| Hotline: 0983.970.780

'Đánh thức' các Vườn Quốc gia

Băng bó vết thương đại ngàn bằng sự sẻ chia

Thứ Tư 17/05/2023 , 08:46 (GMT+7)

Biết bao năm ròng rừng Cúc Phương 'chảy máu', những vết thương của đại ngàn nay đã lành sẹo bởi sự sẻ chia đã khiến cho việc bảo tồn rừng ngày càng bền vững.

Hành trình sẻ chia

Từ lâu, Vườn Quốc gia Cúc Phương vốn là nơi sinh sống của bà con dân tộc Mường. Đến năm 1962, Vườn Quốc gia được chính thức thành lập như là một khu rừng cấm đánh dấu sự ra đời khu bảo vệ đầu tiên của Việt Nam.

Những ngày đầu được thành lập, có khoảng 500 người sinh sống trong các xóm thuộc vùng lõi của Vườn Quốc gia. Sau 2 đợt chuyển dân ra khỏi vùng lõi, Cúc Phương đã trở thành nơi nương náu của các loài động thực vật hoang dã.

Từ những ngày đầu thành lập Vườn Quốc gia Cúc Phương đã gắn việc phát triển du lịch sinh thái với bảo tồn rừng. Ảnh: Huy Bình. 

Từ những ngày đầu thành lập Vườn Quốc gia Cúc Phương đã gắn việc phát triển du lịch sinh thái với bảo tồn rừng. Ảnh: Huy Bình. 

Ngay từ những ngày đầu thành lập vườn đã gắn việc phát triển du lịch sinh thái với bảo tồn rừng. Mặc dù hoạt động du lịch tại Vườn Quốc gia Cúc Phương diễn ra khá phong phú với nguồn tài nguyên đa dạng, cơ sở vật chất tốt và các yếu tố thuận lợi khác, tuy nhiên hầu hết các hoạt động này chưa gắn gì với lợi ích người dân sống trong khu vực vùng đệm.

Hầu hết chất lượng cuộc sống của đồng bào các xã tại vùng đệm Vườn Quốc gia Cúc Phương đều ở mức trung bình và dưới trung bình và người dân tại khu vực vùng đệm vẫn chưa được hưởng lợi gì nhiều từ hoạt động du lịch của Vườn dẫn đến một hệ quả tất yếu là người dân quay trở lại rừng để “tồn tại”.

Mô hình nuôi hươu thương phẩm của bà con xã Cúc Phương. Ảnh: Kiên Trung.

Mô hình nuôi hươu thương phẩm của bà con xã Cúc Phương. Ảnh: Kiên Trung.

Ông Phạm Phú Cường - cán bộ Vườn Quốc gia Cúc Phương bồi hồi nhớ lại những ngày đầu đi cùng các đoàn chuyên gia quốc tế vận động người dân về tầm quan trọng của rừng. Một câu hỏi đã khiến các đoàn chuyên gia cùng cán bộ kiểm lâm, cán bộ Vườn Quốc gia phải đau đáu: “Đó là làm thế nào để ngăn người dân vùng đệm không vào săn bắt, chặt phá rừng khi đó vốn là nơi chôn nhau cắt rốn, là sinh kế duy nhất từ hàng bao đời nay?”.

Biết bao nhiêu năm, rừng Cúc Phương “chảy máu”, các cán bộ kiểm lâm phải căng mình chống lâm tặc. Ông Cường xúc động kể: “Ngày xưa bắt được lâm tặc đâu có hoành tráng như trên phim đâu mà gầy gò ốm yếu, quần áo rách rưới lắm, toàn bà con vùng đệm không có cái gì ăn phải trốn vào rừng làm lâm tặc. Đau xót lắm, làm mạnh thì cũng không nỡ mà nhẹ quá thì bà con lại quay trở lại rừng”.

Chị Hương - cán bộ Trung tâm thực vật Vườn Quốc gia Cúc Phương giới thiệu về vườn ươm giống trà hoa vàng Cúc Phương để cung cấp cho bà con vùng đệm. Ảnh: Huy Bình. 

Chị Hương - cán bộ Trung tâm thực vật Vườn Quốc gia Cúc Phương giới thiệu về vườn ươm giống trà hoa vàng Cúc Phương để cung cấp cho bà con vùng đệm. Ảnh: Huy Bình. 

Chính vì vậy, cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Cúc Phương đã xác định phát triển du lịch sinh thái cần gắn với cộng đồng đặc biệt là những cộng đồng dân cư thuộc vùng đệm đã tự nguyện di rời khỏi vùng lõi vì màu xanh của rừng. Việc chia sẻ những lợi ích từ hoạt động du lịch cũng như việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng bản địa chính là mục tiêu của phát triển du lịch sinh thái.

Bởi sự tham gia của cộng đồng là một nguyên tắc quan trọng của du lịch sinh thái, chính vì vậy hoạt động này được triển khai tại Vườn Quốc gia Cúc Phương từ khá sớm và Cúc Phương cũng là Vườn Quốc gia đầu tiên thực hiện mô hình này.

