Công nghệ thời đó chưa phát triển, cùng với việc công nhân còn chưa có khái niệm về vàng, khiến tài nguyên quý bị hao hụt.
Đem vàng đặt vào máng lợn
Không biết gì về vàng, nhiều công nhân khi ấy mang về để vào máng lợn vì được rỉ tai “làm thế lợn mau lớn”. Câu chuyện tưởng như đùa này vẫn được nhiều thế hệ công nhân mỏ nhắc lại, trong nụ cười mang nhiều tiếc nuối.
Một cựu lãnh đạo mỏ và một lãnh đạo đương nhiệm của Mỏ thiếc Tĩnh Túc cũng xác nhận với chúng tôi điều này.
Khi ấy, đa phần công nhân mỏ gồm người Kinh, người Tày, người Nùng, người Thổ, không biết gì nhiều về vàng. Mỏ thiếc Tĩnh Túc không chỉ có thiếc, mà còn lẫn vàng sa khoáng.
“Lúc sàng tuyển đang chạy, nhìn thấy rõ cả “dòng” vàng chảy xuống cùng quặng thiếc. Công nhân thấy thế thì cứ gom lại, không để ý gì. Nói mọi người không tin chứ lúc ấy ở vùng xa xôi này chả mấy ai được thấy vàng từ trước mà biết, mà mua bán hay cất giữ”, ông Trịnh, một cựu công nhân mỏ, kể lại.
Ông Trịnh bảo hồi ấy có một số người Hoa cũng ở Tĩnh Túc, ngoài làm nương rẫy thì còn chăn nuôi lợn. Mấy công nhân mỏ Tĩnh Túc đến chơi, hỏi làm sao lợn béo thế, một người Hoa bảo: “Đặt ít kim loại thừa vào máng lợn, thì lợn ăn mau lớn, không đau ốm”. Hỏi kỹ hơn, thì người kia dẫn công nhân ra tận chuồng lợn, cho xem một chút vàng sa khoáng bằng ngón tay ở trong máng.
Công nhân tưởng thật, cứ gom vàng sa khoáng sau khi khai thác quặng thiếc. Vì nghĩ càng nhiều càng tốt, lắm nhà cứ gom được cả nắm tay vàng sa khoáng đặt vào máng lợn. Khi số công nhân làm theo đã nhiều, đột ngột chỉ trong một đêm, số vàng sa khoáng trong các máng lợn của công nhân bị mất sạch. Sau này, nhiều người mới biết bị lừa, nhưng không biết tìm đâu mà đòi. Câu chuyện này xảy ra trước năm 1945.
Đến thời kỳ Liên Xô trợ giúp, công nghệ khi ấy vẫn chưa cho phép tách hoàn toàn hết vàng và thiếc.
Một cựu lãnh đạo mỏ thiếc Tĩnh Túc kể với chúng tôi lúc trà dư tửu hậu: “Công nghệ mình kém, nên trong số quặng thiếc xuất bán sang Liên Xô và một số nước khi ấy còn lẫn vàng. Đây là điều thật sự tiếc nuối, bởi giá trị kinh tế mà mỏ mang lại vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ còn có thể nâng cao hơn nữa”.
Hiện tại, mỗi năm mỏ thiếc Tĩnh Túc khai thác được 2,5kg vàng sa khoáng, phần phụ phẩm sau khi khai thác thiếc. Điều đáng tiếc là hiện tại mỏ Tĩnh Túc đang khai thác lại phần xỉ, tức phần đất thải mà các thế hệ trước để lại.
Theo thống kê của Ban giám đốc Mỏ thiếc Tĩnh Túc, hiện cả mỏ còn 173 công nhân, thu nhập bình quân 11,1 triệu đồng mỗi tháng. Do hạn chế về công nghệ khai thác và nhiều nguyên nhân khách quan, mỏ hiện chủ yếu khai thác lại phần đất thải trước kia. Bình quân mỗi 1m3 đất thu được 200 gram quặng. Hiếm hoi khi trúng “ục” (vỉa thiếc) thì 1m3 đất thu được 1,7kg quặng thiếc.
Tiềm năng của Tĩnh Túc vẫn còn, song để khai thác hiệu quả các khoáng sản như thiếc, vàng, vonfram, cần có quy hoạch tổng thể và vào cuộc của nhiều cơ quan. Bởi đây là khu vực có đường quốc lộ chạy qua và nằm trong khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Nói như Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình, ông Đào Nguyên Phong, thì Tĩnh Túc là một cô gái đẹp, song ở xa xôi quá, cách trở quá, thành ra chưa được nhiều chàng trai biết tới.
“Ngoài việc khai thác quặng, huyện cũng đang tính tới các phương án làm du lịch, làm nông nghiệp với thế mạnh cây thanh long ruột đỏ. Huyện Nguyên Bình mong mỏi và luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào chung tay đánh thức tiềm năng ở đây”, ông Phong chia sẻ.
Công nhân cầm súng bảo vệ mỏ, bảo vệ đất nước
Từ thời kháng chiến chống Mỹ, mỏ thiếc Tĩnh Túc đã xây dựng lực lượng dân quân tự vệ. Công nhân mỏ vừa thực hiện nhiệm vụ sản xuất, vừa tranh thủ tham gia huấn luyện quân sự. Các tiểu đội phòng không luôn túc trực sẵn sàng nếu giặc Mỹ xâm phạm bầu trời mỏ.
Năm 1979, Tỉnh ủy, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và Ban chỉ huy quân sự huyện Nguyên Bình nhất trí phát triển lực lượng tự vệ từ tiểu đoàn lên trung đoàn.
Ngày 18/3/1979, mới thành lập được 44 ngày, trung đoàn tự vệ mỏ Tĩnh Túc đã phải đối mặt với một cánh quân của địch lùng sục đánh vào hai nhà máy thủy điện Tà Sa - Nà Ngàn và rắp tâm phá hoại mỏ.
Do bị bất ngờ, trung đoàn không kịp triển khai tới hai nhà máy thủy điện vốn lâu nay cung cấp điện cho mỏ. Tuy nhiên, trung đoàn đã anh dũng chiến đấu, không cho quân xâm lược đặt chân vào mỏ thiếc. Cái giá phải trả là 15 cán bộ, công nhân viên hy sinh anh dũng, trong đó có 5 cán bộ là đảng viên, là kỹ sư được đào tạo để phát triển mỏ.
Quân xâm lược bị chặn đứng, điểm gần nhất chúng tiến vào được còn cách mỏ thiếc 28km. “Năm 1994, Nghĩa trang liệt sĩ Tĩnh Túc mới được xây dựng, là nơi quy tập phần mộ, ghi nhớ công lao 17 liệt sĩ. Họ là 15 cán bộ, công nhân thuộc đơn vị tự vệ mỏ thiếc Tĩnh Túc và 2 chiến sĩ công an đã anh dũng hy sinh khi bảo vệ Tổ quốc năm 1979. Sau đó, nghĩa trang được tôn tạo lần nữa vào năm 2014”, ông Đào Nguyên Phong, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình, cho biết.
Xác nhận với chúng tôi về sự kiện này, cụ Nguyễn Duy Lâm, cựu công nhân mỏ, khẩu đội trưởng khẩu đội pháo 37 ly, cho biết: “Khi đó chúng ta bị bất ngờ, bởi cho rằng ít có khả năng địch tấn công bằng bộ binh. Tuy nhiên, khi gặp sức kháng cự mãnh liệt của ta với pháo cối, pháo hạng trung, kết hợp chiến thuật đánh du kích, quân địch buộc phải rút lui. 80 tên địch đã bị tiêu diệt”.
Cụ Lâm sinh năm 1943, cũng là nhân vật chính trong bộ phim "Non nước Cao Bằng" nổi tiếng. Người công nhân năm nay 79 tuổi, bồi hồi bảo lúc đó chỉ biết đằng sau không còn đường lui. Sau lưng là gia đình, là mỏ, là quê hương. Vợ cụ Lâm, bà Đinh Thị Lưu khi đó vẫn xung phong ở lại tiền tuyến, phục vụ công tác thông tin liên lạc.
Một năm sau, mỏ vẫn tiếp tục phát triển. Các hoạt động như xây dựng nhà trẻ, bồi dưỡng ca 2, ca 3 cho công nhân, chiếu bóng, văn công, văn nghệ, góp phần đáp ứng nhu cầu cơ bản của công nhân. Sau chiến sự, cán bộ, công nhân mỏ cùng cơ quan công an bắt gọn 32 tên thổ phỉ, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Đảng bộ mỏ khi ấy vừa tổ chức chiến đấu, vừa sơ tán an toàn cho gần 5.000 người là người già, phụ nữ, trẻ em; di chuyển hàng nghìn tấn thiết bị đi nơi khác. Năm 1980, giá trị tổng sản lượng mỏ đạt 105,39%, hoàn thành chỉ tiêu sản xuất trước 58 ngày. Các chỉ tiêu khác như tiến bộ khoa học kỹ thuật, khai thác sản phẩm phụ, điện năng, đều đạt và vượt mức trên 200%.
60 năm xây dựng và phát triển, Mỏ thiếc Tĩnh Túc - Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng được Đảng, Nhà nước trao tặng 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì trong thời kỳ đổi mới, 1 Huân chương Độc lập hạng Ba, 2 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, 4 Huân chương Kháng chiến hạng Ba, 2 Huân chương Lao động hạng Nhất, 5 Huân chương Lao động hạng Nhì, 14 Huân chương Lao động hạng Ba.
Năm 1985, Tổ Sửa chữa cơ khí tời dây được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Mỏ nhiều lần được nhận Cờ thi đua khá nhất của Chủ tịch nước, Chính phủ và Bộ Cơ khí Luyện kim, Bộ Nội vụ, tỉnh Cao Bằng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Khoáng sản - TKV và nhiều bằng khen, giấy khen khác.
60 năm xây dựng và phát triển của Công ty đều gắn với những thắng lợi của từng giai đoạn cách mạng của đất nước. Tháng 9/1955, hơn 1.100 công nhân từ khắp mọi miền đất nước cùng với chuyên gia Liên Xô đã đến khảo sát và kiến thiết lại đất mỏ. Ngày 25/10/1955, lễ khởi công xây dựng lại Mỏ thiếc Tĩnh Túc được tổ chức long trọng và sau này được chọn là Ngày thành lập Mỏ thiếc Tĩnh Túc.
Trong điều kiện khó khăn về vật chất và tinh thần, nhờ sự giúp đỡ của đội ngũ chuyên gia Liên Xô, ngày 6/10/1956, lễ cắt băng khánh thành Nhà máy Mỏ thiếc Cao Bằng được tổ chức, đứa con đầu lòng của nền công nghiệp luyện kim màu Việt Nam ra đời. Giai đoạn 1956 - 2015, Mỏ đã sản xuất và luyện được 16.784 tấn thiếc thỏi.