| Hotline: 0983.970.780

Lũ nhấn chìm, nông dân nhiều xã sẽ thiếu gạo ăn

Thứ Ba 05/04/2022 , 17:23 (GMT+7)

Kiểm tra tình hình mưa lũ trái vụ tại Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường đề nghị 2 tỉnh không để người dân thiếu giống.

Trên 34 nghìn ha lúa, rau màu tại Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị mất trắng do mưa lũ trái vụ. Ảnh: VD.

Trên 34 nghìn ha lúa, rau màu tại Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị mất trắng do mưa lũ trái vụ. Ảnh: VD.

Trên 34 nghìn ha lúa, rau màu mất trắng

Ngày 5/4, đoàn công tác Cục Trồng trọt do Cục trưởng Nguyễn Như Cường đã đến tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị kiểm tra tình hình thiệt hại.

Theo báo cáo, vụ đông xuân 2021-2022, Quảng Trị gieo cấy được gần 26 nghìn ha lúa; hơn 3,2 nghìn ha ngô; gần 3,2 nghìn ha lạc; gần 11 nghìn ha sắn và 3.500 ha rau màu các loại.

Bài liên quan

Do ảnh hưởng của mưa lũ trái vụ xẩy ra từ ngày 31/3-2/4/2022, toàn tỉnh Quảng Trị có hơn 10,5 nghìn ha lúa đang ở giai đoạn ôm đòng- trổ bông bị ngập úng, rạp đổ, tập trung tại các huyện Hải Lăng (gần 6,4 nghìn ha), Triệu Phong (trên 2,3 nghìn ha), Vĩnh Linh (trên 1,1 nghìn ha), Gio Linh (gần 500 ha)… và hơn 3,1 nghìn ha rau màu các loại bị ngập, đỗ ngã.

Còn tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, mưa lũ khiến nhiều diện tích lúa đang kỳ trổ bông, hoa màu bị ngập úng, nguy cơ mất trắng rất cao.

Mưa lớn đã làm ngập úng gần 21 nghìn/28 nghìn ha lúa vụ đông xuân. Trong đó, diện tích bị ảnh hưởng trên 70% khoảng gần 18 nghìn ha, diện tích bị ảnh hưởng từ 30 - 70% gần 3,1 nghìn ha; trên 2,3 nghìn ha các cây trồng khác cũng bị ngập úng; 60 ha cây ăn quả ở huyện Phong Điền bị ngập úng. Tổng thiệt hại của đợt mưa lũ này ước khoảng gần 936 tỷ đồng.

Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với UBND các huyện, thị và nông dân khắc phục hậu quả; thống kê diện tích cây trồng bị thiệt hại; hướng dẫn các địa phương triển khai sản xuất vụ xuân hè, hè thu và thu đông năm 2022.

Cục trưởng Cục trồng trọt Nguyễn Như Cường lo lắng nhất là vấn đề ngộ độc hữu cơ trên đồng ruộng sau khi nước rút. Ảnh: VD.

Cục trưởng Cục trồng trọt Nguyễn Như Cường lo lắng nhất là vấn đề ngộ độc hữu cơ trên đồng ruộng sau khi nước rút. Ảnh: VD.

Một số giải pháp trước mắt được triển khai như uy động động tối đa nhân lực, vật lực để gia cố đê bao, khai thác tối đa công suất của các trạm bơm điện, bổ sung thêm máy bơm dầu để tiêu úng thoát nước nhanh diện tích lúa đang bị ngập úng. Đối với hoa, rau các loại, nông dân đang tranh thủ thu để đảm bảo năng suất và chất lượng. Các địa phương cũng chỉ đạo người dân sau khi nước rút cần vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng để cây nhanh phục hồi.

Bằng mọi cách không để dân thiếu giống sản xuất vụ hè thu

Để hỗ trợ giúp nông dân tổ chức sản xuất vụ hè thu 2022 thắng lợi, đặc biệt là tổ chức sản xuất lại các loại rau đậu vụ xuân hè, hè thu và thu đông năm 2022 nhằm bù đắp một phần thiệt hại do thiên tai gây ra, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Cục Trồng Trọt đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ 770 tấn giống các loại từ nguồn dự trữ Quốc gia. Trong đó gồm 700 tấn lúa; 50 tấn ngô và 20 tấn rau, đậu các loại.

