| Hotline: 0983.970.780

Đi tìm hào quang cho chanh leo [Bài 2]: Mất kiểm soát vì diện tích tăng nóng

Thứ Hai 06/11/2023 , 08:33 (GMT+7)

GIA LAI Diện tích chanh leo ở Gia Lai tăng quá nhanh trong khoảng thời gian ngắn đã khiến cho ngành hàng này mất kiểm soát cả trong sản xuất lẫn thị trường tiêu thụ.

Người dân không dám đánh cược với cây chanh leo mà chọn phương án trồng xen. Ảnh: Tuấn Anh. 

Người dân không dám đánh cược với cây chanh leo mà chọn phương án trồng xen. Ảnh: Tuấn Anh. 

Nông dân mất dần niềm tin với chanh leo

Bài liên quan

Huyện Đăk Đoa là một trong những địa phương có diện tích trồng chanh leo lớn của tỉnh Gia Lai với hơn 700ha. Dọc tuyến đường từ xã Nam Yang về xã Đăk Krong (huyện Đăk Đoa), những vườn chanh leo được trồng rất nhiều nhưng chủ yếu là trồng xen canh. Nhiều vườn chanh leo trồng xen canh không được chăm sóc nên cành, lá khô héo, quả thưa thớt. Bên cạnh đó, nhiều gia đình sợ chanh leo ảnh hưởng đến các cây trồng chính nên đã phá bỏ.

Gia đình anh Bùi Văn Hiệp (thôn 1, xã Nam Yang) có hơn 1ha đất canh tác, trong đó anh dành ra hơn 2 sào (sào 1.000m2) để trồng chanh leo xen với cây cà tím, còn lại trồng cà phê.

Anh Hiệp cho biết, mấy tháng trước thấy giá chanh tăng cao, gia đình quyết định xuống giống gần 200 gốc với hi vọng có thêm thu nhập. Tuy nhiên, chanh rớt giá khiến gia đình anh gần như không còn hi vọng. Cũng may, phía dưới vườn chanh, anh Hiệp trồng hơn 700 cây cà tím đã cho thu nhập. Mặc dù vậy, số tiền thu nhập từ cà tím cũng đủ cho gia đình anh trang trải cuộc sống.

“Lúc đầu, gia đình cũng tính chuyện bỏ vườn cà phê để trồng chanh leo, nhưng lo sợ giá không ổn định nên không dám đầu tư. Cây cà phê dù thu nhập không quá cao nhưng cũng mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình trong nhiều năm qua”, anh Hiệp chia sẻ.

Gia đình chị Oanh (thôn 1, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa) tận dụng trụ tiêu để trồng chanh leo xen với cà phê. Ảnh: Tuấn Anh.

Gia đình chị Oanh (thôn 1, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa) tận dụng trụ tiêu để trồng chanh leo xen với cà phê. Ảnh: Tuấn Anh.

Cách đó không xa, chị Nguyễn Thị Oanh (thôn 1, xã Nam Yang) đang chăm sóc vườn chanh leo trồng xen với cà phê. Chị Oanh cho biết, gia đình tận dụng trụ tiêu có sẵn để trồng hơn 300 gốc chanh leo. Khoảng hơn 2 tháng nữa chanh leo mới cho thu hoạch, nhưng với tình hình này xem như không còn hi vọng kiếm thêm thu nhập.

Cũng theo chị Oanh, do chanh leo liên tục rớt giá nên người dân trong vùng không ai dám bỏ tiền đầu tư. Thậm chí, nhiều gia đình đành phải phá bỏ chanh leo để tập trung chăm sóc cà phê, tiêu.

“Cây cà phê vẫn được xem là cây trồng chủ lực nơi đây nên chẳng ai dám phá bỏ cây trồng lâu năm này để đánh cược với cây chanh leo. Do chanh leo chỉ được trồng xen trong vườn cà phê nên nếu có rớt giá, người dân vẫn không quá lo lắng”, chị Oanh cho biết.

Ông Nguyễn Kim Anh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đăk Đoa cho biết, chanh leo rớt giá trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thời gian qua thời tiết bất lợi, mưa nhiều gây ngập úng nên chanh leo dễ bị bệnh. Mặt khác, với giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, người dân sợ ảnh hưởng đến lợi nhuận nên đầu tư, chăm sóc cầm chừng. Việc phát triển chanh leo thời gian qua chủ yếu là người dân tranh thủ trồng xen do thấy giá chanh leo lên cao, sau đó sẽ cải tạo lại đất để thực hiện tái canh cà phê.

Cũng theo ông Anh, hiện xu hướng của người dân trên địa bàn là không trồng chanh leo theo kiểu đại trà mà trồng theo đơn đặt hàng. Chẳng hạn, người dân liên kết với các nhà máy lớn như Quicornac, Nafoods… để cung ứng dịch vụ đầu vào cũng như ổn định đầu ra của sản phẩm.

Xu hướng trồng chanh leo xen với các cây họ đậu đang được người dân lựa chọn. Ảnh: Tuấn Anh.

Xu hướng trồng chanh leo xen với các cây họ đậu đang được người dân lựa chọn. Ảnh: Tuấn Anh.

Mặt khác, hiện cũng có một bộ phận người dân bắt đầu sản xuất chanh leo theo hướng chất lượng đạt chuẩn xuất khẩu châu Âu. Với giá chanh leo xuất khẩu châu Âu rất cao, chỉ cần thu hoạch 1 - 2 đợt đầu sẽ đủ thu hồi vốn.

