| Hotline: 0983.970.780

Cấm xuất khẩu dầu cọ: Quyết định lợi bất cập hại của Tổng thống Indonesia

Thứ Sáu 06/05/2022 , 15:28 (GMT+7)

Quyết định cấm xuất khẩu dầu cọ của Tổng thống Joko Widodo hôm 22/4 tiếp tục gây ra những hậu quả không chỉ đối với quốc gia này mà còn lan ra toàn thế giới.

Nhiều hộ nông dân trồng dầu cọ ở Indonesia than thở thu nhập bị sụt giảm sau quyết định cấm xuất khẩu của chính phủ. Ảnh: Reuters

Nhiều hộ nông dân trồng dầu cọ ở Indonesia than thở thu nhập bị sụt giảm sau quyết định cấm xuất khẩu của chính phủ. Ảnh: Reuters

Theo các chuyên gia phân tích, việc Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ trong một nỗ lực duy nhất nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên nó đã và đang khiến các quốc gia trên thế giới phẫn nộ vì gây chao đảo thị trường dầu cọ toàn cầu và chắc chắn làm sụt giảm uy tín của quốc gia vạn đảo như một điểm đến đầu tư đáng tin cậy.

Trước đó vào đầu năm nay, chính phủ của ông Joko Widodo cũng đã phải hứng chịu một cuộc tấn công tương tự với lệnh cấm xuất khẩu than đột ngột để đảm bảo đủ nguyên liệu cho hàng chục nhà máy nhiệt điện, vốn chiếm một nửa sản lượng điện của đất nước.

Nhưng với tư cách là nước xuất khẩu nguyên liệu dầu ăn quan trọng và lớn nhất thế giới, quyết định cấm xuất dầu cọ gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều, nhất là khi cuộc chiến Nga-Ukraine làm gia tăng cuộc khủng hoảng thiếu dầu thực vật thay thế.

Những ngày qua, hàng loạt đối tác mua dầu cọ, các nhà kinh doanh và giới chuyên gia kinh tế đều đã lên tiếng lên án chính quyền Indonesia vì những sai lầm trong chính sách của họ.

Kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, uy tín của Jakarta đã bị sụt giảm và dư luận nghi ngờ rằng ông Widodo đang bận tâm đến việc đảm bảo nguồn cung dầu ăn trong nước trước kỳ nghỉ lễ hậu Ramadan Lebaran.

Trước đó, chính nhà lãnh đạo Indonesia từng thừa nhận trong một bài phát biểu trước công chúng: “Lệnh cấm này có tác động tiêu cực. Nó có thể làm giảm sản lượng và cản trở mùa vụ của nông dân, nhưng chính sách này là để tăng nguồn cung trong nước”.

Và hệ lụy là hoạt động đầu cơ, buôn lậu đã xuất hiện do có sự chênh lệch giữa giá cả trong nước và thế giới. Cụ thể là scandal Tổng cục trưởng Ngoại thương đã bị bắt cùng ba quan chức cấp cao khác liên quan đến đường dây cấp giấy phép xuất khẩu bất hợp pháp.

Hiện không rõ lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia sẽ kéo dài bao lâu, nhưng dầu ăn bán lẻ trong nước đang được bán với giá trung bình 26.400 rupiah (1,83 USD) một lít, tăng tới hơn 40% chỉ tính riêng trong năm nay tại quốc gia tiêu thụ 11 triệu lít mỗi ngày.

Nhân công thu hoạch trái cây dầu cọ ở Aceh, Indonesia, ngày 29 tháng 2 năm 2020. Ảnh: AFP

Nhân công thu hoạch trái cây dầu cọ ở Aceh, Indonesia, ngày 29 tháng 2 năm 2020. Ảnh: AFP

Vào năm ngoái Indonesia kiếm được 35,5 tỷ USD từ 26,9 triệu tấn dầu cọ xuất khẩu. Các thị trường lớn nhất là Trung Quốc (4,7 triệu tấn), Liên minh châu Âu (4 triệu tấn), Ấn Độ (3,03 triệu tấn) và Pakistan (1,6 triệu tấn)...

Bất chấp những vấn đề đang xảy ra với Liên minh châu Âu về bảo tồn rừng đe dọa thương mại trong tương lai, các nhà sản xuất vẫn gọi đây là “kỷ nguyên vàng” cho ngành dầu cọ với giá thế giới tăng từ 780 USD vào tháng 7 năm ngoái lên 1.600 USD/tấn hiện nay.

Theo các chuyên gia, chính Indonesia cũng đã nhận thấy tác động tiêu cực của lệnh cấm, gián tiếp làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa thông qua việc giảm giá đồng rupiah và khiến giá cả các mặt hàng gia dụng khác tăng đột biến.

Thoạt tiên, chính phủ cấm xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ và đưa ra cơ chế Nghĩa vụ thị trường (DMO) từ 20% lên 30% để bảo vệ người tiêu dùng trong nước trước tình hình giá cả thế giới tăng cao.

Sau đó, vào giữa tháng 3, Indonesia đã hủy bỏ hoàn toàn cơ chế DMO, thay thế nó bằng một hệ thống thuế xuất khẩu được liên kết với giá nội địa cơ bản của dầu cọ thô (CPO), được đặt ở mức tối đa là 675 USD/tấn trong trường hợp giá thế giới leo lên mức 1.500 USD.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang phải vật lộn với giá cả hàng hóa tăng vọt do cuộc chiến tranh Ukraine-Nga chưa có hồi kết thì việc đường đột ra các chính sách của Indonesia đã khiến nhiều nhà đầu tư và công ty trong ngành dầu ăn “trở tay không kịp”.

Hệ quả là không chỉ giá dầu cọ, mà cả đậu tương, hạt cải dầu và hướng dương đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử trùng vào thời điểm hạn hán ở Nam Mỹ và Canada ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng cây lấy dầu.

Thống kê khoảng 1/4 trong số 49 triệu ha đất nông nghiệp của Indonesia hiện được phân bổ trồng dầu cọ, ước tính đã có ít nhất 10 triệu người dân nước này thoát nghèo trong hai thập kỷ qua.

Nhưng đối với các nhà bảo vệ môi trường, sản lượng dầu cọ tăng mạnh từ 8,3 triệu tấn hồi năm 2001 lên 42,6 triệu tấn vào năm 2021 đã trả giá bằng nạn phá rừng nhiệt đới tràn lan và nhiều vùng đất than bùn bị tàn phá nghiêm trọng trên khắp các khu vực rộng lớn của Sumatra và Kalimantan.

Việc tăng tốc sản xuất là do nhu cầu về nhiên liệu sinh học ngày càng tăng, gây thêm áp lực lên môi trường và giờ đây, nó xuất hiện đối với nguồn cung cấp lương thực của thế giới.

Ước tính khoảng bảy triệu tấn trong tổng sản lượng dầu cọ của Indonesia đã được dùng cho nhiên liệu sinh học, hay còn gọi là “dầu diesel xanh”- vấn đề từng gây phẫn nộ đối với Liên minh châu Âu, vốn từ chối phân loại nó là năng lượng tái tạo. Đúng như một nhà sản xuất trong nước từng lưu ý: “Chính phủ đã tự vấp ngã bởi chân mình. Bởi nếu không phải là nhiên liệu sinh học, những gì chúng tôi có sẽ vẫn đủ đầy”.

(Asia Times)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.