Khốn đốn vì mua giống trên mạng xã hội
“Hôm đầu vài cây giống chết, hôm sau thêm chục cây, ngày sau nữa thì hàng loạt cây héo rũ. Em không tin nổi vào mắt mình nữa”, Kpă Y Yô nói.
Nam thanh niên người Ê Đê kể rằng cách đó 1 tuần, anh mua giống chanh dây (chanh leo) từ một phụ nữ trên mạng xã hội với lời quảng cáo: Chanh dây chính hiệu Đài Nông 1, giá 2,6 triệu đồng/thùng/102 cây.
Khi thấy hiện tượng cây giống chết nhiều, Y Yô gọi điện cho người phụ nữ bán hàng tên Nguyen Huong, song không ai nghe máy.
Y Yô không phải là trường hợp duy nhất nhận "trái đắng" trong cơn sốt chanh dây đang bùng lên ở nhiều nơi tại Tây Nguyên. Dọc từ Gia Lai đến Đắk Lắk, câu chuyện mua phải giống giả, giống kém chất lượng khiến vườn chanh dây thất thu hoặc chết hàng loạt không phải hiếm.
Trở về nhà khi hoàng hôn buông xuống, nam thanh niên sinh năm 1996 ngồi ủ rũ một góc, trả lời nhát gừng khi người nhà hỏi thăm.
17h ở xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) trời khá tối. Nhà Y Yô không bật điện, vì tiết kiệm. Vợ Y Yô bế con đi ngang, nói: “Mai phải đóng tiền học cho đứa lớn và đứa bé nhé”. Y Yô im lặng, người cha của anh thì thở dài, em trai Y Yô nhìn ra cửa, ánh mắt bất định.
Tiền mua giống chanh dây là của hai anh em góp vào, em trai cũng có 2 đứa con nhỏ. Học phí sẽ đến cùng một lúc. Vốn liếng đã dồn hết vào giống, máy bơm, phân bón. Chừng 7ha cà phê của cả nhà chung sức làm thì chưa tới lúc thu hoạch. Ba người đàn ông ngồi im lặng, mặc bóng tối dần bao phủ căn phòng khách chật hẹp.
Muốn bắt đền người bán cũng không được, vì cuộc mua bán không hề có hóa đơn. Y Yô thấy hàng xóm khá lên vì chanh dây, nên anh cũng muốn làm theo. “Giá chanh dây hiện giờ là 12.000đ đến 17.000đ/kg quả tươi. Mà chỉ cần bán với giá 10.000đ/kg thì cũng đã có lãi rồi. Chưa kể tầm 4 tháng lại cho thu hoạch một lần”, đó là lời hàng xóm nói với Y Yô.
Giá một thùng chanh dây giống Đài Nông 1, 100 cây, chừng 2,8 triệu đồng đến 3,2 triệu đồng, tùy đại lý. Chỉ vì tiết kiệm 200 nghìn đồng, và cả tin, Y Yô ít nhất khiến 4 đứa trẻ rơi vào cảnh thiếu học phí.
Cách nhà Y Yô khoảng 50km, chị Nguyễn Thị Th. (nhân vật yêu cầu không nêu tên) còn lâm vào cảnh đáng buồn hơn. Tin vào các quảng cáo trên mạng xã hội, chủ yếu trên facebook, tiktok, chị Th. mua 6 thùng giống chanh dây Tai Shiang được quảng cáo là xuất xứ từ Đài Loan. Với giá 3 triệu đồng/thùng, chị Th. mong đổi vận, song toàn bộ 600 cây giống lăn ra chết sạch, cùng với đó là 18 triệu đồng tiền giống coi như mất trắng, bởi không có hóa đơn chứng từ.
Chị Th. khóc sưng mắt khi kể chuyện. Chồng chị đã bỏ lên rẫy cả tuần nay, với hi vọng vớt vát vào chút ít cây cà phê còn lại.
Bạc đầu vì giống chanh dây kém chất lượng
Nông dân khổ, các đại lý bán giống chanh dây làm ăn chân chính cũng bạc đầu vì câu chuyện cây giống.
Chủ đại lý N.C., ở Ea H’leo, đơn vị có đăng ký kinh doanh cây giống chanh dây than thở: “Mấy năm nay chanh dây được mùa, được giá nên bà con mua rất đông. Không có nguồn cung đủ cũng bị một số người chửi mắng tận nhà, hoặc nhắn tin, gọi điện gây sức ép”.
Đại lý N.C. cho biết thời gian qua, nhiều nông dân phản ánh việc trên mạng xã hội Facebook và Zalo có một người tên L., thường xuyên chào bán giống chanh dây phổ biến như Đài Nông 1, hoặc giống Tai Shiang, Tai One “nhập khẩu từ Đài Loan”.
Không ít nông dân nghĩ rằng nhà N.C. cố ý găm hàng, tăng giá, nên có thời điểm, hàng chục người kéo đến chặn cửa. Họ hi vọng sẽ đón đầu các lô giống khi xe chở hàng tới đại lý. “Ai cũng bảo bên L. có, mà sao bên tôi không có, hay là cố ý để ép giá. Họ chửi mắng ghê lắm, bạc cả đầu, mất ngủ triền miên mà không biết làm sao”.
Nếu N.C. bán các loại giống chanh dây được cấp phép, có hồ sơ truy xuất với giá từ 3 triệu đến 3,2 triệu đồng/thùng thì người bí ẩn tên L. trên mạng xã hội luôn rao bán giống chanh dây có giá thấp hơn 200 nghìn đồng/thùng tùy loại.
Ông chủ N.C. nói gia đình ông cũng trồng chanh dây, đại lý kiêm luôn cả thu mua quả tươi rồi bán lại cho các nhà máy chế biến ở Đắk Lắk và Gia Lai.
