| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL: Khai thác cát sỏi làm gia tăng sạt lở

Thứ Hai 18/07/2022 , 11:42 (GMT+7)

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở tại nhiều khu vực vùng ĐBSCL như dòng chảy, sóng, đất yếu, gia tăng chất thải, đập thủy điện…, đặc biệt do khai thác cát sỏi.

Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hơn 750 khu vực bị sạt lở

Theo ông Bùi Văn Phương, chuyên viên Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ KH&ĐT, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những khu vực có vị trí vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế vùng ĐBSCL.

Quyết định 287 của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/2/2022, quy hoạch vùng ĐBSCL năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở 9 đột phá chính mang tính chiến lược: Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu; Biến thách thức thành cơ hội phát triển vùng ĐBSCL thích ứng với việc ngập lụt, xâm nhập mặn, nước lợ; Thay đổi tư duy về an ninh lương thực trên cơ sở phát triển ngành nông nghiệp; chuyển đổi mô hình từ phân tán nhỏ lẻ sang tập trung về nông nghiệp, công nghiệp và đô thị; Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng với vai trò bệ đỡ cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy liên kết vùng; Phát triển hành lang đô thị công nghiệp, hành lang kinh tế, đô thị dọc sông Tiền – sông Hậu; Thay đổi tư duy về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Chú trọng bảo tồn các cảnh quan, sinh thái, văn hóa, lịch sử, văn hóa dân tộc, văn hóa sông nước đặc thù; Tăng cường liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng.

ĐBSCL là một vùng đất phù sa mới được kiến tạo bởi sự lắng đọng của các lớp trầm tích chảy về từ thượng nguồn. Hệ thống sông ngòi chằng chịt có chức năng vận chuyển và phân bố lượng trầm tích này ra toàn đồng bằng, cân bằng lại quá trình sụt lún tự nhiên khoảng 2cm diễn ra hằng năm, cung cấp thức ăn, dinh dưỡng cho các loài sinh vật và thực vật của đồng bằng.

Việc khai thác cát quá mức, đồng nghĩa với việc lấy đi lớp trầm tích quý giá này, đặc biệt với tốc độ khai thác 28 - 40 triệu tấn/năm, ĐBSCL đang bị thâm hụt cát nghiêm trọng từ 27,5 - 40 triệu tấn/năm gây xói lở, sụt lún bờ sông, bờ biển. Dù vậy, việc khai thác cát không thể dừng lại một sớm một chiều do nhu cầu mạnh mẽ về phát triển cơ sở hạ tầng.

Đánh giá về thực trạng sạt lở ở ĐBSCL, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho rằng, sạt lở bờ sông, bờ biển đã và đang diễn ra khốc liệt hàng năm, chúng ta đã mất rất nhiều hạ tầng và đặc biệt sụp đổ nhà dân, uy hiếp dân cư, sản xuất kinh tế dân sinh.

“Tính đến cuối năm 2021, toàn ĐBSCL có 751 khu vực với tổng chiều dài là 976km bị sạt lở, tăng 147 khu vực so với năm 2020. Trong tương lai, trước sự tác động ngày càng thiếu hụt bùn cát, nước biển dâng, phát triển nội tại sẽ làm cho sạt lở ngày càng nguy hiểm hơn”, ông Tiến nhận định.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, đây là vấn đề phức tạp, để xác định rõ nguyên nhân tùy thuộc vào từng điều kiện cụ thể của dòng sông, bờ biển mà nguyên nhân có thể do dòng chảy, do sóng, do đất yếu, do gia tăng chất thải, do khai thác cát… Vì vậy, ở mỗi đoạn sông, bờ biển khi đánh giá cần có sự nghiên cứu và tài liệu đầy đủ. "Khai thác cát, đập thủy điện, trữ cát… làm mất đi cân bằng tự nhiên cát là nguyên nhân lớn dẫn đến sạt lở chung hiện nay đối với cả bờ sông và bờ biển", ông Tiến nói.

Hút cát trên sông Tiền. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hút cát trên sông Tiền. Ảnh: Nguyễn Thủy.

“Cát tặc” xuất hiện cực kì nhiều

Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, nhu cầu cát trong xây dựng cũng giống như cơm gạo trong cuộc sống, bất kỳ việc gì liên quan đến xây dựng đều phải dùng đến cát.

Số liệu tổng kết từ các tỉnh thành dự báo nhu cầu sử dụng cát xây dựng năm 2020 là trên 600 triệu m3. Trong khi đó, theo quy định, các doanh nghiệp chỉ được cấp phép khai thác từ 12-15 triệu m3/năm. “Cung ít, nhu cầu thì nhiều dẫn đến “cát tặc”, dẫn tới việc quản lý khai thác cát rất khó khăn. Tôi đã đi kiểm tra và làm việc với rất nhiều tỉnh thành phố liên quan đến việc này thì ở đâu cũng có, không phải ít mà cực kì nhiều. Vấn đề quản lý như thế nào – đây là vấn đề đặt ra cho các cấp quản lý”, ông Bắc nhận định.

Cũng theo ông Bắc, hành lang pháp lý liên quan đến cấp phép, quản lý khai thác cát gần như đầy đủ, không thiếu, nhưng quan trọng là vấn đề quản lý cấp phép, quản lý khai thác như thế nào phụ thuộc chủ yếu vào địa phương (chiếm 90%).

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho rằng, ĐBSCL là phần hạ nguồn của con sông quốc tế, do đó mọi tác động đều có tính liên quan toàn nguồn lưu vực. Cần phải phối kết hợp nhiều giải pháp gồm giải pháp phi công trình, giải pháp công trình. Trong đó, phi công trình là tích cực hợp tác, phối hợp toàn lưu vực để khai thác tốt dòng sông; ứng dụng khoa học công nghệ để quản lý và kiểm soát dòng sông, giám sát sạt lở như viễn thám, đo đạc giám sát thường xuyên để cảnh báo, dự báo kịp thời. Giải pháp công trình cần có giải pháp ứng xử cấp bách tại những điểm nóng, những điểm đông dân cư, sạt lở tác động lớn đến an sinh kinh tế, cũng như các công trình quan trọng. Các giải pháp điều chỉnh, ổn định cho tổng thể dòng sông.

Để quản lý chặt việc khai thác cát cũng như ổn định hình thái sông, theo ông Tiến, trước hết phải tăng cường công tác quản lý, phải đồng bộ các cấp chính quyền đặc biệt là chính quyền địa phương.

Với tư cách đơn vị chuyên môn, ông Tiến cho biết, sẽ có trách nhiệm tham mưu Bộ NN-PTNT, ban chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai để tham mưu Chính phủ, đẩy mạnh công tác rà soát, kiểm soát lại các quy định của pháp luật, đẩy mạnh công tác kiểm tra kiểm soát, quản lý của địa phương, các bộ ngành, đặc biệt là sự tham gia giám sát của nhân dân thì vấn đề khai thác cát lậu mới chấm dứt.

Ảnh hưởng của việc khai thác cát quá mức dẫn tới tình trạng sạt lở. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ảnh hưởng của việc khai thác cát quá mức dẫn tới tình trạng sạt lở. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phát triển một ngân hàng cát

Dự án “Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai thông qua sự tham gia của khối công tư trong khai thác cát bền vững ở ĐBSCL” do Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) và WWF-Việt Nam tổ chức triển khai với hai hoạt động chính là “Xây dựng Ngân hàng cát cho ĐBSCL" và "Kế hoạch Duy trì ổn định hình thái sông Khu vực ĐBSCL” tại 13 tỉnh ĐBSCL.

Trong đó, việc phát triển một Ngân hàng cát đang được kỳ vọng. Với những kết quả nghiên cứu từ Ngân hàng cát sẽ cho thấy, về sự cân bằng giữa lượng cát đổ về từ thượng nguồn và hiện có với lượng cát mất đi do khai thác và đổ ra biển ở các nhánh chính của sông Tiền và sông Hậu, từ đó ước tính trữ lượng cát có thể khai thác được mà vẫn đảm bảo sự phát triển bền vững của đồng bằng năm 2022, năm 2030 tầm nhìn đến 2050. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng sẽ ghi lại biến động theo mùa của dòng chảy, liên kết số liệu để hiểu được sự di chuyển của cát trên hệ thống sông chính...

Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo ông Phạm Văn Bắc, Ngân hàng cát cần xác định có bao nhiêu cát, ở đâu phát sinh ra cát và lượng tiêu thụ cát của từng nơi là bao nhiêu. Bộ NN-PTNT cần đo được lưu lượng, tần suất mức độ vận chuyển cát (đầu vào), còn đầu ra thì phải xác định mức khai thác cát cho phép hàng năm. Đặc biệt, khi kết thúc Dự án cần đề xuất để Chính phủ xem xét phê duyệt để đưa ra kế hoạch bảo tồn khai thác cát của vùng ĐBSCL bền vững cũng như phát triển vật liệu thay thế cát (phế thải của ngành công nghiệp (tro, sỉ), phế thải của ngành xây dựng và cát nhân tạo). 

Kế hoạch Duy trì ổn định hình thái sông (RGSPlan) sẽ đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cơ quan quản lý hiện nay về một kế hoạch hành động nhằm cân bằng nhu cầu cát và hạn chế các tác động của việc khai thác bằng cách xác định các địa điểm khả thi để khai thác cát mà vẫn đảm bảo rủi ro sạt lở ở mức thấp.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.