| Hotline: 0983.970.780

Đầu mùa khô, đã 'đứt' nước sinh hoạt

Thứ Năm 24/05/2018 , 09:01 (GMT+7)

Mới chớm bước vào mùa khô, mà đã có hàng ngàn hộ dân ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước (Bình Định) phải chịu cảnh tranh mua từng can nước sinh hoạt, bởi đường ống nước sạch bị… đứt nước.

12-21-12_1
Nhà ông Liệu có đường ống dẫn nước nhưng nước thì không có (Ảnh: MT)

Chuyện thiếu nước sạch ở xã Phước Thuận không chỉ mới diễn ra, mà từ năm 2016 đến nay, mùa khô năm nào người dân vùng quê khu Đông này cũng phải vác can nhựa đi mua nước máy về sử dụng, dẫu đường ống nước sạch đã vào đến tận từng hộ gia đình, thiết bị được lắp đặt rất “hoành tráng”, nhưng nước thì chỉ nhỏ giọt hoặc tịnh chẳng có giọt nào.

Thiếu nước sạch trong mùa nắng nóng đã khiến cuộc sống của người dân gặp vô vàn khó khăn. Tình trạng này xảy ra ở hầu khắp các vùng dân cư ven đầm Thị Nại, thuộc các thôn Lộc Hạ, Đông An, Nhơn Ân, Thuận Thái (xã Phước Thuận). Trong đó, tình trạng thiếu nước nghiêm trọng nhất diễn ra tại thôn Lộc Hạ.

“Gia đình tôi có 7 người, bình quân mỗi ngày dùng gần 200 lít nước. Suốt 1 tháng nay, mỗi ngày người nhà tôi phải dậy từ 3 - 4 giờ sáng để đi mua nước. Giá bán 1 can nước sạch 20 lít là 1.000đ, cái giá này có thể chấp nhận được, nhưng khổ là không phải lúc nào cũng có nước để mua. Tình trạng này diễn ra đã nhiều năm nay, nhưng chưa có biện pháp giải quyết triệt để”, ông Nguyễn Văn Liệu (53 tuổi) ở thôn Lộc Hạ, than thở.

Ông Võ Văn Long ở xóm Lộc Đông (thôn Lộc Hạ), cũng bức xúc: “Gia đình tôi có 6 người, mỗi ngày sử dụng 15 can nước mới đủ sinh hoạt. Tổng cộng mỗi tháng, gia đình phải tốn 450 ngàn đồng tiền mua nước, trong khi hệ thống nước sạch có cũng như không”.

Theo ông Long, trước đây, do người sử dụng nước máy ít, nên hệ thống nước sạch đủ cung cấp. Gần đây, số người đăng ký sử dụng nước máy ngày càng tăng, đường ống lại nhỏ, nên lượng nước bơm không đủ đáp ứng yêu cầu, nên thiếu nước. Muốn cung cấp đủ nước máy, chỉ còn cách nâng công suất nhà máy nước và mở rộng đường ống cấp nước.

Theo ông Phạm Thế Khoa, Chủ tịch UBND xã, tình trạng thiếu nước sạch vào mùa nắng nóng xảy ra tại địa phương diễn ra từ nhiều năm qua. Nguyên nhân chính là do nhà máy nước sạch xã Phước Thuận được xây dựng từ năm 2004, công suất chỉ 900 m3/ngày đêm, đủ cung cấp cho 2.500 hộ dân. Những năm gần đây, số hộ dân sử dụng nước sạch ở xã Phước Thuận tăng đến 3.845 hộ.

12-21-12_2
Người dân thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận đi mua từng can nước sạch về dùng (Ảnh: VK)

Do vậy, vào mùa cao điểm, những vùng dân cư nằm cuối đường ống thường xuyên bị “đuối” nước. Thêm vào đó, vào mùa nắng nóng thì mạch nước ngầm xuống thấp, các giếng không đủ cung cấp cho nhà máy nước sạch. Thêm vào đó, khi thiếu nước, nhiều hộ ở đầu nguồn đặt máy bơm điện, hút nước vào các bồn chứa, sau đó bán lại cho các hộ khác có nhu cầu làm rối loạn hệ thống cung cấp nước.

Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Trưởng BQL nước sạch và vệ sinh môi trường huyện Tuy Phước thừa nhận, dù đơn vị này đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước vào mùa khô, nhất là ở vùng cuối đường cấp nước của xã Phước Thuận. Năm 2017, đơn vị đã lắp thêm đường ống nước bổ sung, lấy nước từ Nhà máy nước Phước Hiệp cung cấp cho người dân thôn Lộc Hạ (xã Phước Thuận).

Tuy nhiên, sang năm 2018, vì nguồn nước ngầm tại 2 nhà máy trên thiếu hụt nên không đủ nước cấp đến xóm Lộc Đông (thôn Lộc Hạ). Trước mắt, BQL điều tiết nước theo từng vùng, thực hiện cấp nước luân phiên cho từng xã, từng thôn, để đảm bảo nước về được khắp các địa phương và thông báo giờ cấp nước cụ thể cho người dân.

“Tuy nhiên, hiện đang áp dụng các giải pháp “chữa cháy”, về lâu dài, đề nghị UBND huyện Tuy Phước lập dự án nâng công suất Nhà máy nước Phước Thuận từ 900 m3/ngày đêm lên 2.000 - 2.500 m3/ngày đêm. Đầu năm 2018, UBND huyện đã bố trí vốn để khảo sát tìm nguồn nước để lập dự án nâng công suất Nhà máy nước Phước Thuận”, ông Hoàng nói.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm