| Hotline: 0983.970.780

Đất từ dự án điện gió Công ty Đăk N’Drung 2, 3 lấp chết cây trồng

Thứ Hai 05/07/2021 , 10:20 (GMT+7)

Các hộ dân tại xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song (Đăk Nông) gửi đơn phản ánh việc công ty điện gió làm tràn đất xuống gây chết cây trồng.

Đăk Nông bước vào mùa mưa nên đất từ các dự án xây dựng trụ điện gió của Công ty TNHH MTV năng lượng Đăk N’Drung 2, 3 ở xã Thuận Hạnh theo nước tràn xuống rẫy, gây chết cây trồng với số lượng lớn.

Chủ đầu tư hứa mãi nhưng chưa thấy bồi thường

Ông Mai Quang Thanh (ngụ thôn Thuận Nam, xã Thuận Hạnh) cho biết, khoảng 2 tháng trước mưa lớn khiến đất thi công trụ điện gió số 51 của Công ty TNHH MTV năng lượng Đăk N’Drung 2 tràn xuống rẫy của gia đình gây chết hàng trăm cây tiêu, cà phê và sầu riêng.

Sau khi xảy ra sự việc, ông Thanh đã báo chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cũng như chủ đầu tư xuống thống kê thiệt hại.

Đất từ dự án điện gió tràn xuống lấp cây trồng của ông Đỗ Ngọc Hải (ngụ thôn Thuận Thành, xã Thuận Hạnh). Ảnh: Q.Y.

Đất từ dự án điện gió tràn xuống lấp cây trồng của ông Đỗ Ngọc Hải (ngụ thôn Thuận Thành, xã Thuận Hạnh). Ảnh: Q.Y.

“Đất tràn xuống gây chết 115 trụ tiêu trồng 2015, 16 cây sầu riêng ghép năm 2016; 122 cây cà phê trồng năm 2013 cùng hàng chục cây trồng khác. Đặc biệt hồ tưới và giếng nước tại rẫy của gia đình cũng bị đất vùi lấp. Huyện đã xuống thống kê thiệt hại và đề nghị chủ đầu tư bồi thường cho dân thì đơn vị này đồng ý. Tuy nhiên đến nay hơn 2 tháng, chủ đầu tư hứa 3 lần nhưng vẫn chưa thấy bồi thường cho dân”, ông Thanh bức xúc.

Tương tự, ông Đỗ Ngọc Hải (ngụ thôn Thuận Thành, xã Thuận Hạnh), cũng bị đất từ trụ Tubin điện gió số 80 của Công ty TNHH MTV năng lượng Đăk N’Drung 3 tràn xuống gây chết cây trồng.

Ngày 2/6, mưa lớn khiến bùn, đất từ trụ điện gió tràn xuống vùi lấp, gây chết cây trồng. Gia đình báo chính quyền địa phương xuống thống kê thì có hơn 200 cây trồng bị ảnh hưởng.

Sau đó mấy ngày, mưa lớn thì đất từ dự án tiếp tục đổ xuống rẫy của gia đình vùi lấp thêm hơn 200 cây.

Nước từ tụ Tubin số 80 tràn xuống gây xói mòn đất, lấp cây trồng của dân. Ảnh: Q.Y.

Nước từ tụ Tubin số 80 tràn xuống gây xói mòn đất, lấp cây trồng của dân. Ảnh: Q.Y.

“Hiện nay mới bắt đầu vào mùa mưa nhưng chủ đầu tư không làm đường mương thoát nước thì sắp tới đất sẽ tiếp tục tràn vào gây chết cây trồng. Hôm mới vào thi công gia đình đã có ý kiến việc thi công không làm mương đất sẽ tràn xuống rẫy dân. Tuy nhiên đại diện công ty chỉ nói khi nào ảnh hưởng sẽ tính”, ông Hải nói.

Ông này cho biết thêm đến nay gần một tháng nhưng chủ đầu tư chưa chịu bồi thường. Chúng tôi đã làm đơn lên xã nhưng chưa được giải quyết. “Chủ đầu tư không chịu bồi thường nên gia đình đã dùng cọc rào lại không cho đơn vị này thi công nữa”, ông Hải nói thêm.

Chưa thống nhất được giá bồi thường

Theo thống kê của Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất  (QLDA-PTQĐ) huyện Đăk Song thì có 16 hộ dân tại xã Thuận Hạnh bị đất từ dự án điện gió tràn xuống gây chết cây trồng.

