| Hotline: 0983.970.780

Đất mỏ có thêm 11 mã số vùng trồng mới

Chủ Nhật 18/09/2022 , 10:52 (GMT+7)

QUẢNG NINH Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật đã ra văn bản thông báo Quảng Ninh có thêm 11 mã số vùng trồng có đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường nước ngoài.

Nhà lưới trồng lan hồ điệp tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Nguyễn Thành

Nhà lưới trồng lan hồ điệp tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Nguyễn Thành

Cụ thể, 4 vùng trồng quế, 2 vùng trồng lúa tại huyện Đầm Hà, 1 vùng trồng ba kích và 1 vùng trồng trà hoa vàng ở huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) đã đáp ứng tiêu chuẩn cơ sở về quy trình thiết lập và giám sát mã số vùng trồng (TCCS 774:2020/BVTV), đủ điều kiện để cấp mã số xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi xuất khẩu các sản phẩm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ninh cần hướng dẫn vùng trồng và nhà xuất khẩu tìm hiểu kỹ các quy định, để chủ động tuân thủ điều kiện của nước nhập khẩu. Trong trường hợp cần thêm thông tin, các đơn vị xuất khẩu liên hệ với Cục Bảo vệ thực vật để được hỗ trợ.

Bên cạnh 8 vùng trồng trên, 2 vùng trồng ổi ở xã Sơn Dương, xã Dân Chủ và 1 nhà lưới trồng lan hồ điệp ở xã Lê Lợi (TP Hạ Long) đã đáp ứng được yêu cầu TCCS 774:2020/BVTV, đủ điều kiện để cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Đối với thị trường Trung Quốc, quả ổi vẫn chưa được nhập khẩu chính thức. Do vậy, ngay sau khi được phép nhập khẩu chính ngạch, Cục Bảo vệ thực vật sẽ thông báo để Chi cục biết và thực hiện.

Còn đối với thị trường EU, theo quy định kiểm dịch thực vật của khu vực này, vùng trồng cây thuộc họ Psidium không được nhiễm ruồi đục quả Tephritidea. Căn cứ vào hồ sơ đề nghị của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Ninh, vùng trồng ổi của các hợp tác xã chưa đủ điều kiện để gắn mã số vùng trồng xuất khẩu đi EU.

Trong trường hợp vùng trồng muốn được cấp mã số xuất khẩu đi EU, đề nghị Chi cục hướng dẫn vùng trồng thực hiện theo quy định của EU tại văn bản số 2019/2072 (Commission Implementing Regulation (EU) 2019/2072). Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Chi cục tiếp tục kiểm tra, giám sát các vùng trồng, đặc biệt là tổ chức giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, để đáp ứng quy định của nước nhập khẩu. 

Như vậy, từ năm 2018 đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ninh đã có tổng số 25 vùng trồng trọt được cấp mã vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu nông sản và có 7 cơ sở đóng gói hoa quả được cấp mã.

Quảng Ninh hiện có nhiều sản phẩm nông sản có thế mạnh được đầu tư sản xuất tập trung. Việc quan tâm đẩy mạnh đăng ký và cấp mã số vùng trồng được coi là "vé thông hành" cho nông sản Quảng Ninh xuất ngoại, đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính nhất.

Vùng trồng ổi tại xã Sơn Dương (TP Hạ Long) theo tiêu chuẩn VietGAP đã được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Viết Cường.

Vùng trồng ổi tại xã Sơn Dương (TP Hạ Long) theo tiêu chuẩn VietGAP đã được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Viết Cường.

Được biết, đến tháng 12/2019, Quảng Ninh đã có 14 vùng trồng trọt và 5 cơ sở đóng gói được Trung Quốc cấp mã đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường này. Bao gồm 7 vùng trồng vải ở Đông Triều, Uông Bí; 4 vùng trồng thanh long ở Móng Cái, Uông Bí; 5 cơ sở đóng gói nhãn, vải, thanh long, măng cụt... phục vụ xuất khẩu tại Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Móng Cái.

Có nhiều lý do khiến cho suốt thời gian hơn 2 năm qua Quảng Ninh chưa có vùng trồng được cấp mã số mới, trong đó có sự ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thị trường giàu tiềm năng Trung Quốc ngừng nhập hàng khiến cho một số cơ sở được cấp mã số vùng trồng, hoặc đang trong quá trình nâng cấp để đạt tiêu chí nhưng không còn mặn mà đầu tư thêm do đầu ra khó khăn.

Việc cấp mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm.

Mố số quốc gia yêu cầu trái cây của phía Việt Nam phải có mã số vùng trồng mới được phép xuất khẩu sang các nước này như: Hoa Kỳ, Úc, Trung Quốc. Đối với các vùng trồng đã được cấp mã số, nước nhập khẩu có thể sang Việt Nam để kiểm tra đột xuất bất kỳ lúc nào về tình hình sản xuất, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm… tại các vùng trồng.

Theo quy định của Trung Quốc, quả tươi nhập khẩu vào nước này bắt buộc phải có thông tin truy xuất nguồn gốc và yêu cầu Cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu phải cung cấp thông tin mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói quả tươi cho Cơ quan thẩm quyền của phía Trung Quốc.

Để đảm bảo xuất khẩu quả tươi thuận lợi, đáp ứng quy định của nước nhập khẩu, Bộ NN-PTNT đã đề nghị UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện cấp thông tin vùng trồng và cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu

Mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết và bắt buộc đối với những thị trường xuất khẩu khó tính và là một trong những yếu tố phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tại cửa khẩu, Hải quan nước nhập khẩu sẽ kiểm tra nguồn gốc các lô hàng thông qua tem truy xuất nguồn gốc. Nếu lô hàng không nằm trong các vùng trồng đã được cấp mã số thì sẽ bị từ chối nhập khẩu.

Ông Nguyễn Trung Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khẳng định, việc cấp mã số vùng trồng là điều kiện bắt buộc để nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Người dân không phải mất chi phí đăng ký mà chỉ cần đáp ứng đủ các tiêu chí về diện tích, ATTP, kiểm soát sinh vật gây hại. Ngoài ra, các địa phương cần hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy định.

Mã số vùng trồng tạo sự thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, đồng thời, đảm bảo nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường phải đúng nguồn gốc tại vùng trồng đó, tránh việc trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng đã được cấp mã số.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.