| Hotline: 0983.970.780

Dầu tăng giá - Tàu cá dạt bờ!

Thứ Sáu 25/07/2008 , 08:00 (GMT+7)

Ngay sau khi giá xăng dầu tăng “kỷ lục” nhất từ trước đến nay, NNVN đã về Phước Tỉnh - vùng cá lớn nhất ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Về đây, gặp tôi ông Phạm Tính – Trưởng ban Hải sản nói: “kể từ hôm xăng dầu tăng giá đến nay đã có 50 tàu cá vào bờ rồi...”

“Đại gia” cũng méo mặt

Theo ông Phạm Tính – Trưởng ban Hải sản Phước Tỉnh, từ khi xăng dầu tăng giá đến nay số tàu phải… vô bờ đếm không xuể. Tàu cập bờ ngày một nhiều là do họ sợ càng đánh càng lỗ. Một số tàu liều ra khơi  không biết kết quả sẽ ra sao...nhưng chắc chắn là cực kỳ khó khăn…

Những ngày này ở làng cá Phước Tỉnh tấp nập tàu cá vào bờ, tuy nhiên không phải là những tàu cá đánh bắt đầy ắp cá trở về mà là những tàu cá bị thiếu nhiên liệu và không có tiền để mua dầu tiếp. Đứng trước tình hình xăng dầu tăng giá, nhiều đại lý xăng trước đây thường xuyên cho ngư dân mua theo kiểu trả tiền gối đầu, nhưng nay đoán trước ngư dân khó có khả năng chi trả nên đã chấm dứt kiểu bán này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hóa – chủ 4 chiếc tàu vừa mới cập bến chiều 24/7 nói như mếu: “Chuyến đi biển vừa qua chúng tôi lỗ nặng. Trung bình mỗi chuyến đi biển một đôi tàu công suất lớn (200 CV) của tôi cần khoảng 20.000 lít. Với chuyến đi biển vừa qua với 2 đôi tàu, chỉ tính riêng khoản dầu Diezel tăng giá từ 13.950đ lên 15.950đ/lít (tăng 2000đ/lít) thì chúng tôi phải bù thêm… 80 triệu đồng rồi. Do không mua được dầu theo kiểu trả “gối đầu” trước nay vẫn mua nên tôi đành phải để tàu nằm bờ. Không những vậy, xăng dầu mới tăng giá mà đã kéo theo hàng chục mặt hàng đi biển, ngư lưới cụ tăng theo khiến chúng tôi không thể kham nổi”.

Chung cảnh buồn này, “đại gia” Võ Minh, chủ 6 chiếc tàu công suất lớn (từ 150-600CV) cho biết, ông  đang khốn đốn vì không biết làm gì trước tình hình giá xăng dầu tăng đến chóng mặt với 6 chiếc tàu tải trọng lớn. Theo ông Minh, với giá dầu chưa tăng (13.900đ/lít) thì 6 tàu ra khơi bù qua, sớt lại cũng huề vốn và giải quyết được việc làm. Nhưng nay giá dầu lại tăng và nghe nói mức này còn đang được bù lỗ thì chúng tôi quá “choáng” vì giá xăng dầu cao quá, có nằm mơ chúng tôi cũng không dám nghĩ nó cao đến vậy. Đã thế, mấy năm nay giá các mặt hàng hải sản đánh bắt được tăng rất nhẹ và quá ít so với giá dầu. Ông Minh than thở: " Được mệnh danh là “đại gia” như tôi, trước tình hình này cũng ngao ngán khi nghĩ về việc đưa tàu ra khơi đánh bắt tiếp"

Theo ghi nhận của PV NNVN trong ngày 23 và 24/7, tàu đánh bắt xa bờ ở Phước Tỉnh và một số vùng lân cận như Phước Hải – Đất Đỏ liên tục cập bờ. Nhiều ngư dân chán nản, với tình hình xăng dầu thế này chủ tàu khó mà ra khơi chúng tôi sẽ biết phải làm gì khi con cái sắp bước vào năm học mới!

Chuyển nghề là rất khó

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh (Long Điền) cho biết, toàn xã có tổng cộng 1.168 chiếc tàu trong đó có 1.071 chiếc đánh bắt xa bờ trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Với giá dầu trước đó đã có rất nhiều tàu ra khơi bị lỗ, trong khi với giá xăng dầu như hiện nay thì ngư dân sẽ rất khó khăn trong việc tiếp tục ra khơi và số tàu đánh bắt bị thua lỗ sẽ còn tăng cao. Là xã có truyền thống lâu đời trong việc đánh bắt bắt hải sản xa bờ, hiện nay nếu ngư dân không ra biển sẽ rất khó cho việc chuyển đổi việc làm và sắp xếp lao động ở địa phương, đáng nói số lao động nhàn rỗi rất nhiều. 

