| Hotline: 0983.970.780

Giọt nước mắt mang tên hồ tiêu và giải pháp: Bài 1 - Một thời hoàng kim

Thứ Hai 22/04/2019 , 06:45 (GMT+7)

Một thời được mệnh danh là "vàng đen" bởi giá hồ tiêu ở thời điểm đó cao ngất ngưởng, theo đó nhà nhà đua nhau trồng tiêu. Giờ, giá hồ tiêu chạm đáy, người trồng tiêu lâm vào cảnh nợ nần, kiệt quệ, không ít người phải bỏ quê đi làm ăn xa để... trốn nợ!

Còn nhớ, cách đây khoảng dăm bảy năm, tôi có viết loạt bài về việc người dân Tây Nguyên chặt bỏ cao su tiểu điền để trồng hồ tiêu bởi khi đó, giá hồ tiêu đang ở đỉnh điểm (200 - 250 nghìn đồng/kg), trong khi giá cao su thì... lao dốc không phanh!
 

Chặt cao su, trồng hồ tiêu

Hồi đó, ông Trần Đức Mạnh (thôn Đoàn Kết, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê, Gia Lai) có 1,6 ha hồ tiêu, ông mua thêm khoảng 2 ha cao su năm thứ 7 để chuyển sang trồng tiêu. Ông Mạnh cho biết: “Giá cao su thấp quá, tôi mua lại của ông hàng xóm khoảng 2 ha nhưng chặt bỏ để trồng tiêu vì cao su không hiệu quả, trước mắt tận dụng cây cao su để làm trụ cho tiêu leo".

vn-potl-gribnk-cho-vy-gn-3000-ty-dong-de-pht-trien-trong-cy-ho-tieu-o-ty-nguyen-464613113248321
Hồ tiêu một thời được mệnh danh là "vàng đen", cây làm giàu. Ảnh: Trần Việt

Năm 2014, xã Chư Pơng có khoảng 51 ha cao su tiểu điền, hầu hết đều được chuyển sang trồng tiêu.

Ở Gia Lai khi đó, một số huyện vốn không phải là nơi truyền thống của hồ tiêu như Đăk Đoa, Mang Yang cũng được người dân chặt bỏ cao su để trồng hồ tiêu. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là vùng đất mới nên cây tiêu có thể sinh trưởng tốt và khó bị nhiễm bệnh. Nhưng thực tế thì không phải vậy.

Đăk Lăk lúc ấy, phong trào chặt bỏ cao su để chuyển đổi sang cây trồng khác cũng đang được nông dân "hưởng ứng" nhiệt tình. Năm 2008, anh N.V.H ở xã Ea Sol (huyện EaH’leo) đã huy động mọi nguồn lực tài chính, mua 5 ha đất để trồng cao su, với hy vọng đến thời gian cây cao su cho mủ sẽ lấy lại vốn. Khi vườn cao su đến tuổi cạo thì giá mủ lại lao dốc thê thảm, càng cạo càng lỗ. Vậy là, một nửa diện tích cao su nói trên đã bị chặt bỏ để trồng tiêu. “Lúc đầu trồng cao su, tôi không nghĩ có ngày giá cao su rớt thê thảm đến vậy. Thôi đành chặt bỏ một nửa diện tích để trồng thêm tiêu, bắp... lấy ngắn nuôi dài”.

Cuối năm 2014, diện tích cao su tiểu điền toàn huyện Ea H'leo khoảng 14.000 ha, nhưng đã có hàng ngàn ha bị chặt bỏ để trồng tiêu, nguyên nhân là do giá cao su xuống thấp, trong khi hồ tiêu thì lại đang "lên ngôi".

Tại Đăk Nông, diện tích cao su ở tỉnh này vốn đã ít lại càng ít hơn vì người dân phá bỏ để trồng tiêu. Chỉ tính trong năm 2015, toàn tỉnh Đăk Nông đã có gần 2.000 ha cao su bị chặt phá để thay thế bằng cây hồ tiêu. Ngày 15/6/2015, Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Nông ban hành công văn số 808/SNN- BTVT, về việc khuyến cáo nông dân không chặt cao su để mở rộng diện tích hồ tiêu. Mặc kệ, cao su vẫn bị chặt, và hồ tiêu vẫn được nông dân ồ ạt trồng mới.

10-38-08_nh_11
Nay nhiều người lâm cảnh nợ nần vì tiêu chết, giá giảm sâu. Ảnh: NK

Thống kê của Sở NN-PTNT Đăk Nông, tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 32.000 ha cao su, trong đó có 5.970 ha cao su quốc doanh, 3.990 ha cao su của các doanh nghiệp tư nhân và 22.300 ha cao su tiểu điền, tổng diện tích đang khai thác là 12.766 ha. Qua kiểm tra, rà soát  thì nông dân đã chặt bỏ hàng ngàn ha cao su để chuyển sang trồng tiêu, cà phê… tập trung nhiều tại các huyện Đăk R’lấp, Đăk Song, Tuy Đức, Krông Nô, Chư Jút và rải rác tại một số địa phương khác...
 

Những tỷ phú "vàng đen"

Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), nhớ lại: Cách đây khoảng 20 năm, ở "Vương quốc hồ tiêu" (hai huyện Chư Sê và Chư Pưh bây giờ), có rất nhiều người "phất" lên nhờ hồ tiêu. Đó là những người được xem là "khai công lập quốc" cho "Vương quốc hồ tiêu" này: Họ tìm vào tận Bình Dương, Đồng Nai học hỏi cách trồng, chăm sóc, sau đó mua giống về trồng ở Chư Sê - đặt những dây hồ tiêu đầu tiên cho vùng đất ba-zan màu mỡ này.

Ông Lê Phước Tuấn, ông Trần Duy Thị (xã Ia Blang, Chư Sê) là một điển hình: Hồi đó, mỗi ông trồng được 5 ha tiêu cho thu nhập cao, đã được xem là "Vua hồ tiêu". Hai ông cùng một số ông khác được mệnh danh là "Vua" ở cái "Vương quốc" này - không chỉ là do có diện tích hồ tiêu lớn, cho thu nhập cao, mà còn là những người tiên phong đưa cây hồ tiêu về đất Chư Sê ngày ấy.

Cũng ở xã Ia Blang, 6 ha tiêu ở thời điểm đó của ông Nguyễn Văn Luyến, thu hoạch dăm, bảy chục tấn hạt khô mỗi năm là cả một gia tài kếch xù.

Còn "Vua hồ tiêu" Hai Khả ở thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh, Gia Lai) được không ít người trong và ngoài tỉnh biết đến: Ở thời điểm giá hồ tiêu đạt đỉnh điểm, gia đình ông sở hữu 8 ha tiêu xanh tốt ngút ngàn, thu nhập hàng năm đến trăm tấn hạt khô. Ông là một trong những người trồng tiêu giàu nhất ở xứ sở hồ tiêu này. Trang trại tiêu của ông nườm nượp khách tham quan, họ đến từ tất cả những vùng trồng tiêu trên cả nước để học hỏi kinh nghiệm, để mua giống, và để... ngắm cho thỏa mắt...

Trồng tiêu thời hoàng kim (Ảnh minh họa)

Từ những điển hình như ông Tuấn, ông Thị, ông Khả, ông Luyến... mà cây hồ tiêu đã phát triển và nhân rộng trên vùng đất Chư Sê, rồi lan ra các huyện khác. Người Kinh trồng tiêu, người dân tộc thiểu số trồng tiêu, rồi người ở xứ khác đến lập nghiệp hoặc thuê đất để trồng tiêu. Không thể phủ nhận một điều rằng: Bên cạnh cây cao su, cà phê một thời hoàng kim, thì hồ tiêu cũng góp phần không nhỏ làm đổi thay diện mạo nông thôn Tây Nguyên. Từ những vườn hồ tiêu mà nhiều nông dân đã trở thành tỷ phú; rất nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu; có những hộ là người dân tộc thiểu số nghèo đói quanh năm, nhờ vườn hồ tiêu mà đã đuổi được cái đói ra khỏi chân nhà sàn...

Chư Sê, Chư Pưh cách đây năm đến bảy năm, nông dân lái ô tô đi thăm vườn tiêu là chuyện hết sức bình thường. Tôi có ông bạn là chủ một salon ô tô ở thành phố Pleiku. Hôm có cái hội chợ, tôi ngồi uống bia ở quầy trưng bày ô tô của ông (cái thời hồ tiêu được mùa được giá), có hai người đàn ông trung niên dân tộc J'rai đến nghiêng ngó, hỏi han. Sau khi được giới thiệu, tư vấn về xe, về giá, một trong hai ông móc túi lấy ra năm mươi triệu, đặt cọc cho chiếc KIA CAREN (giá hồi đó hơn 600 triệu). Làm xong thủ tục, anh ta quay sang hỏi ông bạn đi cùng: "Mày mua không?", anh bạn trả lời: "Tao không mang theo tiền đặt cọc", anh ta lại móc túi, lấy ra năm mươi triệu cho bạn đặt cọc để lấy xe. Cứ như... đi chợ mua mớ rau, cân thịt.

Đó là câu chuyện của hồ tiêu cái thời hoàng kim.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn PAN cán mốc nghìn tỷ

Tập đoàn PAN công bố kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu hợp nhất đạt 16.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế vượt 1.000 tỷ đồng.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất