| Hotline: 0983.970.780

Đau đầu với chất tăng trọng Ractopamine

Thứ Năm 03/12/2009 , 08:30 (GMT+7)

Chất tăng trọng Ractopamine nước ta cấm thì một số nước lại cho dùng. Nước cấm, nước buông khiến việc quản lý Ractopamine không đơn giản.

Salbutamol và Clenbuterol là những chất tăng đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Nhưng riêng chất tăng trọng Ractopamine nước ta cấm thì một số nước lại cho dùng. Nước cấm, nước buông khiến việc quản lý Ractopamine không đơn giản. 

"Đi xem Lý Đức không"?

Trước hết phải xin lỗi Lý Đức, vận động viên thể dục thể hình nổi tiếng, người mang vinh quang về cho dân tộc nhưng tôi không kiếm đâu ra một từ nào khác để thay cho “từ ngữ dân gian” khi được rủ đi xem một trang trại chăn nuôi nọ. Hơn 100 con heo chuẩn bị xuất chuồng có trọng lượng đều trên 100 kg, cơ bắp cuồn cuộn, hai vai nở tròn căng như 2 quả bóng đá, hai mông căng như 2 quả bóng rổ, bụng thon, da mỏng và bóng, mắt ướt long lanh hừng hực sức sống. Cứ tưởng rằng đấy là giống heo mới nhập nội, nhưng không chúng vẫn chỉ là Yorshire (Đại bạch) đã rất phổ biến nhiều năm nay.

Bí quyết được tiết lộ - Họ đã sử dụng chất siêu nạc đang bị cấm Ractopamine. Theo tính toán, sử dụng chất này họ tiết kiệm được 10% thức ăn nhưng lại tăng thêm được 10% trọng lượng, nhờ vậy mà giá thành đã được kéo xuống từ 29.000 đ/kg xuống chỉ còn 27.000 đ/kg. Điều đặc biệt là sử dụng ractopamine thì “nạc ra đến tận da” tỷ lệ nạc không phải chỉ 55-56% mà tăng lên 60%, nhờ vậy mà họ bán được những 33 - 34.000 đ/kg thay vì chỉ 31-32.000đ.

Một khảo sát mới toanh chưa được công bố, trong 48 mẫu thức ăn, nước uống và nước tiểu của 48 trang trại chăn nuôi thuộc 4 địa phương (Đồng Nai, TPHCM, Tiền Giang, Cần Thơ) thì có đến 26 mẫu dương tính với Ractopamine, trong đó Đồng Nai 5/12 mẫu, Tiền Giang – 6/12 mẫu, Cần Thơ – 6/12 mẫu và TPHCM – 9/12 mẫu. TPHCM không những quán quân tỷ lệ mẫu “dính” mà còn đặc biệt ở chỗ có 3 trang trại cùng lúc tồn tại cả 3 chất siêu tăng trọng đang bị cấm là Ractopamine, Salbutamol và Clenbuterol, đó là trang trại NTĐ (An Phú - Củ Chi), trang trại TVH (Nhuận Đức - Củ Chi), trang trại NVT (Tân Thạnh Đông - Củ Chi).

Nước cấm, nước buông

Năm 2002, Bộ NN- PTNT đã ban hành danh mục 18 kháng sinh, hóa chất cấm trong chăn nuôi, trong đó có 3 chất đứng đầu bảng là Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine. Trong đó 2 chất đầu dễ quản lý hơn vì gần như cả thế giới đều cấm, riêng với Ractopamine lại có đến 24 nước chấp nhận sử dụng (2002), trong đó có cả những nước phát triển như Mỹ, Canada, Úc , Brazin, Mehico, Thái Lan…Tuy nhiên cũng có rất nhiều nước cấm, đứng đầu là Liên hiệp châu Âu, Trung Quốc, Malayxia, vùng lãnh thổ Đài Loan.

