| Hotline: 0983.970.780

Đặt mục tiêu tiêm phòng cho đàn vật nuôi đạt trên 90%

Thứ Năm 17/10/2024 , 18:27 (GMT+7)

AN GIANG Trong bối cảnh tỉnh An Giang đang đối diện với những thách thức về dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, công tác tiêm phòng vacxin trở thành yếu tố then chốt.

Mục tiêu của ngành thú y An Giang đưa ra đến cuối năm tiêm phòng  vacxin cho đàn vật nuôi trên địa bàn phải đạt trên 90%. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mục tiêu của ngành thú y An Giang đưa ra đến cuối năm tiêm phòng  vacxin cho đàn vật nuôi trên địa bàn phải đạt trên 90%. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

An Giang có tổng đàn gia súc, gia cầm khá lớn, việc triển khai các chiến dịch tiêm phòng đang được chú trọng để đạt chỉ tiêu kế hoạch từ đây đến cuối năm 2024, qua đó giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh, chú trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi.

Theo thống kê, tính đến nay tổng số lượng đàn gia súc và gia cầm tại An Giang đã có những biến động đáng kể. Đàn trâu, bò có khoảng 48.000 con, trong khi đó đàn bò chiếm phần lớn với 45.700 con. Đàn heo có hơn 148.000 con, tăng 8.100 con so với cùng kỳ.

Trong đó, đàn heo thịt chiếm tỷ trọng lớn với 121.300 con, tăng 10.700 con. Đàn heo nái giảm nhẹ còn gần 15.000 con, trong khi đàn heo đực giống giảm mạnh, chỉ còn 383 con.

Đàn gia cầm của An Giang khoảng 7 triệu con, trong đó đàn gà tăng lên hơn 2,8 triệu con. Đặc biệt, đàn vịt có số lượng lớn với hơn 4,1 triệu con, bao gồm cả vịt chạy đồng. Số lượng vịt đẻ trứng vẫn giữ đà ổn định ở mức gần 3,5 triệu con. Ngoài ra, đàn chó, dê và thỏ cũng có sự gia tăng nhẹ, cho thấy sự đa dạng trong ngành chăn nuôi ở An Giang.

Ông Trần Tiến Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang cho biết: An Giang là một trong những địa phương có quy mô chăn nuôi lớn ở khu vực ĐBSCL, với sự đa dạng về loài vật nuôi công nghiệp và phương thức chăn thả. Điều này đặt ra những thách thức lớn trong việc đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt yêu cầu, đặc biệt khi một số loài gia súc, gia cầm di chuyển nhiều như vịt chạy đồng, hay đàn trâu, bò nuôi thả rông.

Đối với tỉnh An Giang, công tác tiêm phòng gặp không ít khó khăn do đặc thù chăn nuôi ở địa phương. Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phương thức chăn nuôi thả rông phổ biến làm cho việc tiếp cận đàn vật nuôi để tiêm phòng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc tiêm vacxin, dẫn đến việc không hợp tác trong quá trình triển khai tiêm phòng.

Hiện nay, với tổng đàn heo tăng mạnh và số lượng gia cầm lớn, việc đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng vacxin đúng hạn cho tất cả các loài là nhiệm vụ trọng yếu.

Đối với gia cầm, trong 9 tháng đầu năm toàn tỉnh An Giang đã tiêm vacxin cúm H5N1 cho 5,7 triệu con (đối với vịt 5,2 triệu con và gà 528.796 con). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đối với gia cầm, trong 9 tháng đầu năm toàn tỉnh An Giang đã tiêm vacxin cúm H5N1 cho 5,7 triệu con (đối với vịt 5,2 triệu con và gà 528.796 con). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, công tác tiêm phòng vacxin trên gia súc, gia cầm ở An Giang như sau: trên đàn heo tiêm vacxin dịch tả, tụ huyết trùng được 124.281 con, lở mồm lông móng heo 101.545 con, tai xanh 95.110 con và dịch tả heo Châu Phi là 3.485 con. Trên trâu, bò: tiêm vacxin tụ huyết trùng 24.866 con, lở mồm lông móng trâu bò 73.558 và tiêm vacxin viêm da nổi cục trâu, bò là 16.385 con với lũy kế còn bảo hộ đến nay là 41.173 con đạt tỷ lệ 85% so với tổng đàn.

Đối với gia cầm, tiêm vacxin cúm H5N1 là 5,7 triệu con (đối với vịt 5,2 triệu con và gà 528.796 con). Công tác phòng, chống bệnh dại cho đàn chó, mèo nuôi được 34.674 con đạt tỷ lệ 89% so với tổng đàn 39.048 con.

Theo ông Hiệp, để đảm bảo đạt được các chỉ tiêu tiêm phòng vacxin từ nay đến cuối năm 2024, ngành nông nghiệp An Giang đã và đang triển khai một loạt các biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác tiêm phòng.

Kế hoạch, đến cuối năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu tiêm phòng cho ít nhất 90% tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn. Một trong những biện pháp quan trọng là tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của tiêm phòng.

Trong thời gian qua, Chi cục Thú y đã phối hợp với các xã, phường để tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách nhận biết các dấu hiệu bệnh tật trên vật nuôi, cũng như tầm quan trọng của vacxin trong việc phòng ngừa dịch bệnh.

Bên cạnh đó, ngành thú Thú y cũng triển khai các đội tiêm phòng lưu động để tiếp cận những vùng có đặc thù chăn nuôi thả rông, như các khu vực chăn nuôi trâu, bò hoặc vịt chạy đồng. Các đội tiêm phòng được trang bị đầy đủ phương tiện và vacxin cần thiết, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêm phòng tại chỗ cho các hộ chăn nuôi.

Ông Trần Văn Lợi, một hộ chăn nuôi vịt đẻ chạy đồng ở xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, chia sẻ: “Chúng tôi hiểu rõ tầm quan trọng của việc tiêm vacxin cho vật nuôi. Dịch bệnh bùng phát một lần là thiệt hại rất lớn, cả về kinh tế lẫn sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, do đàn vịt của chúng tôi thường xuyên di chuyển để kiếm ăn nên việc sắp xếp thời gian tiêm phòng gặp khá nhiều khó khăn. Chúng tôi mong rằng các đội tiêm phòng có thể linh hoạt hơn trong việc đến tận nơi để hỗ trợ”.

Hiện nay, với tổng đàn heo tăng mạnh và số lượng gia cầm lớn, việc đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng vacxin đúng hạn cho tất cả các loài là nhiệm vụ trọng yếu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay, với tổng đàn heo tăng mạnh và số lượng gia cầm lớn, việc đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng vacxin đúng hạn cho tất cả các loài là nhiệm vụ trọng yếu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lan, một hộ nuôi heo với số lượng gần 40 con ở xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, cho biết: Việc tiêm phòng vacxin cho đàn heo của gia đình bà được thực hiện đều đặn hàng năm, nên tỷ lệ đàn heo bị dịch bệnh hay vấn đề khác rất ít xảy ra.

Chính việc tuân thủ tiêm phòng vacxin định kỳ nên đàn heo của bà Lan rất khỏe mạnh và mau xuất xuồng bán cho thương lái. Bà Lan đang chuẩn bị xuất bán 10 con heo đang tới lứa, với giá trên 60.000 đồng/kg thịt hơi, giúp bà có thêm chi phí lo cho đàn heo còn lại để xuất bán vào dịp cuối năm.

Công tác tiêm phòng vacxin cho gia súc, gia cầm ở An Giang đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng với những nỗ lực từ phía cơ quan chức năng và sự hợp tác của người dân, An Giang hy vọng sẽ đạt được chỉ tiêu tiêm phòng đúng kế hoạch vào cuối năm 2024.                

Xem thêm
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai thăm dự án trang trại chăn nuôi 1.000 tỷ đồng

Ngày 17/10, Đoàn lãnh đạo tỉnh Gia Lai làm việc tại dự án Khu trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai.

Hơn 1.000ha dừa tại 6 tỉnh bị sâu đầu đen tấn công

TIỀN GIANG Đến tháng 10/2024, sâu đầu đen được ghi nhận xuất hiện tại 7 tỉnh và đang gây hại tại 6 tỉnh với diện tích nhiễm gần 1.010ha.

Tiềm năng ứng dụng hệ sinh thái số RiceMoRe

Theo Trưởng nhóm Biến đổi khí hậu của IRRI, sự ra mắt RiceMoRe thể hiện sự đi trước của Việt Nam về đổi mới công nghệ trong sản xuất lúa gạo, giảm phát thải.

Bình luận mới nhất