| Hotline: 0983.970.780

Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chủ lực: [Bài 2] Xuất khẩu rau quả nhiều cơ hội đạt kỷ lục mới

Thứ Ba 27/02/2024 , 11:00 (GMT+7)

Năm 2024, ngành hàng rau quả Việt Nam có thể tăng trưởng 15 - 20% so với năm 2023, tương đương 6,5 - 7 tỷ USD nếu tận dụng tốt thời cơ.

Sầu riêng Việt Nam là một trong những mặt hàng được phía Trung Quốc ưa thích.

Sầu riêng Việt Nam là một trong những mặt hàng được phía Trung Quốc ưa thích.

Nhiều đơn hàng đầu năm

Bài liên quan

Vượt qua những khó khăn thách thức từ đại dịch Covid-19, xung đột địa chính trị, lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu, các rào cản kỹ thuật... nhưng nông sản của Việt Nam nói chung và rau quả nói riêng đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Rau quả là ngành có những bước tiến vượt bậc, đặc biệt khi Trung Quốc mở cửa sản phẩm sầu riêng. Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 1/2024 đạt trên 458,7 triệu USD, tăng 89,2% so với cùng kỳ năm trước.

Đến tháng 2/2024, thống kê của Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit), kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 2 ước đạt gần 288 triệu USD, giảm khoảng 41% so với tháng 1. Lũy kế hai tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Theo các doanh nghiệp, nhiều đơn hàng xuất khẩu rau quả đã kín trong quý 1/2024. Đơn cử như ngay từ những ngày đầu năm Giáp Thìn, lô vú sữa đã được xuất khẩu thành công sang Mỹ; thanh long sang Trung Quốc hay mới đây nhất, tại Hải Dương lô hàng xuất khẩu cà rốt đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Hay như mới đây, tỉnh An Giang phối hợp với HTX Cù Lao Giêng, Công ty TNHH TMDV XNK Vina T&T (Vina T&T Group) lần đầu xuất khẩu lô xoài tượng da xanh đi thị trường Mỹ, Úc, lô xoài này đã được cấp mã số vùng trồng... Có thể nói, đây là những tín hiệu tích cực từ thị trường, cũng như tiềm năng xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group đánh giá, tuy có những khó khăn, nhưng thị trường đang rất tốt và có nhiều thuận lợi. Những khách hàng từ thị trường truyền thống của doanh nghiệp vẫn đảm bảo kín đơn. Và đang chuẩn bị những đơn hàng để xuất đi tiếp theo. 

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu nhiều loại sản phẩm trái cây chủ lực như sầu riêng, thanh long, chôm chôm, nhãn, xoài, bười và dừa sang thị trường Mỹ, Úc, châu Âu và Trung Quốc, năm 2023, Vina T&T Group đã đạt mức tăng trưởng 40%.

Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết, trong năm doanh nghiệp tiếp tục liên kết với bà con để tạo ra những vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng để đáp ứng cho các thị trường xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá trái cây của Việt Nam đến với nhiều thị trường trên thế giới. "Tín hiệu thị trường đang khá thuận lợi. Năm 2024, tăng trưởng xuất khẩu sẽ duy trì ở mức 2 con số", ông Tùng nói. 

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng Phát, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, dù cước tàu biển có tăng nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng để xuất hàng đúng theo các hợp đồng đã ký với khách hàng truyền thống từ trước. 

Ông Phát cho biết thêm, hiện doanh nghiệp xuất xuất thanh long, xoài, dừa tươi đi thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, NewZeand tăng trưởng khoảng 10-15%. "Chúng tôi hợp tác với bà con nông dân tại Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang... để tăng nguồn nguyên liệu để sản xuất và xuất khẩu. Đồng thời, hỗ trợ bà con canh tác đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất", ông Phát nói và cho rằng, kinh tế ngành nông nghiệp của Việt Nam tới đây sẽ tăng trưởng. Bởi, Trung Quốc chuẩn bị mở cửa nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như dưa hấu, chanh leo, dừa... Vì vậy, năm 2024 sẽ có nhiều khả qua.

Doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam đem các sản phẩm trái cây chủ lực tiếp cận với các thị trường thế giới.

Doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam đem các sản phẩm trái cây chủ lực tiếp cận với các thị trường thế giới.

Cơ hội

Sầu riêng, dừa, chuối, xoài, thanh long vẫn là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong năm 2024. Trong đó, sầu riêng được đánh giá là có thế mạnh khi Việt Nam ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc tháng 7/2022. Bên cạnh đó, Việt Nam có 708 vùng trồng, 168 cơ sở đóng gói được xuất khẩu sang Trung Quốc, giúp cho giá trị xuất khẩu sầu riêng không ngừng tăng vọt và đã lập kỷ lục trong năm qua.

Mặt khác, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất Việt Nam, chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Nhu cầu về sầu riêng ở đất nước tỷ dân này rất lớn.

Không những thế, dung lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD và cả thế giới là 28,6 tỷ USD vào năm 2025. Đây là cơ hội để sầu riêng Việt Nam tiếp tục là sản phẩm "vua trái cây" với giá trị kinh tế cao.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Vinafruit, năm 2024, ngành rau quả tiếp tục tăng trưởng 15-20%, tương đương 6,5-7 tỷ USD nếu chúng ta tận dụng tốt thời cơ. Bằng chứng là 2 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt gần 750-800 triệu USD. 

"Năm 2024, sẽ có thêm mã số vùng trồng sầu riêng mới được cấp và một số mặt hàng mới như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi... nếu đàm phán thành công ngay từ đầu năm, sẽ góp thêm 1 tỷ USD kim ngạch cho Việt Nam", ông Nguyên nói và phân tích thêm, sản lượng sầu riêng của Việt Nam lợi thế hơn nhiều nước bởi trồng gối vụ, sản lượng có quanh năm. Ngoài ra, các nhà vườn, nông dân cũng biết cách tăng sản lượng, tăng trái vụ để đặt chất lượng tốt hơn, giá cao hơn. 

"Không những thị trường Trung Quốc, mà cả các thị trường khác. Năm 2024 là năm có khả năng sẽ đạt được những kim ngạch kỷ lục mới của ngành rau quả", Tổng Thư ký Vinafruit nhận định.

Mặc dù tăng trưởng tốt nhưng nhiều chuyên gia cũng nhận định ngành rau quả ẩn chứa nhiều rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Mặt khác, khả năng chế biến sâu còn hạn chế, nhiều trường hợp còn giả mã số vùng trồng... 

Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chất lượng chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), để xuất khẩu nông sản nói chung và rau quả nói riêng sang thị trường Trung Quốc, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đảm bảo tính minh bạch trong việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

Đối với các sản phẩm từ các vùng có mã số cần tuân thủ các quy định trồng, quy định kỹ thuật đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường. "Thời gian tới chúng ta phải giám sát chặt chẽ hơn nữa để tránh hiện tượng sản phẩm bị trả về vì không đảm bảo chất lượng, yêu cầu của phía nhập khẩu", ông Hòa nói.

Theo các chuyên gia, Việt Nam có nhiều thuận lợi khi đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do, tuy nhiên để xuất khẩu rau quả bền vững, chiếm lĩnh thị trường, cần có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất, người nông dân sản xuất, nhà đóng gói, người xuất khẩu. Chú trọng chất lượng sản phẩm, đảm bảo tuân thủ các quy định về ATTP, đáp ứng được các tiêu chuẩn của mỗi thị trường ngay từ khâu sản xuất, đến sơ chế, chế biến, đóng gói, vận chuyển và đến tay khách hàng. 

"Trong năm qua việc, Cục BVTV, các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương phổ biến hướng dẫn cụ thể thông tin quy định của thị trường, việc sử dụng hóa chất, thuốc BVTV... làm sao đáp ứng được yêu cầu của thị trường, tuy nhiên vẫn còn đâu đó những đơn vị chưa tuân thủ tốt, để lại dư lượng thuốc BVTV trên sản phẩm, ảnh hưởng phần nào đến xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, các địa phương, tôi nghĩ việc này sẽ được triển khai làm tốt hơn trong năm 2024 và những năm tới.

Ngoài ra, các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT như SPS Việt Nam, Cục BVTV, Trung tâm khuyến nông, Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ phối hợp để đưa những thông tin cụ thể về thị trường đến với người dân, từ đó nắm bắt tốt hơn về thị trường để sản xuất tốt hơn, chất lượng hơn, đáp ứng các yêu cầu thị trường trong thời gian tới”, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chất lượng chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) nói.

Ngay từ những ngày đầu năm Giáp Thìn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã dẫn đoàn công tác tham dự Hội nghị APRC 37, cùng các nước trong khu vực thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực tại Colombo, Sri Lanka từ ngày 19 - 22/2.

Từ ngày 22 - 25/2, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp tục dẫn đầu đoàn công tác cùng đại diện các tỉnh Đồng Tháp, Nghệ An, các doanh nghiệp Việt Nam đến thăm, làm việc với Tập đoàn Central Group và Central Retail Việt Nam và Trung tâm Thương mại Central World (Bangkok, Thái Lan).

Đây là chuyến xuất hành đầu năm mới của Bộ NN-PTNT được kỳ vọng mở ra cơ hội tiếp cận thị trường, thúc đẩy thương mại và hợp tác đầu tư với các nước. 

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.