Giá cước vận tải biển tăng gấp mấy lần
Căng thẳng ở Biển Đỏ suốt từ cuối năm ngoái đến nay vẫn đang khiến cho giá cước vận tải biển tăng lên ở mức cao, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành hàng nông sản chủ lực.
Ngành điều là một trong những ngành hàng xuất khẩu nhiều sang các thị trường Mỹ, EU … Vì vậy, chi phí vận tải biển leo thang do căng thẳng ở Biển Đỏ đang gây ra mối lo ngại không nhỏ cho các doanh nghiệp xuất khẩu điều.
Theo ông Phạm Văn Sâm, Chủ tịch HĐQT Hanfimex Group, giá cước vận tại biển đến EU, trước đây khoảng 1.000 USD với 1 container 20 ft (xếp hàng nguyên ccontainer) đã tăng lên tới 3.500 USD; với 1 container 40 ft (xếp hàng nguyên container) đã từ mức 1.500 USD tăng lên tới 4.850 USD. Như vậy, giá cước vận tải biển sang châu Âu đã tăng từ 3,2-3,5 lần, là mức tăng rất mạnh.
Không chỉ lo ngại về cước phí, căng thẳng ở Biển Đỏ còn có thể tác động tới chuỗi cung ứng hạt điều toàn cầu. Tại Hội nghị Điều quốc tế Việt Nam lần thứ 13, diễn ra tại Quảng Bình vào cuối tháng 2/2024, ông Michael Waring, Chủ tịch Hội đồng Hạt và Quả khô quốc tế (INC), chia sẻ, sau cuộc khủng hoảng vận tải đường biển năm 2022, nhu cầu tiêu thụ hạt điều đã hồi phục nhẹ vào năm 2023. Tuy nhiên, vẫn còn phải xem tình hình ở Biển Đỏ, khả năng vận chuyển qua kênh đào Panama và các gián đoạn chuỗi cung ứng khác, sẽ tác động thế nào đến thị trường hạt điều toàn cầu năm 2024.
Ở các ngành hàng nông sản chủ lực khác, cước vận tải biển vẫn đang tiếp tục là một trong những nỗi lo ngại lớn nhất trong quý 1 năm nay. Một thương nhân ngành gỗ cho biết, cước phí vận tải biển tăng chóng mặt trong thời gian qua đã khiến cho một số khách hàng châu Âu đề nghị nhà cung ứng Việt Nam tạm dừng giao hàng. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam sang châu Âu, một trong những thị trường quan trọng nhất của ngành công nghiệp gỗ thế giới.
Hãng tàu đua nhau tăng phí
Đang phải đối mặt với việc giá cước vận tải biển tăng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa nói chung, xuất khẩu nông sản nói riêng, lại thêm phần lo lắng khi các hãng tàu tăng phí và phụ phí.
Theo Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, từ giữa tháng 2/2024, hàng loạt hãng tàu như KMTC, CKL, NSS, HIEUNGA … đã điều chỉnh THC (phụ phí xếp dỡ tại cảng) theo hướng tăng lên, với mức tăng của mỗi loại dịch vụ container từ 9,2 đến 20%. Điều đáng chú ý là các hãng tàu đều tiến hành niêm yết thay đổi phí, phụ phí trước thời gian điểu chỉnh 15 ngày mà không phải thông qua kiểm tra, giải trình các yếu tố cấu thành phí, phụ phí.
Việc tự ý điều chỉnh phí, phụ phí như trên không phải là điều mới mẻ. Ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, cho biết, từ nhiều năm nay, các hãng tàu nước ngoài đã tự ý thu hàng chục loại phí và phụ phí khác nhau đối với hàng hóa của doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.
Không chỉ vậy, các hãng tàu cũng liên tục tự tăng các loại phí và phụ phí này mà không phải chịu sự quản lý của bất cứ cơ quan nào, hầu hết ở mức rất cao, cao hơn rất nhiều so với phí bốc dỡ container mà hãng tàu trả lại cho các cảng biển Việt Nam.
Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cho biết, việc tăng phí THC lần này của các hãng tàu biển nước ngoài, chỉ áp dụng đối với Việt Nam, trong khi các quốc gia khác trong khu vực đều chưa có động thái tăng THC. Đặc biệt, nếu xét theo giá trị tuyệt đối thì 10-20% tăng phí THC của các hãng tàu cao hơn gấp 3 lần mức điều chỉnh giá bốc dỡ container cảng biển Việt Nam được quy định trong Thông tư 39/2023/TT-BGTVT do Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 25/12/2023 (có hiệu lực từ 15/2/2024) về điều chỉnh giá dịch vụ hoa tiêu, sử dụng cầu, bến, phao neo, bốc dỡ container, lai dắt.
Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam nhận định, hành vi điều chỉnh THC đợt này không phải là lần đầu tiên. Điều này đặt ra thách thức rất lớn đối với quốc gia trong công tác quản lý hãng tàu nước ngoài và bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cảng biển và logistics Việt Nam.
Đề nghị kiểm soát việc điều chỉnh phí
Bức xúc trước thực trạng đó, gần đây, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam đã có công văn gửi gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Cục Hàng hải Việt Nam, về việc tăng cường quản lý phụ phí của hãng tàu nước ngoài.
Theo đó, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết để kiểm soát hành vi điều chỉnh phí THC, phụ phí của các hãng tàu nước ngoài.
Cụ thể, cơ quan chức năng cần bổ sung phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá container bằng đường biển vào danh mục hàng hoá, dịch vụ thuộc diện kê khai giá để hoàn thiện cơ chế quản lý mức giá và các loại phụ thu đối với hàng hoá tại cảng biển. Điều này nhằm tránh trường hợp các hãng tàu tuỳ ý tăng giá và lạm thu, qua đó ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ hàng xuất nhập khẩu.
Hãng tàu cần có báo cáo về cơ cấu phí THC. Trong trường hợp các phụ thu này siêu lợi nhuận thì cơ quan chức năng Việt Nam cần phải áp dụng các chính sách thu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng sớm rà soát và ban hành cơ chế quản lý việc thu các loại phụ phí, so sánh với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, yêu cầu chủ tàu ngừng ngay việc thu các loại phí không hợp lý, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần sớm ban hành các cơ chế quản lý việc thu phí của các hãng tàu nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phù hợp.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tham khảo học hỏi kinh nghiệm quản lý các hãng tàu nước ngoài từ các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Indonesia … để xây dựng, hoàn thiện các giải pháp tăng cường kiểm soát hoạt động của các hãng tàu nước ngoài, tránh thất thu ngân sách nhà nước, bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp trong nước.
Theo Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, khoảng 15 triệu container hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng biển Việt Nam mỗi năm thì nguồn thu sẽ khoảng 3 tỷ USD. Đây là nguồn thu vô cùng tiềm năng và quan trọng mà các hãng tàu nước ngoài không thể bỏ qua. Vì vậy, cơ quan chức năng Việt Nam hoàn toàn có thể tăng cường hoạt động kiểm soát đối với các hãng tàu nước ngoài để bảo vệ quyền và lợi chính đáng của các doanh nghiệp và đất nước.