Từ những năm 1993, mô hình du lịch cộng đồng đã được thực hiện ở bản Khanh nhưng chưa phát huy và đủ sức để thu hút cộng cộng cùng làm và “máu” của rừng vẫn chảy. Chính bởi lẽ đó, đã thôi thúc cán bộ Vườn Quốc gia Cúc Phương tìm tòi áp dụng nhiều cách thức và tư duy mới và sự sẻ chia đã dần thu hút được sự đồng thuận của người dân.

Phát triển du lịch cộng đồng chính là một giải pháp bảo tồn thiên nhiên mà Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Kiên Trung.

Phát triển du lịch cộng đồng chính là một giải pháp bảo tồn thiên nhiên mà Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Kiên Trung.

Ông Cường chia sẻ: “Đầu năm 2023, Vườn đã cho làm lại toàn bộ bảng chỉ dẫn cũng như phát dọn đường từ trung tâm Bống sang bản Khanh nó có chiều dài khoảng 16km, những chỗ mà khó đi đã được kè lại. Chính người dân là người thực hiện. Vườn cũng đã đầu tư hỗ trợ cho bản Khanh mua một số vật dụng để làm dịch vụ du lịch như các chậu ngâm chân, chậu tắm thuốc. Đồng thời, tập huấn cho bà con kỹ năng tổ chức du lịch cộng đồng.”

Thông qua hoạt động này đã góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá địa phương, tạo việc làm và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương. Từ đó hỗ trợ tích cực cho công tác bảo tồn thiên nhiên và góp phần nâng cao chất lượng du lịch.

Một buổi khai thác nhung hươu cho du khách. Ảnh: Kiên Trung. 

Một buổi khai thác nhung hươu cho du khách. Ảnh: Kiên Trung. 

Sự bền vững về môi trường, kinh tế, xã hội và văn hoá là nguyên tắc cốt lõi của du lịch sinh thái, vì vậy, phát triển du lịch cộng đồng chính là một giải pháp bảo tồn thiên nhiên mà Vườn Quốc gia Cúc Phương đặc biệt quan tâm. Tuyến du lịch xuyên rừng ngủ bản Mường tại bản Khanh, Ân Nghĩa, Hòa Bình đã thu hút được nhiều du khách và trở thành điểm đến thường xuyên khi du khách tới thăm.

Tại bản Khanh, du khách được trải nghiệm, tìm hiểu đời sống, văn hoá, tri thức bản địa của cộng đồng, đi bộ, tắm và chèo mảng trên sông Bưởi, hoạt động giao lưu văn nghệ buổi tối, tham gia các lễ hội....

Mặt khác, nhiều mô hình phát triển kinh tế cũng đã được đơn vị nghiên cứu và phổ biến tới bà con như mô hình nuôi hươu, nuôi ong, trồng trà hoa vàng và sắp tới đây là mô hình nuôi công thương phẩm. “Vườn là nơi cung cấp nguồn giống chính cho bà con các xã vùng đệm và cán bộ vườn cũng trực tiếp đến tận cơ sở để hướng dẫn cho bà con”, ông Cường cho biết.

Kho báu dưới đại ngàn

Từ thưở xa xưa, Vườn Quốc gia Cúc Phương được thiên nhiên ban tặng với một địa hình đặc thù hình thành và nằm ở tận cùng phía đông nam dãy núi đá vôi chạy theo hướng tây bắc - đông nam, từ Vân Nam (Trung Quốc) kéo xuống cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) qua dãy Pù Luông (Thanh Hoá), dãy Ngọc Sơn (Hoà Bình) rồi qua Cúc Phương xuống đến dãy Tam Điệp (Ninh Bình) và kết thúc là những đảo cô đơn tại biển Nga Sơn (Thanh Hoá).

Chính bởi sự đặc thù ấy khiến nơi đây nổi bật với dạng địa hình Karst hình thành bởi hàng trăm triệu năm kiến tạo địa tầng đã ảnh hưởng rõ nét đến hệ thống thủy văn của Cúc Phương, khiến nơi đây hầu như không có các ao hồ tự nhiên hay thủy vực tĩnh.

Bởi hệ thống các mạch nước ngầm chằng chịt hình thành từ hàng triệu năm khiến nước thấm hút rất nhanh và chảy ra ở những khe nhỏ ở hai bên sườn của Vườn Quốc gia. Từ đó, hình thành nên dòng chảy tự nhiên liên tục là dòng sông Bưởi và khiến Cúc phương đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đầu nguồn của hồ chứa nước Yên Quang - một trong ba hồ thủy lợi lớn nhất của tỉnh Ninh Bình.

Ngoài ra, dạng địa hình Karst cũng tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của thảm thực vật rừng trên núi đá vôi, mang đến cho khách phương xa một vẻ đẹp hoang sơ, say đắm trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ và đầy bí ẩn.

Với nét đặc trưng của rừng mưa nhiệt đới, Cúc Phương mang trong mình kho báu đa dạng sinh học với nhiều loại thực vật quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại đã ghi nhận 2.427 loài, thuộc 931 chi, 231 họ thực vật.