Còn nhớ năm 2007, lần đầu tiên Trung Quốc trả lại lô hàng 40 tấn thịt heo nhập từ Mỹ do phát hiện Ractopamine, tuy nhiên động thái trên được dư luận coi như là sự trả đũa của Trung Quốc khi có nhiều chỉ trích về chất lượng thực phẩm từ chính nước này. Tại hội nghị của Đại hội đồng Codex (Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm của FAO/WHO) họp ngày 29/6/2009 tại Rome (Ý) vừa qua, Ractopamine lại được đưa ra bàn cãi, trong đó EC vẫn tiếp tục phản đối và Trung Quốc thì đề nghị xem xét lại. Vậy là việc cho phép sử dụng Ractopamine lại đành gác lại để chờ thu thập thêm dữ liệu.

Trong 48 trang trại được lấy mẫu có dính chất tăng trưởng cấm, hầu hết là trang trại tư nhân của Việt Nam nhưng cũng có trang trại là của xí nghiệp chăn nuôi, là HTX chăn nuôi.

Tại Việt Nam việc cấm Ractopamine cũng có nhiều tranh luận, một số Cty cho rằng việc cấm Ractopamine trong chăn nuôi nhưng không thấy trong cấm trong thịt nhập khẩu đã tạo ra sự không công bằng vì thịt heo chủ yếu được nhập từ các nước cho phép sử dụng có giá thành rẻ hơn nên chắc chắn sẽ đánh bại nghề chăn nuôi heo trong nước. Tuy nhiên việc đưa Ractopamine trong thịt nhập khẩu vào danh mục kiểm soát cũng không dễ bởi trước đây VN đã từng ký các hiệp định thương mại song phương trong đó có điều khoản là chấp nhận các tiêu chuẩn hàng hóa của nhau.

Quản lý như thế nào?

Theo các tài liệu khoa học, việc sử dụng Ractopamine trong giai đoạn vỗ béo 4-5 tuần cuối (bắt đầu với heo 80kg) là một tiến bộ kỹ thuật vì nó thúc đẩy tăng trưởng rút ngắn thời gian nuôi từ 4-6 ngày, giảm 12,6 thể tích nước tiểu, 7,9 khối lượng phân (rất có ý nghĩa về môi trường), giảm 14,9% lượng đạm đi theo con đường bài tiết, giảm độ dày mỡ lưng từ 15,5 mm xuống 10,9 mm, tăng tỉ lệ nạc không mỡ từ 55,5 lên 59,1%.

Theo tài liệu của WHO, không như Salbutamol và Clenbuterol, thường bị tích lũy lâu trong thận, gan và mỡ vật nuôi, Ractopamine bị đào thải rất nhanh qua con đường nước tiểu, sau 2 ngày lượng đào thải là 73%, sau 4 ngày đào thải 93% và sau 14 ngày thì bằng các phân tích sắc ký cũng không còn phát hiện ra. Chính vậy nên các nước chấp nhận cho sử dụng Ractopamine đều có quy trình cách ly là trước khi giết mổ 14 ngày, tuyệt đối không còn được sử dụng Ractopamine. Vậy là từ việc cấm hay không cấm đã trở thành quản lý đựơc hay không quản lý được. Việt Nam liệu có nên đi theo cách quản lý của các nước?

Xem thêm
Công nghệ xử lý chất thải mới giải tỏa áp lực cho người nuôi heo

BÌNH ĐỊNH Hiệu quả từ mô hình xử lý chất thải công nghệ mới đã giải tỏa nỗi lo ô nhiễm môi trường từ đàn heo 690.000 con của Bình Định.

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở Đà Bắc

Hơn 200 con lợn ở xã Tú Lý (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) đã phải tiêu hủy vì dịch tả lợn châu Phi. Bệnh vẫn đang có nguy cơ lây lan rộng.

Tố chất khoa học luôn 'bén rễ' khắp các làng quê nông thôn

Mỗi cuộc trò chuyện, trao đổi giữa các nhà khoa học, nhà nghiên cứu với bà con nông dân là một dịp đưa khoa học công nghệ và cuộc sống xích lại gần nhau hơn…