| Hotline: 0983.970.780

Những tỷ phú nuôi tôm công nghệ vùng nước lợ

Thứ Tư 04/12/2019 , 10:50 (GMT+7)

Nhiều người vùng ven sông Đồng Nai, khu vực huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai giàu lên nhanh chóng nhờ nuôi tôm công nghệ lót bạt đáy ao.

Ao tôm nuôi theo công nghệ lót bạt đáy ao của anh Nguyễn Huy Bình (trái).

Anh Nguyễn Huy Bình, ở ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, là một trong những người nuôi tôm giỏi nhất xã. Mặc dù chỉ mới áp dụng nuôi tôm lót bạt đáy ao từ 3 năm nay, nhưng 3 ao tôm với diện tích 5.000m2, đã mang về cho gia đình anh mỗi năm vài tỷ đồng sau khi trừ chi phí.

Từng là một cán bộ ngành nông nghiệp xã, năm 2014, anh quyết định xin nghỉ về nhà nuôi tôm. Ban đầu anh đào ao nuôi tôm theo cách truyền thống là nuôi trong ao đất. Kinh nghiệm không có, và gần như chẳng áp dụng khoa học kỹ thuật gì, anh chỉ học lỏm những người đi trước rồi về làm theo. Hậu quả là thất bại liên tiếp mấy vụ. Đến năm 2017, sau khi tìm tòi, nghiên cứu tài liệu và tham quan những mô hình nuôi tôm thành công, anh mới chuyển sang nuôi tôm lót bạt đáy ao. Cũng từ đây, anh thành công liên tiếp cho đến nay.

“Lót bạt đáy ao có thể nuôi 1 năm 4 vụ, còn nuôi ao đất thì có khi chỉ được 2 vụ/năm. Chưa kể, nuôi ao đất tiềm ẩn rủi ro rất lớn, năng suất kém. Tôi có 3 ao, tổng diện tích 5.000m2, từ đầu năm đến nay, tôi đã thu hoạch 3 vụ, được hơn 60 tấn tôm rồi. Vụ cuối năm tôi chuẩn bị thu hoạch trong vài ngày nữa, tôm hiện đạt kích cỡ 35 con/kg, ước đạt khoảng 25 – 26 tấn. Như vậy, năm nay 3 ao của tôi đạt năng suất khoảng 90 tấn tôm”, anh Bình cho biết.

Theo anh Bình, giá tôm từ đầu năm đến nay không ổn định, nhưng thay đổi theo hướng có lợi cho người nuôi. “thời điểm đầu năm, giá tôm loại 35-36 con 1kg có giá 145-150 ngàn đồng/kg, còn thời điểm hiện tại, giá đang là 180 ngàn đồng/kg. Bình quân vốn đầu tư cho 1 ký tôm khoảng 100 ngàn đồng. Như vậy, nếu giá 150 ngàn đồng/kg thì lãi 50 ngàn, giá 180 ngàn thì lãi 80 ngàn”, anh nói tiếp.

Để có thành công này, ngoài việc lót bạt đáy ao, anh Bình còn liên kết với các doanh nghiệp để được hỗ trợ về con giống đảm bảo chất lượng và tư vấn kỹ thuật. Theo anh Bình, để nuôi tôm thành công, ngoài việc phải lấy con giống đảm bảo, có nguồn gốc, còn phải áp dụng đúng và đủ quy trình kỹ thuật. Trong quá trình nuôi, cần đặc biệt chú trọng công tác phòng bệnh cho tôm bằng cách theo dõi chất lượng nước, vi sinh, độ pH, oxy, kiểm tra kháng thể cho tôm…

Tôm nuôi theo công nghệ hạn chế dịch bệnh, phát triển nhanh, chất lượng đảm bảo nên giá cao hơn tôm nuôi truyền thống.

Một trường hợp khác, là ông Nguyễn Trường Đại, ở ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, có 3.500m2 mặt nước, cũng thu tiền tỷ mỗi năm từ mô hình nuôi tôm lót bạt đáy ao.

Ông Đại cho biết, trước đây ông nuôi tôm ao đất truyền thống, hiệu quả thấp mà rủi ro cao. Năm 2015, sau khi đi tham quan một loạt mô hình nuôi tôm công nghệ ở các tỉnh miền Tây, ông trở về đầu tư mô hình nuôi tôm lót bạt đáy ao.

Khi áp dụng mô hình nuôi công nghệ lót bạt, ông chỉ sử dụng 2/3 diện tích làm ao nuôi, còn lại làm ao giống. Ngoài lót đáy, ông cỏn làm lưới che phía trên không gian ao nuôi. Việc sử dụng lưới che đã làm giảm bớt nhiệt độ hồ nuôi do lưới đã hấp thu bớt một phần nhiệt nên nhiệt độ từ ánh nắng mặt trời, hồ nuôi luôn được đảm bảo nhiệt độ ở mức lý tưởng cho tôm phát triển. Ngoài ra, nhờ lưới che nên cũng tránh được ánh nắng trực tiếp chiếu xuống hồ hạn chế được sự phát triển của các loại tảo ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của con tôm.

 “Mô hình này có ưu điểm lớn là chủ động kiểm soát môi trường nước nên hạn chế rủi ro dịch bệnh cho tôm. Sử dụng men vi sinh phòng bệnh cho tôm thay vì thuốc kháng sinh. Nhờ vậy, nên con tôm nhanh lớn, khoẻ mạnh, đặc biệt là không có dư lượng kháng sinh, đảm bảo sạch. Tôm thành phẩm của tôi thường đạt chất lượng loại 1, trọng lượng bình quân từ 30-35 con/kg, nên giá bán cao gấp rưỡi, gấp đôi so với các loại tôm nhỏ hơn và nuôi thông thường khác”, ông Đại nói.

Mô hình tôm lót bạt đáy ao và che lưới bên trên của ông Đại ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch.

Theo ông Đại, công nghệ nuôi lót bạt có thể đạt 4 - 5 vụ/năm, chi phí đầu tư ban đầu không phải quá sức với nhiều người, khoảng 200 triệu đồng cho 1.000m2 mặt nước. Ao lót bạt đáy có thể thả mật độ đến 200 con tôm giống/m2, gấp 4 lần so ao cũ nên năng suất tôm thu hoạch cũng gấp nhiều lần so cách nuôi truyền thống.

Ngoài ra, công nghệ lót bạt đáy ao tiết kiệm diện tích đất hơn hẳn cách nuôi truyền thống. Trước đây, toàn bộ diện tích trên đều được ông đào ao và thả tôm nuôi cho đến khi thu hoạch. Nhưng với công nghệ mới, ông chỉ cần đầu tư lót bạt cho 2 ao nuôi; diện tích đất còn lại ông sử dụng làm ao ương để thả tôm giống, đến 1 tháng tuổi mới chuyển qua ao nuôi.

Mô hình nuôi tôm lót bạt đáy ao và che lưới phía trên của ông Nguyễn Trường Đại.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.