| Hotline: 0983.970.780

Nhức nhối rác thải nông thôn ở Hải Phòng

Để nông thôn Đất Cảng trở thành nơi đáng sống

Chủ Nhật 03/04/2022 , 11:05 (GMT+7)

Giải quyết dứt điểm vấn đề rác thải nông thôn là điều kiện cần và đủ đề nông thôn Hải Phòng thành nơi đáng sống như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều bãi rác ở Hải Phòng chôn lấp nhưng không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Đinh Mười.

Nhiều bãi rác ở Hải Phòng chôn lấp nhưng không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Đinh Mười.

Cần những quyết sách mạnh mẽ

Vấn đề rác thải nông thôn không chỉ nhức nhối riêng với Hải Phòng mà diễn ra ở nhiều nơi trong cả nước, nhất là những khu vực đông dân cư, luôn là đề tài nóng tại các cuộc họp và địa phương rất muốn giải quyết nhưng khó dứt điểm.

Qua tìm hiểu, về cơ bản các cơ chế, quyết sách đều đã có, nhưng chưa đủ mạnh, chưa sát hoặc có nơi quá trình thực hiện có nhiều chồng chéo, vướng mắc, giao chưa đúng người đúng việc,... dẫn đến không hiệu quả.

Đơn cử như việc triển khai tại Hải Phòng, dù từ năm 2010 đã có nghị quyết của Hội đồng Nhân dân về nhiệm vụ, giải pháp thu gom xử lý chất thải rắn ở nông thôn trên địa bàn, giai đoạn 2010 - 2021. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện chương trình, chưa có bộ phận chuyên trách, chưa có cán bộ chuyên sâu và có kiến thức am hiểu về lĩnh vực môi trường để chuyên trách xử lý nhiệm vụ được giao.

Những hoạt động như tham mưu, đề xuất về các giải pháp kỹ thuật, công nghệ đối với việc xử lý chất thải rắn, sở này đều trông cậy vào sự giúp đỡ từ các Sở TN-MT, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ.

Tại các huyện cũng có tình trạng không thống nhất cơ quan quản lý về việc xử lý chất thải rắn, có huyện giao cho Phòng TN-MT, có huyện lại giao cho Phòng NN-PTNT quản lý nhà nước về lĩnh vực thu gom, xử lý chất thải rắn.

Sau gần 10 năm thực hiện việc xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn, nguồn kinh phí thành phố hỗ trợ cho hoạt động xử lý chất thải cũng rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế.

Mấy năm gần đây, mỗi năm ngân sách dành gần nghìn tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhưng nguồn kinh phí xuất cấp để xử lý chất rắn khu vực nông thôn lại thấp khiến việc xử lý rác thải nông thôn của Hải Phòng vẫn tồn tại nhiều vấn đề như chưa có đủ trang thiết bị thu gom, vận chuyển, rác thải vẫn tập kết tại các bãi chứa tạm không phù hợp quy hoạch, không đảm bảo xử lý bảo vệ môi trường.     

Dự án xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Gia Minh được đầu tư quy mô lớn nhưng đến nay vẫn chưa thể hoạt động. Ảnh: Đinh Mười.

Dự án xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Gia Minh được đầu tư quy mô lớn nhưng đến nay vẫn chưa thể hoạt động. Ảnh: Đinh Mười.

Theo Sở TN-MT TP. Hải Phòng, hiện nay, trên địa bàn việc xử lý rác thải sinh hoạt còn nhiều hạn chế, chủ yếu là công nghệ chôn lấp vệ sinh tại đô thị, chôn lấp tại các bãi rác tại nông thôn. Tình trạng xả chất thải rắn không đúng nơi quy định vẫn còn diễn biến phức tạp, gây ô nhiễm, làm suy giảm chất lượng môi trường đất, nước, không khí, trong khi công tác quản lý, kiểm soát chất thải đặc thù còn nhiều hạn chế.

Mặt khác, với việc gia tăng dân số và sự phát triển kinh tế thì chất thải rắn phát sinh ngạc càng lớn về số lượng, đa dạng về chủng loại sẽ tiếp tục gây áp lực đến công tác xử lý chất thải rắn trên địa bàn.

“Hiện tại, vấn đề rác thải nông thôn Sở NN-PTNT Hải Phòng đã không còn phụ trách, tuy nhiên với những gì chúng tôi nắm được thì vấn đề thu gom rác thải Hải Phòng đang làm tốt chỉ có vấn đề xử lý rác thải đang còn một số hạn chế. Vấn đề này tôi được biết, các cơ quan chức năng liên quan đã xây dựng đề án và cần những giải pháp đủ mạnh thế này mới giải quyết dứt điểm được các bất cập lâu dài về rác thải nông thôn”, ông Bùi Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng chia sẻ.

Một lò đốt rác mini hoạt động cầm chừng tại huyện Thủy Nguyên. Ảnh: Đinh Mười.

Một lò đốt rác mini hoạt động cầm chừng tại huyện Thủy Nguyên. Ảnh: Đinh Mười.

Kỳ vọng vào chính sách mới

Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN-MT Hải Phòng), hiện tại, lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn ở Hải Phòng phát sinh tại 8 huyện khoảng 822 tấn/ngày.

