| Hotline: 0983.970.780

Mỹ, EU chạy đua cải thiện an ninh lương thực

Thứ Ba 17/05/2022 , 09:43 (GMT+7)

Lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ đang làm nổi lên hàng loạt vấn đề và khiến nhiều quốc gia đứng ngồi không yên, tìm cách cải thiện an ninh lương thực.  

Nhân công Ấn Độ khuân vác lúa mì đến một nhà máy chế biến xuất khẩu ở ngoại ô thành phố Ahmedabad, hôm 16 tháng 5 năm 2022. Ảnh: Reuters

Nhân công Ấn Độ khuân vác lúa mì đến một nhà máy chế biến xuất khẩu ở ngoại ô thành phố Ahmedabad, hôm 16 tháng 5 năm 2022. Ảnh: Reuters

Tại hội nghị các Ngoại trưởng G-7 cuối tuần qua, nhiều đại biểu đã cảnh báo cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng đói toàn cầu. Nguyên nhân là do Ukraine đã không thể xuất khẩu ngũ cốc, phân bón và dầu thực vật, trong khi xung đột cũng đang phá hủy các hoạt động sản xuất và ngăn cản mùa vụ gieo trồng bình thường.

Điều này đã làm gia tăng sự phụ thuộc vào các quốc gia khác trên thế giới đối với các mặt hàng trên, chưa kể một số nước do lo ngại về nguồn cung trong nước không đủ cũng đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu. Ví dụ mới nhất trong trường hợp này là Ấn Độ, nước vừa công bố lệnh cấm xuất khẩu lúa mì hôm thứ 13/5 hoặc trước đó là lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia nhằm “đảm bảo an ninh lương thực trong nước”.

Ông Valdis Dombrovskis, trưởng phái đoàn thương mại Liên minh châu Âu (EU), cảnh báo rằng: “Đây là điều hết sức quan ngại”.

“Chúng tôi đã nhất trí với Mỹ sẽ hợp tác và phối hợp chặt chẽ các phương pháp tiếp cận trong lĩnh vực này, trước các động thái mới như Nga tấn công Ukraine và giá hàng hóa tăng vọt cũng như những lo ngại về an ninh lương thực… khiến các nước đang bắt đầu thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Chúng tôi cho rằng đây là một xu hướng chỉ có thể làm trầm trọng thêm vấn đề”, ông Dombrovskis nói.

Hôm qua, đại diện Mỹ và EU đã nối lại các cuộc đàm phán liên kết xuyên Đại Tây Dương tại Pháp, sau những bất đồng và thuế quan thương mại dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong một diễn biến liên quan hãng tin Reuters cho biết, lệnh cấm xuất khẩu lúa mì đột ngột của chính phủ Ấn Độ cuối tuần qua đã khiến  khoảng 1,8 triệu tấn hàng hóa bị “chết đứng” tại các cảng, đe dọa gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp.

New Delhi đã cấm xuất khẩu lúa mì vào thứ Bảy, chỉ vài ngày sau khi tuyên bố nhắm tới mục tiêu xuất khẩu lúa mì kỷ lục 10 triệu tấn trong năm nay, do đợt nắng nóng dữ dội hoành hành trên diện rộng làm giảm sản lượng và đẩy giá lúa mì nội địa lên mức cao kỷ lục.

Giới chức Ấn Độ trước đó cho biết, chỉ những lô hàng xuất khẩu theo đường tín dụng thư (LC) hoặc bảo lãnh thanh toán được ký kết trước ngày 13 tháng 5, mới có thể tiến hành xuất khẩu bình thường.

Một doanh nghiệp xuất khẩu có trụ sở tại Mumbai cho biết, tuy nhiên trong số khoảng 2,2 triệu tấn lúa mì hiện đang bị mắc kẹt tại các cảng biển hoặc quá cảnh, các thương nhân chỉ có LC 400.000 tấn, số còn lại là “ngoài luồng”. Hiện các nhà xuất khẩu đang không biết phải làm gì với 1,8 triệu tấn lúa mì này bởi “không ai nghĩ chính phủ sẽ cấm hoàn toàn hoạt động xuất khẩu.

Một thương nhân giấu tên chia sẻ, lệnh cấm có thể buộc họ phải tuyên bố tình trạng bất khả kháng đối với các chuyến hàng đang trên đường xuất khẩu ra nước ngoài. "Chúng tôi đã thu mua lúa mì từ các thương lái trong nước để xuất khẩu, nhưng chúng tôi không thể vi phạm chính sách của chính phủ. Vì vậy, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài tuyên bố bất khả kháng", vị thương nhân này cho biết.

Ấn Độ là nhà sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới sau khi tình hình xuất khẩu từ khu vực Biển Đen bị sụt giảm do cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Hiện các nước nhập khẩu lúa mì lớn như Bangladesh, Indonesia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, dự báo có thể gặp khó khăn trong việc tìm nhà cung cấp thay thế trong bối cảnh giá toàn cầu tăng.

“Lệnh cấm xuất khẩu lúa mì đột ngột cũng sẽ khiến các thương nhân rất khó bán nổi các lô hàng tồn đọng tại cảng đảm bảo có lời lãi. Họ có thể phải quay đầu bán lại những lô hàng đó vào thị trường nội địa yếu hơn, nơi đang chịu áp lực về giá mới, đồng thời cũng sẽ phải bồi thường kèm theo các khoản chi phí vận chuyển”, một thương nhân có trụ sở tại New Delhi cho biết.

Trước đó, giới doanh nhân kinh doanh xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ đều muốn giao hàng càng nhiều càng tốt trước cuối tháng 6, do việc vận chuyển dự báo sẽ trở nên khó hơn khi thời tiết cản trở các giao dịch.

Cuối tuần qua, tại cuộc họp Bộ trưởng Nông nghiệp G7 ở Stuttgart, Đức nhằm đánh giá về hậu quả của cuộc xung đột ở Đông Âu đối với an ninh lương thực toàn cầu, Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc phát biểu: “Tất cả các nước cần chủ động xây dựng các phương án để bù đắp những khoảng trống lương thực tiềm năng trong tương lai, đồng thời cùng nhau hợp tác để thúc đẩy tăng năng suất cây trồng bền vững”.

Tính đến năm 2021, khoảng 193 triệu người trên thế giới bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng và cần được hỗ trợ khẩn cấp, tăng gần 40 triệu người so với năm 2020. Người đứng đầu Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cũng kêu gọi các quốc gia chung tay đối phó tình trạng thiếu lương thực trong tương lai, khi nguồn cung đang bị siết chặt, đẩy giá cả lên mức cao kỷ lục và đe dọa các quốc gia dễ bị tổn thương trên khắp châu Phi và châu Á.

(CNBC; Reuters)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.