| Hotline: 0983.970.780

Đầu tư giao thông nội đồng trước

Thứ Sáu 10/12/2010 , 09:37 (GMT+7)

Theo tôi, một trong những tiêu chí cốt yếu trong xây dựng NTM là xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có giao thông nội đồng phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng hiện tại, trên địa bàn huyện Phù Mỹ gần như bị trống về điều này. Về những tiêu chí khác, cứ có tiền là làm được. Thế nhưng với tiêu chí xây dựng giao thông nội đồng thì chưa chắc có tiền mà làm được. 

Quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp ở huyện Phù Mỹ được xây dựng từ thời các HTXNN còn hoạt động tập trung, việc thực hiện đã không bài bản, lại bị thời gian tàn phá nên những bờ vùng, bờ thửa trên những cánh đồng giờ hầu như đã tan tác. Thêm vào đó, giao thông nội đồng cũng “trống hoác” nên nông dân muốn vận chuyển vật tư nông nghiệp ra đồng hoặc vận chuyển sản phẩm thu hoạch về nhà phải đổ mồ hôi ra trên những quang gánh kĩu kịt suốt chặng đường dài cả cây số.  

Không có giao thông nội đồng, dù nông dân có muốn cơ giới hóa đến mấy cũng không thể thực hiện được. Mọi hoạt động trong SXNN ở địa Phù Mỹ hầu hết đang được làm thủ công. Không có đường đưa máy cắt xuống ruộng thì phải cắt tay hoặc máy cầm tay, đưa sản phẩm nông nghiệp về nhà thì phải gánh, vác. Kiểu làm này vừa tốn công, tốn sức, bị thất thoát sau thu hoạch nhiều lại phải chịu chi phí SX cao hơn. Khi chưa cơ giới hóa được thì sản xuất nông nghiệp của nông dân huyện Phù Mỹ ngày càng gặp khó khăn khi công lao động ngày càng hiếm, giá lại cao đến gần 100.000đ/công mà đến kỳ thu hoạch kiếm công cũng không ra.  

Có đường sá nội đồng thuận lợi bà con nông dân siêng đi thăm ruộng hơn, sẽ phát hiện sâu bệnh kịp thời để có biện pháp khống chế bảo vệ mùa màng, sản xuất nông nghiệp sẽ được giảm thiểu thiệt hại. Để có hệ thống giao thông nội đồng bền vững, chúng tôi sẽ đề nghị lãnh đạo địa phương gắn việc xây dựng giao thông nội đồng song song với chương trình kiên cố hóa kênh mương. Giải pháp này sẽ tốn kém nhưng khi hoàn thiện chúng sẽ phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp. Đó lại là điều kiện bảo quan tốt nhất cho cả hai. Hằng năm nông dân phải nạo vét kênh mương, bảo vệ bờ mương. Mà bờ mương cũng là đường giao thông nội đồng nên cũng sẽ được bảo quản nghiêm cẩn. 

Khi thực hiện việc này, cái khó không phải chỉ về kinh phí đầu tư mà chính là chuyện đụng đến đất đai của nông dân. Muốn mở đường giao thông nội đồng thì sẽ phải có nhiều nông dân hy sinh ruộng đất của mình, trong khi đất đai đã giao quyền sử dụng lâu dài cho nhân dân. Khó thì khó vậy nhưng không phải là không có cách tháo gỡ. Theo chúng tôi, có 2 cách để giải tỏa khó khăn trên. Hiện địa phương cấp xã nào cũng có một số diện tích đất sản xuất nông nghiệp trong diện dự phòng, lâu nay dùng để cho nông dân trong địa phương đấu giá canh tác, thu tiền đấu giá sung vào ngân sách xã. Bây giờ dùng đất này để hoán đổi cho những hộ có ruộng đất được trưng dụng để xây dựng hệ thống giao thông nội đồng.  

Cách thứ 2 là hỗ trợ tiền đất theo quy định và phải có phương án để giúp những nông dân này chuyển đổi nghề nghiệp. Nếu chuyện đất đai với người dân đã ổn thì vẫn còn cái khó khác là khi thực hiện các cấp ngành chức năng phải tích cực hỗ trợ bởi nếu “đụng” 5-7 thửa đất của chỉ một hộ dân thì dễ, đằng này 5-7 thửa đất của 5-7 hộ dân thì thủ tục hoán đổi sẽ rất nhiêu khê, cần phải qua nhiều quyết định, văn bản. Khi nào nhìn ra những cánh đồng mà còn nhìn thấy nông dân còn sản xuất theo phương pháp thủ công thì khi ấy chưa thể có NTM.  

(*): Tác giả hiện là Trưởng phòng NN- PTNT Phù Mỹ, Bình Định

Độc giả hiến kế xây dựng NTM xin gửi bài về email:nongthonmoinnvn@gmail.com

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.