Chống chịu tốt sâu bệnh
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu bộ giống, đưa các giống lúa mới có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, vụ hè thu 2021, HTX Nông nghiệp Phú Lương 3 (xã Phú Lương, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) phối hợp với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam (đơn vị trực thuộc Vinaseed Group) tổ chức sản xuất trình diễn giống lúa VNR10 và ĐB6 với quy mô hơn 1 ha.
Qua đánh giá sơ bộ, giống lúa VNR10 và ĐB6 có thời gian sinh trưởng và các đặc tính phù với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở địa phương.
Năm nay, gia đình ông Phạm Tiến, xã viên HTX Nông nghiệp Phú Lương 3 đưa vào sản xuất hơn 2 mẫu giống lúa VNR10 và ĐB6 sau khi tìm hiểu và nghiên cứu cặn kẽ. Nhìn ruộng lúa chín vàng ươm và chuẩn bị cho thu hoạch, ông Tiến vui mừng chia sẽ: Giống lúa VNR10 và ĐB6 ít công chăm sóc, đẻ nhánh nhiều, đặc biệt, với khả năng chống chịu với thời tiết và ít sâu bệnh nên rất phù hợp với việc điều kiện sản xuất nông nghiệp của gia đình ông.
“Đây cũng là giống lúa thuộc dòng chất lượng nhưng cho năng suất rất cao, lúa chắc hạt và ít lép. Hiện còn khoảng gần 10 ngày nữa ruộng tôi mới thu hoạch, năng suất dự ước đạt khoảng 70 – 75 tạ/ha. Nếu so sánh thì hiệu quả cao hơn giống lúa Khang Dân 18 và các giống lúa đối chứng khác” ông Tiến chia sẽ.
Cũng theo ông Tiến, mặc dù trỗ đòng đúng vời thời điểm xuất hiện gió Nam lớn, nhưng bông lúa vẫn phát triển đẹp và không bị lem lép hạt. Hơn nữa, trong suốt quá trình sinh trưởng, VNR10 và ĐB6 cho thấy đặc tính kháng sâu bệnh cao, đặc biệt đối với bệnh đạo ôn, giảm được chi phí cho người trồng. Cùng với đó, công chăm sóc ít, cây lúa khỏe, ít đổ ngã. Khi trỗ, VNR10 và ĐB6 cho bông dài, hạt sáng, vàng, nhìn rất đẹp mắt.
“Ở đây người dân sản xuất rất nhiều loại giống nhưng ai cũng rất bất ngờ với năng suất và ưu điểm của 2 giống lúa mới này. Vụ mùa tới, tôi dự tính mở rộng diện tích sản xuất giống lúa ĐB6 và VNR10 nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình” ông Tiến cho biết.
Sau khi tham quan đồng ruộng, ông Lê Văn Thế, thành viên HTX Nông nghiệp Phú Lương 3 cũng tỏ ra vui mừng, “VNR10 và ĐB6 rất hợp với thổ nhưởng địa phương, bông lúa chín vàng mượt, nhiều hạt và trọng lượng nặng; rầy, sâu cuốn lá cũng không thấy, đỗ ngã lại càng ít hơn nhiều so với các ruộng gần bên. Gia đình tôi đang làm Khang Dân nhưng so về hiệu quả thì không bằng 2 giống lúa này” ông Thế nói.
Ông Lê Văn Lời, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Lương 3 cho hay, qua quá trình theo dõi, khảo nghiệm cho thấy, giống lúa VNR10 và ĐB6 có dạng cây cao gọn, cứng, khả năng đẻ nhánh khá, thời gian trổ bông đều và trổ tập trung chỉ từ 5 - 7 ngày. Hạt xếp sít, màu hạt vàng sáng, tỷ lệ hạt bạc bụng thấp, số hạt đạt từ 170 đến 190/mỗi bông.
“Qua mô hình khảo nghiệm, bà con xã viên đã đánh giá khá cao về giống lúa VNR10 và ĐB6, có nhu cầu đưa vào sản xuất trong thời gian tới, đặc biệt là trong vụ hè thu để hạn chế những tác động xấu của thời tiết bất lợi đến sản xuất lúa” ông Lời cho hay.
"VNR10 và ĐB6 cho thấy có nhiều đặc điểm vượt trội so với một số giống lúa khác, phù hợp với điều kiện sản xuất của người dân ở địa phương, triển vọng để mở rộng sản xuất trên rộng trong các vụ mùa tới. HTX Phú Lương 3 cũng sẽ xem xét để đưa vào cơ cấu giống sản xuất của HTX.
