| Hotline: 0983.970.780

Đem thóc... đãi gà rừng

Thứ Sáu 01/01/2010 , 08:15 (GMT+7)

Chim trĩ là loài chim quý, hiếm, có giá trị cực cao. Hiện đã có rất nhiều người nuôi và còn nuôi tốt loài gà rừng này...

Trong y học cổ truyền thịt chim trĩ được sử dụng như một vị thuốc, công hiệu bổ trung, ích khí, gan thận, chủ trị tỳ vị hư yếu… Do giá trị của loài chim đế vương này chẳng kém gì những món nem công, chả phượng dâng tiến cung vua phủ chúa xưa là mấy nên rất hiếm, đắt. Vậy mà có những kẻ đã nuôi và còn nuôi tốt loài gà rừng quý hiếm này. 

Theo ông Võ Văn Sự, Trưởng bộ môn động vật quý hiếm (Viện Chăn nuôi) từ mấy năm nay đơn vị đã thực hiện chương trình bảo tồn nguồn gen loài chim trĩ này tại một số hộ gia đình. Năm 2008, Viện còn triển khai đề tài “Nghiên cứu đặc điểm sinh và khả năng sản xuất của chim trĩ đỏ khoang cổ” bước đầu đã thu được những kết quả nhất định, đã ấp nở thành công bằng máy ấp công nghiệp.

Thời điểm hiện tại, Viện đã có trong tay với hàng trăm trĩ bố mẹ, hậu bị và rất nhiều trĩ con. Ngoài Viện Chăn nuôi ra, ước tính trên cả nước có đến ngàn con chim trĩ đỏ khoang cổ được nuôi tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tôi cùng ông Sự xuống những chuồng nuôi trĩ của Viện. Thật bất ngờ, loài chim hoang dã này lại nuôi dễ dàng như gà nhà vậy. Những ô chuồng không lấy gì phức tạp được tận dụng từ chuồng nuôi các loại gia cầm khác. Trĩ bố mẹ được nuôi một khu riêng, trĩ hậu bị một chốn. Lũ trĩ con được úm theo cách tương tự như gà rồi sau đó cũng ăn cám công nghiệp mà lớn. Nhìn chúng tranh nhau mổ cám, phát ra những tiếng “toóc toóc” trong máng nếu không có sự giới thiệu ban đầu tôi chắc mẩm đó là gà giò vì khi chưa trưởng thành, trổ mã, trĩ con không có được bộ lông đuôi, lông cánh dài và sặc sỡ như của bố mẹ…

Trước đây chim trĩ cực hiếm. Để có được món thịt chim trĩ đặc sản của nước Nam phục vụ cho quan lại và vua chúa những thợ săn phải luồn rừng, băng núi mới săn bắt được vài con. Theo ông Sự, cái sự hiếm hoi của loài chim đế vương ấy sẽ dần được cải thiện bằng những nghiên cứu nuôi chim trĩ đỏ khoang cổ để đưa vào chăn nuôi như là vật nuôi nông nghiệp. Đối tượng nuôi đặc biệt này sẽ góp phần bảo tồn nguồn gen các giống vật nuôi, đáp ứng nhu cầu ăn đặc sản chính đáng của một bộ phần người tiêu dùng, tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân tham gia nuôi hình thành một nghề mới.

Trong quá trình tìm hiểu, tôi ngạc nhiên khi biết rằng trước khi các nhà khoa học thực sự bắt tay vào thử nghiệm nuôi trĩ thì đã có những nông dân chân đất không những nuôi mà lại nuôi rất thành công loại chim quý hiếm này. Anh Nguyễn Đình Hữu ở xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) là một trường hợp. Kể về cơ duyên của mình với nghề nuôi trĩ, anh bảo từ năm 2006, tình cờ quen được ông Phạm Đình Tiến ở phường Thanh Lương, (Hai Bà Trưng, Hà Nội) khi ấy đang nuôi trĩ sinh sản. Mê loại chim quý hiếm này đến nỗi mặc dù bị tràn dịch màng phổi tưởng “đi” nhưng bình phục một tí, anh Hữu lại ngơ ngẩn nghĩ đến loài chim hoang ăn ít, đẻ nhiều và đẹp mê hồn ấy.

Cứ vài ngày một lần, vợ chồng anh Hữu lại đến nghĩ ra một cái cớ để đến nhà ông Tiến chơi, mua thật nhiều hoa quả cốt để… lấy lòng rồi tỉ tê xin được truyền nghề. Trước sự nhiệt tình của anh Hữu ông Tiến mới để lại cho 3 con, hai trống một mái với cái giá cũng bằng cỡ 3 chỉ vàng khi ấy. Đem lũ trĩ con về trang trại của nhà nuôi, anh Hữu thực hiện đúng những chỉ dẫn của chủ cũ. Hợp đất, hợp người, ba con chim hoang cứ thế mà lớn lên, không sơ sảy mất một con nào.

