| Hotline: 0983.970.780

Đất đai lại "hâm nóng" nghị trường

Thứ Sáu 13/09/2013 , 09:26 (GMT+7)

Chiều qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã dành hơn 3 giờ để các đại biểu tiếp tục có ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, lần đầu tiên có một dự thảo Luật đã trải qua 3 kỳ họp QH mà chưa xong.

Chiều qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã dành hơn 3 giờ để các đại biểu tiếp tục có ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, lần đầu tiên có một dự thảo Luật đã trải qua 3 kỳ họp QH mà chưa xong.

Tránh thu hồi tràn lan, lấy được

Mở đầu phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển nhận định: đây là dự thảo Luật tương đối hoàn chỉnh, có nhiều giải trình thuyết phục. Tuy nhiên, ông Hiển e ngại có thể xuất hiện tình trạng thu hồi đất tràn lan nếu dự Luật không quy định rõ việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; không bổ sung trường hợp sử dụng đất để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho mục đích công cộng và thu hồi đất để đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ môi trường.

Đứng ở góc độ pháp luật, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH yêu cầu, để dự thảo Luật Đất đai chặt chẽ hơn, Ban soạn thảo cần bổ sung kết quả rà soát các dự án, công trình mà nhà nước thu hồi đất cho phát triển kinh tế xã hội có khác những khu đất trước đây mà nhà nước vẫn thu hồi không, có bị trùng nhau không?

Ngoài ra, cũng cần rà soát lại các tổ chức quản lý quỹ đất trên cùng một địa phương như Quỹ phát triển đất và Tổ chức phát triển quỹ đất, có trùng lặp nhau về chức năng, nhiệm vụ; có phù hợp với quy luật chung không?


Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại vấn đề thu hồi đất

Còn với Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai: Dự thảo Luật Đất đai cần nghiên cứu thêm lợi ích quốc gia, lợi ích tư kèm theo những quy định về mục đích, thẩm quyền tương ứng.

Riêng với quy định hỗ trợ để chuyển đổi nghề cho người dân mất đất, liệu cơ quan quản lý có bao giờ đi kiểm tra xem người dân sau khi mất đất sống bằng nghề gì, thu nhập bao nhiêu để ổn định cuộc sống? Hòa giải đất đai được quy định trong dự thảo Luật cần cụ thể hơn bởi đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, hạn chế được khiếu kiện kéo dài.

“Theo tôi, Luật nên bổ sung thêm trách nhiệm cho UBND xã, đồng thời thành lập Tổ hòa giải riêng để quy trình tiến hành cho chắc chắn” - bà Mai phân tích.

Tán thành với nhận xét của bà Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường QH Phan Trung Dũng tiếp lời luôn: Đất đai nằm trong mối quan hệ 3 bên: nhà nước - doanh nghiệp - người dân. Trên thực tế việc thu hồi đất chỉ còn lại hai nhóm nhà nước và người dân, bởi doanh nghiệp chỉ quan tâm “tôi đưa tiền cho nhà nước rồi nên lúc nào tôi nhận đất”.

Đó chính là một phần lý do dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện. Vì vậy, để tạo ra được sự công bằng, tránh kiện cáo thì chỉ còn cách nhà nước phải bổ sung và phân định rõ trong Luật: Người dân được quyền gì khi rời bỏ mảnh đất mà họ đã từng sống?

Định giá đất, cấp nào?

“Giá đất bồi thường cho dân mất đất” cũng là đề tài được phần lớn đại biểu quan tâm. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển mổ xẻ: Hiện nay có hai loại giá đất: đất để thực hiện nghĩa vụ với nhà nước (thu thuế) thì có khung cứng và giá đất đền bù cho người dân (do UBND tỉnh quy định) thì mềm. Có nghĩa, cùng 1 loại đất mà có 2 mức giá khác nhau nên càng dễ gây bức xúc trong nhân dân.

Ông Hiển dẫn chứng: Cùng một khu đất nhưng tôi ở xóm A, nhận giá bồi thường thấp hơn anh ở xóm B. Điều này liệu có chấp nhận được không? Tại sao không chuyển hết cho địa phương ban hành chung một giá đất bồi thường, vừa hạn chế sự bất công, cũng để Chính phủ bớt đi gánh nặng?

Ngoài ra, ông Hiển cũng đề nghị nhà nước phải có thêm chính sách hỗ trợ bổ sung nếu như giá tiền lúc làm thủ tục và nhận tiền chênh nhau nhiều. Riêng đối với khu đất của doanh nghiệp, nhà nước cũng cần điều tiết để tạo điều kiện cho DN có thêm điều kiện để đầu tư. “Như thế mới thỏa đáng, công bằng và hạn chế sự tranh chấp” - ông Hiển nói.

Giá đất bồi thường “nóng” khiến cho Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng vào cuộc. Theo Chủ tịch QH, đất đai là tài sản vừa có tính kinh tế, vừa có tính chính trị. Lần này trình trước QH lần thứ 6, dự Luật cần làm rõ: trường hợp nào thì mới thu hồi đất đai (vì mục đích quốc phòng, an ninh, quốc gia, công cộng, kinh tế - xã hội…) và cấp có thẩm quyền quyết định.

Đặc biệt, dự thảo Luật phải làm rõ một nội dung rất quan trọng: đó là giá đất đền bù cho người dân sao cho phải sát với giá thị trường. Chủ tịch QH nhắc lại: địa phương phải quyết định giá đất sau khi dựa theo khung giá của nhà nước.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu phát biểu: Cứ nói dự án quốc gia như cầu, đường, khu công nghiệp để thu hồi đất nhưng về bản chất, đấy cũng là dự án có tính kinh tế. Nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng để làm điều này. Luật lần này phải làm rõ, để hạn chế thu hồi đất tràn lan, khiếu kiện kéo dài.

Ngoài ra, về giá bồi thường, nên theo giá đang sử dụng (đất nông nghiệp đền bù theo đất nông nghiệp; đất ở theo giá đất ở) và nhất là mỗi dự án thì phải có 1 giá duy nhất. Điều này nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Nhà nước là “ông chủ” quyết định giá nhưng để khách quan thì cần phải có cơ quan tư vấn.

Sáng 12/9, Trưởng ban Công tác đại biểu QH Nguyễn Thị Nương cho hay, kỳ họp QH lần thứ 6, khóa XIII dự kiến có 35 ngày làm việc (từ ngày 21/10-3/12). Đây là kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng như miễn nhiệm chức danh Phó Thủ tướng của ông Nguyễn Thiện Nhân do ông Nhân vừa được cử làm Chủ tịch UBTUWMTTQ Việt Nam; bầu bổ sung một số chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và Phó Chủ nhiệm Ủy ban; dành 4 ngày xem xét, thông qua dự thảo Hiến pháp sửa đổi.

Bên cạnh 2,5 ngày thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn như thông lệ, QH sẽ dành nửa ngày nghe và trao đổi về báo cáo của một số bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, 4 và 5; xem xét báo cáo về quá trình và kết quả thực hiện Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan.

Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Đây là cơ sở quan trọng cho việc quyết định định hướng phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2014 và 2015.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cảnh báo: Vùng núi Bắc bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Các chuyên gia cảnh báo, trong những ngày tới, mưa lớn có nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi Bắc bộ.