| Hotline: 0983.970.780

Dấu ấn Liên Xô tại nóc nhà Đông Bắc: Hoàng kim đến cả bếp ăn

Thứ Tư 19/01/2022 , 09:28 (GMT+7)

'Mỗi bữa chúng tôi phải nấu thức ăn bằng mấy chục cái chảo trâu mới đủ', nói rồi bà Lựu dang tay hết cỡ, tả cái 'chảo trâu' ở nhà phúc lợi 60 năm trước.

Bà Đinh Thị Lựu đang tả lại những chiếc 'chảo trâu' dùng để nấu ăn trong nhà phúc lợi của Mỏ thiếc Tĩnh Túc những năm 1960. Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Đinh Thị Lựu đang tả lại những chiếc "chảo trâu" dùng để nấu ăn trong nhà phúc lợi của Mỏ thiếc Tĩnh Túc những năm 1960. Ảnh: Tùng Đinh.

Sung túc

1967 là năm Mỏ thiếc Tĩnh Túc đạt đỉnh về số lượng công nhân, tổng số đạt 3.000 người. Dưới sự hỗ trợ của Liên Xô, mỏ khi đó trở thành nhà máy quy mô hàng đầu Đông Nam Á, không chỉ trong sản xuất mà cả về đời sống của cán bộ, công nhân viên.

Những người từng đi qua thời kỳ đó bây giờ không còn nhiều nhưng ký ức trong họ thì vẫn rõ như mới hôm qua. Bên hiên ngôi nhà nhỏ dưới con dốc ở giữa thị trấn, bà Đinh Thị Lựu say sưa kể lại những năm tháng hoàng kim của mỏ, khi bà còn là “lính ông Khôi”, làm cấp dưỡng tại nhà phúc lợi.

Đông người, bếp ăn của công nhân mỏ ngày ấy phải chia thành nhiều khu, tại nhà phúc lợi mỗi bữa phục vụ khoảng 900 suất ăn. “Ngày đấy ở nhà phúc lợi có mấy chục cấp dưỡng. Mỗi bữa chúng tôi phải nấu thức ăn bằng mấy chục cái chảo trâu mới đủ”, theo mô tả của người phụ nữ sinh năm 1946 này, “chảo trâu” có đường kính lên đến cả mét.

Vào làm cấp dưỡng từ năm 1963, bà Lựu kể bếp ăn hồi ấy cứ 2 - 3 ngày lại hết 1 xe gạo, 1 xe bí mua dưới Hà Nội, cá thì mỗi tháng 4 chuyến lấy từ Hải Phòng mới đủ. Cuộc sống của công nhân mỏ khi ấy sung túc, đủ đầy.

Ngoài bữa chính, bếp ăn khi đó còn sản xuất thêm kem để phục vụ công nhân và người dân của thị trấn trong mùa hè. Từ hiên nhà bước xuống sân, bà Lựu chỉ tay ra cổng rồi nói: “Căn nhà phía trước kia ngày xưa là chỗ làm kem. Máy làm kem lúc đó sử dụng nước muối và chạy cả ngày cũng không đủ bán”.

Khi được hỏi về lượng tiêu thụ kem, nữ cấp dưỡng ngày nào nói mỗi ngày bếp sản xuất hàng trăm khay, mỗi khay được 20 chiếc, nhẩm nhanh mỗi ngày cũng phải bán được ngàn chiếc.

Vợ chồng ông Lâm, bà Lựu kể lại thời thanh xuân gắn liền với mỏ của mình. Ảnh: Tùng Đinh.

Vợ chồng ông Lâm, bà Lựu kể lại thời thanh xuân gắn liền với mỏ của mình. Ảnh: Tùng Đinh.

Đang dở câu chuyện thì ông Lâm về, ông là chồng bà Lựu. Gần 80 tuổi nhưng ông Lâm vẫn khỏe mạnh, đặc biệt trí nhớ rất tốt. Kéo chiếc ghế ngồi cạnh vợ, cựu công nhân lái máy xúc của mỏ kể: “ Nói đến sung túc ở đây thì phải dịp lễ Tết mới ấn tượng. Các anh phải tưởng tượng mỗi người được thưởng 1kg thịt mà đến vài ngàn người thì việc chẻ lạt xâu thịt thôi cũng đủ mệt rồi”.

Vào những năm 60 - 70 đó, ở Thủ đô mỳ chính còn khan hiếm thì Chiến sỹ thi đua của Mỏ thiếc Tĩnh Túc đã được thưởng đến 4 lạng rưỡi. Danh hiệu này được bình xét 6 tháng một lần và ông Lâm đã không ít lần đem mỳ chính về cho vợ. Thậm chí, những năm sản lượng tăng vọt, mỏ còn thưởng cả xe đạp, đài cát xét cho những lao động xuất sắc.

