| Hotline: 0983.970.780

Bèo hoa dâu, thế giới đã thức tỉnh, sao Việt Nam vẫn bội bạc?

Phát hiện gây chấn động ở Bắc Băng dương

Thứ Hai 06/03/2023 , 07:57 (GMT+7)

Được một số nhà khoa học phương Tây coi là siêu sinh vật giúp vượt qua cơn bão hủy diệt do biến đổi khí hậu nhưng ở Việt Nam loại bèo này đã vắng…

100 năm người Việt nghiên cứu về bèo hoa dâu

TS Phạm Gia Minh - người dịch cuốn “Câu chuyện bèo hoa dâu Azolla - một thông điệp từ tương lai” của Jonathan Bujak và Alexandra Bujak (Anh) bảo với tôi rằng ông gắn bó với bèo hoa dâu là một duyên phận: “Tôi vốn là dân toán, sau đó làm tiến sĩ kinh tế ở Liên Xô, lĩnh vực nghiên cứu không liên quan gì đến bèo hoa dâu nhưng lại là cháu ngoại của ông Nguyễn Công Tiễu. Hồi xưa ông thường dạy tôi về tinh thần yêu khoa học bởi bản thân là chủ biên Tạp chí Khoa học viết bằng chữ quốc ngữ từ năm 1931 - 1941.

Ở phương Đông, như tại Điền Loa Sơn, Trung Quốc các nhà khảo cổ phát hiện 7.000 năm trước nông dân đã cấy lúa, thả bèo hoa dâu. Tại miền Bắc của Ấn Độ năm 410 các nhà sư Phật giáo khi du hành đã phổ biến chuyện bèo hoa dâu làm tăng năng suất cho lúa và nó còn được tôn thờ.

20211209_155130

TS Phạm Gia Minh bên ruộng bèo hoa dâu ở Hiệp Hòa, Bắc Giang. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nông dân Việt cũng dùng bèo hoa dâu cả ngàn năm nay. Nhà ông tôi ở xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên gần với làng La Vân, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình - nơi sản xuất giống bèo hoa dâu nhưng họ giấu kín bí quyết, dựng những hàng rào cao che ao bèo giống, con gái không được biết vì sợ lộ khi đi lấy chồng. Nhờ đó mà dân làng này sống rất sung túc.

Có cái khó của việc nhân giống bèo hoa dâu là giữ được qua hè. Thường mọi người thả bèo hoa dâu vào ruộng nhưng không giữ được qua hè nên vụ sau vẫn phải đi mua của dân La Vân. Quê tôi là vùng chiêm trũng, ông ngoại là con nhà nông, hồi nhỏ hay đi mót lúa trôi, lẫn cả bèo hoa dâu, phải vứt bèo lại. Chỗ nào vứt lại bèo về sau lúa phát triển rất tốt nên trong đầu óc non nớt của ông đã ghi nhớ chuyện đó. Lớn lên, ông đi học ngành canh nông của Trường Nông lâm Hà Nội mới lấy cây bèo hoa dâu quê mình làm đề tài nghiên cứu, đó là năm 1921.  

Ông nhận ra bèo hoa dâu là sự cộng sinh của cây họ dương xỉ với vi khuẩn lam, nhờ đó cố định được ni tơ trong không khí, khi cả hai chết đi tạo thành đạm cho lúa. Đến năm 1923 ông công bố chuyện đó trên báo Vệ Nông bằng tiếng Việt, năm 1929 công bố bằng tiếng Pháp ở hội nghị châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Java, Indonesia, và năm 1931 in thành nhiều bản tiếng Việt xuất bản ở trong nước”.

Empty

Ông Nguyễn Công Tiễu lúc đang trẻ đã đi tiên phong nghiên cứu về bèo hoa dâu. Ảnh: TS Phạm Gia Minh cung cấp.

Một trong những công lao của ông Nguyễn Công Tiễu là cách nuôi dưỡng bèo qua mùa nóng ở miền Bắc, viết thành bài báo, phổ biến rộng rãi qua Tạp chí Khoa học do mình làm chủ bút, bỏ tiền đầu tư. Trong mấy lời phi lộ số đầu tiên ông viết: “Năm kia tôi có đem trình hội nghị khoa học Thái Bình Dương mấy bài khảo cứu được hội ấy công nhận, in thành sách cho lưu hành đi các nước.

Vì thế cho nên Viện khảo cứu Khoa học Đông Dương có 40 ghế nghị viên mới cho tôi 1 (39 người còn lại đều là người Pháp trong đó có Yersin - PV). Là người An Nam được bầu vào Viện Khoa học của đại Pháp, tôi dám tự vinh hạnh… Chuộng sự thực thì đi tìm sự thực, dù khó khăn chẳng quản. Được sự thực có ích lợi không khi nào giữ bí quyết để lợi riêng cho bao giờ, cũng ban bố cho khắp quốc dân biết để mưu việc hạnh phúc chung”.