Được biết, ngoài 2 giống lúa trên, HTX Phú Lương 3 đã và đang triển khai cánh đồng mẫu lớn với nhiều giống lúa đạt chất lượng của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam như Thiên ưu 8, Đài Thơm 8…".
(Ông Lê Văn Lời, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Lương 3)
Mở rộng sản xuất theo hướng hữu cơ
Sau khi tham quan mô hình sản xuất trình diễn giống lúa VNR10 và ĐB6, nhiều người dân ở HTX Nông nghiệp Phú Lương 3 tỏ ra hài lòng với năng suất của 2 giống lúa này. Với những đặc tính vượt trội, nhiều người cho rằng VNR10 và ĐB6 rất có triển vọng để đưa vào sản xuất cả 2 vụ, thích hợp cho việc chuyền đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương.
Đặc biệt, với ưu điểm ít sâu bệnh, VNR10 và ĐB6 rất phù hợp với việc sản xuất theo hướng hữu cơ, tiến tới việc xây dựng thương hiệu gạo sạch và ngon ở địa phương trong tương lai.
Tuy nhiên, người dân vẫn còn lo lắng đầu ra của sản phẩm, mong muốn cơ quan chức năng quan tâm, bao tiêu trọn gói, tạo điều kiện giúp dân sản xuất các giống lúa đảm bảo giá trị sản phẩm hàng hóa nếu đưa vào sản xuất đại trà.
Theo ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam, giống lúa VNR10 đã được công nhận Giống Quốc gia chính thức năm 2019. Giống VNR10 và ĐB6 có thời gian sinh trưởng trong vụ đông xuân 105 - 110 ngày, hè thu từ 93 - 97 ngày, có đặc điểm thấp cây, đẻ nhánh tập trung, gọn khóm, đạt năng suất trung bình từ 70 - 75 tạ/ha, thâm canh đạt 80 - 85 tạ/ha. Cây lúa chống chịu khá tốt với thời tiết và các sâu bệnh hại chính. Hạt gạo trắng trong không bạc bụng, cơm trắng, bóng, mềm, vị đậm.
Vụ hè thu 2021, Cổ phần Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam sản xuất khoảng 1.500 ha giống lúa ĐB6 và VNR10 tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Thừa Thiên - Huế. Trong vụ đông xuân và cả hè thu, VNR10 đã được trồng khảo nghiệm ở các địa phương nhưThừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…
Hầu như vụ sản xuất nào, giống cũng phát huy được tối đa những ưu điểm về năng suất, khả năng chống chịu đổ ngã, không sâu bệnh, được nông dân tham gia mô hình đánh giá cao. Gạo thuộc nhóm dòng gạo chế biến phục vụ cho nhu cầu lúa gạo hàng hoá, rất phù hợp dùng để làm bánh, bún, nấu rượu và được thương lái ưa chuộng thu mua với giá cao.
Cũng theo ông Chính, khi xây dựng những mô hình sản xuất các giống lúa thuần tại các địa phương, Công ty Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam đã tổ chức tập huấn vào đầu vụ và thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, tư vấn kỹ thuật sản xuất từng loại giống để đạt hiệu quả cao nhất.
Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản (Sở NN-PTN Thừa Thiên - Huế) cho biết, theo kế hoạch phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao giai đoạn 2020 - 2025 của tỉnh, diện tích vùng sản xuất lúa chất lượng cao đạt khoảng 24.900 ha, lợi nhuận tăng thêm khoảng 10-15% so với sản xuất thông thường.
Theo đó, trong mỗi mùa vụ sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện khảo nghiệm những giống lúa mới để lựa chọn những giống có năng suất, chất lượng tốt bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh.
Xu hướng chuyển đổi rõ nét về cơ cấu giống lúa tỉnh những năm gần đây là việc tăng nhanh sử dụng các giống lúa ngắn ngày, thích nghi cả 2 vụ đông xuân và vụ mùa, năng suất cao, chất lượng gạo tốt, đáp ứng người tiêu dùng.
Việc đưa vào canh tác các giống lúa mới ngắn ngày còn góp phần tiết kiệm chi phí, phục vụ cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Các giống lúa mới có khả năng chống chịu sâu bệnh, giảm thiểu tình trạng sử dụng thuốc BVTV, hướng tới nền sản xuất sạch, bền vững.