Ông Cường đề nghị các tỉnh bằng mọi cách không để người dân thiếu giống vụ hè thu. Ảnh: VD.

Ông Cường đề nghị các tỉnh bằng mọi cách không để người dân thiếu giống vụ hè thu. Ảnh: VD.

Còn tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất hỗ trợ 1.500 tấn giống lúa ngắn ngày; 10 tấn hạt giống rau các loại, 5 tấn hạt giống ngô.

Đi kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ trái vụ tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng, lúa đang giai đoạn ôm đòng lại bị ngập từ 3-6 ngày nên gần như mất trắng.

Ông Cường đề nghị các địa phương sau khi nước rút phải gấp rút hỗ trợ nông dân vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị cho vụ hè thu. Tuy nhiên, điều ông Cường lo lắng nhất là vấn đề ngộ độc hữu cơ do cây lúa bị ngâm nước lâu ngày khó xử lý.

“Diện tích nào không thể cứu được thì phải chấp nhận. Gốc rơm rạ chỉ cần 1-2 tuần là có thể xử lý được nhưng đối với cây lúa ngập lụt thì mất khá nhiều thời gian nhưng hiện nay chúng ta đang bị hối thúc bởi lịch thời vụ. Vì vậy, trong vòng 1 tháng tới phải xử lý lượng hữu cơ trên đồng ruộng để chuẩn bị vụ hè thu quả là rất khó khăn. Nếu có một đơn vị, doanh nghiệp nài nào vào đây và có chế phẩm, hướng dẫn người dân và chính quyền và người dân xử lý hữu cơ thì tốt quá. Xử lý không tốt vấn đề này thì vụ sau cây trồng dễ bị ngộ độc, nghẹ rễ”- ông Cường cho hay.

Cục Trồng trọt sẽ trình Bộ Nông nghiệp đề xuất Chính phủ hỗ trợ giống sớm nhất cho người dân Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Ảnh: VD.

Cục Trồng trọt sẽ trình Bộ Nông nghiệp đề xuất Chính phủ hỗ trợ giống sớm nhất cho người dân Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Ảnh: VD.

Trước đề nghị được hỗ trợ giống cho bà con nông dân của Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị, ông Cường nhấn mạnh: “Với số lượng lớn như vậy chúng tôi sẽ báo cáo Bộ Nông nghiệp trình Thủ tướng để có hướng hỗ trợ trong thời gian sớm nhất nhưng cũng sẽ phải mất thời gian. Trước mắt, các địa phương cần có phương án để đảm bảo cho nông dân không thiếu giống trong vụ sắp tới”.

Nông dân nhiều xã của Hải Lăng sẽ thiếu ăn trong 4 tháng

Ông Dương Viết Hải, Phó Chủ tịch huyện Hải Lăng (Quảng Trị cho hay), địa phương này gần như mất trắng diện tích lúa đông xuân (6.639/6.680 ha lúa) và 1.541 ha hoa màu. Trước nay, nông dân Hải Lăng lấy lúa vụ đông xuân để giống vụ hè thu. Nay toàn bộ diện tích lúa mất trắng thì nông dân Hải Lăng không những phải mua toàn bộ giống vụ hè thu mà còn thiếu ăn 4 tháng.

    Tags:
Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

2 người ở Hà Giang bị thương do thiên tai

Mưa lớn kèm gió lốc đêm 4, ngày 5/5 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã khiến 2 người bị thương và 378 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.

Tân nghiên cứu sinh Harvard: Năng lượng tái tạo là nền tảng phát triển xã hội

Đối với Lê Mạnh Linh (sinh năm 2000), khả năng tiếp cận năng lượng chính là chỉ dấu quan trọng của sự phát triển xã hội, mang lại cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn.