Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp với mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cả về KT-XH và môi trường. Đồng thời, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh.
Đặc biệt, ngành lâm nghiệp chuyển hướng từ khai thác rừng sang phát triển vốn rừng, trồng rừng tập trung, khoanh vùng bảo vệ, giao đất, giao rừng cho các thành phần kinh tế. Qua đó, tạo điều kiện cho dân cư tại các vùng có rừng và đất rừng sinh sống, làm giàu bằng kinh doanh tổng hợp từ nghề rừng. Đáng chú ý, việc ban hành Nghị quyết 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển lâm nghiệp bền vững là bước đột phá, thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Quảng Ninh có trên 100.000ha rừng tự nhiên, 200.000ha rừng trồng, 3 khu rừng đặc dụng, 6 khu rừng phòng hộ, 8 công ty lâm nghiệp và 30 tổ chức được giao, thuê rừng. Với sự đa dạng về điều kiện tự nhiên, địa lý, tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế và dư địa cho phát triển kinh tế dưới tán rừng.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án của các nhà đầu tư ngoài ngân sách có đủ năng lực về vốn, công nghệ, tổ chức sản xuất như dự án trồng cây ăn quả và dược liệu kết hợp du lịch sinh thái tại huyện Tiên Yên, Bình Liêu.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh những nghiên cứu liên quan đến phát triển kinh tế dưới tán rừng. Trong đó, xác định cơ sở khoa học, điều tra, bảo tồn, nhân giống, xây dựng mô hình một số loài cây có giá trị kinh tế như: Cát sâm, hà thủ ô, ba kích tím, trà hoa vàng, bảy lá một hoa, mai vàng Yên Tử... Các địa phương trên địa bàn đã chú trọng kết hợp các mô hình trồng cây dược liệu, cây ngắn ngày dưới tán rừng, góp phần tận dụng tối đa diện tích đất rừng, chống biến đổi khí hậu, tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương.
Để triển khai hiệu quả các mô hình, toàn tỉnh đã rà soát diện tích đất lâm nghiệp đang được sử dụng để sản xuất nông lâm kết hợp, hoàn thiện hồ sơ để thực hiện cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, hướng dẫn địa phương và chủ rừng thực hiện đầy đủ quy định về nguyên tắc, đối tượng, tỷ lệ diện tích và phương thức thực hiện sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp.
Quảng Ninh đã quy hoạch 3 vùng trọng điểm phát triển dược liệu gắn với loài cây trồng cụ thể. Tính đến nay, toàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất dược liệu tập trung như ba kích 322ha; trà hoa vàng 120ha; kim ngân, đinh lăng, địa liền, cà gai leo, kim tiền thảo, xuyên tâm liên... với diện tích 192,2ha.
Thời gian qua, các địa phương đã chủ động triển khai hiệu quả một số mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng, nâng cao giá trị của rừng, tăng thu nhập cho người dân. Điển hình, như huyện Ba Chẽ, với diện tích đất lâm nghiệp chiếm 91%, Ba Chẽ được định hướng trở thành một trong những trung tâm dược liệu xanh của tỉnh Quảng Ninh và vùng Đông Bắc.
Ông Vi Thanh Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ba Chẽ cho biết, huyện đã quy hoạch các vùng trồng cây dược liệu; triển khai Đề án bảo tồn và phát triển dược liệu trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025, trong đó, phấn đấu trồng mới trên 100ha/năm các loài dược liệu.Bên cạnh đó, huyện xây dựng mô hình liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ dược liệu khu vực miền núi phía Bắc tại xã Thanh Lâm. Đối tượng chính là cây ba kích được trồng xen dưới tán rừng keo, trám, giổi, cây ăn quả cho năng suất đạt 5 tấn/ha, thu nhập 350 triệu đồng/ha/năm.
Hay như người dân các xã Đồng Sơn, Đồng Lâm và Kỳ Thượng (TP Hạ Long) đã lựa chọn cây khoai sọ nương trồng dưới tán cây keo, vừa phù hợp với thổ nhưỡng tại đây, vừa đem lại giá trị kinh tế cao. Để nâng cao chất lượng cây khoai sọ, năm 2016, địa phương đã triển khai thí điểm mô hình trồng phục tráng giống khoai sọ nương, tăng khả năng thích ứng, năng suất bình quân đạt 5-6 tấn/ha, nơi đất tốt đạt 10-12 tấn/ha. Ngoài ra, thành phố cũng đã hình thành vùng trồng cây dược liệu với diện tích hơn 150ha, tập trung ở các xã Quảng La, Bằng Cả, Ðồng Lâm, Ðồng Sơn, Tân Dân.
Nhằm phát triển kinh tế dưới tán rừng, thời gian tới, Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong việc lai tạo, chọn lọc giống cây trồng lâm nghiệp theo hướng cải thiện từng bước về năng suất, chất lượng, chủng loại.
Tỉnh cũng ưu tiên thu hút doanh nghiệp xây dựng cơ sở sản xuất giống; xây dựng rừng trồng gỗ lớn kết hợp phát triển kinh tế dưới tán rừng; hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Đồng thời, khuyến khích người dân học tập, đầu tư, mở rộng các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng, hay kết hợp chăn nuôi để đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ phát triển loại hình du lịch sinh thái dựa trên những lợi thế về rừng, qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy KT-XH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững.