| Hotline: 0983.970.780

Trung bộ khẩn cấp cứu lúa và hoa màu

Chủ Nhật 03/04/2022 , 16:18 (GMT+7)

Các địa phương ở Trung bộ đang khẩn cấp tiêu thoát nước để cứu hàng chục nghìn ha lúa sắp thu hoạch, cùng nhiều diện tích hoa màu bị đổ ngã, ngập nước.

Tổng lực tiêu thoát nước

Tại các tỉnh Nam Trung bộ, đợt mưa lớn kèm gió mạnh từ 30/3 đến 1/4 đã làm ngập, đổ ngã hàng chục nghìn ha lúa và hoa màu.

Tại Bình Định, hơn 11 nghìn ha lúa đông xuân đang trong thời gian thu hoạch và 577 ha hoa màu bị hư hại. Ngay sau khi hết mưa, các khu vực ruộng bị ngập úng đã tiêu thoát nước. Chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với người dân kiểm tra các vùng bị thiệt hại, tiêu thoát nước, theo dõi diễn biến của thời tiết để thu hoạch các diện tích ruộng đã khô ráo.

Nhiều cánh đồng lúa đông xuân ở Bình Định bị ngã rạp sau đợt mưa. Ảnh: V.Đ.T.

Nhiều cánh đồng lúa đông xuân ở Bình Định bị ngã rạp sau đợt mưa. Ảnh: V.Đ.T.

Ở huyện Tuy Phước (Bình Định) có hơn 3.500 ha lúa vụ đông xuân chưa thu hoạch bị ngã đổ do mưa lớn kèm theo giông lốc. Những diện tích lúa bị ngập sâu chắc chắn mất năng suất rất nhiều. Sau mưa, nông dân cắt lúa, dùng sõng kéo lên bờ vớt vát. Những diện tích còn thu hoạch được năng suất mất khoảng 30%, còn những diện tích bị đổ ngã, ngập nặng có khả năng bị thối hạt, mất trắng.

"Ngập kiểu đó máy không thể gặt được, còn gặt thủ công thì kiếm không ra nhân công, giá thuê công cắt rất cao. Trong điều kiện lúa đổ ngã, thu hoạch 1 sào ruộng mất gần cả triệu đồng. Hiện nay, mỗi công cắt phụ nữ là 200.000 đ/ngày, 1 sào ruộng ngã 3 - 4 công cắt phải 1 ngày mới xong”, ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước cho hay.

Tại Thị xã An Nhơn (Bình Định), khoảng hơn 2.500 ha lúa đã bị ngã đổ, trong đó số diện tích thiệt hại nặng có khả năng mất năng suất là 960 ha, những diện tích bị nhẹ chỉ gặp khó khăn trong thu hoạch.

Lúa đông xuân ở Bình Định bị mưa đè bẹp xuống mặt ruộng. Ảnh: V.Đ.T.

Lúa đông xuân ở Bình Định bị mưa đè bẹp xuống mặt ruộng. Ảnh: V.Đ.T.

“Số diện tích còn thu hoạch được chi phí công thu hoạch sẽ tăng thêm 30.000 đ/sào. Còn số diện tích có khả năng mất năng suất tùy theo nhóm. Nhóm bị ngã khi lúa chưa chín lắm, chưa thu hoạch được sẽ mất năng suất nặng; nhóm lúa đã chín thu hoạch ngay thì đỡ hơn, chỉ thất thoát năng suất trong thu hoạch, lúa rơi rụng ngoài đồng. Các địa phương bị thiệt hại nặng nhất là các xã Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh và Nhơn Lộc”, ông Đoàn Tuấn Sỹ, Phó trưởng Phòng NN-PTNT Thị xã An Nhơn cho biết.

Chạy dọc theo Quốc lộ 27 C đoạn qua các xã Diên Thạnh, Bình Lộc, thuộc huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), chúng tôi chứng kiến nhiều diện tích lúa đông xuân đang giai đoạn chín và chuẩn bị thu hoạch đã bị đổ rạp sau đợt mưa lớn kèm gió giật mạnh xảy ra từ ngày 30/3 đến sáng 1/4.

Tranh thủ tạnh mưa, nông dân Nguyễn Văn Tiến ở xã Diên Thạnh liền vác cuốc ra 3 sào ruộng nhà mình nhanh chóng khai thông tiêu nước nhằm tránh lúa ngập úng, ướt sũng và nứt mộng. Theo ông Tiến, vụ này vật tư đầu vào như phân, thuốc… đều tăng cao nên chỉ lấy công làm lời. Ấy vậy mà cơn mưa trái mùa này đã làm nông dân có nguy cơ mất trắng chi phí đầu tư, còn các ruộng thuê mướn sẽ thua lỗ nặng.

Theo ông Trần Thiện Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Khánh Hòa, trà lúa chính vụ toàn tỉnh sản xuất 13.000 ha, hiện nông dân đã gặt 5.000 ha. Đợt mưa kèm theo gió mạnh vừa qua đã khiến 1.357 ha/8.000 ha trà lúa chính vụ còn lại chuẩn bị thu hoạch bị đổ ngã, đối mặt giảm năng suất. 

Lúa sắp thu hoạch ở Diên Thạnh (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) dọc quốc lộ 27C bị ngã đổ sau đợt mưa. Ảnh: K.S.

Lúa sắp thu hoạch ở Diên Thạnh (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) dọc quốc lộ 27C bị ngã đổ sau đợt mưa. Ảnh: K.S.

Tại Phú Yên, diện tích lúa đông xuân trong giai đoạn chín, sắp thu hoạch bị ngập nước, ngã đổ lên đến 15.700/26.666 ha, ngoài ra còn 508 ha rau màu bị ảnh hưởng. Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên, trong số diện tích nói trên ước có hơn 1.000 ha lúa bị thiệt hại trên 70%; 1.343 ha ước thiệt hại từ 30 - 70%; gần 11.000 ước bị thiệt hại dưới 30%. Ngoài ra, hơn 1.800 ha lúa bị ngập chưa thông kế được thiệt hại vì đang còn ngập.

Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết, để hạn chế thiệt hại cây trồng sau ngập úng do đợt mưa trái mùa gây ra, Sở NN-PTNT đã đề nghị các ngành chức năng và địa phương tập trung chỉ đạo một số biện pháp khắc phục.

Theo đó, đối với diện tích lúa đang chuẩn bị thu hoạch, cần áp dụng tối đa mọi khả năng, biện pháp như mở cống hạ mức nước trên hệ thống tiêu, bơm tát bằng bơm điện, bơm dầu, kể cả biện pháp thủ công… để tiêu nước triệt để càng nhanh càng tốt. Đồng thời, triển khai thu hoạch nhanh số diện tích lúa đang chuẩn bị thu hoạch bị ngã đổ, ngập nước để giảm thiểu thiệt hại.

“Đối với diện tích lúa chưa đến kỳ thu hoạch, cần áp dụng tối đa mọi khả năng, biện pháp, kể cả biện pháp thủ công để tiêu nước càng nhanh càng tốt. Đối với diện tích lúa giai đoạn trỗ đến chắc xanh, sau khi tháo cạn nước trong ruộng cần tiến hành dựng lúa bằng cách túm ba đến năm gốc lúa lại với nhau, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa trỗ, vào chắc và chín. Đối với lúa giai đoạn làm đòng, chuẩn bị trỗ cần thoát nước nhanh, dựng lúa nếu bị đổ rạp, sau khi thời tiết tạnh ráo tiến hành phun bổ sung phân bón lá có hàm lượng kali cao để cây lúa nhanh chóng phục hồi và thúc đẩy lúa trổ nhanh”, ông Nhĩ cho hay.

Nhiều diện tích thiệt hại trên 70%

Tại Quảng Nam, đợt mưa vừa qua đã khiến 14.352 ha/41.500ha lúa đông xuân bị ngã đổ, ngập nước; trong đó có 2.510 ha bị thiệt hại hoàn toàn, 1.530 ha bị thiệt hại từ 50 - 70%. Ngoài ra, 734 ha hoa màu bị ảnh hưởng, trong đó có 410 ha bị thiệt hại hoàn toàn.

Nhiều diện tích lúa đông xuân ở Quảng Nam đang trong giai đoạn trỗ bông chìm nghỉm trong nước. Ảnh: L.K.

Nhiều diện tích lúa đông xuân ở Quảng Nam đang trong giai đoạn trỗ bông chìm nghỉm trong nước. Ảnh: L.K.

Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam cho biết, tỉnh này đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục thống kê thiệt hại cụ thể để đề xuất phương án hỗ trợ cho người dân. Phương án là khắc phục được đến đâu tốt đến đó. “Ngoài ra, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu, xây dựng kế hoạch sản xuất tốt nhất cho vụ hè thu tới, giúp người dân ổn định, khôi phục sản xuất”, ông Tích nói.

Tại Quảng Ngãi, vụ lúa đông xuân năm nay toàn tỉnh sản xuất khoảng 38.000 ha lúa. Hiện có trên 4.500ha lúa bị ngã đổ, ngập úng; trong đó nhiều nhất ở các địa phương như Mộ Đức, Nghĩa Hành, Thị xã Đức Phổ.

Bà Huỳnh Thị Tỵ (trú xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành) cho biết, vụ này, gia đình bà sản xuất 4 sào lúa, dự kiến khoảng 15 ngày nữa là sẽ thu hoạch. Tuy nhiên đợt mưa này đã khiến cho toàn bộ diện tích của gia đình bị ngã rạp.

“Nhìn thấy cảnh này, vợ chồng tôi rất lo lắng, nước ngập trên đồng ruộng quá lớn, nếu cứ kéo dài thì hạt lúa sẽ nảy mầm, mất trắng. Mấy tháng trời chăm sóc, chuẩn bị thu hoạch được thì lại gặp phải thiên tai như thế này, không biết thu hoạch xong có bù được chi phí đầu tư không”, bà Tỵ than thở.

Nông dân Quảng Ngãi dựng những diện tích lúa bị ngã đỗ để giảm thiệt hại. Ảnh: L.K.

Nông dân Quảng Ngãi dựng những diện tích lúa bị ngã đỗ để giảm thiệt hại. Ảnh: L.K.

Theo ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, trước đợt mưa này, tỉnh Quảng Ngãi đã cảnh báo cho các địa phương, sở ngành để có biện pháp ứng phó kịp thời. Tuy nhiên do lượng mưa quá lớn nên toàn tỉnh đã có khoảng 1.500 ha lúa bị ngã đổ hoàn toàn và 3.000 ha bị ngập úng. Ngoài ra, có khoảng 1.000 ha hoa màu bị ngập úng, ngã đỗ.

“Chúng tôi đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương tập trung tranh thủ khơi thông dòng chảy, không để nước ở lâu trong đồng ruộng ảnh hưởng tới việc lúa tiếp tục ngã đổ cũng như dịch bệnh sau này. Đối với diện tích lúa chín hoặc gần chín, cần khẩn trương huy động các lực lượng như công an, quân đội, chính quyền địa phương tập trung gặt hái với phương châm “xanh nhà hơn già đồng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho bà con”, ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi chia sẻ.

Xem thêm
Lohmann Sandy, giống gà trứng hồng có tỷ lệ đẻ đỉnh lên tới 97%

Gà siêu trứng Lohmann Sandy được nhập khẩu trực tiếp từ Pháp về Việt Nam, có nhiều ưu điểm vượt trội, dễ nuôi, sức đề kháng cao, hiền lành và đặc biệt trứng màu hồng.

Buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vô cùng phức tạp, Bộ NN-PTNT yêu cầu xử lý nghiêm

Bộ NN-PTNT yêu cầu các tỉnh biên giới Tây Nam quyết liệt ngăn chặn buôn lậu lợn và sản phẩm động vật trái phép, nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ ngành chăn nuôi.

Kỹ thuật thâm canh cây nghệ và chế biến sau thu hoạch

Để tăng cao thu nhập trong trồng nghệ, nhà nông cần xen canh với cây lạc, kết hợp chế biến sau thành dược liệu và gia vị.