Ăn nên làm ra, chế độ cho cán bộ, công nhân viên của mỏ khi đó cũng tươm tất. Trong khi trưởng, phó phòng được nhận 13,5kg gạo mỗi tháng thì người làm văn phòng lại được 14kg còn công nhân nổ mìn, lái máy xúc như ông Lâm thì tiêu chuẩn lên đến 21 kg/tháng.

Cả đời gắn bó với mỏ, ông Lâm, bà Lựu cũng nên duyên từ mỏ. Bà nấu ăn ở nhà phúc lợi, ông lái máy xúc trong mỏ nhưng quen nhau khi cùng được điều chuyển lên khẩu đội pháo phòng không 37 ly vào năm 1966. “Ông được điều làm khẩu đội trưởng, còn tôi lên làm nhân viên thông tin của khẩu đội, lúc đấy mới quen nhau”, bà Lựu vừa nhìn chồng vừa kể.

Lấy nhau năm 1968, ông bà có 4 người con, trong khi 3 cô con gái đi lấy chồng xa thì người con trai sinh năm 1977 nối nghiệp ông, bây giờ vẫn làm lái xe trong mỏ.

Căn nhà ông bà đang ở vốn là nhà xay xát của mỏ, nằm ngay sau nhà phúc lợi và xưởng kem. Trong nhà, ở vị trí trang trọng nhất là 2 quyết định tặng Huân chương kháng chiến Hạng ba cho ông Nguyễn Duy Lâm và bà Đinh Thị Lựu cùng trong tháng 2/1985 do Chủ tịch Hội đồng nhà nước Trường Chinh ký.

Ngoài ra, ông Lâm còn được nhận Huy chương “Vì sự nghiệp phát triển công nghiệp Việt Nam”, bằng chứng cho một thời sống và lao động hăng say của thế hệ thợ mỏ ban đầu ở Tĩnh Túc: “Khi khẩu đội pháo hoàn thành nhiệm vụ, tôi xin đi bộ đội đánh Mỹ nhưng lãnh đạo không cho. Họ bảo, ông lái giỏi, sản xuất tốt thì ở mỏ cũng là đóng góp cho Tổ quốc rồi”.

Nhà Phúc lợi của mỏ giờ đã chuyển thành Phòng Truyền thống. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhà Phúc lợi của mỏ giờ đã chuyển thành Phòng Truyền thống. Ảnh: Tùng Đinh.

Học nấu cho người Liên Xô

Ở Tĩnh Túc, người dân sống rất gần gũi với nhau, đơn giản là vì “loanh quanh trong mỏ cả”. Vì thế, cuối năm nhiều nhà thường hò hẹn nhau tụ tập, khách đến gặp bữa thì phải nhập mâm luôn gia chủ mới vui. Có kiểu tóc tém khá hiện đại, người phụ nữ tên Trinh bày mấy đĩa thức ăn lên bàn rồi nói: “Đây là thịt ngỗng nấu kiểu Nga, món tủ của cô”.

Hỏi ra mới biết, nữ đầu bếp sinh năm 1960 này từng có gần 20 năm làm việc trong bếp ăn dành cho các chuyên gia Liên Xô sang giúp đỡ Mỏ thiếc Tĩnh Túc hoạt động.

Để phục vụ ăn ở cho những chuyên gia này, mỏ cắt cử một số cấp dưỡng riêng, trong đó bà Trinh. Tên đầy đủ là Phan Thị Trinh, nữ đầu bếp này được xem như thế hệ công nhân viên mỏ thứ 3 - giống ông Minh, bắt đầu làm việc từ năm 1978.

Theo lịch sử Đảng bộ của mỏ, ngày 25/10/1955 được khởi công xây dựng, cải tạo, đến ngày 6/10/1956 mỏ khánh thành, chính thức cơ khí hóa dưới sự giúp đỡ tận tình của các chuyên gia Liên Xô. Từ đó cho đến đầu những năm 1990, các chuyên gia Liên Xô thường xuyên hiện diện tại mỏ. Ngoài những người ở cố định thì có không ít chuyên gia sang công tác vài tháng rồi về nước.

Bia hữu nghị Việt - Xô vẫn được gìn giữ sau hơn 60 năm mỏ ra đời và phát triển. Ảnh: Tùng Đinh.

Bia hữu nghị Việt - Xô vẫn được gìn giữ sau hơn 60 năm mỏ ra đời và phát triển. Ảnh: Tùng Đinh.

Bên mâm cơm tất niên, bà Trinh nhớ lại: “Tôi vào mỏ tháng 4/1978, ban đầu làm việc ở bộ phận cấp dưỡng, đến đầu năm 1979 thì được chọn đi đào tạo để về phục vụ các chuyên gia Liên Xô”. Sau 7 tháng theo học ở Khách sạn Thái Nguyên bà được lãnh đạo điều về mỏ vì cần người gấp.

Vào đầu những năm 1980, ở Mỏ thiếc Tĩnh Túc có 6 chuyên gia Liên Xô ở cố định, họ là 3 cặp vợ chồng. Nếu tính thêm cả chuyên gia sang công tác thì cao điểm có đến 10 người nói tiếng Nga sinh sống.

Bà Trinh cho biết, để phục vụ nhóm chuyên gia này có 4 cấp dưỡng người Việt, trong đó 2 người làm bếp, 1 người dọn buồng, 1 người dọn bàn. Thời điểm mới từ Thái Nguyên về, bà Trinh được phân công phục vụ bàn nhưng rồi nhanh chóng được chuyển xuống bếp vì khả năng nấu ăn của mình.

“Họ ăn không giống mình đâu. Thực đơn thường là các món súp, ăn cùng bánh mỳ và các loại thịt hầm. Thịt thì đa số là trâu, bò chứ lợn thì ít”, nữ đầu bếp chia sẻ. Mỗi ngày bộ phận cấp dưỡng phải chuẩn bị cho các chuyên gia 3 bữa ăn nên gần như cả ngày đều loanh quanh trong bếp.

Công việc đầu bếp cứ thế kéo dài thêm 17 năm, đến năm 1995, tình hình làm ăn của mỏ đi xuống, các chuyên gia Liên Xô cũng dần về nước nên bà Trinh xin nghỉ công tác, ra ngoài làm ăn. Kinh doanh ở Hà Nội được 5 năm thì bà quyết định dừng, để đi Nga.

“Gần 20 năm sống với chuyên gia Liên Xô tôi vừa học được nhiều món ăn vừa học được tiếng Nga. Biết tiếng nên mới mạnh dạn đi Nga buôn bán. Lăn lộn bên đó cả chục năm, đến 2010 thì về nước, có vốn rồi thì giờ cứ túc tắc thôi”, khi câu chuyện của bà Trinh khép lại cũng là lúc đĩa thịt ngỗng đã vơi và màn đêm cùng hơi lạnh bắt đầu tràn xuống thị trấn nhỏ.

Những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, Mỏ thiếc Tĩnh Túc được xem như hình mẫu về Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Ảnh: Tùng Đinh.

Những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, Mỏ thiếc Tĩnh Túc được xem như hình mẫu về Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Ảnh: Tùng Đinh.

Dự án đầu tư xây dựng mỏ thiếc Cao Bằng năm 1955, hoàn thành năm 1956 gồm các hạng mục chủ yếu: Một nhà máy tuyển rửa trung tâm với 4 hệ thống thiết bị đồng bộ; một hệ thống tời dây dài hơn 1km mang goòng treo thải bã của nhà máy tuyển; một nhà máy luyện kim luyện thiếc thỏi đạt tiêu chuẩn quốc tế; một đường vận tải bằng tàu điện từ khai trường về nhà máy tuyển, 4 trục kéo đất quặng từ lòng mang lên đường vận tải chính và nhiều đường vận tải bằng tàu điện ở các tầng khai thác.

Ngoài ra, các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam còn xây dựng hai đập và kênh dẫn nước từ Ba Ra và Câu I về nhà máy tuyển với tổng chiều dài trên 6km; phục hồi 2 nhà máy thủy điện Tà Sa, Nà Ngàn và đường tải điện 10KV dài trên 30km; xây dựng và lắp đặt một nhà máy phát điện Diesel 800KW cùng nhiều hạng mục phụ trợ khác như nhà máy cơ khí trung tâm, ga ra sửa chữa ô tô, xưởng mộc, xưởng sửa chữa điện, phòng thí nghiệm, nhà hành chính, nhà điều độ, kho vật tư, nhà của cán bộ công nhân viên chức...

Bên cạnh đó, mỏ cũng tiếp nhận và tổ chức vận tải hàng nghìn tấn thiết bị, vật tư từ cảng Hải Phòng về mỏ, nhiều thiết bị siêu trường, siêu trọng với cầu, đường bé nhỏ và quanh co...

Tất cả các hạng mục công trình liên kết lại thành một tổ hợp sản xuất cơ khí hoá với một dây chuyền thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại và hoàn chỉnh, từ đất quặng nguyên khai được khai thác, vận tải, chế biến trở thành thương phẩm có giá trị kinh tế cao như thiếc thỏi, vàng thỏi, tinh quặng vonfram, tinh quặng titan, tinh quặng sắt...

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai nữ sinh tử vong do đuối nước

2 nữ sinh không may bị trượt chân ngã xuống hồ, đuối nước. Do khu vực hồ nước xa khu dân cư nên khi người dân phát hiện 2 em đã tử vong.