Một lãnh đạo Ban QLDA-PTQĐ huyện Đăk Song cho biết từ ngày 1-3/6, đơn vị phối hợp với Công ty TNHH MTV năng lượng Đăk N’Drung 2, 3 và UBND xã Thuận Hạnh tiến hành kiểm kê xác minh thiệt hại nguyên nhân do trời mưa làm nước chảy cuốn theo đất vùi lấp ảnh hưởng cây cối và vật kiến trúc của người dân.

Qua kiểm tra, trong quá trình thi công nước chảy xói mòn, vùi lấp cây cối, không ảnh hưởng thu hồi đất, nên không tính bồi thường về đất đai cho các hộ gia đình trên.

Khu vực hứng nước mưa của trụ điện gió bị hư hỏng sau 1 trận mưa lớn. Ảnh: Q.Y.

Khu vực hứng nước mưa của trụ điện gió bị hư hỏng sau 1 trận mưa lớn. Ảnh: Q.Y.

Theo đó Ban QLDA-PTQĐ áp giá theo quy định số 08/2019 và QĐ số 22/2020 áp giá bồi thường 100% giá trị cây trồng theo quy định và hỗ trợ công nạo vét hồ cà phê theo giá thị trường.

Qua thống kê có 16 hộ dân bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng các trụ Tuabin và tuyến đường thuộc dự án điện gió Đăk N’Đrung 2, 3. Trong đó 13 trường hợp bị ảnh hưởng tại vị trí xây dựng Tuabin; 3 hộ bị ảnh hưởng tuyến đường với tổng mức bồi thường hơn 1 tỷ đồng.

“Sau khi thống kê và tính giá trị thiệt hại, đơn vị đã gửi văn bản cho chủ đầu tư để thỏa thuận với dân bồi thường theo quy định. Đây là bảng tỉnh của đơn vị còn chủ đầu tư thỏa thuận với dân nếu dân không đồng ý thì khởi kiện ra tòa để đòi bồi thường”, lãnh đạo Ban QLDA-PTQĐ huyện Đăk Song nói.

Trao đổi với phóng viên báo Nông Nghiệp Việt Nam, bà Đoàn Thị Tốt, Chủ tịch UBND xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song cho biết khi xảy ra việc chính quyền địa phương đã phối hợp với cơ quan chức năng xuống thống kê thiệt hại.

“Địa phương đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư bồi thường thiệt hại cho dân thì bên này hứa sẽ giải quyết sớm. Trong trường hợp người dân và chủ đầu tư không thống nhất được giá trị thiệt hại thì khởi kiện ra tòa để nhờ can thiệp”, bà Tốt nói.

Báo Nông Nghiệp Việt Nam đã đăng tải loạt bài Đằng sau cơn sốt điện gió ở Tây Nguyên chỉ ra những bất cập như mặc dù chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý nhưng dự án đã triển khai.

Theo đó, 3 dự án điện gió Đăk N’Drung 1, 2, 3 với công suất 300 MW, tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV năng lượng Đăk N’Drung 1, 2, 3 của ông do ông Đỗ Lê Quân làm giám đốc (ông Đỗ Lê Quân được biết đến là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tài Tâm, một doanh nghiệp khá tiếng tăm trong lĩnh vực bất động sản ở Hà Nội) làm chủ đầu tư. Dự án có 81 trụ điện gió với diện tích 34 ha.

Đến ngày 10/6/2021, Công ty TNHH MTV năng lượng Đăk N’Drung 1, 2, 3 thay đổi người đại diện từ ông Đỗ Lê Quân sang ông Nguyễn Vũ Tuấn. Ông Tuấn có hộ khẩu tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đăk Nông qua kiểm tra phát hiện 112 người Trung Quốc đang làm việc tại các dự án điện gió, trong đó chỉ có 1 chuyên gia là đầy đủ các giấy phép theo quy định, số còn lại hoạt động chui.

Còn theo thống kê của UBND huyện Đăk Song, có tổng cộng 547 hộ dân nằm trong phạm vi bán kính 300m tính từ chân của 78 cột điện gió. UBND tỉnh Đăk Nông đã có công văn gửi bộ, ngành xin hướng dẫn về một số nội dung thực hiện các dự án điện gió tại huyện Đăk Song, nhất là vấn đề đền bù, hỗ trợ người dân trong phạm vi 300m tính từ tuabin.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất