| Hotline: 0983.970.780

Đề xuất khẩn cấp hỗ trợ giống lúa sau ngập lụt

Thứ Sáu 08/04/2022 , 06:05 (GMT+7)

Nhiều tỉnh Nam Trung bộ đề xuất Trung ương khẩn cấp hỗ trợ giống lúa để phục vụ sản xuất cho vụ hè thu 2022 đang cận kề.

Đó là chỉ đạo của Cục Trồng trọt trong chuyến công tác ngày 6 và 7/4 sau khi kiểm tra tình hình cây trồng thiệt hại do mưa lớn ở 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Đoàn công tác của Cục Trồng trọt kiểm tra tình hình thiệt hại lúa vụ đông xuân ở Quảng Ngãi. Ảnh: L.K.

Đoàn công tác của Cục Trồng trọt kiểm tra tình hình thiệt hại lúa vụ đông xuân ở Quảng Ngãi. Ảnh: L.K.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, theo số liệu thống kê mới nhất của Sở NN-PTNT, đợt mưa lớn bất thường kéo dài từ ngày 30/3 – 1/4 đã làm gần 8.200ha trên tổng số hơn 38.000ha lúa trong vụ đông xuân của tỉnh bị ngập úng, ngã đổ; trong đó có hơn 2.000 ha bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 4.400ha bị thiệt hại nặng từ 30 – 70%, hơn 1.700ha bị thiệt hại một phần (dưới 30%).

Ngoài ra, tỉnh này còn có gần 3.500ha rau màu, hoa màu và cây trồng hàng năm bị ngã đổ, hư hỏng; trong đó có 1.200ha bị thiệt hại hoàn toàn, 1.500ha bị thiệt hại nặng từ 30 – 70%. Các huyện Mộ Đức, Bình Sơn, Nghĩa Hành và Thị xã Đức Phổ là những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất.

Trong và sau đợt mưa kết thúc, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra tình hình thiệt hại tại các địa phương. Cùng với đó, ngành chức năng cũng chỉ đạo, phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức huy động các lực lượng xung kích tại chỗ hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa, hoa màu, rau màu bị ngập, ngã đổ; đồng thời, khơi thông dòng chảy cho các khu vực bị ngập úng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi cho biết, đây là đợt mưa lớn bất thường mà rất nhiều năm mới xuất hiện, cả 3 trà lúa của tỉnh gồm trà lúa sớm, chính vụ và trà muộn với mỗi trà lúa gieo sạ cách nhau 10 ngày đều bị ảnh hưởng. Đặc biệt, trong vụ đông xuân này, khi giá vật tư đầu vào tăng cao thì thiệt hại của người dân càng nặng nề hơn. Ước tính giá trị thiệt hại cả lúa và hoa màu của tỉnh khoảng 70 tỷ đồng. 

Hàng ngàn ha lúa vụ đông xuân của người dân Quảng Nam và Quảng Ngãi bị ngã đổ, hư hại. Ảnh: L.K.

Hàng ngàn ha lúa vụ đông xuân của người dân Quảng Nam và Quảng Ngãi bị ngã đổ, hư hại. Ảnh: L.K.

“Để kịp thời giúp nông dân khôi phục sản xuất nhằm khắc phục một phần hậu quả do mưa lớn gây ra, Sở NN-PTNT kính đề nghị Cục Trồng trọt đề xuất Bộ NN-PTNT hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh Quảng Ngãi để hỗ trợ cho người dân ở những vùng thiệt hại 800 tấn giống lúa trong cơ cấu giống lúa của tỉnh và các loại giống rau để phục vụ sản xuất trong vụ hè thu”, ông Trung nói và mong muốn lượng giống được hỗ trợ cho tỉnh trước ngày 10/5 vì bắt đầu từ 20/5, tỉnh này đã bắt đầu gieo sạ vụ hè thu.

Tại Quảng Nam, mưa lớn cũng đã khiến cho hàng ngàn ha lúa và hoa màu chìm ngập trong nước, đổ ngã, nhiều nơi nguy cơ mất trắng. Ông Ngô Thăng (trú xã Bình An, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) cho biết: “Vụ đông xuân này, tôi sản xuất 10 sào lúa (sào 500m2) thì có khoảng gần 3 sào bị ngập lúc chưa ngậm sữa, coi như mất. Ngoài ra, hơn 2 sào lạc cũng bị ngập nước, giờ chỉ nhổ cho heo, bò ăn”.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh có gần 14.500ha lúa bị ảnh hưởng do mưa lớn, trong đó có gần 3.000ha thiệt hại hoàn toàn, hơn 1.600ha thiệt hại từ 50 – 70%, 8.700ha bị ngập nước, lúa đang trổ bông nên khả năng hư hại rất cao, các địa phương đang tiếp tục kiểm tra, rà soát. Ngoài ra, tỉnh này có hơn 500ha rau màu thiệt hại hoàn toàn, hơn 340ha thiệt hại từ 50 – 70%, trên 4.800ha bị ngập nước.

Trước những thiệt hại này, tỉnh Quảng Nam kiến nghị Cục Trồng trọt đề xuất với Bộ NN-PTNT hỗ trợ cho địa phương khoảng 500 tấn giống lúa ngắn ngày và 10 tấn giống ngô hỗ trợ cho nông dân sản xuất trong vụ hè thu tới.

Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương thống kê nhu cầu giống để đáp ứng cho bà con trong vụ hè thu tới. Ảnh: L.K.

Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương thống kê nhu cầu giống để đáp ứng cho bà con trong vụ hè thu tới. Ảnh: L.K.

Vấn đề hỗ trợ cho các địa phương, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết sẽ tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của các địa phương để báo cáo, đề xuất xuất Bộ NN-PTNT. Nếu vượt thẩm quyền của Bộ NN-PTNT, Bộ sẽ có kiến nghị với Chính phủ để trong thời gian sớm nhất, bằng các quy định hiện hành hỗ trợ, khôi phục lại sản xuất trong vụ hè thu.

Bên cạnh đó, ông Tùng cũng đề nghị các địa phương cần chủ động thống kê lại nhu cầu giống sắp tới cho vụ hè thu và năng lực cung ứng của tỉnh là bao nhiêu, còn thiếu bao nhiêu. Thiếu những nguồn này thì địa phương có thể chủ động từ đâu hoặc không chủ động được ngoài nguồn hỗ trợ của Dự trữ Quốc gia.

“Mặc khác Cục Trồng trọt cũng sẽ làm việc với tất cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và các khu vực khác trong cả nước để đánh giá khả năng cung ứng giống lúa cho vụ hè thu cho khu vực này.

Về mặt chất lượng, cơ cấu giống, phải phù hợp với đặc thù canh tác của người dân địa phương. Trong trường hợp không đáp ứng được nhu cầu giống theo yêu cầu của từng người dân, Cục sẽ khuyến cáo các cơ quan chuyên môn đưa một bộ khung giống lúa chung cho khu vực kèm theo giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ cho người dân”.

(Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt).

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.