Say trĩ đến nỗi, có bận anh nhắn vợ từ Hà Nội lên trang trại của mình ở tận Sóc Sơn. Tưởng có việc gì to tát, chị vợ lật đật bỏ bê công việc mà đi, hoá ra đến nơi ông chồng mới nhỏ nhẹ bảo dọn rửa…chuồng trĩ cho sạch sẽ. Không hiểu ông chồng kỳ quặc của mình nghĩ gì, nhưng chị vợ vẫn con cón làm theo. Khi chuồng trại tinh tươm, anh mới bắc ghế xuống khu chuồng ngồi lì cả buổi xem… trĩ yêu nhau, rồi lại chong chong xem cảnh trĩ đẻ, bỏ mặc vợ con muốn nghĩ gì thì nghĩ. “Cũng do mới nuôi, chưa có kinh nghiệm, nên tôi nhốt chung một con trống và một con mái vào cùng chuồng. Ngồi một buổi ròng chứng kiến đến mỏi chân không xem tiếp được mới thấy trĩ trống đạp mái ghê lắm, phải đến bốn năm chục lần. Cứ một chốc nó lại chạy lịch kịch, nhảy phốc lên lưng con mái, quệt quệt đít một lúc rồi nhảy xuống. Con mái mới chỉ chạy được vài vòng, con trống lại chạy lịch kịch, lại nhảy phốc lên. Nhảy nhiều đến nỗi lưng con mái xơ xác cả lông, chỉ trong vài ngày mà nó quỵ ngã chết bất đắc kỳ tử. Mổ bụng con trĩ mái ra, tôi thấy buồng trứng bị dập nát gần hết, chỉ còn một quả sót lại, vỏ đã cứng liền cất đi. Đến giờ tôi mới hiểu câu nói của các cụ “nhảy như trĩ” là thế nào”.

Con trĩ mái đẻ lứa đầu được 5 quả rồi chết. Anh ôm những quả trứng xinh xinh của con trĩ xấu số ấy mà nâng niu chẳng khác gì một vật báu ở đời. Để tránh chó tha, mèo quắp, anh còn cẩn thận cất ở tận trong gầm giường, đóng kín cửa lại mỗi khi ra ngoài. Thế mà không hiểu bà vợ đểnh đoảng vô tình…dẫm vỡ mất 4 quả. Tiếc đứt ruột nhưng cũng chẳng biết làm gì nên đành tím mặt mà ngong ngóng vào quả trứng duy nhất còn sót lại. May thay, không phụ công người, sau bao ngày nằm ổ, quả trứng đã nở ra một con trĩ mái. Năm sau, anh lấy con mái đó ghép với con trống còn sót lại chúng đẻ nở ra được 21 con.

Năm tiếp nữa, trĩ sinh sản quá nhiều, anh Hữu mới mua một máy ấp trứng gà về rủi thay lại đặt sai nhiệt độ nên mấy trăm quả trứng quý bị khô, hỏng gần hết. Vội vàng mua cái nhiệt kế mới về thay, anh tá hoả lên khi phát hiện cột nhiệt độ lên tới trên 40 độ, trong khi nhiệt độ ấp của trĩ chỉ cỡ 37 độ. Những thất bại chuyển thành những kinh nghiệm được tích lũy dần theo năm tháng. Đàn trĩ dần đông lên, anh Hữu cũng chẳng biết tìm đầu ra thế nào ngoài cách… chỉ thịt chén như thịt gà.

Chính những lần mổ trĩ đãi khách ấy, tiếng đồn về loài chim quý loang ra như một vết dầu. Từ tò mò bởi thịt ngon, mã đẹp, những khách hàng đầu tiên cũng lần tìm đến trang trại của anh hỏi bí quyết nuôi và mua giống. Thức ăn cho trĩ ở trại anh Hữu rất đơn giản gồm sắn thái nhỏ, bột ngô và những rau xanh hoặc lá chè khổng lồ (một loại cây hoang dã có nguồn gốc nhập ngoại, độ đạm trong lá cao tới gần 20%) bằm nhỏ. Trĩ mái đẻ rất khoẻ, chẳng kém gì gà với trên 120 quả/năm. Chúng đẻ nhiều đến nỗi anh sợ kiệt sức, phải hãm lại bằng cách cho ăn độn thật nhiều rau mà rút bớt chất đạm đi.

Bình thường trĩ trống vốn “một đực khoẻ mười mấy mái vui” nhưng khi đến thời điểm thay lông, phong độ của chúng sa sút hẳn. Trĩ cũng như người, có con bị “ái”, cũng nhảy kém hoặc gần như không nhảy. Điều này được anh Hữu quan sát trong nhiều năm để rút ra cách chọn giống sao cho có những con trống hăng hái nhất, con mái mắn đẻ nhất thì tỷ lệ trứng nở mới đạt được kỷ lục trên 90%. Thế nên chỉ với 8 mái, 3 trống, 22 con hậu bị, năm rồi anh Hữu xuất bán ra thị trường khắp miền Bắc cả ngàn quả trứng, mỗi quả trứng bán 100.000đ. Trĩ con bóc trứng 300.000đ/con, trĩ nuôi được 15-20 ngày bán 700.000đ/cặp… Một thành công khiến cho những nhà khoa học cũng phải thực sự nể phục, cắp cặp đến học tập.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm