3 đại điền đi tiên phong lãi lớn
Hai vụ gần đây, anh Nguyễn Văn Hà, Nguyễn Xuân Huynh và Lưu Văn Nghĩa thuê những ruộng bỏ hoang với tổng diện tích 17ha ở xã Nghĩa Đạo (thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh) để cấy giống lúa Nhật J02 - giống lúa mà nhiều người vẫn hay gọi vui là "dì Hai". Dù còn 10 ngày nữa mới gặt nhưng họ đã suốt ngày tiếp hay nghe những cuộc điện thoại của các thương lái đến trả giá và đòi mua lúa tươi với mức giá mỗi tuần một cao hơn.
“Nhà tôi cấy 4ha, nhà anh Huynh cấy 3,5ha, anh Nghĩa cấy 6,5ha, tất cả đều là giống lúa Nhật J02 thông qua Phòng Kinh tế của Thị xã giới thiệu và được hỗ trợ. Tôi bỏ nghề trồng lúa đã 20 năm nay, lại làm nghề tự do nên lúc đầu thú thật cũng không có ý định cấy. Tuy nhiên khi nghe tỉnh Bắc Ninh có Nghị quyết 07, trong đó hỗ trợ 50 triệu đồng/ha cho người thuê đất, hơn nữa thấy bà con quê mình bỏ ruộng nhiều nên mới quay lại làm ruộng.
Vụ trước tôi thu được 26 tấn lúa Nhật J02, bán tươi ngay tại ruộng với giá 6.400đ/kg, mới hòa vốn vì đất bỏ hoang đã nhiều năm nên phải đầu tư hệ thống thủy lợi nội đồng, diệt cỏ, bỏ nhiều phân để cải tạo đất..., tổng cộng đầu tư lên đến 130 triệu đồng.
Vụ này, tôi xử lý 2 lần thuốc BVTV, khoảng 10 ngày nữa sẽ thu hoạch, năng suất lúa dự kiến đạt khoảng 2,5 tạ lúa tươi/sào (360m2). Một số thương lái đang trả giá 8.500đ/kg lúa tươi nhưng tôi chưa đồng ý, vẫn chờ giá lên, tối thiểu cũng phải 9.000đ/kg mới bán. Với giá cao như hiện nay, chi phí đầu vào thấp hơn nên khả năng vụ này tôi lãi khoảng hơn 100 triệu đồng”, anh Hà phấn khởi cho biết.
Cũng giống như anh Hà, anh Huynh cũng từng đi làm công nhân ở khu công nghiệp 5 năm, thấy gò bó quá mới quay trở về trồng lúa được 1 năm nay. Vụ trước, anh cấy 3,5ha lúa Nhật J02. Do ruộng của anh thuê lại của bà con mới bỏ nên không phải đầu tư làm lại hệ thống thủy lợi nội đồng cũng như tốn công diệt cỏ, nhờ đó lãi được 40 triệu đồng. Vụ này, với năng suất lúa tươi đạt khoảng 2,3 tạ/sào, anh ước lãi khoảng 70 - 80 triệu đồng.
“Lúc đầu chúng tôi nghĩ vụ mùa không hợp với lúa Nhật J02 nhưng công ty giống và Thị xã khuyến cáo nên mới mạnh dạn trồng thử và đạt kết quả như vậy. Vụ xuân tới đây, đương nhiên chúng tôi sẽ tiếp tục cấy giống lúa Nhật vì thời tiết vụ xuân hợp nhất với giống này. Chúng tôi làm nông không chuyên, lại làm với diện tích lớn nên rất cần giống lúa có thời gian sinh trưởng kéo dài mới chăm sóc được, bởi kỹ thuật không có, nhân lực không có, tất cả đều phải thuê hết bên ngoài. Nếu cấy và gặt trùng với thời vụ của bà con thì mọi thứ đều bị đội giá lên và khó thuê”, anh Huynh chia sẻ.
Rời xã Nghĩa Đạo, tôi đến phường Ninh Xá (thị xã Thuận Thành). Bà Nguyễn Thị Nhạn ở khu phố Bùi Xá (phường Ninh Xá) vụ này cấy 2,5 sào lúa Nhật J02. Dù diện tích ruộng của gia đình bà còn nhiều nhưng sức già yếu nên bà phải cho mượn bớt.
Thửa ruộng nhà bà lúa bằng chằn chặn, không một cây cao, cây thấp hay cỏ lồng vực lẫn vào, trông như một bức tranh màu vàng rực, sáng bừng lên trên nền màu tường rêu phong của khu di tích cổ phía sau khiến tôi cứ ngắm mãi mà không chán mắt.
“Cả làng đều cấy giống lúa này, người ta thế nào thì tôi thế đấy. Đã ba vụ nay tôi trồng giống lúa J02, năng suất vụ cao nhất được 3 tạ lúa tươi/sào, còn như vụ mùa này đạt 2,5 tạ lúa tươi/sào. Gạo của nó thổi cơm ăn ngon lắm, giòn, đậm và thơm”, bà Nhạn vừa dẫn tôi đi thăm lúa vừa nhận xét ngắn gọn như vậy.
Ông Phạm Viết Cương - Bí thư khu phố Bùi Xá cho biết quê mình mới chuyển từ làng lên phố được mấy tháng. Vụ này có khoảng 120 hộ tham gia vào làm cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 30ha, tất cả đều cấy giống lúa Nhật J02.
Điểm chung ở đây là bà con đã quen với việc bán lúa tươi từ nhiều năm nay, đỡ công phơi phóng vì hàng ngàn lao động còn phải tập trung vào nghề làm nem Bùi gia truyền. Với năng suất dự kiến 2,7 tạ lúa tươi/sào, giá bán chưa bao giờ cao như hiện nay, 8.500 - 8.800đ/kg lúa tươi nên ai ai cũng vui.
Sự mạnh dạn của thị xã Thuận Thành
Anh Phạm Thế Cần - Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty Cổ phần Giống - Vật tư nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam cho biết, giống lúa J02 đã đưa vào thị trường Bắc Ninh ở nhiều huyện, thị xã như Quế Võ, Yên Phong, đặc biệt là Thuận Thành.
Mạnh dạn của Phòng Kinh tế Thuận Thành thứ nhất là dù J02 không nằm trong cơ cấu giống được hỗ trợ của tỉnh nhưng Phòng Kinh tế vẫn tham mưu cho Thị xã vận dụng các chương trình khác để đưa vào trợ giá 50% giống và phân bón, giúp nông dân hưởng lợi. Trong quá trình triển khai, dù Phòng Kinh tế có nhiều việc nhưng vẫn cử cán bộ chuyên theo dõi mô hình từ đầu đến cuối, nào là họp dân, tuyên truyền, tập huấn đến cấp phát giống, vật tư, kiểm tra diện tích…
Nông dân thường nghĩ lúa Nhật chỉ hợp với vụ xuân vì thời tiết mát mẻ nên khi khuyến cáo cấy trong các cánh đồng mẫu lớn ở vụ mùa, Phòng Kinh tế phải mời các HTX và các chủ đại điền lên để thuyết phục. Dù cán bộ của công ty giống khẳng định J02 hoàn toàn phù hợp với vụ mùa, chịu nóng tốt nhưng trong tổng số hơn 10 đại điền tham gia họp bàn, chỉ có 3 người thực hiện được với diện tích 17ha.
Anh Nguyễn Đức Kiên - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Thuận Thành thông tin, vừa rồi Sở NN-PTNT, Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh có đi thống kê năng suất các loại lúa trên địa bàn, ước trung bình đạt 60 tạ/ha nhưng riêng lúa J02 đạt 63 tạ/ha.
“Lúa J02 được Phòng Kinh tế phối hợp với Công ty Cổ phần Giống - Vật tư nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam thực hiện vào vụ xuân năm 2022, đến nay đã 3 vụ, diện tích sản xuất năm đầu 100ha, năm nay trên 200ha. Ưu điểm của giống lúa này là cứng cây, chống đổ tốt; lá cứng nên chống chịu sâu bệnh tốt, góc lá hẹp giúp tăng cường khả năng quang hợp; chịu lạnh tốt, đẻ khỏe; vỏ trấu dày, kín nên không bị hiện tượng mọc mầm trên thân khi gặp trời mưa nhiều.
Nhược điểm của giống J02 là thời gian sinh trưởng dài hơn nhiều giống lúa đại trà khoảng 10 ngày nên cần phải lưu ý đến khâu chống chuột. Tuy nhiên, hiện công tác phòng chống chuột tốt nên nông dân không còn sợ chúng tập trung vào cắn phá các thửa ruộng gặt muộn như trước nữa. Ở góc độ nào đó, thời gian sinh trưởng dài ngày còn là ưu điểm của J02 ở những nơi tích tụ đất vì có thể rải vụ, không bị áp lực về lao động, máy móc khi cấy sớm hơn và gặt muộn hơn so với đại trà”.
Cũng theo anh Kiên, khi tìm những giống lúa dễ liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ, phù hợp với những hộ tích tụ đất lớn, cần tìm giống dễ bán ở dạng lúa tươi, được giá, Phòng Kinh tế thị xã đã tìm thấy J02.
Nhu cầu của những người thu mua hiện đặt hàng lúa J02 với số lượng nhiều, giá cao. Sau khi tìm kiếm thông tin trên mạng, lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã Thuận Thành đã tìm cách gọi điện cho bà Nguyễn Thị Tâm - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống - Vật tư nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam để phối hợp đưa vào làm các cánh đồng mẫu lớn.
Đất nông nghiệp của thị xã Thuận Thành không còn nhiều, chỉ khoảng 4.300ha, lại có tới gần 200.000 dân nên cấy lúa để ăn là chính, thừa mới đem bán. Người dân đang ăn quen gạo hạt dài, khi mới chuyển sang gạo hạt tròn như J02 cũng phải thử ăn, thấy ngon mới dần thích.
Vụ này giá lúa tăng 30 - 40%, J02 được thương lái trả từ 8.500đ/kg lúa lươi trở lên, nông dân đang lãi được ½ trên tổng thu. Thị xã Thuận Thành rất mong tỉnh Bắc Ninh sắp tới sẽ đưa J02 vào cơ cấu giống lía được hỗ trợ để thuận lợi mở rộng diện tích.
Anh Nguyễn Quốc Khánh - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Thuận Thành chia sẻ: "Có tích tụ được ruộng đất mới đưa được cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất, giảm được đầu vào, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giống lúa J02 mới đưa vào trên địa bàn, chúng tôi đánh giá sức chống chịu sâu bệnh và năng suất khá, chất lượng gạo rất tốt, được thị trường ưa chuộng. Định hướng sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với công ty giống xây dựng một số mô hình trình diễn để có căn cứ nhân rộng trên toàn thị xã".