| Hotline: 0983.970.780

Giọt nước mắt mang tên hồ tiêu và giải pháp: Bài 2 - Tỷ phú thành... con nợ

Thứ Ba 23/04/2019 , 14:35 (GMT+7)

Chặt bỏ cao su, cà phê để trồng tiêu, chuyển đổi cây ăn quả sang trồng tiêu, rồi... phá rừng trồng tiêu (một thời là vấn nạn) để đến bây giờ, những ông chủ vườn tiêu - những tỷ phú hồ tiêu lừng lẫy một thời, lại trở thành... con nợ khó đòi.

Hoang tàn

Cách đây mấy hôm, tôi về huyện Chư Sê, Chư Pưh - nơi được xem là "Vương quốc hồ tiêu" của Gia Lai, của cả vùng Tây Nguyên và cả nước. Những vườn tiêu, những trang trại hồ tiêu một thời lừng lẫy, giờ xơ xác tiêu điều. Dọc quốc lộ 14 (từ huyện Chư Sê về Chư Pưh), vẫn là hàng ngàn ngôi nhà khang trang, hàng trăm ngôi biệt thự đắt tiền - minh chứng một thời hoàng kim của hồ tiêu nơi đây. Tuy nhiên, có không ít nhà cửa đóng then cài. Hỏi ra, mới biết: Chủ nhà đã bỏ đi làm ăn xa, để... trốn nợ!

nh-9174929570
Không ít nhà cửa đóng then cài vì chủ nhà bỏ đi làm ăn xa trốn... nợ

Năm 2015, tiêu bắt đầu đổ bệnh và chết. Năm 2016, tiêu chết hàng loạt nơi "Vương quốc hồ tiêu" này. Cụm từ "chết nhanh chết chậm" luôn là nỗi ám ảnh đến sởn gai ốc đối với người trồng tiêu thời điểm này. Đến giờ, có không ít nhà mà tiêu trong vườn đã chết sạch.

Cũng dọc quốc lộ 14, bên cạnh không ít những ngôi nhà đóng cửa là những đống gỗ từng làm trụ tiêu. Giờ tiêu chết, người dân nhổ lên bán làm củi hòng vớt vát chút tiền đầu tư. Cũng dọc tuyến quốc lộ 14 này, bên những ngôi nhà đóng cửa là hàng trăm lô đất cắm biển rao bán.

Cuối mùa khô Tây Nguyên, trời nắng như trút lửa. Hầm hập nóng từ mặt đường nhựa bốc lên. Cách đây khoảng 3 - 5 năm về trước, đi qua đoạn này luôn có cảm giác mát mắt, bởi hai bên đường là bạt ngàn những vườn hồ tiêu xanh tốt. Trong những vườn tiêu ấy, nông dân làm việc với vẻ mặt hân hoan, hào hứng bởi họ biết, vụ này sẽ bội thu. Tưới béc phun, tưới nhỏ giọt, bón phân qua hệ thống tưới nước... đều được nhà vườn áp dụng. Đang đi ngoài đường nóng, bước vào vườn tiêu, mát lạnh.

16-27-18_mot_thoi_tru_tieu_gio_thnh_cui_muc
Một thời là trụ tiêu, giờ là củi mục
Quy hoạch của Bộ NN-PTNT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cả nước dừng lại ở 50.000ha hồ tiêu. Nhưng hiện nay đã có đến trên 150.000ha - cao gấp hơn 3 lần quy hoạch. Bên cạnh việc tự chuyển đổi cao su, cà phê sang trồng tiêu thì việc phá rừng lấy đất trồng tiêu, chặt cây rừng làm trụ tiêu đã từng là vấn đề nóng ở Tây Nguyên. Phát triển hồ tiêu không theo quy hoạch, chọn giống và chăm sóc không phù hợp, canh tác theo kiểu bóc lột đất... là những nguyên nhân dẫn đến vườn tiêu bị bệnh và chết.

Giờ, đi qua đây là quang cảnh hoang tàn: Những vườn tiêu chết chưa kịp nhổ, thân tiêu khô quắt lòng khòng bám trên thân trụ, chỉ khẽ chạm tay là vụn nát rơi xuống đất. Cũng có những vườn tiêu đã kịp phá bỏ, trụ gỗ được nhổ chất thành từng đống lớn để bán làm củi, đám đất trống trơ chưa biết thay thế bằng cây gì.

Cũng có không ít miếng đất trống, chủ đất cắm cái cọc với tấm biển "Bán đất. Liên hệ...". Cảnh này, bên những ngôi nhà khang trang, bên những căn biệt thự cửa đóng đìu hiu, bên những gương mặt buồn chán của nông dân, càng thêm buồn!
 

Ông chủ thành... con nợ

Lão nông Phạm Hồng Sơn (71 tuổi, thôn Thiên An, xã Ia Blứ, Chư Pưh) được biết đến như là một đại gia hồ tiêu. Với 6.000 trụ tiêu, ở thời điểm giá tiêu cao nhất, gia đình ông thu về bạc tỷ.

Nhưng sau đó, vườn tiêu bị bệnh, chết đến... không còn nổi một trụ. Không chán nản, ông Sơn vét hết tiền nhà, vay thêm 1,5 tỷ đồng, gầy dựng lại vườn tiêu hơn 5.000 trụ. Còn bây giờ: Chết sạch!

“Tiêu chết, nhà tôi ôm nợ tỷ rưỡi. Cứ 3 tháng lại phải đóng lãi 40 triệu đồng. Không biết làm gì để trả cho hết nợ" - ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn thì ở đây, ai chưa có sổ đỏ, không cầm cố đất, nhà được là không nợ. Còn lại 90% dân số đang là con nợ của ngân hàng. Người ít thì 200 triệu, nhiều thì cỡ 2 tỉ.

Ông Nguyễn Văn Khôi (50 tuổi, xã Ia Le) được biết đến là một trong những người thành công nhất trong việc trồng tiêu ở huyện Chư Pưh. Giờ, người ta lại biết đến ông là người vay nợ nhiều nhất xã.

16-27-18_ong_khoi
Ông Nguyễn Văn Khôi bên một trụ tiêu chết khô

Năm 1996, ông Khôi trồng 300 trụ tiêu. Cứ mỗi năm bán tiêu, tiền lãi ông lại mua đất và trồng mới. Đến năm 2014, ông có hơn 10.000 trụ tiêu. Liên tiếp trong 2 năm 2014 và 2015, giá tiêu cao, gia đình thu về hơn 2 tỷ đồng. Cũng năm đó, ông vay ngân hàng 2 tỷ để xây nhà và đầu tư thêm vào tiêu. Nhà vừa xây xong, 10.000 trụ tiêu chết hết 9.000 trụ, 1.000 trụ còn lại thì èo uột.

16-27-18_nh_ong_khoi_dng_the_chp_ngn_hng
Nhà ông Khôi đang thế chấp ngân hàng

"Hồi tiêu cao giá, tôi mướn 15 - 20 lao động làm suốt 3 tháng, chỉ để hái và phơi tiêu. Các cơ quan thường xuyên đến vườn tôi tham quan; đài truyền hình đến quay phim về mô hình sản xuất kinh doanh giỏi. Tôi được nhận bằng khen nông dân sản xuất giỏi toàn quốc… Còn bây giờ, tôi lại là con nợ lớn nhất xã" - ông Khôi nói.

Vụ tiêu năm nay, gần 1.000 trụ tiêu còn lại của gia đình ông thu hơn 7 tạ. Trừ chi phí, công cán còn hơn 4 tạ. Với giá hiện tại thì chỉ hơn 17 triệu đồng. Với số nợ gần 2 tỷ ở ngân hàng, mỗi năm gia đình ông gánh hơn 180 triệu tiền lãi. "Cứ mỗi sáng ngủ dậy là thấy mất 500 ngàn tiền lãi. Bây giờ chẳng biết kiếm đâu ra tiền trả lãi chứ chưa nói đến nợ gốc” - ông Khôi buồn bã.
 

Xa xứ

Ở Tây Nguyên, nhất là Gia Lai, chuyện người trồng tiêu vỡ nợ, bỏ xứ đi làm ăn xa đang là chuyện thời sự. Những người trước đây phất lên nhờ hồ tiêu, giờ lại nợ nhiều nhất. Không ít người giao lại tài sản cho ngân hàng, trốn biệt tăm. Ông Mai Liệu (thôn Thủy Phú, xã Ia B'lứ, huyện Chư Pưh) là một ví dụ. Gia đình ông vay ngân hàng đầu tư vào 15 ha tiêu, hai người con của ông đã phải bán cả nhà lẫn đất để trả nợ ngân hàng, 7 người con còn lại phải nghỉ học sớm, đi làm thuê ở xa để giúp cha mẹ trả nợ.

Cũng ở xã Ia B'lứ, ông Dương Quỳnh (50 tuổi, trú thôn Thiên An) gom góp tiền nhà, vay ngân hàng thêm 200 triệu đồng trồng 2ha tiêu. Năm 2017, tiêu chết đúng ngày thu hoạch. Ông Quỳnh vào tận Sài Gòn làm bảo vệ, kiếm tiền trả lãi. Ông cho biết: Làm bảo vệ, mỗi tháng chỉ được 4,5 triệu, tiền trọ hơn 1 triệu, còn tiền ăn, trong khi mỗi tháng phải đóng lãi hơn 4 triệu. Làm hơn một năm, thấy không ăn thua gì, ông quay về nhà bàn với vợ con chuyện làm ăn trả nợ.

16-27-18_ong_quynh
Ông Dương Quỳnh bên vườn tiêu xơ xác vì bệnh dịch

Ở cái "Vương quốc hồ tiêu" này, những trường hợp như ông Quỳnh, ông Liệu nhiều lắm. Kết quả khảo sát từ các ngân hàng trên địa bàn cho thấy: Chỉ riêng huyện Chư Pưh (Gia Lai), dư nợ cho vay trồng, chăm sóc hồ tiêu thời gian gần đây lên tới 1.400 tỷ đồng với gần 6.500 khách hàng, hầu hết là hộ gia đình, cá nhân...

Chủ tịch UBND xã Ia B'lứ - ông Phan Văn Linh, cho biết: Toàn xã có hơn 400 ha tiêu bị chết. Xã có 1.466 hộ thì có trên 70% hộ dân vay khoảng 200 tỷ đồng để trồng tiêu. Giờ tiêu chết, hầu hết đều không có khả năng trả nợ.

Một thời ở nhà đẹp, đi xe sang, giờ trở thành con nợ khó đòi, phải xa xứ làm ăn mong có tiền trả nợ ngân hàng.

Ông Nguyễn Văn Cư - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Gia Lai, cho biết: Tổng dư nợ mà người dân toàn tỉnh vay trồng tiêu là trên 4.300 tỷ đồng với hơn 26.000 hộ vay. Trong đó có 2.200 tỷ nợ xấu. Riêng huyện Chư Pưh, người dân vay vốn trồng tiêu hơn 1.400 tỷ đồng.

 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.