TIN LIÊN QUAN

Liên quan đến chính sách hỗ trợ cho ngư dân, vì thủ tục còn rườm rà nên tiền chậm đến  dân, ông Nguyễn Minh Chí – PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh BRVT cho NNVN biết, thực hiện QĐ 289/QĐ-TTg, hiện đã phân bổ đợt 1 năm 2008 là 67,541 tỷ đến các địa phương và hiện đang khẩn trương triển khai. Ông Chí thừa nhận hiện nay có 5 điều còn “vướng” về chính sách hỗ trợ cho ngư dân như: các tàu nhỏ dưới 90CV đa phần thiếu hồ sơ gốc hoặc mua ban sang tay không giấy tờ nên không đủ điều kiện để đăng ký đăng kiểm để được hưởng hỗ trợ. Do vậy cần cho phép chính quyền địa phương xác nhận chủ tàu làm cam kết chủ quyền để được làm thủ tục đăng ký đăng kiểm. Thứ hai, quy định về việc làm bảo hiểm thân tàu mới được hỗ trợ là vô lý vì Luật Thủy sản không bắt buộc làm việc này mà chỉ khuyến khích. Thứ ba, theo hướng dẫn điều kiện hỗ trợ, tàu cá phải hoạt động từ 6 tháng /năm trở lên trong khi thực tế tàu cá chỉ hoạt động theo tháng, chuyến. Thứ 4,không nên đưa điều kiện “phải có văn bản chấp thuận mua mới đóng mới” vì khi đăng ký đã quy định rồi. Cuối cùng là cho phép các chủ tàu làm cam kết bổ sung bằng thuyền trưởng máy trưởng sổ thuyền viên tàu cá trong vòng 3 tháng kể từ ngày cấp.

-----------------------------------------------

Kiên Giang: Ngư phủ rời tàu

Nhiều tàu cá vừa ra khơi lại bị “cơn bão giá” đánh dạt vào bờSau một thời gian dài bị “mắc cạn”, nhiều chủ tàu cá vừa gắng gượng để tiếp tục ra khơi đã gặp ngay đợt tăng giá xăng dầu mới. Họ giống như người bệnh chưa kịp bình phục đã gặp ngay một cơn bệnh mới làm cho kiệt sức.

Đến cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành, Kiên Giang) vào thời gian này, một đều rất dễ nhận thấy là vẻ lo âu mệt mỏi hiện rõ lên khuân mặt các chủ tàu. Bởi theo họ, lợi nhuận thu được sau gần một tháng trời bám biển không thể bù đắp nổi chi phí tăng thêm do giá xăng dầu tăng. Anh Nguyễn Đức Tuấn, một chủ tàu ở Tp. Rạch Giá, Kiên Giang rầu rĩ: “Một cặp cào đôi của tôi (chiếc lớn 430CV, chiếc nhỏ 385CV) mỗi chuyến biển tiêu tốn khoảng 50.000 lít dầu. Giá dầu tăng thêm 2.000 đồng/lít, phải tốn thêm 100 triệu đồng nữa. Trong khi mỗi chuyến biển giỏi lắm cũng chỉ lời được khoảng 15 – 20 triệu đồng”. Nhiều chủ tàu cho biết, với giá dầu như hiện như hiện nay, nếu chạy hết 1.000 lít dầu mà lượng hải sản thu được bán dưới 20 triệu đồng thì cầm chắc thua lỗ. Do vậy, nhiều chủ tàu vừa ra khơi quay về đã phải tính tới chuyện phải tiếp tục nằm bờ vì “kiệt sức”. “Nếu các ngân hàng không cho gia hạn nợ, khoanh nợ thì khả năng nhiều chủ tàu phải tuyên bố phá sản là điều khó tránh khỏi” – một chủ tàu cho biết.

Ông Trương Xuân Đông ở Châu Thành, Kiên Giang có 4 chiếc cào đôi (chiếc lớn nhất 1.200CV, chiếc nhỏ nhất 500CV) than thở: “Cứ mỗi đợt tăng giá xăng dầu là ngư dân chúng tôi lại điêu đứng. Thường thì phải mất vài tháng sau giá các mặt hàng thủy sản mới ổn định lại. Trong thời gian này, các chủ tàu thường chọn giải pháp hoạt động cẩm chừng để thăm dò thị trường”.

