến vua.
"Nếu đúng theo nhịp sinh trưởng thì đào Thất thốn chỉ ra hoa dịp Rằm tháng Giêng, nhưng thời điểm qua tết ít người chơi nên những người làm đào như chúng tôi phải tự mình sáng tạo làm sao cho đào phải nở đúng dịp tết”, ông Hàm nói.
Với diện tích hơn 1.000m2, ông Hàm dựng được 7 phòng, mỗi phòng đều lắp 1 chiếc điều hòa hai chiều. Trước kia việc điều tiết để gốc đào đơm hoa, nảy lộc đúng dịp tết vô cùng khó khăn, “Ngày xưa mỗi khi thời tiết lạnh quá, người dân chỉ thắp bóng đèn, còn nắng nóng thì chỉ lấy cục đá chườm vào gốc đào, nhưng cách đó không hiệu quả như sử dụng điều hòa được”, ông Hàm nói.
Ông Hàm cho biết, cách đây 7 - 8 năm, ở Nhật Tân ông là người đầu tiên sử dụng điều hòa hai chiều để ép đào nở hoa theo mong muốn, sau này có thêm vài hộ trồng đào học theo mô hình này của ông. Để tiết kiệm kinh phí nên ông Hàm chỉ mua điều hòa cũ, mỗi bộ có giá khoảng 20 - 30 triệu.
Theo ông Hàm, nếu thời tiết quá lạnh, mình sẽ bật điều hòa nâng nhiệt độ lên, còn trời quá nóng sẽ hạ nhiệt độ xuống, miễn sao phù hợp với nhịp sinh trưởng của giống đào này. Năm 2015 thời tiết lạnh kỷ lục, ông bật điều hòa ở mức 34oC suốt cả tháng liên tục để ép đào nở hoa, năm đó ông Hàm hỏng 3 cái điều hòa.
Những năm gần đây thời tiết dịp tết nắng nóng nên đào nở sớm, ông Hàm thường để điều hòa ở mức 17oC để “ủ đào”. Trung bình mỗi dịp tết kinh phí tiền điện cho 7 chiếc điều hòa khoảng 100 triệu đồng.
Với nghệ nhân Lê Hàm thì tình yêu cũng như nghiên cứu về loài hoa này đã thành niềm đam mê suốt gần 40 năm qua. Với đặc điểm, cách xếp từng cánh hoa cũng như màu sắc không loại đào nào có được đã khiến loại đào này hiếm và kén người chơi, giá trị thì cao vút.
Chỉ cho thuê, không bán
Chỉ vào gốc đào cổ thụ đang chờ đơm bông dịp tết, ông Hàm cho hay, đó là một trong số cây đã được ông chăm sóc suốt hơn 30 năm qua. Do đặc tính của loài đào này chăm sóc vất vả nên rất hiếm người đủ kiên nhẫn cũng như đam mê để trồng đào này.
Những giống đào bình thường, trồng 1 - 2 năm là có thể bán được, nhưng với giống đào Thất thốn thì 1 - 2 năm chỉ nhỏ bằng đầu ngón chân cái, 4 - 5 năm bằng bắp tay, nhưng từng đó thời gian vẫn chưa đạt tiêu chuẩn phục vụ người chơi.
Chăm sóc đào giống tại vườn ươm cũng khổ cực trăm bề, từ việc điều tiết nước, phân bón, cắt tỉa rồi tùy vào từng tuổi của gốc mà có chế độ chăm sóc khác nhau: “Nước để tưới đào Thất thốn phải qua bể lọc, tránh lấy nước giếng khoan, nước ao, hồ để tưới, cây sẽ dễ mắc bệnh mà chết”, ông Hàm nói.
Một cành hoa đào Thất thốn nở sớm. |
Thời gian để một cây đào Thất thốn dáng đẹp đến tay người chơi mất từ 10 - 20 năm. Chính vì thế nguyên tắc của nghệ nhân Lê Hàm là không bao giờ bán mà chỉ cho thuê: “Cây thấp nhất để thuê chơi tết cũng 10 triệu đồng, còn cây đẹp thì lên đến vài chục triệu”, ông Hàm nói.
Để đánh giá một cây đào Thất thốn đẹp, có giá trị cao, ông Hàm cho biết, trước hết gốc phải phình to và cây đào phải có thế, ngoài ra đào cũng phải nhiều hoa.
Đặc tính sinh trưởng nên chăm sóc đào Thất thốn vô cùng khó khăn. Nếu không biết cách chăm, cây sẽ không bao giờ ra hoa, hoặc có ra thì cũng không đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt, đây cũng là giống đào dễ chết hơn các loại đào khác khi gặp thời tiết bất thường.
Dịp cuối năm cũng là lúc ông Hàm bắt đầu ươm giống những cây đào Thất thốn mới. Đây là việc làm thường niên bởi như thế sẽ giúp chủ nhân gối vào những gốc đào chết hàng năm để vườn đào thành phẩm luôn duy trì trên 100 gốc phục vụ người dân mỗi dịp tết.
“Năm nay thời tiết khắc nghiệt, vườn đào của tôi bị chết đến 50% cây đào lâu năm. Cũng may năm nào tôi cũng trồng cây mới nên không ảnh hưởng gì nhiều và vẫn phục vụ được những người đam mê với loài đào này”, ông Hàm nói.
Trong số những gốc đào bị chết do thời tiết trong năm nay, ông Hàm không khỏi tiếc nuối bởi có những gốc đã gắn bó với ông từ lúc ông mới bước vào nghề. Với người nghệ nhân, từng gốc đào quý hiếm chết khô như những vết dao cứa vào ruột gan.