| Hotline: 0983.970.780

'Dì hai' tỏa sáng ở Đất mỏ

Thứ Tư 10/07/2024 , 16:50 (GMT+7)

QUẢNG NINH Nông dân Quảng Ninh rất phấn khởi vì lúa J02 năng suất cao, gạo ngon, giá bán cao.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh - ông Ngô Tất Thắng (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra chất lượng lúa J02 tại xã Đường Hoa, huyện Hải Hà. Ảnh: Nguyễn Thành.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh - ông Ngô Tất Thắng (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra chất lượng lúa J02 tại xã Đường Hoa, huyện Hải Hà. Ảnh: Nguyễn Thành.

Thời gian qua, Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã phối hợp với các địa phương triển khai mô hình trồng khảo nghiệm giống lúa chất lượng cao Japonica (J02 - nhiều người hay gọi vui là "dì hai"). Để giống lúa J02 sản xuất hiệu quả, Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã xây dựng mô hình sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP tại khu vực phía đông của tỉnh.

Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh đã triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao J02 với diện tích 55ha tại các xã Đường Hoa (huyện Hải Hà); Đông Ngũ, Hải Lạng (huyện Tiên Yên). Kết quả cho thấy lúa sinh trưởng, phát triển tốt, thời gian sinh trưởng từ 145 - 150 ngày; thân cứng, tỷ lệ hạt trên bông nhiều, trọng lượng hạt lớn, hạt gạo tròn, giàu dinh dưỡng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Vụ xuân hè năm 2024, xã Đường Hoa (huyện Hải Hà) gieo trồng 50ha giống lúa J02 theo tiêu chuẩn VietGAP. Các hộ chủ động cải tạo đất, bón phân đầy đủ và thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc nên lúa sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất trung bình đạt 63 tạ/ha. Lợi nhuận thu được đạt gần 30 triệu đồng/ha, cao hơn so với các giống lúa chất lượng khác trồng tại địa phương.

Ông Đinh Khắc Dược (xã Đường Hoa) đánh giá, giống lúa J02 có năng suất khá ổn định, chất lượng gạo tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương.

"Bà con ở đây rất thích giống lúa này vì năng suất cao, bán được giá, hiện gạo J02 có giá 24.000đ/kg, cao hơn giống cũ tôi trồng 6.000đ/kg", ông dân Vũ Văn Tiền ở cùng xã Đường Hoa phấn khởi.

Lúa J02 đạt năng suất khoảng 63 tạ/ha, được người dân đánh giá cao về chất lượng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Lúa J02 đạt năng suất khoảng 63 tạ/ha, được người dân đánh giá cao về chất lượng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hà - ông Nguyễn Hữu Liêm cho biết, huyện có hơn 2.000ha đất lúa, thời gian qua, huyện đã tập trung đưa các giống lúa mới vào sản xuất, đặc biệt là giống lúa J02.

"Năm 2022, giống lúa J02 bắt đầu được triển khai sản xuất tại huyện Hải Hà với diện tích ban đầu 25ha. Sau hơn 2 năm, chúng tôi xác định đây là giống lúa cho chất lượng và năng suất tốt. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng diện tích lúa J02 trên địa bàn các xã Đường Hoa, Quảng Long", ông Liêm cho biết.

Ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết, thực hiện chiến lược của Chính phủ về giảm phát thải, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động rà soát các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp để giảm phát thải gồm trồng trọt, chăn nuôi...

"Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến 2030 chỉ tập trung vào các giống lúa chất lượng cao, cùng với đó thực hiện nhiệm vụ canh tác lúa giảm phát thải ở khu vực phía đông của tỉnh. Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã tổ chức thu hoạch lúa J02 để đánh giá sản lượng vụ xuân hè 2024, từ đó Sở tiếp tục rà soát đất lúa, hệ thống cấp nước tưới, chất lượng dinh dưỡng của đất, trình độ canh tác của bà con để xây dựng dự án trồng lúa giảm phát thải. Dự kiến đến năm 2027, chúng tôi sẽ đưa ra hướng canh tác, sản xuất lúa gạo bền vững", ông Thắng nhấn mạnh. 

Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ xây dựng dự án trồng lúa giảm phát thải. Ảnh: Nguyễn Thành.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ xây dựng dự án trồng lúa giảm phát thải. Ảnh: Nguyễn Thành.

Sau gần 3 năm triển khai, các chuyên gia đánh giá giống lúa J02 có thể phát triển trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thủy lợi tại Quảng Ninh. Thành công của mô hình là tiền đề quan trọng để các địa phương nhân rộng, thay thế dần các giống lúa chất lượng thấp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo Sở NN-PTNT Quảng Ninh, để phát huy hiệu quả các mô hình, các địa phương cần tiếp tục tăng cường nguồn lực hỗ trợ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân. Qua đó góp phần tăng giá trị trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt khi đất nông nghiệp đang có xu hướng thu hẹp.

Hiện nay, sản xuất lúa gạo tại Quảng Ninh còn nhiều vấn đề bất cập như quy mô manh mún, nhỏ lẻ; chưa tạo được thương hiệu lúa gạo riêng của địa phương; chưa có doanh nghiệp, cơ sở liên kết thu mua, sơ chế, đóng gói, chế biến lúa gạo quy mô lớn; nhiều địa phương còn để xảy ra tình trạng ruộng bỏ hoang, không tổ chức sản xuất.

Xem thêm
Tái đàn heo bền vững: [Bài 1] Đạt cân là bán ngay

Giá heo đang tăng, heo thịt vừa đủ cân lượng là người chăn nuôi Bình Định hối hả xuất chuồng để bán được giá cao, nô nức tái đàn để đón thị trường dịp Tết…

Nâng cấp chất lượng tổ yến để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Tiền Giang Chú trọng giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm tổ yến, đồng thời tuân thủ các quy định Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Nhân nhanh giống rong sụn bằng công nghệ nuôi cấy mô

HẢI PHÒNG Viện Nghiên cứu Hải sản đã hoàn thiện quy trình để giảm thời gian nhân giống rong sụn Kappaphycus alvarezii xuống còn dưới 150 ngày bằng công nghệ nuôi cấy mô.

Bình luận mới nhất