| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL: Lúa chín không người cắt, vô bồ không ai mua

Thứ Tư 10/03/2010 , 09:19 (GMT+7)

Vụ ĐX 2009 – 2010 ở ĐBSCL lúa trúng bể bồ nhưng nông dân vẫn kém vui khi mà những bất cập từ khâu SX đến khâu tiêu thụ dù đã được nói nhiều nhưng vẫn chưa được xử lý.

Vụ ĐX 2009 – 2010 ở ĐBSCL lúa trúng bể bồ nhưng nông dân vẫn kém vui khi mà những bất cập từ khâu SX đến khâu tiêu thụ dù đã được nói nhiều nhưng vẫn chưa được xử lý. Nóng nhất hiện nay không chỉ là giá lúa sụt giảm mà là khâu thu hoạch và tổ chức thu mua, tiêu thụ. 

Công cắt lúa: 400.000 đồng/ngày

Do nhiều địa phương xuống giống cùng thời điểm, lại tiến hành gieo sạ đồng loạt để né rầy nên áp lực công thu hoạch đang là nổi ám ảnh của nhiều nông dân ở ĐBSCL. Nếu như cách đây khoảng nửa tháng (đầu vụ) giá công cắt máy chỉ ở mức 160.000 đồng/công thì nay đã tăng vọt lên 400.000 đồng/công. Trước chủ máy còn bao kéo về tới bờ kênh hoặc sau nhà thì giờ chỉ vứt tại ruộng. Thế nhưng không phải đơn giản mà tìm được máy.

Anh Nguyễn Văn Tiên, ở ấp kênh 5B, xã Tân An (Tân Hiệp, Kiên Giang) than thở: "Vài vụ trước nếu không kêu được máy còn có thể mướn người cắt tay nhưng năm nay tuyệt nhiên không có ai đi cắt mướn cả. Tất cả chỉ còn biết trông chờ vào máy. Vì vậy nông dân phải giành dựt nhau, còn các chủ máy thì được dịp...mài dao cắt cổ. Giá công cắt cứ tăng lên từng ngày mà chẳng ai dám ho he mặc cả. Mong sao hạt lúa về đến nhà là mừng chứ để chín rũ ngoài đồng lỡ gặp mưa gió bất thường, lại thiệt đơn thiệt kép”.

Hiện phần lớn thanh niên trai tráng ở nông thôn đã rời quê lên các KCN. Trong khi đó, số lượng máy cắt còn ít. Thiếu công thu hoạch, một số địa phương như Cần Thơ đã phải huy động cả bộ đội đi cắt lúa cho dân. Kiên Giang hiện là tỉnh có lượng máy cắt nhiều nhất nhì trong khu vực nhưng cũng chỉ cắt được 40% diện tích.

Do khan hiếm công thu hoạch, các chủ máy cắt chạy sô nên đã xuất hiện tình trạng làm ăn cẩu thả. Một số nông dân cho biết, càng nhiều người hối thúc họ chạy càng nhanh. Nhìn lúa rơi vãi đầy đồng, nhất là những chỗ bị đổ ngã mà xót xa. Nhưng chẳng ai dám kêu ca, phàn nàn vì lỡ họ bỏ đi thì khổ. Thôi thì qua mùa rảnh rỗi đi mót lại hoặc bán cho vịt chạy đồng ăn.

Ông Phù Khí Nguyên – PGĐ Trung tâm KNKN Kiên Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có trên 900 máy GĐLH, nhưng do mùa vụ thu hoạch rộ chỉ kéo dài trong khoảng 20-25 ngày nên không thể đảm nhiệm được hết. “Những vụ tới, ngoài đầu tư thêm máy móc, các địa phương phải tính toán lại lịch thời vụ” – ông Nguyên nói.

Thu mua: Bất cập chồng lên bất cập

Trong khi những nông dân còn lúa ngoài đồng đang lo sốt vó thì những ai may mắn đã đưa được hạt lúa về nhà cũng chẳng vui gì. Hợp đồng XK giảm, các DN được chỉ đạo thu mua tạm trữ cũng chỉ ăn lúa cầm chừng. Ông Nguyễn Hồng Châu - TGĐ Cty Lương thực Hậu Giang cho biết, Cty được chỉ đạo thu mua 20.000 ngàn tấn gạo nhưng chưa mua được nhiều. "Về kho chứa thì Cty tạm yên tâm nhưng ngán ngại nhất là áp lực lãi suất ngân hàng. Để vay được vốn, DN phải chịu thêm nhiều loại phí nên lãi suất vay thường cao hơn quy định từ 3-4%/năm. Chính điều này đang là rào cản lớn trong công tác đẩy nhanh tiến độ thu mua, kéo giá lúa tăng trở lại".

Ngoài áp lực lãi suất, nhiều DN còn thiếu lực lượng đi thu mua, bí kho chứa. Ông Phan Văn Đông – GĐ Cty CP Nông lâm sản Kiên Giang cho biết, Cty mới chỉ thu mua được 5.700/20.000 tấn gạo được giao. Cty đang triển khai ký hợp đồng với lực lượng hàng xáo để thu mua theo ý tưởng thí điểm đưa lực lượng này vào tổ chức của Hiệp hội Lương thực VN (VFA).

“Cái khó hiện nay là DN không thể kiểm soát được lực lượng hàng xáo có mua lúa của dân đúng với giá tối thiểu không dưới 4.000 đồng/kg như VFA đã đề ra hay họ vẫn tìm cách ép giá nông dân để kiếm lời. Hơn nữa, nếu mua đủ số lượng dự trữ mà chưa ký được hợp đồng đầu ra thì DN sẽ gặp khăn” – ông Đông băn khoăn.

Tại Hội nghị tổng kết XK gạo năm 2009 và triển khai thu mua lúa ĐX 2009-2010 do VFA tổ chức tại An Giang vừa qua, nhiều đại biểu đã chỉ ra hàng loạt cái khó trong việc liên kết giữa DN với hệ thống hàng xáo. Thứ nhất, lực này này xưa nay vốn thu mua tự phát, chỗ nào giá thấp thì họ chạy đến đó thu mua, DN nào thấy có lời thì họ bán. Bây giờ ràng buộc theo hợp đồng họ có chịu làm hay không? Thứ hai là theo quy định của Bộ Tài chính, mọi giao dịch từ 20 triệu đồng trở lên, DN phải thanh toán qua ngân hàng. Trong khi đó hàng xáo chỉ quen bán buôn tiền tươi, hơn nữa họ có mở tài khoản đâu mà giao dịch.

Xem thêm
Bảo toàn đàn vật nuôi giữa nắng nóng kỷ lục

BÌNH ĐỊNH Đang trong giai đoạn nắng nóng cao độ kỷ lục, người chăn nuôi tại Bình Định áp dụng nhiều biện pháp nhằm bảo toàn sức khỏe đàn vật nuôi.

Chó, mèo thả rông lông nhông khắp phố

BÌNH DƯƠNG Có rất nhiều người tại Bình Dương bị chó thả rông cắn phải đi tiêm phòng dại khiến người dân rất bức xúc vì nạn chó lông nhông khắp phố.

Lấy doanh nghiệp là đầu tàu để phát triển bền vững ngành mía đường

Cơ quan chức năng cần có giải pháp nhằm củng cố và phát triển chuỗi liên kết sản xuất trong bối cảnh cây mía đang dần mất vị thế.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.