| Hotline: 0983.970.780

Dâu tằm cứu hồ tiêu

Thứ Sáu 07/06/2019 , 09:09 (GMT+7)

Thời gian qua, thủ phủ hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) đã triển khai thí điểm mô hình trồng dâu nuôi tằm theo kỹ thuật và giống mới, bước đầu đạt tín hiệu tốt.

13-45-57_nh_gi_dinh_nh_h_thu_hoch_ken
Thu hoạch kén tằm.

Tháng 8/2018, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chư Sê phối hợp với UBND xã Al Bá chọn 6 hộ để triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm. Các hộ được cung cấp cây giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Sau 3 tháng, khi cây dâu phát triển xanh tốt, năng suất và chất lượng lá đảm bảo đủ lượng thức ăn để đưa vào nuôi con tằm lấy kén.

Theo tính toán, 1 sào dâu tốt có thể đảm bảo đủ lượng thức ăn nuôi một hộp tằm. Nếu làm đúng quy trình, năng suất một hộp tằm giống sẽ cho 50kg kén, lợi nhuận thu được cao gấp 4 lần so với trồng các loại cây trồng truyền thống. Đặc biệt, nghề nuôi tằm có độ rủi ro thấp vì chỉ đầu tư 1 triệu đồng/hộp giống, thời gian nuôi đến thu hoạch chỉ 15 ngày.

Theo nông dân Trần Thanh Hà (thôn Tứ Kỳ Bắc), cuối năm 2018, gia đình anh được Trung tâm đầu tư cho một hộp giống tằm. Sau hơn nửa tháng, được 39kg kén, bán với giá 125.000 đồng/kg, thu hơn 4,8 triệu đồng. "Tôi thấy việc nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng cây cà phê và các loại cây màu khác. Sắp tới đây, tôi sẽ mở rộng trồng dâu để nuôi thêm hai hộp giống tằm”, anh Hà nói về kế hoạch của mình.

Là một trong những hộ trước đây trồng chuyên canh cây hồ tiêu và cà phê, chị Nguyễn Thị Hường (thôn Tứ Kỳ Bắc) kể rằng, khi hồ tiêu bị bệnh chết hàng loạt, cà phê mất mùa, mất giá khiến kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Cuối năm 2018, chị Hường tham gia mô hình trồng dâu nuôi tằm, được Trung tâm đầu tư giống, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, nhờ vậy mà lứa tằm đầu tiên gia đình chị đã nuôi thành công, kén tằm đạt năng suất, chất lượng cao.

“Trước đây, tôi chỉ trồng hồ tiêu, cà phê, thời gian gần đây, tiêu và cà phê bị chết, mất giá khiến kinh tế rất khó khăn. Bây giờ, được huyện giúp đỡ tham gia mô hình trồng dâu nuôi tằm, nên cuộc sống cũng đã đỡ vất vả. Tôi thấy trồng dâu nuôi tằm có vốn đầu tư thấp nhưng lại cho thu nhập ổn định nên sẽ tiếp tục mở rộng”, chị Hường vui vẻ nói.

Theo bà Hoàng Thị Huấn, đại lý cung ứng vật tư và con giống (trụ sở ở huyện Krông Buk, Đăk Lăk), nghề trồng dâu nuôi tằm lấy kén tuy mới mẻ với người dân thủ phủ hồ tiêu Chư Sê nhưng cũng không khó lắm. Người nuôi cần chú ý một số đặc điểm chính như nhà nuôi tằm phải làm ở nơi thoáng mát để không khí lưu thông tốt; thường xuyên theo dõi chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ cho tằm, không để bị nhiễm bệnh.

Đặc biệt, khi tằm được từ 10 đến 12 ngày tuổi là thời điểm ăn rỗi nên cần bổ sung thêm thức ăn. Thực hiện đầy đủ các bước trên, tằm sẽ lớn đều và cho kén to dày, chất lượng tơ bóng đẹp, bán được giá. Ngoài ra, cây dâu sau thời gian thu hoạch lá đợt 1, người dân chỉ cần tỉa cành và bón phân thì cây sẽ phát triển tốt, có thể tiếp tục cho lá để nuôi tằm đợt 2.

Ông Lê Sỹ Quý, GĐ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chư Sê:

Hiện bà con rất phấn khởi và hy vọng đây là mô hình mở ra hướng đi mới trong điều kiện giá cà phê xuống thấp, hồ tiêu chết vì dịch bệnh. Đề nghị huyện quan tâm mở rộng thêm vùng trồng dâu và nhân rộng ra các xã khác để có hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tái canh trên vườn tiêu chết, vườn cây cà phê già cỗi.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.