| Hotline: 0983.970.780

Đè lũ mà sống

Thứ Sáu 01/01/2021 , 15:10 (GMT+7)

Một tháng sau cơn đại hồng thủy lịch sử, hơn 150 ha rau xanh đã trỗi dậy trên vùng đất Hồng Thủy (Lệ Thủy - Quảng Bình). Ai đi qua đây cũng thấy ngỡ ngàng…

Giàn đậu cô ve hẹn cho thu hoạch vào dịp tết đến. Ảnh: N.Tâm.

Giàn đậu cô ve hẹn cho thu hoạch vào dịp tết đến. Ảnh: N.Tâm.

Chúng tôi đi xuyên qua làng trên con đường bê tông rộng đủ cho ô tô chạy không vướng.

Ông Nguyễn Văn Bang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), chân chất nói chuyện mà cứ như khoe: “Hai ba tháng mười lũ chớm rút thì đến tháng sau, nông dân chúng tôi đã có những mớ rau đầu tiên mang đi bán.

Đến giờ thì có nhà đã thu hoạch được hai lứa rau. Dù chưa được nhiều nhưng cũng có thu nhập năm, ba triệu đồng trên đám ruộng mà lũ vừa quét qua”.

Lội lũ… lên luống trồng rau

Nhắc lại cơn đại hồng thủy, ông Nguyễn Văn Lung (82 tuổi, thôn Mốc Thượng 2, xã Hồng Thủy) còn nhớ như mới xảy ra tuần trước: “Từ nhỏ lớn lên thì tui chứng kiến hơn trăm trận lũ lớn, nhưng chưa có ngập vào nhà. Vậy mà cơn lũ vừa rồi, nước tràn vô nhà đến ngang đầu.

Mọi người hô nhau chạy lên động cá để tránh lũ. Chăn màn, nồi niêu, lúa gạo, vịt gà… lũ cuốn sạch trơn. Lũ rút ra, về nhà chỉ thấy còn cái giường trôi kẹt ở góc chái nhà. Nhà ai cũng mất mát thật lớn, nhưng cũng phải biết cách làm lại chơ”.

Ông cũng kể rằng, người dân vùng quê này biết đè lũ mà sống. Có nơi, lũ rút đi, nhà cửa, vườn tược để vậy để người ta đi qua thương hại. Bà con ở đây lại khác, lội trong lũ quần quật để mà dọn nhà, dọn vườn. Khi lũ chưa rút ra hết ngoài cánh đồng trước nhà, nước trong vườn vẫn còn xăm xắp nửa ống chân là mọi người đã tranh thủ vác cuốc ra lên luống, lên vạt.

Ông lý giải: “Đất lên luống nhoi được trên nước. Khi lũ rút ra thì vạt đất đã ráo được mấy hôm, không còn hôi mùi bùn. Vài ba ngày sau là xới đất gieo hạt được. Chục hôm sau là mầm cải, mầm ngò đã phủ được màu xanh non”.

Khi đó, người ta có đi qua thì vườn đã nên luống, nên vồng rau xanh. Có người đi làm cứu trợ cứ đứng nhìn, ngạc nhiên hỏi “Vùng này e lũ không đến”.

Nói họ là lũ gần chạm mái nhà mà, họ cứ lắc đầu nghi ngại. “Tui mời họ vô nhà uống miếng nước, họ thấy vết nước lũ còn ngấm ướt trên tường thì mới tin. Rứa hè”, ông Lung chân chất nói.

Vườn cải sau lũ của nông dân xã Hồng Thủy. Ảnh: N.Tâm.

Vườn cải sau lũ của nông dân xã Hồng Thủy. Ảnh: N.Tâm.

Sau đợt rét kéo dài, hôm nay trời hửng ấm, vườn đậu cô ve nhà chị Nguyễn Thị Duẫn đã bắt ngọn xanh phơn phớt bò quấn lên giàn choái. Chị Duẫn đi dọc luống đậu ngắt tỉa những ngọn vóng lên để cho cành đẻ nhánh.

Chị bảo, nhiều nhà rút kinh nghiệm cứ ươm hạt giống bầu, bí trong túi nhựa. Khi lũ rút thì cây đã lên cao hơn gang tay người lớn và đưa ra đất trồng. Có vậy mới kịp vụ, mới có trái sớm mà bán. Năm ngoái, thuận thời vụ, sào đậu cô ve của chị Duẫn thu hoạch bán trong dịp trước và sau tết được gần năm tạ trái.

“Lúc đó giá được lắm, mỗi ký được hai mươi ngàn. Cả vườn cho thu nhập được gần chục triệu bạc. Thôi thì cũng mong muốn năm nay cũng có được giá cả như vậy là đỡ cho công sức người làm vườn chắt chiu mỗi ngày cũng chỉ mong giá bán được ổn là vui rồi”, chị Duẫn bộc bạch trong hy vọng.

Cho đất nở hoa

Màu xanh trên vùng cát đã phủ lên vết tích của lũ dữ. Ảnh: N.Tâm.

Màu xanh trên vùng cát đã phủ lên vết tích của lũ dữ. Ảnh: N.Tâm.

Ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy cho hay, xã có trên 2.100 hộ thì có 1.800 hộ bị ngập sâu trong lũ.

“Tổng thiệt hại do lũ trên 32 tỷ đồng. Biết khi nào mới bù đắp được. Nhưng bà con đã chắt chiu trên từng thửa đất để có thu nhập sớm từ vườn rau, luống đậu để ổn định dần cuộc sống”, ông Huấn chia sẻ với chúng tôi. Hồng Thủy có 214ha trồng rau xanh. Đến nay, bà con đã trồng và có thu hoạch được trên 150ha.

“Diện tích còn lại thì nước đang ngập. Cứ nước rút đến đâu là bà con khẩn trương làm đất, gieo hạt để kịp vụ ra tết sắp đến. Trước mắt là tăng cường trồng rau sạch để có nguồn thu cho mỗi gia đình”, ông Huấn nói thêm.

Vườn rau trước nhà bà Nguyễn Thị Thương xanh đượm màu. Rẻo đất bên đường đi cũng được tận dụng trồng rau cải. Bén đất phù sa, cải xanh non nhìn thấy thèm bát canh cải nấu tôm. Bà Thương đang ngồi nhổ vài bó cây rau ngò, mùi thơm dịu cứ phảng phất trong gió.

Bà nói, mỗi bó vậy nhập cho người ta được một ngàn. Nhổ hết luống cũng được gần hai trăm bó. Vạt đất có mười luống, bán hết cũng được hai triệu đồng. Còn lại mấy luống cải và mấy vạt ươm cây giống cà, cà chua… bán cho bà con trong xã.

“Sau lũ, nhà tranh thủ trồng sớm nên cũng đã thu hoạch được hai lứa rau rồi. Hai hôm nữa thì thu hoạch xong và lại xuống giống tiếp. Chăm sóc kỹ, sau hai lăm ngày lại có thu nhập. Lũ lớn thiệt hại nhiều, nhưng đất có phù sa cho rau tốt, không bị nhiễm sâu bệnh gì nên bà con cũng mừng” - nét mặt bà Thương vui lên sau câu chuyện.

Bà Nguyễn Thị Thương: 'Bán hết vườn rau cũng có được vài triệu đồng đấy'. Ảnh: N.Tâm.

Bà Nguyễn Thị Thương: “Bán hết vườn rau cũng có được vài triệu đồng đấy”. Ảnh: N.Tâm.

Thấy chúng tôi cứ dùng dằng chưa muốn đi trước vườn nhà rau xanh mươn mướt, ông Phú bảo vợ kiếm túi nhựa rồi cho vào nào rau ngò, rau cải ở vườn mới nhổ. Nhìn anh bạn đi cùng tôi lấy chút tiền trả, bà Thương chùi tay vào ống quần mà từ chối.

“Của một đồng, công một nén”, nói mãi bà mới chịu nhận chút tiền. Khi chúng tôi ra gần đến ngõ, bà Thương còn nhổ thêm mấy bụi cải tốt rồi tất tả chạy theo dúi vào cho bao rau đầy có ngọn. “Của nhà làm ra, tui gửi thêm gọi là lấy thảo của nhà”, bà Thương nói với theo.

Không chỉ là rau màu, người dân Hồng Thủy còn tìm tòi học cách trồng hoa dịp tết. Bà Lê Thị Thủy (thôn Thạch Trung, xã Hồng Thủy), cũng đang tất bật chăm sóc những luống hoa xuống vụ gần được tháng.

Ngơi tay làm, bà bảo trồng hoa dài thời gian hơn rau màu nên phải chịu khó. Sau lũ, bà gom góp ít vốn của gia đình cùng khoản tiền hỗ trợ lũ lụt từ chính quyền, tổ chức từ thiện để mua giống trồng hoa vụ tết. Cuối năm, trời mưa rét, nên gia đình phải thắp đèn điện liên tục trong đêm. Hơi nóng từ bóng điện sẽ giúp cho cây hoa nhanh đẻ nhánh, phát triển cho kịp ra hoa dịp Tết.

Bà Thủy nói rành rẽ: “Trước Tết hơn một tháng, người dân sẽ cắt điện để cúc đóng búp và tạo hoa. Mưa thuận gió hòa, trồng hoa cũng cho lãi lớn”.

Mô hình trồng hoa tết cho thu nhập 200 triệu đồng/ha ở xã Hồng Thủy. Ảnh: N.Tâm.

Mô hình trồng hoa tết cho thu nhập 200 triệu đồng/ha ở xã Hồng Thủy. Ảnh: N.Tâm.

Nhà ông Nguyễn Văn Lung cũng để dành gần hai sào đất trồng hoa tết. Giống nhà ông trồng là loại hoa cúc đơn. “Giống này lên hoa đều, cánh dày, tươi lâu”, ông Lung bảo vậy.

Ông Nguyễn Văn Bang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Thủy cùng ông Lung đi dọc mấy luống hoa xem từng gốc. Những luống hoa đều tắp, rễ đã bám chắc và bắt đầu nhú cánh non. Một lúc, ông Bang quay sang ông Lung: “Vậy là tốt rồi, không có hiện tượng bị nấm hay sâu bệnh gì đâu nhé. Nhưng cũng phải chăm và xem thường xuyên đấy ông ạ”.

Bước lên đường bê tông, khoát tay một vòng, ông Bang giới thiệu: “Cả xã vụ này có trên mười hecta trồng hoa cho dịp Tết đấy. Nếu tính như năm trước thì mỗi hecta hoa cho thu nhập trên hai trăm triệu đồng. Cũng là hướng đi mới, có thu nhập cao cho người dân vùng cát này”.

Trời hửng giữa ngày đông cảm giác làng quê yên bình đến lạ. Hai bên con đường bê tông là vườn với cải, ngò, su hào phun chồi non biếc. Đường làng, ngõ xóm sạch sẽ chẳng còn vết tích của cơn lũ lớn hôm nào mà chỉ còn màu xanh nối nhau chạy ngút tầm mắt. Cuối thôn có đám cưới. Tiếng mọi người xôn xao chào nhau nghe vui rộn trong lòng. 

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.