| Hotline: 0983.970.780

Đi tìm thanh âm mộc bản

Thứ Tư 21/06/2023 , 16:12 (GMT+7)

Bỏ mặc cái thứ âm thanh ồn ào và hỗn tạp nơi phố thị, tôi gắng đi tìm một thứ âm thanh gì đó thuần khiết…

Hà Nội… những ngày đầu hè nắng như lệ thường. Cái hầm hập ấy, cái bức bối đến khó thở ấy có thể đã thui chột cảm xúc của một con người. Bỏ mặc cái thứ âm thanh ồn ào và hỗn tạp nơi phố thị, tôi gắng đi tìm một thứ âm thanh gì đó thuần khiết. Tôi huy vọng tìm được chút thanh âm mộc bản.

Âm thanh của đất

Tây Nguyên những ngày đầu tháng 6, những cơn giông chiều đã làm nguội đi cái không khí nóng hầm hập mà dường như không một sinh vật nào có thể tồn tại.

Đi tìm thanh âm mộc bản.

Đi tìm thanh âm mộc bản.

Rồi những cơn mưa đầu mùa đã đến. Khi những giọt nước trời quay trở lại mảnh đất này sau một thời gian dài nhường chỗ cho mặt trời và gió tây, vạn vật bắt đầu hồi sinh.

Già làng Y Thưng KĐok ở buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk mà người dân trong buôn vẫn gọi thân thuộc bằng cái tên Ma Ang tạm gác lại chuyến tuần rừng để chuẩn bị cày vạt nương rộng hơn một ha. Già Ma Ang cho biết, sau những ngày đất nương bị bỏ trơ trong mùa khô, khi Giàng cho mưa xuống là người Tây Nguyên bắt đầu vào vụ xuống giống.

Cơn mưa chiều qua đã giúp vạt nương của già Ma Ang tơi đất hẳn, bàn tay khéo léo của Ma Ang điều khiển con trâu chạy bằng dầu diesel lướt đi trên mặt ruộng. Những lưỡi cày cắm sâu vào đất và sau những tiếng soạt … soạt… từng thớ đất thâm nâu màu mỡ lại được lật lên mang theo những hy vọng cho mùa vụ mới.

Buôn Trí là cùng đệm của Vườn Quốc gia Yók Đôn. Những năm qua, Ma Ang cũng như nhiều người trong buôn tham gia vào tổ nhận khoán bảo vệ rừng nên có thêm thu nhập. Nheo đôi mắt đã quầng nếp nhăn trên khuôn mặt hiền từ, Ma Ang kể rằng, ngày xưa ở đây rừng nhiều lắm, thú cũng nhiều lắm, người dân bám vào rừng để sống. Nhưng giờ rừng còn có thế này thôi nên cần phải bảo vệ để con cháu sau này còn có rừng mà nhớ đến tổ tiên.

Cuộc sống của người dân buôn Trí và câu chuyện của Ma Ang như một bản hòa âm mộc mạc với chất liệu là tiếng mưa, tiếng nở của đất trồng và quyện trong đó là tiếng cười hiền của vị già làng mến khách.

Tiếng vọng từ rừng

Các cánh rừng khộp tại Vườn Quốc gia Yók Đôn trở nên xanh biếc, đầy sức sống. Sắc xanh của vườn có được nhờ trải qua gần chục cơn mưa đầu mùa. Những tháng trước, cây cối trong vườn trơ trọi như những cánh rừng chết. Đến với Yók Đôn mùa này, thực vật xanh tốt, có sức sống hẳn. Đây cũng là nguồn thức ăn cho các động thực vật tại vườn. Trong đó có 14 chú voi nhà đang được thả tại đây.

Đi tìm thanh âm mộc bản.

Đi tìm thanh âm mộc bản.

Theo chân ông Trần Đức Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ - Vườn Quốc gia Yók Đôn luồn lách qua những con suối cạn, những vạt rừng thưa để tìm và ngắm nhìn những chú voi và quan trọng hơn, theo ông Phương, nếu bạn cảm nhận được thì có thể nghe thấy tiếng hát của voi.

Gần cuối giờ trưa, hai chú voi Khăm phanh (47 tuổi) và H’plú (63 tuổi) đang thong thả ăn những lá tre non đầu mùa. Hai chú voi được tự do đi lại, ăn uống không quan tâm đến nhóm du khách đang đứng nhìn từ xa.