Về thu gom, vận chuyển, hiện mới có 972 tổ thu gom của các thôn, xóm, khu dân cư đảm nhiệm, mỗi tổ có từ 2- 3 lao động và lượng rác thải được thu gom, vận chuyển khoảng 802 tấn/ngày, đạt 98%.

Trong khi đó, về xử lý rác thải đang còn nhiều hạn chế, chỉ ít địa phương làm cơ bản như tại huyện An Dương, việc xử lý tại khu xử lý chất thải Đình Vũ do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng đảm nhiệm.

Về cơ bản, chất thải rắn sinh hoạt nông thôn có đạt chỉ tiêu về thu gom chất thải sinh hoạt nông thôn theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XV của Đảng bộ TP Hải Phòng đặt ra nhưng còn nhiều tồn tại.

Các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn xử lý theo phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh dẫn tới nguy cơ quá tải, ô nhiễm và chất thải nguy hại từ sản xuất nông nghiệp, làng nghề được xử lý đạt tỷ lệ rất thấp, gần như chưa được xử lý.

Về xử lý chất thải rắn sinh hoạt, vẫn sử dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh là chủ yếu với khối lượng khoảng 1.077 tấn/ngày, chiếm tới 62% lượng rác thải, còn chế biến phân vi sinh rất ít, chỉ chiếm có 4%.

Xử lý rác thải rắn bằng lò đốt tại một doanh nghiệp. Ảnh: Đinh Mười.

Xử lý rác thải rắn bằng lò đốt tại một doanh nghiệp. Ảnh: Đinh Mười.

Bên cạnh đó, công nghệ đốt rác thải sinh hoạt chỉ chiếm 2% với các lò đốt cỡ nhỏ, trong 3 năm, từ năm 2013-2015, Hải Phòng đã hỗ trợ kinh phí đầu tư 5 lò đốt rác BD-Anpha xử lý CTR sinh hoạt nông thôn cho các huyện Kiến Thụy (1 lò), Thủy Nguyên (2 lò), Vĩnh Bảo (1 lò), An Lão (1 lò).

Tuy nhiên, hiện nay còn 3 lò đốt tại huyện Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, An Lão hoạt động với công suất xử lý 500kg/giờ, từ tháng 8/2021 lò đốt tại huyện Kiến Thụy đã dừng hoạt động do bị xuống cấp.

Ngoài các lò đốt BD Alpha do ngân sách hỗ trợ thì hiện nay có 3 lò đốt, trong đó có 2 lò tại huyện Thủy Nguyên và 1 lò tại huyện An Lão, do tư nhân tự đầu tư, vận hành với tcông suất xử lý của các lò đốt là 35 tấn/ngày.

Còn lượng rác còn lại được chôn lấp tạm thời không đảm bảo về môi trường là 32%, trên địa bàn các huyện có 137 bãi rác tạm, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn nhưng không đảm bảo theo quy định, không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường (562 tấn/ngày).

Để kiểm soát, xử lý triệt để chất thải rắn trên địa bàn thành phố nhằm bảo vệ môi trường, sức khỏe con người trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Sở TN-MT Hải Phòng đã xây dựng “Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn tới năm 2050”.

Cần xử lý dứt điểm vấn đề rác thải để nông thôn Hải Phòng thành nơi đáng sống. Ảnh: Đinh Mười.

Cần xử lý dứt điểm vấn đề rác thải để nông thôn Hải Phòng thành nơi đáng sống. Ảnh: Đinh Mười.

Theo đề án này, những giải pháp và công nghệ tối ưu như: Nhà máy xử lý CTR bằng công nghệ đốt rác phát điện giai đoạn 2 tại Đình Vũ, nhà máy đốt rác phát điện và dây chuyền sản xuất phân bón, dây chuyền tái chế tại xã Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo), nhà máy xử lý chất thải rắn ở Thủy Nguyên,…

Qua đó, sẽ đảm bảo rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường, hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Hải Phòng và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại lễ tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới.

“Đề án chúng tôi đã trình thành phố và đang chờ duyệt, nếu được thông qua sẽ giúp giải quyết các vấn đề còn tồn tại về chất thải răn, đảm bảo công tác xử lý chất thải rắn đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường”, ông Phạm Văn Thuấn, Phó Giám đốc Sở TN-MT Hải Phòng cho hay.

Dự báo, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố trung bình 3.000 tấn/ngày, cùng với hệ thống giao thông đường bộ hoàn chỉnh và năng lực tiếp nhận, xử lý rác thải sinh hoạt của các Khu xử lý trên địa bàn. Tổng kinh phí dự kiến cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP Hải Phòng giai đoạn 2026-2030 là 6.093,7 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Hải Phòng cũng sẽ đóng cửa 52 bãi rác tạm, gồm: huyện Tiên Lãng 21 bãi rác, Vĩnh Bảo 30 bãi rác và Bạch Long Vĩ 1 bãi rác, đồng thời hoàn thành việc cải tạo phục hồi môi trường tất cả các bãi chôn lấp hợp vệ sinh, duy trì 2 nhà máy điện rác tại Trấn Dương và Đình Vũ.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.