Tự tin "lên sàn”
Bà Tâm bảo rằng gần đây nhiều địa phương đánh giá, trong các giống lúa đang cấy thì giống lúa Nhật J02 (nhiều người hay gọi vui với cái tên “dì hai”) được cả khả năng chống chịu sâu bệnh, gió bão, năng suất, tỷ lệ gạo xát lẫn chất lượng. Một số nơi còn hâm mộ đến mức gọi J02 là "hoa hậu" của các giống lúa nên bà mới nảy ra ý tưởng làm một vở kịch về quá trình “dì hai” thành “hoa hậu”.
Bà Tâm chia sẻ: "J02 là giống tốt cả về năng suất lẫn chất lượng nhưng buổi đầu vẫn phải núp ở đằng sau. Thứ nhất do Công ty chúng tôi bé nhỏ, lại thuộc dạng sinh sau đẻ muộn. Thứ hai là đặc tính của J02 hoàn toàn khác với các giống lúa đại trà nên Công ty chúng tôi không thể đưa ra sản xuất một cách ào ạt được mà còn phải dè chừng, giữ gìn.
Các công ty lớn khi đưa giống mới ra sản xuất nếu gặp thất bại vẫn có thể phục hồi được, nhưng công ty nhỏ như chúng tôi thì có thể gục luôn. Bởi thế, trong quá trình đưa J02 ra sản xuất, chúng tôi phải thăm dò kỹ lưỡng các điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác của các vùng miền trong nhiều mùa vụ, nhiều năm.
Từ năm 2023 chúng tôi đã có đủ niềm tin để đưa “dì hai” bước lên sàn diễn hoa hậu. Từ năm 2025, chúng tôi sẽ có những chính sách để đưa J02 ra diện rộng khắp cả nước bởi giống đã được công nhận ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, được nhiều nông dân đón nhận, được nhiều tỉnh, thành chuẩn bị đưa vào cơ cấu giống.
Mới đây, một số đơn vị sản xuất gạo ở Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang đã liên hệ với chúng tôi hỏi mua lúa. Để biết thêm về J02, xin mời nhà báo đi thực tế vào đúng thời điểm lúa đang thu hoạch này”.
Một ngày qua 3 tỉnh thăm “dì hai”
Tôi nhận lời mời của bà Tâm và dành trọn một ngày qua 3 tỉnh để đi thăm “dì hai”. Địa điểm đầu tiên là cánh đồng của phường Tự Lạn, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Chị Chu Thị Thanh Vân - người mới cấy lúa Nhật vụ đầu tiên kể, trong một lần đi ăn cỗ, thấy cơm ngon quá mới hỏi giống gì, người ta trả lời giống J02 của đội sản xuất thuộc tổ dân phố Râm cung ứng. Chị liền đăng ký để mua giống và do được trợ giá nên chỉ phải trả hơn 20.000đ/kg.
Dẫn tôi tới thửa ruộng 4 sào vốn trước đây là vườn cây vừa chuyển đổi sang cấy lúa J02, chị Vân giải thích, tuy không hề phun thuốc BVTV nhưng năng suất vụ này vẫn ước đạt hơn 2 tạ/sào. Hiện giá thóc khô J02 người làng đang bán 13.000đ/kg nhưng chị không bán mà giữ lại để ăn vì cơm quá ngon và an toàn.
Cạnh đó là thửa ruộng của bà Giáp Thị Bích ở tổ dân phố Nguộn, cùng phường Tự Lạn. Bà hào hứng kể, nhờ ông anh làm nông nghiệp trên tỉnh mách cho nên năm ngoái bà đã cấy thử 2 sào J02. Thực tế cho thấy giống có ưu điểm cứng cây, chống đổ ngã, chống chịu sâu bệnh khá, năng suất tới gần 3 tạ/sào, gạo ngon, còn nhược điểm là dài ngày hơn các giống đại trà khoảng 10 ngày.
Bà Bích kể: “Lúa này cơm dẻo, thơm và ráo nên đã ăn một bát là muốn ăn hai, chỉ với muối lạc thôi, chẳng cần thịt thà gì. Vì cái nhà chị “dì hai” này mà tôi bị lên cân đấy. Hai đứa em làm giáo viên về nhà tôi chơi, ăn cơm gạo Nhật mới hỏi sao cơm nhà bá ngon thế nhỉ? Nấu bằng gạo gì thế? Tôi trả lời, nấu bằng J02. Chúng bảo, vậy bá cấy cho chúng em ăn với. Bởi thế, năm nay tôi quyết định cấy tất cả 7 sào.
Năm ngoái do được hỗ trợ nên nông dân chỉ phải trả một nửa tiền thóc giống nhưng năm nay phường lại đăng ký một giống khác. Chúng tôi bảo đã quen ăn gạo J02 rồi, cho giống khác sẽ không cấy nên phường lại hỗ trợ tiếp cho vụ này”.
Rời Bắc Giang tôi về Bắc Ninh. Trỏ tay vào cánh đồng lúa Nhật đang uốn câu chuẩn bị thu hoạch, ông Nguyễn Khắc Thức - Giám đốc HTX thôn Hán Đà (xã Hán Quảng, thị xã Quế Võ) giới thiệu bằng giọng đầy tự hào rằng, mới đây lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Ninh đã về thăm. Đã 5 vụ nay HTX cấy lúa J02, lúc đầu chỉ 10ha, không nằm trong diện hỗ trợ mà nông dân tự mua, mới đây đã lên tới 35ha và được chính quyền trợ giá.