“Nói thẳng là cứ bảo giống nhập từ Đài Loan, chứ làm gì có Đài Loan nào, “nhập” từ Gia Lai qua đây đó. Làm ăn không có tâm”, ông chủ N.C. tiết lộ.
Theo ông chủ N.C., tiền mua giống, tiền vận chuyển, nếu thật sự từ Đài Loan về, thì không thể dưới 2,9 triệu đồng/thùng. “Tôi nói luôn là mấy chỗ quảng cáo giống Đài Loan trên mạng xã hội đều là bịp đó, làm ăn không có tâm. Cứ cho là vận chuyển bằng máy bay đi, thùng giống rớt xuống sân bay Tân Sơn Nhất đã phải 3 triệu đồng. Còn vận chuyển lên đây nữa, bán với giá 2,8 triệu đồng thì ai tin nổi”.
Giai đoạn trước khi có dịch bệnh Covid-19, cây giống chanh dây nhập khẩu từ Đài Loan về đến sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 1,1 USD, nhà nhập khẩu tính tổng chi phí bán hàng, lợi nhuận thì giá tới tay đại lý thấp nhất cũng đã 2,9 triệu đồng/thùng. Đại lý bán cho người dân khoảng 3,5 triệu đồng/thùng.
Lý giải thêm về việc “chanh Đài Loan nhập từ Gia Lai”, ông chủ N.C. nói vẫn có nông hộ "gặp hên" được lô giống tốt, được mùa được giá. Song đa phần nông hộ khi mua giống trôi nổi trên mạng xã hội, sẽ lâm vào cảnh cây giống chết, hoặc sống được thì năng suất không cao. Hoặc có nông hộ trồng chanh dây, chỉ được vụ đầu, vụ sau cây cho sản lượng cực thấp.
“Trồng chanh dây không dễ, trời nắng nóng là phải “quay béc” (dùng giàn phun tưới trên cao để hạ nhiệt). Nếu không làm thế thì giống nào cũng chết, hoặc năng suất thấp, hoặc rất khó đậu hoa, rụng hoa, rụng trái non hoặc trái nhăn nheo, năng suất thấp, bán không được giá”, ông chủ N.C. chia sẻ.
Phân tích về thị trường, ông chủ N.C. cho biết ở Ea H’leo, giá thu mua quả chanh dây hiện tại thấp nhất là 16.000đ/kg. Với mức giá này, và việc một năm cho thu hoạch từ 3 - 4 lứa, chanh dây đang mang lại thu nhập cho nông dân cao hơn so với cà phê, tiêu.
“Vài năm qua, giá chanh dây tăng đều. Tôi nghĩ dần dần nó còn cạnh tranh với sầu riêng. Phải chịu chăm mới được, và quan trọng là mua giống phải có hóa đơn chứng từ. Mua bán mà cứ nói chơi chơi rồi đến lúc có vấn đề biết kêu ai".
Nafoods Group hỗ trợ hộ dân bị thiệt hại
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, từ giống gốc là giống chanh leo Đài Nông 1 có xuất xứ từ Đài Loan, sau này, một số doanh nghiệp lớn đã ghép và tạo ra các loại giống mới, được cấp chứng nhận là giống đầu dòng, đảm bảo chất lượng khi đưa ra thị trường.
Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ cây chanh leo, Công ty Cổ phần Nafoods Group là doanh nghiệp đi đầu tại Việt Nam hợp tác, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất từ giáo sư Lin Yin Ta để sản xuất giống chanh leo Đài Nông 1 ngay trên lãnh thổ Việt Nam, địa điểm tại Viện Nghiên cứu Sản xuất cây trồng công nghệ cao Nafoods.
Song song với việc tiếp nhận tiến bộ khoa học, Nafoods Group cũng là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam hoàn chỉnh các hồ sơ pháp lý liên quan đến sản xuất và lưu hành giống chanh leo Đài Nông 1. Cụ thể: Sở NN-PTNT Nghệ An cấp “Quyết định công nhận cây đầu dòng chanh leo ” ngày 28/12/2018; cấp “Quyết định chứng nhận vườn cây đầu dòng chanh leo” ngày 07/10/2020.
Sau khi nắm được thông tin trường hợp gia đình anh Kpă Y Yô và chị Nguyễn Thị Th. bị thiệt hại do mua phải giống chanh leo không rõ nguồn gốc xuất xứ, Công ty Cổ phần Nafoods Group đã tặng anh Kpă Y Yô một thùng giống chanh dây trị giá hơn 3 triệu đồng. Đối với trường hợp chị Nguyễn Thị Th., Công ty cũng đã liên hệ để hỗ trợ.
Đại diện của Nafoods Group cũng cho biết, thực tế nhiều đại lý cấp 1 làm việc với đại lý cấp 2 không có hợp đồng, chủ yếu qua “nói chuyện” nên khi phát sinh nhu cầu về cây giống, dễ dẫn đến mâu thuẫn, tranh cãi về sản lượng, giá cả. Đại lý cấp 2 kêu đại lý cấp 1 không được, thường sẽ kêu lên Công ty. Tuy nhiên, Công ty không thể can thiệp vào việc này bởi đại lý cấp 1 muốn bán cho ai, bán với giá bao nhiêu là quyền của đại lý cấp 1, Công ty không thể chỉ định.
Tình trạng này cũng lý giải một phần cho việc nhiều nơi ở Tây Nguyên đang “cháy” giống chanh leo từ các nhà cung cấp được cấp phép, có xưởng sản xuất và cây đầu dòng đạt chuẩn của Bộ NN-PTNT.