Bí quyết của dân La Vân là mùa hè họ đi nhặt những cây bèo hoa dâu trong các ao, hồ, mương, rãnh về, chọn những cánh khỏe, thả vào nước, dùng tro, phân nuôi thúc lên để bán. Ông Tiễu tìm ra cách để bèo qua mùa nóng là đặt trên bùn, luôn tưới, bón phân, che liếp ở trên, đến mùa mát chỉ việc nhân lên, rất giản tiện và nhanh, ai cũng có thể làm được. Từ đó dân làng La Vân không còn giấu được bí quyết nữa, trở thành kỹ thuật của toàn dân. Để có được điều này, ông Tiễu đã làm nhiều thí nghiệm, thậm chí hỏng mắt vì bèo hoa dâu khi nghiên cứu phải soi bằng kính hiển vi mỗi ngày hàng chục giờ, trong 10 năm liên tiếp thành ra tăng nhãn áp, gây mù khi chưa đến 50 tuổi. Nhà của ông trên phố Ngọc Hà, Hà Nội luôn sẵn một bể bèo giống, ai cần thì cho. 

Sau này Chính phủ quan tâm đến vai trò của bèo hoa dâu, hơn 100 trung tâm giống đã được thành lập vào năm 1954, đến năm 1973 việc cấy lúa thả bèo đã được áp dụng trên nửa triệu ha, chủ yếu là ở miền Bắc. Phổ biến nó, có một phần công của ông Tiễu trước đó.

Empty

Ruộng trồng bèo hoa dâu làm dược liệu của anh Nguyễn Đức Dụ ở xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phát hiện bất ngờ dưới lòng Bắc Băng dương

TS Phạm Gia Minh kể tiếp: “Cách đây ba năm, tỉnh Hưng Yên quyết định đặt tên con phố đẹp nhất của thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ là Nguyễn Công Tiễu. Chúng tôi là con cháu của ông, trong quá trình đi tìm tài liệu để làm cuộc tọa đàm ghi nhận về công ơn của Nguyễn Công Tiễu, tài liệu cũ thấy rất nhiều, tài liệu mới thì thấy quyển sách “Câu chuyện bèo hoa dâu Azolla - một thông điệp từ tương lai” của Jonathan Bujak và Alexandra Bujak.

Đối với tôi lúc trước, bèo hoa dâu đã thành quá khứ rồi bởi ở Việt Nam có ai quan tâm nữa đâu. Gần đây nhất, có Phạm Tuân mang bèo hoa dâu lên vũ trụ, sau đó Liên Xô sụp đổ, phân hóa học tràn vào, người ta bỏ luôn bèo hoa dâu. Trong khi chúng ta phụ bạc bèo hoa dâu một cách rất nhanh chóng như thế mà tại sao thế giới họ lại nghiên cứu về nó, phải có lý do chứ?

Empty

Jonathan Bujak - đồng tác giả cuốn sách “Câu chuyện bèo hoa dâu Azolla - một thông điệp từ tương lai”. Ảnh: TS Phạm Gia Minh cung cấp. 

Alexandra Bujak - đồng tác giả cuốn 'Câu chuyện bèo hoa dâu Azolla một thông điệp từ tương lai'.

Alexandra Bujak - đồng tác giả cuốn "Câu chuyện bèo hoa dâu Azolla một thông điệp từ tương lai".

Phương Tây chỉ biết đến bèo hoa dâu vào năm 1768 qua chuyến thám hiểm bằng tàu của Louis - Antoine de Bougainville người Pháp, nhưng về sau này họ lại có phương pháp khoa học, đi rất sâu. Tò mò về chuyện đó, lại sẵn lòng quý trọng ông ngoại nên tôi mới liên hệ với tác giả cuốn sách, xin được bản mềm. Càng đọc tôi càng thấy hấp dẫn nên dịch ra tiếng Việt để cho các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam thức tỉnh. Cái này rất cần bởi xưa Việt Nam thắng chiến tranh phá hoại của Mỹ một phần nhờ có lúa 5 tấn/ha vì thả bèo hoa dâu.

Hồi đó do cấm vận nên chúng ta không có phân bón hóa học, phong trào làm bèo hoa dâu nở rộ khắp nơi, xuất hiện cả những kiện tướng. Trước, quảng canh, dùng nhiều lao động nhưng giá trị sinh học là rất cao. Giờ phải phát huy bèo hoa dâu với hoàn cảnh thời nay ít lao động mà vẫn sử dụng được những mặt hay của nó. Tôi đem câu hỏi đó đặt ra với các nhà nông học lão thành, rất may họ vẫn còn nhớ về bèo hoa dâu vì có người từng viết sách về nó như TS Ngô Kế Xương tác giả cuốn “Trồng bèo hoa dâu ở các tỉnh Nam Bộ” năm 1981, rồi là GS Nguyễn Quang Thạch.

