Trao đổi tại Diễn đàn “Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long nhấn mạnh: “Việt Nam có thể tự hào là sản xuất được nhiều vacxin phòng, ngừa bệnh trên đàn vật nuôi, kể cả các loại vacxin phức tạp nhất, đặc biệt là vacxin phòng cúm gia cầm và dịch tả lợn Châu Phi nhờ làm chủ được khoa học, công nghệ".
TS Nguyễn Văn Long cũng chia sẻ, tỷ lệ sử dụng vacxin cúm gia cầm do Việt Nam sản xuất hiện chiếm trên 60% thị phần trong nước, nhờ tính hiệu quả và sự chủ động trong điều chỉnh các chủng vacxin mới. Các sản phẩm này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi mà còn giúp ngăn ngừa tình trạng kháng thuốc, một vấn đề đang được toàn cầu quan tâm sâu sắc.
Ngoài việc phát triển vacxin, công nghệ sinh học cũng được ứng dụng mạnh mẽ trong các lĩnh vực khác của ngành thú y, bao gồm chẩn đoán xét nghiệm, kiểm soát kháng sinh và quản lý dịch bệnh. Điều này đặc biệt quan trọng khi Việt Nam là một trong 15 thị trường tiêu thụ sản phẩm động vật lớn nhất thế giới, đồng thời liên tục đối mặt với những mầm bệnh mới từ quốc tế. Mỗi năm, có ít nhất một chủng mầm bệnh mới xâm nhập vào Việt Nam, đòi hỏi hệ thống thú y phải liên tục cập nhật và nâng cấp các phương pháp chẩn đoán và phòng bệnh.
Theo ông Long, các nhóm bệnh trên vật nuôi chủ yếu chia 2 loại: chỉ xuất hiện trên đàn vật nuôi và có thể lây truyền sang người. Đáng chú ý, gần đây Việt Nam đã ghi nhận một số chủng virus phức tạp, như virus cúm A(H5) gây bệnh trên hổ tại Đồng Nai và Long An, hay bệnh trên bò sữa tại Lâm Đồng.
Hơn nữa, một trong những thách thức lớn nhất mà ngành thú y Việt Nam đang đối mặt là tình trạng sử dụng kháng sinh không kiểm soát trong thức ăn chăn nuôi. Ông Long nhấn mạnh, việc lạm dụng kháng sinh không chỉ tạo ra nguy cơ kháng thuốc mà còn gây ra những vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và vật nuôi. Do đó, Cục Thú y đang thúc đẩy việc thay thế kháng sinh bằng các sản phẩm sinh học và vacxin chuồng, nhằm đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Đặc biệt, đối phó với các bệnh mới nổi, ngành Thú y Việt Nam không thể thiếu sự hợp tác quốc tế. Việc liên tục tiếp nhận các công nghệ tiên tiến và các chế phẩm sinh học từ các nước phát triển đã giúp Việt Nam nâng cao năng lực quản lý và phòng chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, ngành Thú y vẫn đang đối mặt với một số khó khăn về cơ chế và chính sách. Một trong những vấn đề chính là quy trình phê duyệt và triển khai các dự án công nghệ còn chậm chạp, dẫn đến tình trạng các nghiên cứu khoa học không được ứng dụng kịp thời vào thực tiễn.
“Trình một dự án công nghệ theo cơ chế Nhà nước mất nhiều thời gian, có thể khiến nghiên cứu cơ bản của Việt Nam bị teo tóp”, lãnh đạo Cục Thú y bày tỏ và đề xuất, có một mô hình cởi mở hơn giữa cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp để sớm đưa các nghiên cứu ra thực tiễn.
Ngoài ra, cơ chế đấu thầu mua sắm hiện cũng là một rào cản lớn đối với các viện nghiên cứu và đơn vị thú y. Quy trình phức tạp và tốn kém về tiền bạc, thời gian khiến việc tiếp cận nguyên liệu, trang thiết bị gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ nghiên cứu và sản xuất các chế phẩm sinh học.
Vậy, việc ứng dụng công nghệ sinh học không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố quyết định giúp ngành Thú y Việt Nam nâng cao năng lực quản lý dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe vật nuôi và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
“Nếu không có sự thay đổi trong quản lý và chính sách, ngành Thú y Việt Nam sẽ khó cạnh tranh và bắt kịp với những tiến bộ khoa học công nghệ trên thế giới”, lãnh đạo Cục thú y khẳng định.