Trong đó, 430 loài cây thuốc, 229 loài cây ăn được, 240 loài cây có thể sử dụng làm thuốc nhuộm, 137 loài cho tanin... 57 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 và Sách đỏ IUCN năm 2020, và 15 loài thực vật đặc hữu như: Chè hoa vàng Cúc Phương; Thu hải đường Cúc Phương; Lan Việt; Trâm Cúc Phương; Dị hùng Cúc Phương.

Di tích khảo cổ hang Con Moong. Ảnh: Huy Bình.

Di tích khảo cổ hang Con Moong. Ảnh: Huy Bình.

Cùng với sự đa dạng của thảm thực vật, khu hệ động vật Cúc Phương cũng vô cùng phong phú và độc đáo, kết quả nghiên cứu đã ghi nhận 669 loài có xương sống thuộc 120 họ, 35 bộ, bao gồm: 138 loài Thú, 337 loài Chim, 80 loài Bò sát, 48 loài lưỡng cư, 66 loài Cá, trong đó có 73 loài động vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục IUCN 2020.

Động vật không xương sống với 1.899 loài thuộc 169 họ, 33 bộ, 6 lớp và 3 ngành. Trong đó lớp côn trùng đóng vai trò chính có số lượng rất lớn như Bộ cánh cứng 454 loài, Bộ cánh vẩy 378 loài và Bộ cánh màng 314 loài.

Để có thể gìn giữ và bảo tồn các loài thực vật, từ năm 1985, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã xây dựng vườn thực vật với diện tích 167 ha để bảo tồn, phát triển các nguồn gen quý. Đến nay đã trồng và sưu tập được 811 loài. Trong đó có cây gỗ 295, nhập nội 5, ráy 25, cây ăn quả 20, tre trúc 15, cau dừa15, cây thuốc 296, lan 140 và tuế 15 loài. Vườn thực vật Cúc Phương được đánh giá là vườn thực vật được xây dựng một cách bài bản đầu tiên trong hệ thống các Vườn Quốc gia và khu Bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam.

Cùng với đó, các cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Cúc Phương đã điều tra, thống kê thêm được 8 loài động vật có xương sống, nâng tổng số loài đã được nhận biết từ 661 (năm 2015) loài lên 669 loài (năm 2020), xây dựng Bảo tàng Cúc phương và sưu tập nguồn mẫu vật lưu trữ trong bảo tang. Bảo tàng Cúc Phương là nơi duy nhất trong các Vườn Quốc gia được nằm trong mạng lưới bảo tàng khoa học của ngành lâm nghiệp.

Mặt khác, nơi đây còn là một bảo tàng thiên nhiên tuyệt vời lưu giữ nhiều dấu tích của sự sống từ thời tiền sử. Các nhà khoa học khảo cổ, lịch sử đã và đang công bố nhiều phát hiện có giá trị đặc biệt, nhất là về cổ sinh học và khảo cổ học, gắn với hệ thống hang động khô. Trong đó có thể kể đến như động Người Xưa, hang Con Moong… những di chỉ khảo cổ học gắn với người Việt cổ có niên đại cách ngày nay từ 7.000 đến 12.000 năm, đã trở thành những điểm tham quan quen thuộc của hàng triệu du khách trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, di tích khảo cổ học hang Con Moong đang được xây dựng hồ sơ để trình Unesco công nhận Di sản Văn hóa Thế giới. Đây là nơi bảo tồn vết tích văn hóa của cư dân 3 nền văn hóa, gồm Sơn Vi, Hòa Bình và Bắc Sơn; nơi con người cư trú liên tục từ 13.000 đến 7.000 năm trước. Đây là địa điểm chứng kiến sự chuyển biến mang tính thời đại từ Đá Cũ sang Đá Mới; từ kỹ thuật ghè đẽo sang mài lưỡi công cụ, từ hoạt động săn bắt hái lượm sang trồng trọt sơ khai.

Cũng trong vùng lõi của khu rừng nguyên sinh đầy bí ẩn này các nhà khảo cổ học đã tìm thấy trên vách đá một hoá thạch rất rõ nét của một loài động vật cổ xưa có niên đại cách đây khoảng 230 triệu năm…

Để gìn giữ một kho báu khổng lồ như vậy, hoạt động du lịch cộng đồng đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của cộng đồng; nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên cho cộng đồng, xác định rõ hơn vai trò của người dân trong hoạt động của Vườn; nâng cao dân trí thông qua việc giao tiếp với khách du lịch. Qua đó, hướng tới việc bảo tồn rừng một cách bền vững khi nhà nước và nhân dân cùng làm, không một ai bị bỏ lại phía sau.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Trồng 1.000 cây hoa ban tri ân mảnh đất Điện Biên Phủ

Chiến dịch 'Phủ xanh tương lai trên mảnh đất lịch sử' tiến hành trồng 1.000 cây hoa ban tại những di tích lịch sử quan trọng ở thành phố Điện Biên Phủ.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.