Empty

Con tàu đưa các nhà khoa học thám hiểm Bắc Băng dương. Ảnh: TS Phạm Gia Minh cung cấp.

Trước khi mất một hai hôm, GS Thạch còn nhắn tin cho tôi rằng đã sản xuất ra loại dung dịch để nuôi bèo rất hiệu quả. Giờ, vẫn còn các ang nuôi bèo của ông dùng ánh sáng đỏ xa để kích cho cây phát triển theo đúng kỹ thuật của Hà Lan trong cuốn sách tôi dịch.

Nhóm phục hưng bèo hoa dâu của chúng tôi còn có Lê Quý Kha - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, Nguyễn Văn Bộ - nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cùng nhiều nhà khoa học khác”.

Empty

Nông dân Ấn Độ cấy lúa và thả bèo hoa dâu. Ảnh: TS Phạm Gia Minh cung cấp.

Trở lại việc Phương Tây nghiên cứu về bèo hoa dâu. Một trong những nhiệm vụ của các nhà khoa học đại dương là phải nghiên cứu tất cả các lòng đại dương trên thế giới. Ấn Độ dương, Thái Bình dương, Đại Tây dương… họ đã làm hết rồi, chỉ còn Bắc Băng dương là chưa bởi lớp băng vĩnh cửu quá dày. Thế nhưng gần đây do biến đổi khí hậu, băng tan ra, mỏng đi, thuận lợi cho quá trình nghiên cứu nên năm 2004 một đội tàu phá băng của Nga và Na Uy đã khoan sâu được 400m xuống lòng Bắc Băng dương.

Khi họ đưa mẫu vật lên thì lớp trầm tích đã gây ra sự bất ngờ, hơn 90% lớp trầm tích 50 triệu năm đó được lấp đầy với tàn tích của bèo hoa dâu. Không ai nghĩ rằng ở vùng đó lại có bèo hoa dâu sống bởi đó là nước mặn và thứ nữa là rất lạnh. Sau nhiều tháng nghiên cứu thì có một sự trùng khớp.

Empty

Lớp trầm tích toàn bèo hoa dâu khoan được ở Bắc Băng dương. Ảnh: TS Phạm Gia Minh cung cấp.

Bèo hoa dâu rất dễ sống, phát triển tốt dưới ánh sáng tia đỏ xa mà ở Bắc Băng dương thời xưa rất nhiều ánh sáng đỏ xa đã giúp cho bèo hoa dâu lan kín.

Cách đây 50 triệu năm, Bắc Băng dương còn là vùng biển kín như một cái ao, có vài nhánh sông đổ vào, độ mặn không cao. Ở đó nhiệt độ trung bình năm là 20oC nên có cả khủng long, cá sấu sống nhưng sinh vật phát triển mạnh nhất trên mặt biển là bèo hoa dâu. Suốt 1 - 2 triệu năm sau đó, nhiệt độ giảm dần, tuyết rơi, dẫn đến thời kỳ băng hà, không băng hà rồi lại băng hà, không băng hà nối tiếp nhau.  

Bèo hoa dâu là một trong những nhân tố giúp trái đất trở thành nơi đáng sống vì theo NASA nó hấp thụ khí CO2 gấp 8 lần so với cây xanh, phát triển sinh khối gấp 2 trong vòng 3 - 5 ngày. Năm 2014, các nhà khoa học Trung Quốc và Thụy Điển giải mã được bộ gen của bèo hoa dâu, mới hiểu tại sao bèo hoa dâu có thể tạo ra nhiều đạm, tại sao lại dùng làm thức ăn cho vật nuôi, làm thuốc chữa bệnh cho con người trong khi đó có nhiều chủng bèo ăn vào là bị ngộ độc. (Còn nữa)

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Người tái hiện cảnh Bắc Bộ xưa trên cánh đồng làng

Cánh đồng Ngãi và Chành bỏ hoang chục năm nay bỗng một ngày xuất hiện một đầm sen rộng bát ngát và mấy căn chòi bằng gỗ lá đầy hấp dẫn bước chân người.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Công nhân thủy lợi thiệt mạng do tai nạn điện

Ngày 5/11, vụ tai nạn điện xảy ra tại khu vực thôn Lùng Sán, xã Nàn Sín (huyện Si Ma Cai, Lào Cai), khiến một người tử vong.