Hiện nay, hầu hết các ngư phủ đều làm theo hình thức ăn chia với chủ tàu. Sau mỗi chuyến biển, trừ hết các khoản chi phí còn lãi chia theo tỷ lệ 6/4 (ngư phủ 4). Giá xăng dầu tăng đã khiến cho lợi nhuận của mỗi chuyến biển teo tóp dần, thậm chí thua lỗ. Anh Trần Thanh Dũ, ở huyện An Minh tâm sự: “Trước đây một tháng đi biển chia ra mỗi ngư phủ ít nhất cũng được 2,5 – 3 triệu đồng. Còn bây giờ có khi chỉ được 1 triệu, trong khi cái gì cũng tăng làm sao sống nổi. Thậm chí có người phải ứng trước để nuôi vợ con, đến khi lên bờ còn thiếu nợ lại chủ tàu”. Anh Danh Diễn, ở thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất  ngậm ngùi: “Nghề biển cực nhọc mà thu nhập chẳng bao nhiêu. Cứ đà này thì đành phải bỏ nghề sớm thôi. Nhiều chủ tàu đã gần như phá sản sau nhiều đợt tăng giá xăng dầu, họ còn sức đâu mà giữ chân ngư phủ”.

-----------------------------------------------

Quảng Nam: Hàng ngàn lao động nghề biển thất nghiệp

Mựt khô rớt giá, xăng dầu tăng khiến cho nhiều tàu đánh bắt mực ở Quảng Nam phải nằm bờ.Tại Quảng Nam, hiện nhiều tàu câu mực sau khi vào bờ cả tuần lễ vẫn không bán được mực. Người hành nghề mực khơi chỉ mong trúng đậm để vào bờ và mong mực được giá để có thu nhập cao, nhưng oái ăm tàu cấp cảng thì một phần bán không được do giá quá rẻ, một phần thì bán mà không lấy được tiền do bị các chủ đầu nậu để nợ.

Những tàu câu mực thường đi chuyến biển dài hai hoặc ba tháng, phí tổn khoảng 300 – 400 triệu đồng. Nếu tàu nào trúng, câu được 15 tấn thì còn kím được chút ít chia nhau nhưng với giá cả như hiện nay nếu chỉ được 10 tấn thì như thế mỗi tàu sẽ phải chịu lỗ cả trăm triệu đồng. Chỉ riêng xã Tam Giang (xã có nhiều tàu câu mực nhất tỉnh Quảng Nam – 58 chiếc) đã có 50 chiếc nằm bờ; trong đó, nhiều tàu nằm bờ đã 20 ngày qua. Ước tính phải đến 100 chiếc tàu của Quảng Nam nằm bờ vì làm ăn lỗ lã, dẫn đến số lao động nghề biển bị thất nghiệp ít nhất 2.000 người.

Tại cảng cá Tam Giang huyện Núi Thành, bà Đinh Thị Thu vợ ông Huỳnh Ngọc Dư, chủ tàu QNa 90154 than vãn: Chưa lúc nào nghề câu mực khơi gặp khó khăn như lúc này. Giá mực quá rẻ, giá dầu không ngừng tăng... những khoản này người lao động phải trực tiếp gánh chịu nên không còn ai mặn mà đi biển khiến hầu hết các tàu ở đây phải nằm bờ. Lao động của mình ở tứ xứ, sau chuyến biển họ tính không ra gì là “dọt” về quê. Muốn giữ chân lao động thì phải cho họ ứng tiền, người này chờ người kia... cuối cùng cũng không thể ra khơi.

-----------------------------------------------

Bình Định:  Rao bán ghe tàu

Đang vào vụ đánh bắt cá nhưng tại các bến, tàu thuyền của ngư dân Bình Định vẫn xếp lớp nằm trên bờ hoặc neo đậu kịt bến.

Đây đó có những chủ tàu rao bán ghe vì không còn trụ được trước việc xăng dầu tiếp tục tăng giá. Trước khi giá xăng tăng, một chiếc ghe cỡ lớn có thể bán được giá 600-700 triệu đồng nhưng đến thời điểm này, rao bán 400-500 triệu đồng cũng chưa có ai ngó đến.

Có người không bán được tàu đành chuyển sang nghề khác để kiếm sống. Với những người đã lỡ vay mượn tiền để đóng tàu trước đây thì càng đứng ngồi không yên. Tàu thì nằm bờ, tiền tích lũy không có, cứ đến tháng là phải chạy đôn đáo khắp nơi vay mượn tiền trả lãi. Chiếc ghe đóng cách đây ba năm trị giá nửa tỷ đồng, bây giờ người mua chỉ trả giá 200 triệu không nỡ bán vì tiếc.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, do áp lực tăng giá xăng dầu đã làm cho hàng ngàn tàu cá trên địa bàn tỉnh phải nằm bờ vì chi phí tăng quá cao, trong khi nguồn thu nhập sau mỗi chuyến biển của ngư dân lại giảm sút, thua lỗ. Thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng trên 1.000 tàu cá đang phải nằm bờ, tập trung chủ yếu ở các tàu cá đánh bắt xa bờ với các nghề như câu mực, đánh bắt cá ngừ đại dương, câu khơi…

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm