| Hotline: 0983.970.780

Đất đai nông, lâm trường như mớ bùng nhùng

Thứ Tư 11/11/2015 , 06:35 (GMT+7)

Mặc dù được hà hơi, tiếp sức, nhưng dường như, công cuộc chuyển đổi, vực dậy các NLT kết quả đến nay vẫn chưa như mong đợi./ Hai Bộ trưởng thẳng thắn nhận trách nhiệm

* 1ha đất NLT nộp thuế 90.000 đồng

* Nhiều NLT “chết” nhưng không thể “chôn” được

Trải qua bao thế hệ đổ mồ hôi sôi nước mắt mở núi băng rừng khai khẩn, vun đắp, một hệ thống nông lâm trường (NLT) được hình thành phát huy giá trị to lớn. Tuy nhiên, trong công cuộc đổi mới, cùng với việc xóa bỏ nền kinh tế bao cấp, nhiều NLT tỏ rõ sự đuối sức, hụt hơi trong thời mở cửa, hội nhập.

Mặc dù được hà hơi, tiếp sức, nhưng dường như, công cuộc chuyển đổi, vực dậy các NLT kết quả đến nay vẫn chưa như mong đợi.

Ngày 10/11, Quốc hội dành thời gian cả ngày thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật quản lý và sử dụng đất đai tại các NLT quốc doanh giai đoạn 2004 – 2014.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, vấn đề thảo luận là thực hiện chức năng giám sát tối cao của Quốc hội. Chủ đề chọn ra là một vấn đề rất đúng, rất trúng và được sự quan tâm của nhiều cử tri.

Buông lỏng quản lý

Báo cáo trước Quốc hội, ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, trưởng đoàn giám sát cho biết: Sau sắp xếp, diện tích của các Cty nông lâm nghiệp (NLT trước đây) và BQL rừng đang quản lý, sử dụng 4.013.784ha.

Trong đó, hơn 3,7 triệu ha tự tổ chức sản xuất; 41.972ha sử dụng liên doanh liên kết với tổ chức khác; 508ha được sử dụng để góp vốn SXKD; 14.318ha đang cho thuê, cho mượn; 73.900ha chuyển nhượng trái pháp luật, bị lấn chiếm tranh chấp chưa giải quyết xong; 152.330ha chưa sử dụng hoặc dùng vào mục đích khác.

Đánh giá của đoàn giám sát cho thấy việc sử dụng đất NLT kém hiệu quả; giao khoán, sử dụng sai mục đích, sai đối tượng khá nhiều dẫn đến thất thoát, lãng phí tài nguyên. Hiệu quả SXKD chưa cao, đóng góp nguồn thu cho xã hội và NSNN chưa tương xứng với nguồn lực. Cụ thể, trong 10 năm các NLT đóng góp NSNN được 1.809 tỷ đồng.

Số liệu này, các ĐBQH cho rằng rất đáng lo ngại. Có ĐBQH tỉ mẩn tính toán rằng, trừ những diện tích đất không sử dụng thì các NLT cũng có trong tay 2 – 3 triệu ha đất nhưng nộp tất cả các loại thuế cho Nhà nước chỉ hơn 1.800 tỷ đồng, chia ra mỗi năm là 180 tỷ đồng.

Đóng góp như thế không bằng một nhà máy. ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng, mỗi ha một năm chỉ nộp 90.000 đồng thì đủ mua 5kg gạo mà thôi! Trưởng đoàn giám sát Ksor Phước cho rằng, con số trên có nghi ngờ nhưng không có gì để bác bỏ!

Đáng chú ý việc giao khoán đất rừng còn phức tạp, buông lỏng quản lý. Có tình trạng khoán trắng, người nhận khoán tự chuyển nhượng hợp đồng giao khoán, xây dựng nhà ở kiên cố trên đất giao khoán.

Điển hình một số NLT trên địa bàn Hà Nội. Một số NLT để người nhận khoán chuyện nhượng đất cho người ở TP, địa phương khác không nhằm mục đích SXKD nông nghiệp mà để đầu cơ, chờ cơ hội bán đất kiếm lời.

Thậm chí, có những đơn vị có phần lớn diện tích đất của NLT trước đây giao khoán cho người lao động, do không quản lý chặt số diện tích này đã bị chuyển mục đích sử dụng, chuyển nhượng trái phép từ trước khi cổ phần hóa, không thu hồi được.

Trong 10 năm đã thực hiện 8 cuộc thanh tra phát hiện sai phạm về kinh tế 229 tỷ đồng và 679.056 ha đất; kiến nghị thu hồi nộp NSNN 126 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 103 tỷ đồng. Tình trạng không chấp hành, chậm khắc phục theo các kết luận thanh tra, kiểm toán khá phổ biến.

18-18-01_db-nguyen-thi-hi-nghe-n
ĐB Nguyễn Thị Hải (Nghệ An) đề nghị phải minh bạch thông tin trong quản lý đất NLT

Theo Bộ Tài chính, hiện nay một số Cty nông, lâm nghiệp thuộc diện giải thể theo Nghị định 118/2014/NĐ – CP đã mất hết vốn chủ sở hữu và rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán nên phải phá sản theo quy định của Luật phá sản. Tuy nhiên, cũng theo Nghị định 118 sẽ không có hình thức phá sản đối với các Cty nông, lâm nghiệp mà chỉ có hình thức giải thể. Do vậy không xử lý được các tồn tại và giao lại đất đai cho địa phương quản lý. Đó chính là thực trạng NLT “chết” nhưng không thể “chôn” được.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các NLT còn chậm, đến nay còn 43,5% số đơn vị với 54,2% diện tích chưa được cấp bìa đỏ.

Cơ chế chính sách thiếu đồng bộ

Phát biểu tại Quốc hội, nhiều ĐBQH cho rằng, hiện các NLT đang quản lý diện tích đất đai khá lớn, song bên cạnh những NLT sau chuyển đổi đã vực lên được thì còn rất nhiều NLT sử dụng đất kém hiệu quả, lãng phí. Năng suất, sản lượng đạt thấp, SXKD thua lỗ, một số NLT chỉ “phát canh thu tô”, thậm chí số khác đang trên bờ vực phá sản, “chết” nhưng không thể “chôn”.

Theo ĐB Nguyễn Thị Hải (Nghệ An) tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các NLT diễn ra thường xuyên trong thời gian dài và nhiều vụ việc phức tạp gây nên xung đột, mâu thuẫn gay gắt giữa người dân địa phương và các Cty. Phần nào là do người dân thiếu đất sản xuất, trong khi các Cty nông lâm nghiệp quản lý quá nhiều đất, không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả.

ĐB Hải cho biết, đồng bào Dao, Nùng tại xã Minh Sơn (Hữu Lũng, Lạng Sơn) thiếu đất sản xuất phổ biến, bình quân chỉ có 0,18 ha đất ruộng/hộ, đất rừng mới chỉ giao 0,12 ha/hộ còn lại thuộc quyền quản lý của Cty lâm nghiệp Đông Bắc.

Tại bản Khe Cát, xã Trường Sơn (Quảng Ninh, Quảng Bình) có 70 hộ 100% dân tộc Vân Kiều, diện tích đất SXNN của cả bản bình quân chỉ có 0,15ha/hộ, trong khi đó 91,5% diện tích đất rừng của xã lại do các tổ chức nhà nước quản lý. Điều này gây ra bức xúc không chỉ người dân nghèo mà cho cả chính quyền địa phương.

ĐB Hải đề nghị cần minh bạch thông tin trong quản lý sử dụng đất của các Cty nông lâm nghiệp. Đây là giải pháp phải được quan tâm thỏa đáng. Bởi vì về tổng diện tích quản lý và sử dụng, đặc biệt liên quan đến thay đổi và sử dụng đất và tài nguyên rừng cần phải được công khai, minh bạch. Người dân tại chỗ cần được ưu tiên trong giao khoán.

Cho rằng không thể nhìn những hạn chế trong quản lý, sử dụng đất NLT chỉ do thiếu trách nhiệm hay năng lực của bộ máy, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) khẳng định còn do cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, không khả thi trong tổ chức thực hiện pháp luật về đất đai. Suốt 10 năm qua chỉ thanh tra, kiểm tra có 8 cuộc nhưng kết quả thu hồi thiệt hại không rõ và xử lý không nghiêm minh. Việc đùn đẩy trách nhiệm cho địa phương là chưa thỏa đáng.

Qua giám sát cho thấy diện tích bị lấn chiếm, tranh chấp ở các địa phương lớn hơn rất nhiều. Tỉnh Bình Phước có 56.225ha đất lâm nghiệp bị xâm canh, lấn chiếm, có đơn vị như BQL rừng phòng hộ Bù Đăng gần như phần lớn diện tích được giao quản lý bị lấn chiếm với diện tích lên đến 26.362 ha. 
Tỉnh Đăk Nông: Diện tích rừng bị chặt phá tại Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín có 969 ha, Cty Quảng Sơn 1.900 ha, Cty Đăk Rmăng 1.610 ha và 1.960 ha rừng giao khoán theo nghị định 135/2005 bị chặt phá. Tỉnh Đăk Lăk có 19.286 ha diện tích rừng bị tranh chấp, lấn chiếm chưa được giải quyết dứt điểm.

 

Xem thêm
Nhiều lãnh đạo xã, phường của TP Hạ Long xin nghỉ hưu trước tuổi

QUẢNG NINH Trong số 12 lãnh đạo xã, phường của TP Hạ Long xin nghỉ chế độ trước thời hạn thì có 4 người sinh năm 1970, 1971, 1973.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Ưu tiên nuôi tôm theo mô hình tuần hoàn, kinh tế xanh

Bạc Liêu Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh rằng, để ngành tôm nước lợ bứt phá và phát triển bền vững cần phải thay đổi tư duy và cách làm.

Từ 1/3, ô tô điện không còn được miễn 100% lệ phí trước bạ

Bắt đầu từ ngày 1/3/2025, ô tô điện chạy pin đăng ký lần đầu tại Việt Nam sẽ không còn được hưởng mức lệ phí trước bạ 0% như trước.

Cá chết bất thường gần nhà máy tinh bột sắn ở Tây Ninh

Dù đang trong quá trình xử lý vi phạm về việc xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, một doanh nghiệp tinh bột sắn vẫn có dấu hiệu tái diễn hành vi.