“Người dân không dễ bỏ cuộc mà vẫn duy trì trồng chanh leo, bởi cho thu nhập rất đều và ổn định liên tục trong năm. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xuất hiện rất nhiều nhà máy thu mua, chế biến nên thị trường còn rộng lớn”, ông Anh chia sẻ.

Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, thực tế cho thấy, không ít bà con nông dân trồng chanh leo còn tư duy sản xuất với mục tiêu hàng đầu là tăng năng suất và sản lượng mà chưa chú trọng đến chất lượng sản phẩm, nhu cầu thị trường, chỉ sản xuất sản phẩm mình có chứ chưa sản xuất sản phẩm thị trường cần. Do vậy, nông dân cần thay đổi nhận thức và tư duy, tổ chức sản xuất những gì thị trường cần và lấy thị trường để điều chỉnh sản xuất.

Diện tích chanh leo tăng quá nhanh

Ông Phan Đình Thắm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ia Grai (Gia Lai) cho biết: "Trước đây khi người dân phá bỏ cà phê già cỗi để thực hiện tái canh, trong thời gian cải tạo đất, chúng tôi khuyên người dân nên trồng chanh leo để tranh thủ tăng thêm thu nhập. Đồng thời, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân chỉ nên trồng chanh leo trên diện tích tái canh cà phê hiện có của gia đình và không nên mở rộng diện tích ồ ạt".

Tuy nhiên, với việc chanh leo tăng giá quá cao, người dân vẫn mở rộng diện tích trồng, trong khi Phòng NN-PTNT cũng chỉ có thể đưa ra giải pháp tuyên truyền, khuyến cáo chứ không thể ngăn cản, bởi việc trồng hay không trồng là quyền của nông dân.

Diện tích chanh leo tăng quá nhanh khiến chất lượng quả không đảm bảo. Ảnh: Tuấn Anh.

Diện tích chanh leo tăng quá nhanh khiến chất lượng quả không đảm bảo. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Thắm cho biết thêm, nếu như cuối năm 2022, toàn huyện mới chỉ có gần 600ha chanh leo thì đến tháng 10/2023, diện tích trồng chanh leo đã tăng lên 900ha. Như vậy trong thời gian ngắn (khoảng tháng 4 - 5/2023), diện tích chanh leo của huyện đã tăng rất nhanh thêm hơn 300ha. Trong đó, 200ha chanh leo được trồng từ nhu cầu tái canh cà phê, còn lại người dân phá bỏ cà phê và các cây trồng khác để trồng chanh leo.

Việc tăng diện tích chanh leo quá nhanh trong thời gian ngắn, lại không có sự liên kết giữa người dân, HTX và doanh nghiệp dẫn đến mất kiểm soát.

Gia đình anh Rơ Chăm Vế ở làng Bàng, xã Ia Nhin (huyện Ia Grai) cho biết, khi giá chanh leo tăng cao, phong trào người dân trồng chanh nở rộ, gia đình thấy vậy cũng làm theo. Với diện tích gần 5 sào, chanh leo của gia đình anh Vế đã cho thu bói nhưng năng suất chỉ được vài tạ, thu nhập được hơn 1 triệu đồng.

Dạo quanh vườn chanh leo, anh Vế cho biết với giá như hiện tại, khả năng gia đình không thu hồi được vốn đầu tư ban đầu. Chưa kể, chanh leo đang bị dịch bệnh hoành hành khiến chất lượng quả ngày càng đi xuống.

“Trong lúc tái canh cà phê, gia đình tranh thủ trồng chanh leo để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, do gia đình chăm sóc chưa đến nơi đến chốn khiến chanh leo bị bệnh rất nhiều, sợ không thu hồi lại vốn đã đầu tư”, anh Vế chia sẻ.

Nhiều hộ dân trồng chanh leo xen với cà phê tái canh tại huyện Ia Grai. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhiều hộ dân trồng chanh leo xen với cà phê tái canh tại huyện Ia Grai. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất giống chanh leo trên địa bàn tỉnh Gia Lai, diện tích chanh leo toàn tỉnh Gia Lai hiện được công bố khoảng gần 5.000ha. Tuy nhiên căn cứ từ thực tế cung cấp giống ra thị trường cũng như liên kết với các hộ dân, diện tích trồng chanh leo toàn tỉnh Gia Lai hiện có thể đã lên tới 10.000ha. Trong đó, rất nhiều vườn chanh leo trồng xen với cây cà phê, tiêu và các cây trồng khác chưa được ngành nông nghiệp thống kê.

Trước tình hình diện tích chanh leo tăng quá nhanh, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân không sản xuất theo phong trào.

Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, người dân sản xuất chanh leo cần theo định hướng thị trường và kế hoạch của địa phương, cũng như khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Thay vì tăng diện tích, sản lượng thì tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết, chuẩn hóa quy trình từ lúc canh tác, thu hoạch đến bảo quản, chế biến, vận chuyển, phân phối sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng và lợi nhuận.

“Người dân không nên tự phát mở rộng diện tích chanh leo tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp. Đồng thời, thực hiện quy trình canh tác theo hướng sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, hiệu quả, thực hiện sản xuất rải vụ linh hoạt theo tín hiệu thị trường”.

Trong tháng 11/2023, Báo Nông Nghiệp Việt Nam, Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai và các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp tổ chức Diễn đàn “Nhận diện thực trạng sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu chanh leo và Giải pháp phát triển ngành hàng chanh leo bền vững”. Trong khuôn khổ Diễn đàn, sẽ ra mắt Ban Vận động Hiệp hội Chanh leo tỉnh Gia Lai. Diễn đàn diễn ra trực tiếp tại tỉnh Gia Lai và trực tuyến đến khoảng 500 điểm cầu trong cả nước.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.