Về sức chống chịu, J02 cấy vụ xuân chỉ cần 1 lần phun thuốc, còn giống khác phải 2 - 3 lần thì mới được thu. Phức tạp nhất như vụ mùa năm 2023, vụ xuân năm 2024 sâu bệnh hoành hành trên nhiều giống mà J02 vẫn trụ được, đạt năng suất 1,8 tạ/sào (vụ mùa) 2,4 tạ/sào (vụ xuân). Chỉ lác đác một số hộ mải đi làm công ty, không phun phòng theo chỉ đạo mới bị thiệt hại đôi chút.
“Trước đây người dân cấy giống không tập trung, trên đồng có hàng chục giống nên khi điều hành thủy lợi, chăm sóc cũng như phòng trừ sâu bệnh, gặt hái rất vất vả. Từ lúc tôi lên làm giám đốc HTX đã chỉ đạo bà con chỉ cấy 1 - 2 giống. Khi HTX đưa giống lúa J02 vào sản xuất, bà con rất hưởng ứng bởi cơm ăn ngon, dẻo, giòn nên bảo đưa giống khác vào là họ không chịu, nhất là trong vụ xuân. Vì cấy J02 liên tục 5 vụ liền nên vụ mùa này tôi sẽ đổi bằng một giống khác nhưng tới vụ xuân sang năm lại cấy”, Nguyễn Khắc Thức - Giám đốc HTX thôn Hán Đà nói.
Cũng theo ông Thức, ở quê ông giờ đây đặt cỗ người ta không đặt cơm mà lấy gạo J02 của nhà ra nấu. Bởi thế năm ngoái Công ty Cổ phần Giống vật tư Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam đặt vấn đề thu mua thóc tươi với giá 8.500đ/kg nhưng dân không bán mà toàn giữ lại, thậm chí hộ thiếu còn đong thêm của những hộ thừa để xát cho con, cho cháu. Giá thóc J02 khô hiện tại bà con đang bán cho nhau lên tới 15.000đ/kg, còn gạo lên tới 23.000đ/kg.
Xã Hán Quảng có 3 thôn nhưng Hán Đà phát triển lúa J02 mạnh nhất, còn các thôn khác dè dặt hơn bởi đang cấy quen các giống ngắn ngày để tranh thủ thời vụ trồng màu. Tuy nhiên, sau khi đi ăn cỗ ở Hán Đà thấy cơm ngon quá, mới đây Thị Thôn đã thí điểm cấy 15ha lúa J02...
Thấy chúng tôi đứng xem và khen ngợi ruộng lúa trong mô hình của HTX, đang phóng xe đi qua, ông Nguyễn Văn Trú liền dừng lại, chép miệng: “Chưa ăn thua gì đâu. 7 sào ruộng của tôi còn đẹp hơn thế này nhiều, năng suất phải đạt 2,8 tạ/sào nhưng do ở vùng dưới nên ngại mời các anh đến xem. Bà nhà tôi không phải nói quá chứ làm ruộng không nhất cũng nhì thôn. Sau nhiều giống trên đưa về đây thì J02 vẫn là ưu điểm nhất, bán được tiền nhất nhưng tôi không bán bởi còn phục vụ cho gia đình, kể cả đứa con gái ở tận trong Nam vẫn được bố gửi gạo vào cho”.
Lúc chúng tôi đến huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã hơn 4 giờ chiều nhưng trên mặt chị Lê Thị Hương - Giám đốc HTX Nhân Lý (xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên) vẫn mướt mải mồ hôi chảy dài. Chị cười xòa, bảo hễ vào vụ là mình ăn không có bữa, ngủ không có giờ. Những ngày này, từ 5 giờ sáng đến 6 giờ chiều chị phải liên tục trên đồng, trưa ăn cơm luôn trong lán làm mạ khay để cấy máy và chỉ đạo vừa gặt vừa làm mạ, vừa cấy vừa làm đất...
Đoàn chúng tôi ai cũng ấn tượng với cánh đồng bằng phẳng đến mức cảm giác như đặt tờ giấy lên mà không hề bị nhấp nhô dù chỉ là một chút. Điều đó chứng tỏ giống J02 rất thuần, thứ hai là quy hoạch của HTX tốt khi đồng nào cấy giống nấy, chăm sóc đúng kỹ thuật, phun thuốc BVTV đồng loạt bằng thiết bị bay không người lái.
Chị Hương cho biết HTX Nhân Lý trồng lúa J02 đã hơn 5 năm nay, vụ xuân này năng suất ít nhất cũng phải 7 tấn/ha, với giá bán thóc tươi 9.000đ/kg, thóc khô 13 - 14.000đ/kg, trừ chi phí các thành viên còn lãi khoảng 50 triệu đồng/ha. Đó là chưa kể đến sản phẩm cuối cùng là hạt gạo mang thương hiệu “gạo ngon Phú Xuân” đã được xếp hạng OCOP 3 sao, bán mỗi năm 200 tấn. Trong những giống lúa mà đơn vị đang cấy thì J02 luôn bán chạy nhất, đắt nhất.
“Ai cũng thích cấy J02 nhưng tỉnh Vĩnh Phúc lại chưa đưa vào cơ cấu hỗ trợ thành ra giá giống khá cao so với giống được trợ giá, nhiều người cũng phải tính toán nên vụ này HTX chỉ cấy khoảng 30ha thôi. Chúng tôi mong tỉnh Vĩnh Phúc sắp tới sẽ đưa J02 vào cơ cấu giống để nhiều nông dân có thể tiếp cận hơn”, chị Lê Thị Hương - Giám đốc HTX Nhân Lý chia sẻ.