Theo các nài voi, trước đây, khi làm du lịch voi Khăm phanh và H’plú ốm yếu vì bị vắt kiệt sức phục vụ du khách. Khi thả vào vườn voi được ăn thỏa sức, trong đó có nhiều loại cây thuốc giúp sức khỏe voi được phục hồi và khỏe mạnh. Nài voi Y Lư Êban, ngụ xã Krông Na, huyện Buôn Đôn cho biết: “Mùa này có cỏ voi ăn thoải mái, muốn tắm voi tắm, ăn no thì voi ngủ đâu có sự ép buộc của con người mình đâu. Trong ngành du lịch voi bị bỏ đói, chở khách nên mệt. Làm ở đây vừa tiện lợi cho voi vừa cho mình. Ở đây mình vừa có bảo hiểm vừa có lương, thu nhập ít nhưng đủ sinh hoạt trong gia đình”.

Rừng Yók Đôn đang hồi sinh cùng bản giao hưởng của riêng mình.

Tiếng thì thầm của nước

Mưa… Vẫn là tiếng mưa đầu mùa của dải phía Nam đất nước. Nhưng mưa ở đây lại khác với mưa tại Tây Nguyên. Bởi, mưa ở Tây Nguyên mùa này được ví như “thiên sứ áo xanh” mang sự sống đến cho muôn loài. Mưa lan tỏa sự vĩ đại của mình và đương nhiên vạn vật trở nên nhỏ bé dưới mưa.

Nhưng mưa trên mặt hồ có dung tích lên đến trên một tỷ m3, lớn nhất Đông Nam Á như hồ Dầu Tiếng thì chả bõ bèn gì… Tiếng gió rít hay tiếng mưa ào ạt cũng bị nuốt chửng mở cái mênh mông của nước, của mây, của trời và đâu đó là cả tâm hồn của những người giữ nước nơi đây.

Hồ Dầu Tiếng được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, hơn 35 năm quản lý vận hành và khai thác, cấp nước tưới cho trên 116.000ha đất sản xuất nông nghiệp, đồng thời tái tạo nguồn cho trên 90.000ha ven sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông cùng các cụm khu công nghiệp và nước sinh hoạt cho hàng triệu người. Qua đó, đóng góp đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện điều kiện môi trường cho những vùng hưởng lợi…

Ông Trần Quang Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam, kiêm Giám đốc Chi nhánh Dầu Tiếng - Phước Hòa, người đã có thâm niên hàng chục năm trời làm công việc giữ nước ở nơi đây chia sẻ: “Với tầm quan trọng của hồ Dầu Tiếng, những năm qua hồ đã được Nhà nước, Bộ NN-PTNT và các địa phương quan tâm đầu tư nên toàn bộ hồ chứa được bao bọc bởi hệ thống đê điều khang trang, hiện đại, hệ thống dẫn nước từ công trình tỏa đi tứ phương”.

Cầm một bát cơm nguội rồi đi xuống dưới mấy hộc đá sát mép nước, ông Hùng đã cho tôi mục sở thị đàn cá có số lượng lên đến hàng nghìn con tự do quẫy đạp, tranh mồi. Ông Hùng tâm sự rằng, anh em bảo vệ cũng phải kiên quyết lắm mới giữ được những thứ tự nhiên như thế này đấy.

Bên tiếng vỗ ào ạt của những con sóng hồ, ông Hùng trầm ngâm đưa mắt nhìn theo đàn cá đang tản dần tâm sự: “Anh em ở đây mãi rồi cũng thành quen, thật ra cảnh hồ thì đẹp, khí hậu mát mẻ những mỗi cái là buồn, đôi khi nhớ nhà lắm nhưng biết sao được, công việc mà”

Nước hồ Dầu Tiếng vẫn mênh mông và sắp tới sẽ được bổ sung nguồn nước dồi dào từ Tây Nguyên đại ngàn. Vòng quay luân hồi của đất và nước sẽ tạo ra những cánh rừng. Chỉ một trong ba thành tố này bị tổn thương thì sự luân hồi đó không còn nữa. Nó cũng như những âm thanh của cuộc sống, mọi thứ đều đến từ mộc bản.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa bất chợt 'giải nhiệt' ở Bình Dương

Sau nhiều ngày nắng nóng liên tục, cơn mưa bất chợt xuất hiện đã làm dịu đi cái nóng gay gắt cho người dân ở Bình Dương.